TRỰC TUYẾN: Chuyên đề "Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động"
Đây là một trong những hoạt động của Báo Lao động Thủ đô và Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm thiết thực chào mừng Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024; hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; đồng thời nhằm giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động hiểu rõ hơn về những nội dung liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động.
Các đại biểu tham dự buổi Đối thoại - giao lưu. |
Dự buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố; Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố; Lâm Quang Thao - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Nam Từ Liêm; Đỗ Thiện Đức - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Nam Từ Liêm; Lê Thị Kim Điệp - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Quận ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm; Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô.
Đặc biệt, tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có hơn 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) quận Nam Từ Liêm.
Toàn cảnh buổi Đối thoại - giao lưu |
Tham gia buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động; tiền lương và bảo hiểm xã hội như: Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi - Phó trưởng Khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn).
14h10: Khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến
Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến, ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách, thời gian qua, ngoài thực hiện nhiệm vụ xuất bản, Báo Lao động Thủ đô cũng chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách với nhiều hình thức.
Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu |
Mỗi năm, Báo đều phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức hàng chục buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông về chính sách pháp luật và các kiến thức, nội dung liên quan thiết thực tới người lao động.
Đối với quận Nam Từ Liêm, Báo Lao động Thủ đô đã nhiều lần phối hợp tổ chức chương trình này. Điều này cho thấy, nhu cầu tiếp cận thông tin của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động luôn rất cao, thường xuyên, liên tục.
Thực tế, các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các quy định, chính sách mới về tiền lương, các kỹ năng an toàn vệ sinh lao động dành cho người lao động thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Đây cũng là lý do Ban tổ chức lựa chọn chủ đề “Những điểm mới về tiền lương, BHXH và an toàn vệ sinh lao động” cho buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến hôm nay.
Công nhân, viên chức, lao động quận Nam Từ Liêm tham dự buổi Đối thoại - giao lưu |
“Tham gia đối thoại là các chuyên gia, những người rất am hiểu về các chính sách, pháp luật liên quan tới người lao động. Chúng tôi mong rằng, các đoàn viên, CNVCLĐ tham dự chương trình mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình.
Chuyên gia sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà người lao động quan tâm, thông qua qua đó giúp đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động cập nhật những kiến thức mới về tiền lương, BHXH cũng như các chính sách liên quan đến an toàn lao động”, ông Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
Các đồng chí Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, Hội nhà báo Hà Nội, Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Nam Từ Liêm tặng hoa chuyên gia |
14h20: Hỏi đáp giữa đoàn viên Công đoàn, công nhân lao động và các chuyên gia
Chuyên gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động”. |
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hương - Công đoàn Trường Mầm non Trung Văn hỏi: Xin chuyên gia cho tôi biết, từ 1/7/2024, mức tăng lương tối thiểu vùng thấp nhất là bao nhiêu theo dự kiến?
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hương - Công đoàn Trường Mầm non Trung Văn đặt câu hỏi với các chuyên gia. |
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, theo thông tin gần đây nhất chúng tôi nắm được Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp với đại diện của 3 bên là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Tổng LĐLĐ Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chốt phương án kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng 6% so với hiện nay từ ngày 1/7/2024.
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân |
Hiện tại Bộ LĐTB&XH đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 38 về mức điều chỉnh, dự kiến mức điều chỉnh tăng 6% so với mức hiện tại. Như vậy, tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 200.000 - 280.000 đồng/tháng, chẳng hạn, tiền lương tối thiểu vùng 1 đang từ 4.680.000 sẽ lên 4.960.000 đồng.
Chị Phạm Ly Tân, Trường Tiểu học Mỹ Đình 2 hỏi: Thưa chuyên gia, từ 1/7/2024, mức đóng bảo hiểm y tế thay đổi như thế nào?
Chị Phạm Ly Tân, Trường Tiểu học Mỹ Đình 2 hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Tỷ lệ mức đóng bảo hiểm y tế không thay đổi, tuỳ thuộc thay đổi mức lương tối thiểu vùng. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên đóng 4,5% tiền lương tháng vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định, trong đó, người sử dụng lao động đóng 3%, còn người lao động đóng 1,5%. Do đó, mức đóng bảo hiểm y tế của nhóm này phụ thuộc vào tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, chỉ thay đổi khi tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay đổi.
