Đường xuân rộng mở
Đưa mùa xuân đến người lao động | |
Tình xuân |
Xuân về đất trời và lòng người xôn xao khát vọng, hướng đến chặng đường mới, tiếp tục con đường đi tới, một cuộc đổi mới ở tầm vóc cao, xa hơn và bền vững hơn. Đại hội XII của Đảng đã khẳng định, những thành tựu của công cuộc Đổi mới là tiền đề quan trọng để dân tộc ta tiếp tục đi lên. Con đường dựng xây đất nước mạnh giàu theo cách đi của Việt Nam, với sự sáng tạo của nhân dân, là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Giở những trang vàng của lịch sử Đảng ta, từ những năm 20 của thế kỷ 20, thêm một lần nhắc nhớ mỗi người dân đất Việt về sự ra đời, con đường dựng xây và phát triển của một Đảng cách mạng, do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện. Từ Hội nghị hợp nhất các Đảng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3.2.1930 đến Hội nghị lần thứ Nhất của Đảng, Đảng đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến Đại hội I, Đại hội II, Đảng đã nhen nhóm ngọn lửa cách mạng, củng cố lực lượng, lãnh đạo toàn dân vùng lên qua các cao trào cách mạng, kháng chiến chống đế quốc, phong kiến và làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng 1954. Hai mươi bốn năm viết gọn trong một câu ngắn như vậy, là điệp trùng gian khổ, hiểm nguy, biết bao máu xương đồng chí, đồng bào ta đã đổ. Chúng ta nhớ, trong những năm đầu thập niên 30, những năm “tình hình đen tối như không có đường ra”, nhận trọng trách Đảng giao, nhưng các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đều lần lượt bị giặc Pháp bắt, bị tra tấn dã man, bị kết án tử hình. Còn biết bao cán bộ, đảng viên kiên trung ở cơ sở đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong các cuộc vây ráp, khủng bố. Vào Đảng, làm cán bộ của Đảng lúc bấy giờ không phải để “làm quan phát tài”, không có đặc quyền, đặc lợi nào khác.
Vào Đảng là để tìm đường giải phóng dân tộc, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ cách mạng, bảo vệ dân. Đồng chí Trần Phú trước khi hy sinh còn dặn lại “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Chúng ta nhớ tới câu chuyện do Tổng Bí thư Lê Duẩn kể với các bạn trẻ trong niềm xúc động về Đảng viên Vũ Văn Hiếu ở nhà tù Côn Đảo: “Nằm cạnh tôi, đồng chí Hiếu bảo: ‘Tôi biết tôi không sống được nữa. Tôi đang cố nghĩ xem có cách gì làm lợi cho Ðảng mà nghĩ không ra. Giờ chỉ có cách là tôi đưa bộ quần áo này cho anh mặc để anh sống mà hoạt động cho Ðảng”. Nhưng tôi khuyên đồng chí cứ mặc. Ðồng chí Hiếu khóc nức nở và nói: “Chỉ còn một việc này để tôi được phục vụ Ðảng trước khi nhắm mắt, sao anh không cho tôi làm nhiệm vụ với Ðảng”. Hôm sau, đồng chí Hiếu qua đời”. Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta có biết bao câu chuyện nặng nghĩa, nặng tình như thế. Vì sao nhân dân lại đặt niềm tin son sắt của mình nơi Đảng? Vì sao nhân dân lại thừa nhận luôn được tắm mình trong ánh sáng cách mạng, như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết: “Ta bỗng thấy tắm mình trong ánh sáng/Đảng nâng ta lên tầm cao của Đảng”? Câu trả lời đã được minh chứng trong lịch sử: Vì Ý Đảng - Lòng Dân là một; vì những người đảng viên thật sự là những tấm gương mẫu mực, khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường tương lai tươi sáng của cả dân tộc anh hùng.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng có một nhận định rất thẳng thắn và thấm thía: “Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút”. Thấy rõ những thành tựu, ưu điểm, đồng thời cũng không né tránh những khuyết điểm, yếu kém đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của một Đảng cầm quyền. Từ rất sớm, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã tiến hành thường xuyên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đã được triển khai thường xuyên, liên tục, có cách làm mới, cụ thể trong chỉ đạo, kiên quyết trong thực hiện. Và như nhận định của Trung ương, việc kiểm điểm, tự phê bình, phê bình tiến hành cùng với các nhóm giải pháp khác đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe. Sự báo động cấp bách về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã thường xuyên được nêu ra trong các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, trong sinh hoạt Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội. Tuy nhiên, việc kiểm điểm, xử lý sai phạm và những chuyển biến chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong số hàng nghìn ý kiến đóng góp vào các văn kiện dự thảo trình Đại hội XII của Đảng, có rất nhiều ý kiến tâm huyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiểu ban Văn kiện Trung ương đã tiếp thu nghiêm túc và bổ sung, sửa chữa. Điều cốt lõi là, muốn chữa được bệnh phải chẩn đúng bệnh và bốc đúng thuốc. Dường như các thang thuốc vẫn chưa đủ mạnh, và đâu đó có tình trạng nhờn thuốc. Nhờn thuốc, thì người ta không còn tin nữa. Niềm tin bao giờ cũng phải được lượng hóa bằng những việc làm, những con người, con số cụ thể, niềm tin cách mạng nóng hổi giữa tay cầm, chứ không phải những lời hứa, những điều mang tính đạo lý trừu tượng.
