Cửa ô Hà Thành xưa và nay
“Khoác áo mới” cho phố cổ Hà Nội | |
Ô Quan Chưởng - cửa ô cuối cùng của Hà Nội | |
Hà Nội có bao nhiêu cửa ô? |
1
Quãng tháng 10 cách đây 2 năm về trước, tôi từng có may mắn gặp và trò chuyện với Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung tướng Phạm Hồng Cư từng là Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca, thuộc Trung đoàn Thủ đô - đơn vị đầu tiên nhận mệnh lệnh vào tiếp quản Thủ đô năm 1954.
Ấn tượng sau buổi gặp gỡ mà Trung tướng để lại trong tôi đó là hình ảnh đoàn quân đi đến đâu là tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy. Đường phố rực màu cờ, chật ních người. Đan xen trong những gương mặt rạng rỡ là nụ cười, là ánh mắt, là những cánh tay vẫy chào và có cả những giọt lệ… Mãi sau này, những hình ảnh qua lời kể của Trung tướng lại càng rõ nét hơn khi tôi tiếp xúc với những chứng nhân của một thời hoa lửa. Đó là Nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu, sinh năm 1939, bà là một diễn viên thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Người ghi dấu ở vai diễn Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Đó là Đại tá Lê Duy Tư – một trong những người đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô ngày 8/10/1954.
Qua lời kể của họ, sau những gian truân là lời ca hào hùng, lãng mạn thể hiện nguyện vọng, khát khao của mọi người dân vẫn được hát vang đầy tự hào trong những dịp lễ lớn ngày đầu thu. Là lời ca, tiếng lòng thổn thức của người dân ngày Thủ đô được giải phóng: Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố/ Trùng trùng say trong câu hát/ Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/Cả cuộc đời tươi vui về đây/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh…
Cho đến nay, vẫn chỉ ít người biết rằng, sở dĩ người dân hân hoan, rộn ràng chờ đợi đoàn quân trở về là bởi người dân Hà Nội đã trong ách kìm kẹp của thực dân Pháp suốt 80 năm. Tư thế của người mất nước và những lệnh giới nghiêm khiến bao năm Hà Nội lặng lẽ, phố xá buồn bã, nhà nhà đóng cửa… Chỉ đến khi liên tiếp đón nhận tin chiến thắng từ chiến trường Điện Biên Phủ, từ bàn ngoại giao thì không khí trong lòng Thủ đô mới được khuấy đảo. Hình ảnh những người chiến sỹ nối nhau tiến vào Hà Nội đã thắp lên niềm tin, hy vọng, giải tỏa những mong chờ ngày những người con anh hùng của Hà Nội, của đất nước trở về tháo bỏ gông xiềng ách thực dân.
Ô Cầu Giấy xưa |
Nay Ô Cầu Giấy không còn, thay vào đó là hệ thống giao thông hiện đại. Ảnh Minh Phương |
Theo dòng hồi tưởng Đại tá Lê Duy Tư, những ngày tháng đó tổ công tác của ông gồm 5 người, được tham gia công tác bàn giao, tiếp quản tại Tòa án Hà Nội. Đại tá Lê Duy Tư kể, sáng 8/10/1954, tiểu đoàn Bình Ca hành quân đến cầu Đuống của huyện Gia Lâm bây giờ. Cứ điểm đầu tiên tiểu đoàn đặt chân tới là nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện 108). Tại đây, 35 tổ công tác bắt đầu công việc thầm lặng, bảo vệ 35 cứ điểm quan trọng. Đến sáng ngày 10/10/1954, trong khi cả Hà Nội rợp trong sắc đỏ của cờ và hoa đón đại quân Tiên phong tiến về tiếp quản Thủ đô, các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca vẫn bám trụ tại các mục tiêu quan trọng chờ bàn giao cho các đơn vị khác. Khi tất thảy xong xuôi thì mới lặng lẽ theo đơn vị rời Hà Nội.
