TRỰC TUYẾN: Chuyên đề "Tìm hiểu pháp luật lao động, ATVSLĐ, nhận diện lừa đảo trực tuyến và cách phòng ngừa"
Sự kiện là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024; hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam; 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Qua đó, nhằm giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động hiểu rõ hơn về những nội dung liên quan đến ATVSLĐ và pháp luật lao động.
Đoàn viên, người lao động tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
Dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên; ông Phạm Anh Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội; ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Lê Thị Thanh Thuỷ, Đoàn Thị Minh Chính - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội; ông Phạm Hữu Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long.
Đặc biệt, tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có hơn 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội.
Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, Báo Lao động Thủ đô, Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội và công nhân lao động tham dự buổi Đối thoại. |
Đại biểu và chuyên gia tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
Tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, ATVSLĐ, an ninh mạng, gồm: Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân - Bộ Công an; Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi - Phó trưởng khoa An toàn lao động và sức khoẻ nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn); Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest.
8h40: Khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến
Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô, cho biết: Trong hàng chục năm qua, Báo Lao động Thủ đô đã tổ chức chuỗi sự kiện đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tiếp cận sâu hơn với người lao động. Trong đó bao gồm cả các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ, cũng như các vấn đề mới mang tính thời sự như tình trạng lừa đảo trực tuyến.
Ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô, phát biểu khai mạc. |
An toàn và sức khỏe lao động là một vấn đề mang ý nghĩa to lớn đối với việc bảo toàn nguồn nhân lực, đồng thời có tác động trực tiếp tới hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp, đơn vị. Cùng với những hành động cụ thể của từng doanh nghiệp, từng đơn vị trong việc bảo đảm môi trường lao động an toàn, bảo vệ sức khỏe của người lao động thì việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy tắc, quy định pháp luật, kiến thức về an toàn lao động là điều cần làm thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề mang tính thời sự, thực tiễn, đó chính là tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng trở nên phức tạp. Một trong những nhóm đối tượng được tội phạm nhằm tới chính là người lao động. Do đó, việc nâng cao nhận thức của người lao động, cũng như tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động, các cơ quan đơn vị có liên quan là rất cần thiết.
“Tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến hôm nay, Ban Tổ chức mong muốn sẽ hỗ trợ tốt nhất để người lao động được tiếp cận, được tư vấn trực tiếp những thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước; tích lũy kiến thức để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như sự an toàn của mình trong lao động sản xuất. Chúng tôi mong muốn các đoàn viên, người lao động sẽ tích cực, chủ động chia sẻ các vấn đề của cá nhân hoặc đơn vị mình để các chuyên gia ở các lĩnh vực an toàn lao động và pháp luật cùng giải đáp, tìm hướng xử lý”, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chính Hữu, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu nhấn mạnh, phát triển kinh tế bền vững cần đi kèm với việc bảo đảm cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh, được chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ. Đây là tiêu chí chung trong quá trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và cả nước vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, gần nhất là ngay trong dịp nay dã xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở tỉnh Yên Bái và Đồng Nai khiến 13 người đã thiệt mạng; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng lừa đảo, nhất là lừa đảo trực tuyến diễn ra ngày càng tinh vi, không ít người đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Từ thực tế đó, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức pháp luật lao động, đảm bảo ATVSLĐ cho đoàn viên, CNVCLĐ. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Đoàn viên, người lao động theo dõi chương trình Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
Theo ông Nguyễn Chính Hữu, chủ đề “Tìm hiểu về pháp luật lao động và ATVSLĐ; nhận diện lừa đảo trực tuyến và cách phòng ngừa” hôm nay rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn những nội dung liên quan đến pháp luật lao động, An toàn vệ sinh lao động và nhận diện các hình thức lừa đảo trực tuyến để có cách phòng ngừa, không bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đề nghị sau chương trình này, Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội nói riêng, các cấp Công đoàn Thủ đô nói chung tiếp tục có các giải pháp sáng tạo, mô hình hiệu quả để triển khai công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động.
Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật về lao động, ATVSLĐ, các chế độ chính sách và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà người lao động quan tâm đến với đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ. Để từ đó, góp phần thực hiện tốt chức năng của tổ chức Công đoàn là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia buổi Đối thoại - giao lưu. |
9h00: Bắt đầu phần hỏi đáp giữa CNVCLĐ, bạn đọc và chuyên gia
Các chuyên gia của buổi Đối thoại - giao lưu - truyền thông chính sách về Pháp luật lao động - ATVSLĐ - Nhận diện lừa đảo trực tuyến và cách phòng ngừa. |
Chị Đàm Thị Thanh Dung, Công ty Goshi Thăng Long hỏi: Thưa các chuyên gia tôi muốn hỏi trường hợp do vi phạm hợp đồng lao động, người lao động bị người sử dụng lao động cho ngừng việc. Trường hợp này, người lao động có được trả lương và hưởng các chế độ hay không?
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh: Đây là trường hợp người lao động vi phạm kỷ luật lao động, về nguyên tắc khi người lao động có lỗi thì đương nhiên quyền lợi cũng bị hạn chế. Trong trường hợp này, ý kiến của tôi là người lao động không được hưởng lương.
Anh Ngô Đức Hà, Công ty Goshi Thăng Long hỏi: Hiện nay đang xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là qua cuộc gọi video. Xin chuyên gia chia sẻ cho chúng tôi cách phòng tránh để không bị lừa.
Chuyên gia Đào Trung Hiếu |
Chuyên gia Đào Trung Hiếu: Lừa đảo trên mạng là vấn đề rất nóng hiện nay. Người dân ít nhiều đã có sự cảnh giác với các hình thức lừa đảo thông qua mạng xã hội, ví dụ như nhờ nạp tiền, chuyển tiền,... Do đó, tội phạm đã chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa đảo. Đối tượng sẽ truy cập vào trang mạng xã hội của người dùng, thông qua AI, sử dụng thuật toán ghép các hình ảnh lại thành video. Sau khi hack được account của người dùng sẽ dùng cuộc gọi video call để tạo sự tin tưởng, qua đó lừa đảo.
Có thể thấy, khi hình thức tin nhắn lừa đảo không còn hiệu quả, các đối tượng đã sử dụng AI để lừa đảo bằng video call. Hiện nay, chúng ta đang bước vào thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, Việt Nam được cho là một điểm đen về an ninh mạng do số cuộc, số tiền bị lừa đảo được cho là rất lớn (theo một thống kê thì gần 16 tỉ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỉ USD toàn cầu).
Để phòng ngừa, chúng ta phải có kỹ năng nhận biết, trước hết, các cuộc gọi video call từ AI sẽ không tương thích giữa hình ảnh và giọng nói, chập chờn, mà đối tượng sẽ nói rằng do “sóng yếu”. Trước hết, không vội tin tưởng mà phải gọi điện cho người thân để kiểm chứng trước khi chuyển tiền hoặc nạp tiền.
Chị Trần Việt Hằng (Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh) hỏi: Có thông tin cho rằng ngân hàng đã để rò rỉ số điện thoại và thông tin tiền gửi của khách hàng cho một số nhóm tội phạm nên tội phạm mới biết ai có tiền để gọi điện lừa đảo. Xin chuyên gia cho biết có đúng không?
Chị Trần Việt Hằng đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Đào Trung Hiếu: Rò rỉ thông tin cá nhân là vấn đề rất nóng hiện nay, có ngày chúng ta nhận được hàng chục cuộc gọi làm phiền từ các bên khác nhau. Bản thân tôi cũng không ít lần bị các số điện thoại lạ gọi điện môi giới, giới thiệu sản phẩm…
Việc lộ thông tin cá nhân có thể thông qua nhiều cách thức khác nhau, từ hoạt động mua sắm của người dân, thậm chí khi chúng ta cung cấp số điện thoại hoặc căn cước công dân trong giao dịch bình thường hằng ngày.
Trong quá trình đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, lực lượng công an cũng đã bắt, điều tra một số đối tượng bán thông tin cá nhaa, dữ liệu người dùng trên không gian mạng và chúng tôi cũng đang tích cực có những biện pháp để cảnh báo người dân đồng thời ngăn chặn loại tội phạm này.
Chị Nguyễn Thị Thoa, Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long hỏi: Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế thì có phải đóng bảo hiểm xã hội không và được hưởng chế độ ốm đau như thế nào?