Chị Liêm Thị Thanh Thủy, Công đoàn trường Tiểu học Tây Mỗ hỏi: Giáo viên trường công lập và tư thục thì mức đóng Bảo hiểm xã hội có khác nhau không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội của giáo viên trường công hay trường tư là như nhau. Tuy nhiên, do chế độ tiền lương khác nhau nên mức đóng BHXH giữa giáo viên trường công và trường tư sẽ có sự chênh lệch.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu |
Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, tỉ lệ đóng BHXH hàng tháng của giáo viên bằng 10,5%. Mức đóng BHXH sẽ dựa trên tỉ lệ 10,5% này nhân với mức tiền lương tháng đóng BHXH.
Chị Hoàng Ngữ Diễm Phương - Công đoàn Công ty Fecon hỏi: Xin chuyên gia cho chúng tôi biết, người lao động gặp tai nạn trên tuyến đường từ nơi làm đến nơi làm việc và ngược lại thì có được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động không?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Theo quy định Luật ATVSLĐ, nếu người lao động (NLĐ) đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại, trên tuyến đường hợp lý và thời gian hợp lý thì NLĐ sẽ được hưởng theo các điều kiện của tai nạn lao động.
Tuy nhiên, chúng ta phải quan tâm đến chữ “nếu”. Nếu NLĐ không chủ ý gây ra thì tai nạn đó mới được xem là tai nạn lao động, còn nếu chủ ý gây tai nạn, hoặc dùng chất kích thích… thì tai nạn đó không phải là tai nạn lao động.
Chị Trịnh Thị Thúy Nga, Trường THCS Lý Nam Đế hỏi: Xin hỏi các chuyên gia, theo quy định hiện hành thì người lao động đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua sẽ được nâng lương trước thời hạn, nhưng từ 1/7 tới đây khi thực hiện chính sách lương mới thì người lao động đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua có được nâng lương trước thời hạn nữa không?
Chị Trịnh Thị Thúy Nga, Trường THCS Mai Hắc Đế. |
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Việc thưc hiện chế độ cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, cũng như tiền lương cơ sở sẽ được điều chỉnh làm sao để đáp ứng được đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, hiện chưa có Nghị định về điều chỉnh cải cách tiền lương. Từ 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương, nguyên tắc tiền lương khi cải cách sẽ không giảm đi, hoặc thấp hơn thang bảng lương mà chúng ta đang tính hiện nay, đảm bảo sự yên tâm của NLĐ.
Tiền lương cơ bản chiếm khoảng 70% quỹ lương, và 30% là phần phụ cấp, có 10% dành cho phần tiền thưởng. Việc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở sẽ được tính trên quỹ tiền thưởng, hưởng 10% quỹ tiền thưởng, nên không lấy danh hiệu này để nâng bậc lương.
Một bạn đọc hỏi: Thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, bên cạnh trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, người lao động cần làm gì để tự trang bị kiến thức an toàn lao động cho bản thân mình?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Thời gian qua, chúng ta chứng kiến 2 vụ tại nạn lao động rất nghiêm trọng, làm chết nhiều người như vụ nổ lò hơi và vụ lò quay. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại nhiều vụ tai nạn như vậy. Trách nhiệm của chủ lao động đã rõ rồi, nhưng phải đặt ngược lại người lao động hiện nay đang làm việc bất chấp, chỉ cần có tiền lương. Luật quy định, chủ sở hữu lao động phải tổ chức tập huấn an toàn lao động cho người lao động, nhưng khi tổ chức thì người lao động lại không đi, cho thấy ý thức của người lao động chưa cao. Khi gặp vấn đề xảy ra thì lại tốn tiền đi bác sĩ.
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi |
Vấn đề đặt ra là người lao động phải tôn trọng nội quy an toàn vệ sinh lao động. Biết đánh giá rủi ro về an toàn vệ sinh lao động. Trong các tình huống cụ thể, người lao động phải đặt ra câu hỏi là phải thoát nạn như nào, đảm bảo an toàn tính mạng ra sao? Nếu công việc thấy ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, người lao động có thể không tiếp tục làm việc mà không sai luật. Vì chỉ cần một rủi ro, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người lao động mà còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.