Theo lời Nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu, những ngày mùa thu lịch sử đó, các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến 16h30 thì tiến đến đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân. 6h sáng ngày 9/10/1954, quân đội lại theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành, chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi. Riêng đoàn quân của bà tiến vào tiếp quản Thủ đô theo cửa Ô Thanh Bảo (quen gọi là Ô Cầu Giấy) ở khu vực phố Kim Mã gặp phố Sơn Tây. Đoàn đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… đến 9h45 thì vào đóng trong “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Đông.
2
Hà Nội những ngày này đang tưng bừng kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Có may mắn sinh ra, đi và chứng kiến những đổi thay của mảnh đất Kinh kỳ, với riêng tôi Hà Nội bây giờ không thiếu nhà cao tầng, không thiếu những khu đô thị mới hoành tráng. Nhưng Hà Nội sẽ không còn là Hà Nội nếu mất đi những nét cổ kính, rêu phong. Một trong những nơi cổ kính, rêu phong rất Hà Nội chính là ô Quan Chưởng - cửa ô duy nhất còn sót lại của thành Thăng Long xưa.
Qua bao biến động của lịch sử, các cuộc chiến tranh liên miên đã xoá đi nhiều cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa. Lần giở lịch sử có thể thấy tên các cửa ô cho đến nay vẫn hiện hữu, trở thành tên địa danh, phố phường của Thủ đô như: Quận Cầu Giấy, Phường Ô Đống Mác, Phường Ô Cầu Dền, Phường Ô Chợ Dừa…
Lại nhắc chuyện Ô Quan Chưởng, hôm cùng tôi tản bộ để tìm nét làng, nét phố lấy tư liệu viết bài Tết, một đồng nghiệp chuyên nghiên cứu về văn hóa trên báo Nhân Dân bảo với tôi rằng, những cửa ô xưa, nếu giờ chú ý vẫn có thể thấy nó ẩn hiện trong nhịp phát triển. Chẳng hạn, địa giới xưa của Ô Đống Mác giờ đây còn mang tên phố. Cách Ô Đống Mác không xa là Ô Cầu Dền, nơi giao nhau của các phố Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – Phố Huế - và đê Tô Hoàng. Phố Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân chính là dấu tích xưa của Thành Đại La. Ô Chợ Dừa nằm ở khoảng ngã tư các con phố La Thành – Khâm Thiên – Tôn Đức Thắng và Nguyễn Lương Bằng. Khu vực này gần đây khi mở đường Kim Liên kéo dài đã phát hiện ra dấu tích Đàn Xã Tắc (đàn tế) thời Lý, Trần, Lê. Cửa ô thứ tư được người Hà Nội nhắc đến nhiều nhất là Ô Cầu Giấy. Có quan điểm cho rằng Ô Cầu Giấy không đồng nhất với vị trí Cầu Giấy ngày nay mà nằm lui lên phía bến xe Kim Mã. Tuy nhiên, nếu sông Tô Lịch xưa được xem là hào ngoài của thành Đại La thì Ô Cầu Giấy nằm trước cửa sông, tức vị trí Cầu Giấy ngày nay mới là hợp lý. Riêng Ô Quan Chưởng – cửa ô duy nhất còn nguyên “hình hài” để minh chứng cho lịch sử hiện vẫn nằm trên địa phận Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.
Chẳng am tường lịch sử nhiều như đồng nghiệp nọ, song tôi tự nghiệm ra rằng, người Hà Nội hôm nay trân trọng các cửa ô vì tinh thần chiến thắng qua con số 5 ý nghĩa. Xuất phát từ ngôi sao vàng 5 cánh tượng trưng cho mọi tầng lớp nhân dân, hình tượng hóa Hà Nội thành đóa hoa 5 cánh thơm ngát, 5 cửa ô hùng dũng bước vào nhịp điệu hành quân của bộ đội từ mọi hướng về với trung tâm của Tổ quốc. Tất cả làm nên biểu tượng sức mạnh của không chỉ riêng Thủ đô Hà Nội mà còn là dân tộc Việt Nam. Xưa kia cha ông đã tiến về Hà Nội để “quét sạch giặc thù”. Còn hôm nay, lớp lớp kế cận tiếp nối tinh thần ấy vào trong công cuộc dựng xây Thủ đô, và xa hơn là một quốc gia hùng cường “sánh vai năm châu”. Đó chính là khúc “khải hoàn ca” thời bình rực cháy nồng nàn trong trái tim mỗi người dân Thủ đô, mỗi khi tháng 10 tràn về các khu phố.
