Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng đã yêu cầu, việc xây dựng các VBQPPL phải theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Cái gì tích cực rồi thì thực hiện, cái nào chưa cải cách thì mới sửa đổi. Các VBQPPL phải đảm bảo tiến độ, chất lượng nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo tính khả thi. Cần có lộ trình, thời gian thích hợp để phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện được.
Liên hệ tới việc xây dựng, sửa đổi Luật Hàng hải, Bộ trưởng dẫn chứng ngay: "Trước bảo sửa rồi nhưng khi tôi yêu cầu sửa lại thì tỷ lệ sửa đã từ 22% lên hơn 40%".
“Chẳng hạn như qui định quản lý khâu nạo vét hàng hải, vấn đề dẫn tàu... các doanh nghiệp phản ánh rất nhiều. Không thể có chuyện một thủy thủ phải có hai hộ chiếu. Một hộ chiếu phổ thông, một hộ chiếu thuyền viên. Như vậy là lãng phí. Bản thân tàu có hoa tiêu thường xuyên ra vào mà cứ bắt hoa tiêu của hàng hải dẫn là không được. Rồi vấn đề xếp dỡ, cứ bảo tốt nhưng mình đang đứng thứ 7, chỉ trên được Lào, Campuchia…”- Bộ trưởng cho biết.
Sau khi nghe Vụ trưởng vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga báo cáo việc xây dựng Luật Hàng hải là theo đúng qui trình và đảm bảo sự đồng thuận của các cơ quan, Bộ trưởng tiếp tục truy vấn: “Tại sao những nội dung bất cập vừa qua Vụ Pháp chế không đưa vào. Vụ có phát hiện những vấn đề cuộc sống yêu cầu không? Tại sao trước không đưa vào mà giờ lại đưa vào. Đồng thuận như vậy thì chỉ kéo lùi sự phát triển của đất nước. Tàu nằm ở nước ngoài hàng mấy năm sao bây giờ bắt đưa về Việt Nam đăng kiểm? Đấy chỉ là một vài ví dụ…”.
Bộ trưởng nói thêm: “Ông nào cũng bảo vệ quyền của mình. Không chịu cải cách hành chính, thủ tục gì cả. Khi hội nhập thì phải theo hội nhập. Trong đó Luật Hàng hải thì phải hội nhập đầu tiên vì cha ông ta từ xưa đã đi tàu buôn nước ngoài rồi. Chẳng hạn như khi tàu xuất bến có cần cấp giấy phép của cảng vụ không? Máy bay bay lên trời còn chẳng cần giấy cảng vụ sao tàu thủy còn phải làm. Cần giảm bớt tối đa thủ tục hành chính khi soạn Luật”.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu khi soạn thảo các VBQPPL, những gì không cần, chỉ là hình thức thì không cần cấp. Không được sợ Nhà nước hết việc. Ban hành VBQPPL không phải chạy theo số lượng mà phải đáp ứng chất lượng, những đòi hỏi từ cuộc sống.
“Phải làm sao trong các VBQPPL thể hiện tinh thần đổi mới và tinh thần cải cách hành chính. Các cơ quan chủ trì đừng có ôm việc về mình. Cơ quan quản lý chỉ làm công tác quản lý, ban hành các thể chế và giám sát…”- Bộ trưởng yêu cầu.