Anh Vũ Mạnh Hồng, Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa hỏi: Theo luật ATVSLĐ thì bệnh nghề nghiệp là gì và có điểm mới gì?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Trước đây, nhiều người chỉ quan tâm đến rủi ro tai nạn lao động bởi những hậu quả thấy ngay của nó. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, người lao động bắt đầu quan tâm đến vấn đề bệnh nghề nghiệp.
Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với NLĐ. Theo đó, bệnh nghề nghiệp được hiểu là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với NLĐ.
Ví dụ như giáo viên dùng phấn viết bảng hít phải bụi phấn sẽ gây ra viêm phổi, viêm đường hô hấp. Hiện nay ở Việt Nam mới có 35 bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH. Còn ở nước ngoài hiện nay đã có hàng trăm bệnh được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm. Tôi nghĩ trong tương lai chúng ta phải điều chỉnh nhiều.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung: Luật BHXH có quy định, sau khi rời khỏi môi trường làm việc có yếu tố mắc bệnh nghề nghiệp, sau khi nghỉ vẫn được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp trong thời hạn cho phép.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội tặng quà cho người lao động tham gia phần giao lưu |
Chị Phạm Thị Trang, Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 hỏi: Xin chuyên gia cho tôi biết, người lao động đã đóng BHXH 23 năm, hiện 52 tuổi thì có được rút BHXH 1 lần không? Nếu NLĐ muốn nghỉ hưu thì có được nghỉ không và hưởng mức lương hưu là bao nhiêu?
Chị Phạm Thị Trang, Cơ sở cai nghiện ma túy số 5. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Pháp luật quy định, chỉ các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, suy giảm khả năng lao động 81%, không thể tự phục vụ bản thân thì mới được giải quyết việc rút BHXH 1 lần.
Với trường hợp bạn hỏi là lao động nam, có 23 năm đóng BHXH, người lao động hiện 52 tuổi thì cần hiểu thời gian bạn muốn được hưởng chế độ bảo hiểm tối đa 75% thì nam phải đủ 35 năm đóng BHXH, nữ là 30 năm đóng BHXH.
Với trường hợp này,tỷ lệ hưởng lương hưu rất thấp, cụ thể, chỉ được hưởng 43% mà thôi.
Chị Đoàn Thị Thanh Thủy, Trường Mầm non Mỹ Đình 1 hỏi: Theo chính sách tiền lương mới, giáo viên mầm non có thâm niên lâu năm và giáo viên mầm non ít năm công tác sẽ được tính như thế nào? Cách tính lương hưu cho giáo viên, nhân viên về hưu? Chế độ độc hại đối với giáo viên mầm non khi thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn học đường?
Chị Đoàn Thị Thanh Thuỷ (Trường Mần non Mỹ Đình 1) đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Theo tinh thần của Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, tuy nhiên hiện chưa có dự thảo nghị định về tiền lương mới. Nhưng chế độ, phụ cấp sẽ được thay đổi phù hợp.
Thời gian qua, có nhiều ý kiến bỏ phụ cấp thâm niên nghề. Vậy những người nhiều năm công tác thì sẽ được tính tích hợp vào tiền lương, đảm bảo hệ thống tiền lương được thống nhất. Có nghĩa, phụ cấp thâm niên được tính vào lương theo từng vị trí việc làm.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung: Khi thay đổi chính sách tiền lương sẽ kéo theo thay đổi cách tính lương hưu. Nhưng thay đổi cụ thể như thế nào sẽ phải chờ trong thời gian tới.
Hiện nay, giáo viên mầm non chưa được công nhận là nghề nặng nhọc độc hại.
Phó Chủ tịch Hội nhà báo Thành phố tặng quà người lao động tham gia trả lời câu hỏi phần giao lưu. |
Chị Lê Thị Tươi, Công ty Cổ phần SPI Việt Nam hỏi: Từ năm 2024, trợ cấp bảo hiểm xã hội có tăng không, nếu tăng thì mức tăng bao nhiêu. Trợ cấp bảo hiểm xã hội dưỡng sức sau ốm, tử tuất mai táng được tính như thế nào?
Người lao động tham gia BHXH 18 năm 5 tháng, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết thì thân nhân được hưởng chế độ như thế nào?