3
Tôi đã chọn Ô Quan Chưởng làm nơi ngắm nhìn Hà Nội trọn một ngày. Dưới mái vòm Ô Quan Chưởng, 24 giờ nơi cửa ô tựa như một lát cắt nhỏ trong nhịp sống hối hả của người Hà Nội và những người dân tứ xứ đang tất tả mưu sinh ở đất Hà thành. Ở nơi đây, nếu mang một chút để tâm, một chút cảm nhận có thể thấy được ẩn hiện những hơi thở gấp gáp của cuộc sống, đó có thể là những cảnh tắc đường ở cổng tam quan hay những chiếc xe máy, xe đạp, gánh hàng rong đang chen chúc nhau và đều cố “nhoài người” về phía trước.
Ô Quan Chưởng xưa |
Ô Quan Chưởng là một trong những di tích lịch sử được xem như điểm du lịch “lãng mạn” nhất tại Thủ đô duy nhất còn sót lại, rêu phong và trầm mặc. |
Ô Quan Chưởng mang trong mình nhiều huyền thoại. Điều này hẳn nhiên đúng. Những tích xưa, chuyện cũ của Ô Quan Chưởng cũng muôn hình vạn trạng. Giở lại lịch sử thì có vài giả thuyết về cái tên Ô Quan Chưởng này nhưng có lẽ giả thuyết về một viên Chưởng cơ cùng với những nghĩa sĩ của mình đã chiến đấu anh dũng chống lại quân Pháp trong đợt đánh vào thành Hà Nội năm 1873 được nhiều người đồng tình nhất. Vị Chưởng cơ này cùng với khoảng một trăm đồng đội đã quyết chiến đấu đến cùng. Sau vì đuối thế, vị Chưởng cơ bị bắt, bị chém ngay trước cửa ô. Nhân dân tiếc thương, từ đó gọi tên cửa ô này bằng cái tên mới Ô Quan Chưởng để ghi nhớ sự hy sinh lẫm liệt của người con trung dũng.
Xưa là vậy, giờ Ô Quan Chưởng đã bạc màu thời gian. Những buổi chiều muộn đi qua cửa ô như thấy một lớp bụi thời gian đã phủ lấp ở nơi này. Những viên gạch xây tường có chỗ đã đỏ lậm vì sương gió. Không ít kẽ gạch thỉnh thoảng lấm chấm màu xanh của những cây dương xỉ bám vào. Phố Ô Quan Chưởng giờ vẫn là một trong những lối đi từ phía tả ngạn sông Hồng vào trong nội thành. Con phố giản dị, có phần yên bình vì có nhiều bóng cây và ở cuối phố vẫn là cửa ô xưa cũ của kinh thành.
4
Trò chuyện với tôi, ông Vũ Hà Thanh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân, một trong những đơn vị tiên phong thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch là xe ôtô điện phục vụ khách du lịch thăm quan khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm mới biết, khách du lịch dù là Việt Nam hay quốc tế cho đến nay đều thích dạo qua Ô Quan Chưởng. Vì sao ư? Bởi nơi đây cũng là một trong những điểm “lãng mạn” nhất tại Thủ đô. Tại đây, du khách có thể bắt gặp hình ảnh những rêu phong của thời gian. Ẩn hiện sau cổng cửa ô là những ngôi nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, với những lối đi nhỏ bên trong căn nhà và gạch xây dựng đã trở nên cũ kỹ là khung cảnh quen thuộc chẳng lẫn vào đâu giữa lòng Thủ đô.