Đại hội XII của Đảng thêm một lần khẳng định vai trò to lớn của nhân dân, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phải làm thế nào để “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”? Trong chiến tranh, chúng ta đã trả lời câu hỏi ấy bằng sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào và chiến sĩ anh hùng, bằng những chiến công chói ngời của lòng yêu nước, trí thông minh và tinh thần quả cảm. Khi tổng kết bài học thắng lợi, luôn có hai bài học vô cùng quan trọng là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và vai trò to lớn của nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, muôn nẻo đường ra trận là những người nông dân, công nhân, trí thức cách mạng. Đường lên Điện Biên Phủ có những đoàn xe thồ kéo dài vô tận, chở gạo, chở muối, chở vũ khí, như một huyền thoại về cuộc chiến lấy yếu đánh mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Trong thời kỳ chiến đấu giáng trả quân xâm lược âm mưu phá hoại hậu phương lớn bằng không quân, trên suốt dải đất miền Trung, “xe chưa qua nhà không tiếc”, nhân dân ta rỡ nhà lấy ván bắc cầu cho đoàn xe thẳng tới chiến trường. Và ở khắp nơi từ rừng núi Tây Nguyên đến bưng biền Đồng Tháp, từ Trường Sơn đến Trường Sa, ở đâu có Đảng, ở đó có quân, có dân. Dân một lòng theo Đảng, vì thiếu muối có thể đốt tranh ăn thay muối, thiếu cơm ăn củ chụp, củ mài, nhưng thiếu Đảng thì không có gì thay thế.
Đại hội Đảng các cấp vừa rồi, nhiều nơi bắc loa ra ngoài cho nhân dân nghe trực tiếp câu chuyện từ hội Trường đại hội. Công khai, thẳng thắn, mong có những hội nghị Diên Hồng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mong cho nông thôn mới phải mới thật sự, chứ đừng sa vào hình thức, chạy theo tiêu chí nọ, chỉ tiêu kia cốt để lấy thành tích. Mới từ con đường, ngôi nhà, từ xóm mạc tới cánh đồng, mới từ nếp sống văn hóa, từ truyền thống được kế thừa và nối tiếp. Mà truyền thống là một dòng chảy liên tục, như sông nhỏ hòa vào sông lớn, chứ không phải những di sản bất biến. Và mới nhất là mong cho cái cách Đảng đến với dân, Đảng lãnh đạo nhân dân thật gần gũi, thật tin cậy, sáng tạo và hiệu quả. Nói đi đôi với làm. Bởi còn không ít việc nói mà không làm, dẫn tới sự trì trệ, bảo thủ. Nghị quyết chồng nghị quyết. Công trình dở dang, khu công nghiệp nhiều năm không được lấp đầy. Đấy chính là khoảng trống quyền lực, khoảng trống niềm tin. Phải quyết liệt hơn nữa, giao việc rõ hơn, quyền hành rõ hơn, rạch ròi công tội.
Những năm qua cùng với quân và dân Thủ đô, hơn bốn triệu lao động đã bền bỉ và trách nhiệm, đổi mới và sáng tạo thực hiện Nghị quyết 20 /NQ-T.Ư của BCH TƯ Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Công đoàn các cấp đã xây dựng nhiều đề án, chương trình nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động; triển khai hiệu quả hai phong trào “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”. Công đoàn đã chủ động hơn trong việc phối hợp với chính quyền giải quyết việc làm, đào tạo, đào tạo lại tay nghề, đào tạo gắn với sử dụng; giúp người lao động tiếp cận nhanh và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động được thực hiện tốt hơn. Nhiều tấm gương sáng, nghĩa cử cao đẹp, hết lòng thương yêu giúp đỡ nhau trong cuộc sống đã góp phần xây dựng Hà Nội ta ngày càng văn minh, giàu đẹp, làm giàu thêm truyền thống văn hóa người Tràng An thanh lịch.
Mùa Xuân, đúng vào dịp kỷ niệm Đảng ta ra đời. Ta thường nghĩ về sự thanh tân của Đảng. Ta nghĩ về những cành lá tươi non trên thân cây cổ thụ vững vàng qua bao mùa nắng, mùa mưa, qua bao nhiêu thử thách, phong ba. Ta nghĩ về sức sáng tạo vô cùng trong mùa xuân của sông núi, đất trời, của lòng người. Và ta thấy nhựa chuyển lên cành, dào dạt niềm tin, một niềm tin sắt son, khoa học về con đường đi tới. Còn lắm lo toan, nhưng rộng mở đường Xuân.
Tùy bút của Hải Đường
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Đặc sắc sản phẩm các vùng miền do phụ nữ sản xuất kinh doanh
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Bắt giữ nhóm thanh thiếu niên cầm dao kiếm, hò hét đuổi đánh nhau
Tin khác
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Biên Hòa, Đồng Nai
Trật tự đô thị 20/11/2024 11:18
Quyết liệt dẹp “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông tại phố cổ
Trật tự đô thị 19/11/2024 10:33
Rà soát cây xanh bị nghiêng, gãy đổ chưa được khắc phục
Trật tự đô thị 18/11/2024 16:35
Quyết liệt xử lý tình trạng họp chợ, lấn chiếm lòng đường
Trật tự đô thị 18/11/2024 14:32
Cần làm rõ “trường hợp cần thiết” áp dụng ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Trật tự đô thị 17/11/2024 20:36
Hà Nội: Xử lý 2.397 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông qua phản ánh từ Zalo
Trật tự đô thị 09/11/2024 17:36
Hà Nội có thêm 14 dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh
Trật tự đô thị 04/11/2024 15:34
Hà Nội quyết liệt xử lý tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”
Trật tự đô thị 01/11/2024 17:22
TP.HCM: Mục tiêu giảm trên 75% công trình vi phạm trật tự xây dựng
Trật tự đô thị 30/10/2024 16:26
Thanh Trì: Chú trọng công tác hỗ trợ, tái định cư các dự án trọng điểm
Trật tự đô thị 30/10/2024 14:04