Chị Lê Thị Tươi, Công ty Cổ phần SPI Việt Nam đặt câu hỏi với chuyên gia |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Luật BHXH năm 2014 quy định, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội được tính dựa trên mức lương đóng bảo hiểm, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu |
Còn NLĐ có thời gian đóng BHXH 18 năm 5 tháng, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất và trợ cấp tuất hàng tháng.
Cụ thể, trợ cấp mai táng: Người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết.
Trợ cấp tuất hằng tháng: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 67 Luật BHXH năm 2014, người lao động đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng.
Chị Đào Bích Diệp, Công ty TNHH Minh Giang hỏi: Chúng tôi là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đóng BHXH cho NLĐ từ năm 2015, khi làm thủ tục nghỉ hưu cho NLĐ vẫn tính ở mức đóng năm 2015 (500 nghìn đồng/tháng) mà sau gần 10 năm mức lương cơ sở đã tăng lên. Nếu tính mức lương hưu theo tỷ lệ từ năm 2015 thì sẽ rất thiệt cho NLĐ.
Chúng tôi tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, thì cơ sở y tế như nào mới đủ điều kiện đăng ký khám?
Chị Đào Bích Diệp, Công ty TNHH Minh Giang |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hằng năm Chính phủ sẽ ban hành thông tư quy định mức tăng là bao nhiêu (điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng CPI). Vì là doanh nghiệp ngoài quốc doanh nên hệ số lương hưu sẽ không theo lương tối thiểu vùng, cũng không tăng theo lương cơ sở, mà theo bảng tính của Chính phủ.
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Luật Khám, chữa bệnh và có Nghị định 96 của Chính phủ đã quy định các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý, khi tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ phải đến các cơ sở khám sức khỏe được cấp phép của Nhà nước.
Luật quy định rõ phải đến Bệnh viện và các phòng khám đa khoa, cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị y tế và có đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, phù hợp với phiếu khám sức khỏe. Hay nói các khác, trên phiếu khám sức khỏe có nội dung nào thì bệnh viện, cơ sở y tế đó phải đủ điều kiện để khám các danh mục trên phiếu khám.
Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình tặng quà người lao động |
Ngoài ra, cũng cần lưu ý, có 1 loại nữa đó là khám bệnh nghề nghiệp. Khám bệnh nghề nghiệp thì có quy định ngặt nghèo hơn, ngoài cơ sở y tế đạt đủ điều kiện thì đội ngũ chuyên môn gồm y, bác sĩ phải được cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo về khám bệnh nghề nghiệp. Các doanh nghiệp nên lưu ý điều này khi tổ chức khám bệnh cho cán bộ, nhân viên.
Chị Lê Thị Ngọc Lan, trường Tiểu học Xuân Phương hỏi: Trường hợp phải ngừng việc NLĐ được trả lương như thế nào?
Chị Lê Thị Ngọc Lan, Trường tiểu học Xuân Phương |
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Nếu ngừng việc, ngừng sản xuất liên quan tới trách nhiệm của người sử dụng lao động, thì người sử dụng lao động phải trả lương cho NLĐ.
Lương ngừng việc sẽ theo 2 bên thỏa thuận. Trong 14 ngày đầu tiên, mức thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu của tiền lương người lao động đang được hưởng. Sau đó, nếu người lao động vẫn phải ngừng việc lâu hơn 14 ngày, thì hai bên vẫn tiếp tục thỏa thuận mức trả lương, nhưng không quy định mức tối thiểu.
Phó Tổng Biên tập Đinh Tuấn Anh tặng quà người lao động |
Còn việc ngừng việc do lỗi của NLĐ, thì người sử dụng lao động sẽ không phải trả lương. Tuy nhiên, nếu do lỗi của một NLĐ nào đó làm ảnh hưởng đến những NLĐ khác, khiến những NLĐ khác phải nghỉ việc, thì việc hưởng lương vẫn dựa trên sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ trong thời gian phải ngưng việc.
Chị Trần Thị Nhung, Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 - Hà Nội hỏi: Khi đi làm ngày nghỉ, ngày lễ thì tiền lương được tính như thế nào? Cách tính tiền lương với đối tượng phải trực cả ngày đêm vào ngày nghỉ và các ngày trong tuần?