Theo góc nhìn của ông Vũ Hà Thanh, từ cửa ô này có thể đi vào phố cổ. Hơn hết, nếu có chiến lược khai thác tiềm năng du lịch của phố cổ và các điểm di tích này ngoài việc đem lại nguồn lợi to lớn về du lịch thì còn quảng bá nét đẹp Thủ đô với quốc tế. Có lẽ bởi vậy nên cho đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Đồng Xuân là một trong số ít ỏi những đơn vị của Thủ đô phát triển du lịch xanh và thân thiện. Cụ thể, năm 2009, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Công ty Cổ phần Đồng Xuân triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch (xe ôtô điện) phục vụ khách du lịch thăm quan khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Công ty đã tiến hành nhập khẩu tổng số 40 xe, trong đó 20 xe nhập giai đoạn hai có ứng dụng công nghệ pin năng lượng mặt trời, đây là loại xe điện được ứng dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường.
Đáng mừng là, cho đến nay, dự án Giao thông sạch, với những nét mới có tính đột phá đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân và khách du lịch, tạo thêm một loại hình du lịch mang mầu sắc riêng của Thủ đô Hà Nội, của quận Hoàn Kiếm, góp phần bảo tồn, tôn vinh và quảng bá rất hiệu quả về giá trị văn hóa khu phố cổ Hà Nội. “Với vai trò là phương tiện xanh trong lòng phố cổ Hà Nội, xe điện không những tiện dụng, giá thành hợp lý, mà còn đem đến cảm giác gần gũi, thân quen và bình yên trong lòng du khách khi chiêm ngưỡng phố cổ giữa một Hà Nội ồn ào xe cộ. Từ lúc đặt chân lên xe điện, du khách còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và những đặc trưng vốn có của từng con phố, địa danh mà mình sẽ ghé qua. Bởi vậy, sau mỗi chuyến đi du khách lại càng hiểu và dành nhiều tình cảm hơn đối với phố phường và địa danh Hà Nội” - ông Vũ Hà Thanh chia sẻ.
Tạm gác lại những nhịp sống hối hả, nơi những cửa ô xưa cũ nay phần lớn đã trở thành những trục giao thông rộng rãi, thênh thang. Những trục đường mới nơi cửa ô xưa vẫn vậy, vẫn đóng vai trò kết nối, thông thương, mang lại sự phồn thịnh cho mảnh đất Kinh kỳ. Với riêng tôi, Hà Nội như đơn sơ, bình dị và đẹp đẽ hơn khi chứng kiến hình ảnh những vị khách nước ngoài trầm trồ đứng chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo của cửa ô Hà thành, những cô gái e ấp trong bộ áo dài trắng chụp ảnh, lưu lại kỷ niệm với chứng tích Hà Nội xưa, hay đơn giản, đây là chốn dừng chân của những gánh hàng rong, sau những giờ phút mệt nhọc qua bao phố phường... Giản dị là thế, những cửa ô đã trở thành một phần không thể thiếu của Hà Nội, gắn bó mật thiết với đời sống lại như thôi thúc bao lữ khách dừng chân lưu luyến mỗi độ về với Thủ đô yêu thương.
Đinh Luyện
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (5/11): Giá dầu thế giới tiếp đà tăng mạnh
Tỷ giá USD hôm nay (5/11): Đồng USD thị trường tự do quay đầu giảm
Giá vàng hôm nay (5/11): Vàng trong nước đồng loạt giảm mạnh
Tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024 đến người lao động ngành Xây dựng Hà Nội
Ngắm nhìn vẻ đẹp của Hà Nội với loạt tranh vẽ bằng bút bi
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 5/11: Sáng sớm có mưa rào, trời chuyển rét
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Tin khác
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49
Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 14:13
Mùa thu và ngày Giải phóng Thủ Đô
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 05:45
Trách nhiệm với quê hương, đất nước
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 16:24
Đồng chí Phạm Quang Nghị được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 10:21
Lắng đọng Chương trình: "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên"
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 15:35
Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 14:03