Chị Trần Thị Nhung nêu câu hỏi |
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Đối với người lao động làm việc trong ngày nghỉ hàng tuần, sẽ được tính lương làm thêm giờ ít nhất bằng 200% x đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm, và đi làm vào ngày lễ, tết là 300%. Thời gian làm thêm không quá 50% thời gian làm việc/ngày. Đối với ngành đặc thù như ngành y thì không quá 40 giờ/tuần.
Chị Đào Thị Bích Diệp, Công ty TNHH Minh Giang hỏi: Người lao động là nam giới 63 tuổi nhưng mới đóng BHXH được 20 năm thì có được làm thủ tục nghỉ hưu không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định của pháp luật, đóng BHXH tối thiểu 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được làm thủ tục nghỉ hưu. Hiện có quy định nếu đủ tuổi nhưng chưa đủ năm đóng BHXH thì có thể đóng 1 lần cho những năm còn thiếu và có thể nghỉ hưu ngay từ thời điểm đóng xong.
Câu hỏi bạn đọc: Xin chuyên gia cho tôi biết, với doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang thì có cần đội ngũ an toàn vệ sinh viên không?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi |
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Trong lĩnh vực thời trang, trong các tổ sản xuất, khoa, phòng thì mỗi tổ nên có 1 an toàn vệ sinh viên (ATVSV). Tuy nhiên, với công ty may mặc, thời trang, chúng ta cũng cần căn cứ xem thuộc loại hình nào. Nếu chỉ đơn thuần là đơn vị bán các sản phẩm thời trang thì không cần thiết thành lập mạng lưới ATVSV nhưng nếu là sản xuất, tiềm ẩn các nguy cơ ATVSLĐ liên quan thì cần thành lập mạng lưới ATVSV.
Chị Trần Thị Yến, Công ty CP Rikkeisoft hỏi: Người lao động làm thế nào để chốt sổ BHXH khi công ty đã ngừng hoạt động?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Người lao động chỉ cần mang sổ BHXH đến cơ quan BHXH để chốt đến thời điểm công ty đóng đủ BHXH cho người lao động.
Câu hỏi độc giả: Xin chuyên gia cho biết đội ngũ an toàn vệ sinh viên là những ai, phụ cấp cho đội ngũ này tại doanh nghiệp như thế nào?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Đội ngũ An toàn vệ sinh viên là điểm đặc biệt của Việt Nam, trên thế giới không có đội ngũ này. Đội ngũ an toàn vệ sinh viên là câu nối giữa người sử dụng lao động và NLĐ.
Yêu cầu đối với đội ngũ An toàn vệ sinh viên là phải tuân thủ an toàn vệ sinh lao động, có uy tín và được bầu ra. Hoạt động của đội ngũ này do Công đoàn cơ sở quản lý.
Lưu ý quy định người trong đội ngũ an toàn vệ sinh viên được quyền sử dụng thời gian trong quá trình làm việc để thực hiện giám sát an toàn lao động, được phụ cấp để đảm bảo công việc. Phụ cấp này do người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở thương lượng để trả phụ cấp.
Chị Lê Hoài Nam, công ty Fecon hỏi: Trợ cấp tai nạn lao động với người bị tai nạn lao động lần đầu như thế nào?
Chị Lê Hoài Nam, công ty Fecon |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trợ cấp tai nạn lao động với người bị tai nạn lao động sẽ căn cứ vào tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, nếu từ 5- 30% sẽ hưởng 1 lần. Từ 31% trở lên hưởng hàng tháng.
Căn cứ hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động; thời gian đóng bảo hiểm xã hội; mức lương.
Chị Nguyễn Diệu Quỳnh, Trường THCS Mễ Trì hỏi: Mức lương tối thiểu vùng khi thực hiện cải cách tiền lương từ tháng 7/2024 sẽ thay đổi như thế nào?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024, mức lương người lao động được sẽ được tăng khoảng 6% đối vùng 1,2,3,4. Đối với mức lương mức vùng 1 như của chị sẽ tăng lên 4.960.000 đồng/ tháng; mức lương theo giờ tăng lên 23.800 nghìn đồng/giờ. Trong trường hợp mức lương của người lao động đã cao hơn rồi thì doanh nghiệp không có trách nhiệm điều chỉnh cao hơn, tăng lương tối thiểu vùng chỉ có tác dụng với người lao động lương bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Câu hỏi bạn đọc theo dõi trực tuyến: Khi người lao động đạt mốc thời gian 35 năm tham gia đóng BHXH đối với nam và 30 năm đối với nữ thì người lao động có cần đóng BHXH nữa không? Nếu tiếp tục đóng thì được hưởng như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nếu đủ thời gian đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ được hưởng lương hưu theo quy định.
Trường hợp có mốc thời gian trên 35 đã đủ điều kiện nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục tham gia BHXH, thì người lao động sẽ được hưởng lương hưu và được hưởng trợ cấp BHXH 1 lần đối với thời gian đóng thêm (ngoài 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ).
16h10: Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách, đồng chí Lê Thị Kim Điệp - Ủy viên Ban Thường vụ, Quận ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm cho biết, trong những năm qua, Công đoàn quận đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, thực hiện nhiều hoạt động hướng về người lao động, trong đó có việc chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động. Tổ chức Công đoàn đã không ngừng phát huy vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, làm tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong CNVCLĐ, tổ chức phát động các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao rộng rãi trong CNVCLĐ... Hoạt động của các cấp Công đoàn quận đã thể hiện được vị trí, vai trò, bản lĩnh của giai cấp công nhân, có sức lan tỏa trong CNVCLĐ. Chương trình Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách pháp luật được phối hợp bởi LĐLĐ quận Nam Từ Liêm và Báo Lao động Thủ đô đã thành công tốt đẹp. Đây là một trong chùm hoạt động trọng tâm của Công đoàn quận Nam Từ Liêm nhân dịp Tháng công nhân, tháng ATVSLĐ năm 2024. Ở buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến này, các chuyên gia đã tư vấn, giải đáp những kiến thức rất hữu ích liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, qua đó giúp cán bộ đoàn viên công đoàn, NLĐ hiểu rõ hơn các kiến thức pháp luật liên quan quyền và nghĩa vụ NLĐ hiện nay. “Sau hơn 2 tiếng diễn ra chương trình, đã có rất nhiều câu hỏi sôi nổi của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ liên quan đến các chính sách tiền lương, chế độ BHXH, công tác an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là cách tính lương mới năm 2024 được các chuyên gia phân tích, giải đáp cụ thể. Đây là điều rất quý để đoàn viên, NLĐ ứng dụng vào trong đời sống, trong đặc thù công việc…”, bà Lê Thị Kim Điệp nhấn mạnh. Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo Lao động Thủ đô, các cơ quan, đơn vị để phối hợp thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực cho CNVCLĐ. |
Bài viết cùng chủ đề
70 năm ngày Giải phóng Thủ đôCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Việt Nam vô địch tại giải Futsal nữ Đông Nam Á 2024
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Giá vé tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ 7.000 đồng - 20.000 đồng/lượt
Hà Nội: Phát hiện hơn 100 bộ hài cốt vô danh khi thi công hệ thống thoát nước đã được dự đoán trước
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Đích đến của Đề án 06 là người dân được hưởng thụ dịch vụ ở bất kỳ đâu, tạo công bằng xã hội
Công nghệ AI liệu có thể thay thế giáo viên giảng dạy?
Tin khác
TRỰC TUYẾN: Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới
Giao lưu, trực tuyến 30/10/2024 09:00
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Tuyên truyền Luật Thủ đô 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 30/10/2024 08:48
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Giao lưu, trực tuyến 11/10/2024 08:43
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Tuyên truyền kiến thức về an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Giao lưu, trực tuyến 11/10/2024 08:37
TRỰC TUYẾN: Tôn vinh 100 gương sáng kiến, sáng tạo và 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động
Giao lưu, trực tuyến 02/10/2024 08:39
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô tự hào quá khứ, xây dựng tương lai
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:05
Tọa đàm trực tuyến: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:04
TRỰC TUYẾN: Biểu dương gia đình, khích lệ con công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tiêu biểu
Hoạt động 28/08/2024 08:25
TRỰC TUYẾN: Trang trọng Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và tôn vinh cán bộ Công đoàn tiêu biểu
Hoạt động 28/07/2024 08:15
Trực tuyến: Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sự kiện 25/07/2024 07:31