Chị Nguyễn Thị Thoa nêu vấn đề thắc mắc với chuyên gia. |
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh: Về nguyên tắc khi nghỉ ốm đau chúng ta sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội và vẫn được hưởng theo bảo hiểm y tế. Trường hợp này, nếu vượt quá số ngày được nghỉ phép, người lao động có thể trao đổi với đơn vị, doanh nghiệp về các vấn đề được tạm dừng hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Trường hợp này tôi nghĩ các bên cần ngồi lại cùng trao đổi, thương lượng với nhau.
Ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô tặng quà người lao động tham gia phần giao lưu. |
Chị Dương Thị Tình (Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long) hỏi: Người lao động trong thời gian làm chế độ 45 ngày, chờ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Người lao động tự ý nghỉ 20 ngày liên tiếp và đi làm cho công ty khác. Vậy ban cố vấn cho em hỏi lao động này có phải làm bù cho đủ 45 ngày không?
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh |
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh: Trong trường hợp này, người lao động thuộc diện ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Theo Bộ luật Lao động, người lao động thông báo trước 45 ngày để người sử dụng lao động biết người lao động sẽ nghỉ việc. Trong thời gian 45 ngày đó, người lao động phải thực hiện đúng theo các quy định của công ty và pháp luật lao động. Do vậy việc người lao động tự ý nghỉ 20 ngày liên tiếp và đi làm cho công ty khác là không đúng quy định. Tuy nhiên, trong trường hợp bị công ty ngược đãi hoặc không đảm bảo an toàn lao động, người lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh (quận Cầu Giấy) hỏi: Theo Bộ luật Lao động, những bệnh nào được coi là bệnh nghề nghiệp?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi |
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Bệnh nghề nghiệp không tự nhiên phát sinh mà do yếu tố có hại gây ra cho người lao động trong môi trường làm việc. Theo đó, bệnh nghề nghiệp được hiểu là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Hiện nay, có 35 bệnh nghề nghiệp được Bộ Y tế đề xuất hưởng bảo hiểm xã hội.
Anh Nguyễn Văn Hoà, Công ty Toyota Bosoku Hà Nội hỏi: Hợp đồng lao động của chúng tôi trước đây ghi rất cụ thể công việc phải làm theo thông báo tuyển dụng, sau khi Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 có hiệu lực, năm 2023 Công ty tiến hành sửa đổi hợp đồng lao động của mọi người, công việc và nhiệm vụ cụ thể của người lao động tại từng thời điểm do trưởng bộ phận phân công.
Việc Công ty liệt kê toàn bộ các nghề, các công việc có trong Công ty mà người lao động phải làm trong Hợp đồng lao động mà không nêu nội dung công việc cụ thể và người lao động không được đào tạo trước khi luân chuyển sang công việc khác. Xin cho hỏi nội dung ghi như vậy trong hợp đồng lao động có đúng không? Cách ghi này có trái với điều 28, điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019 không?
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh: Trường hợp này, người lao động cần xem lại hợp đồng lao động, trong Hợp đồng lao động ghi rất rõ công việc người lao động phải làm, trường hợp thực hiện thay đổi hợp đồng lao động thì phải làm thủ tục sửa đổi hoặc thay đổi, phải lấy ý kiến từ tổ chức Công đoàn.
Người lao động có quyền từ chối ký sửa đổi hay bổ sung hợp đồng lao động, người lao động cũng có quyền được từ chối làm những việc không nằm trong hợp đồng lao động. Đối với việc thay đổi hợp đồng lao động mới mà Công ty đang dự thảo, người lao động có quyền thương thảo hoặc từ chối ký mà không vi phạm pháp luật.
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi bổ sung: Khi chuyển đổi công việc, người lao động có quyền được đào tạo, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đào tạo người lao động về chuyên môn và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động.
Nguyễn Thị Quyên, Công ty Goshi Thăng Long hỏi: Xin chuyên gia cho biết quy định về pháp luật lao động về thời gian làm việc bình thường, thời gian làm việc như thế nào thì được hưởng trợ cấp ca?
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh |
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh: Theo quy định của luật, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.
Làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất, người lao động cũng muốn làm nhiều hơn để có thêm lương cao hơn, do đó có thêm quy định làm thêm giờ. Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng. Trường hợp làm thêm ngày nghỉ hàng tuần, lễ, Tết đều có quy định mức lương hưởng làm thêm.
Ngoài quy định làm thêm giờ, mỗi doanh nghiệp có thể có thêm những ưu đãi, trợ cấp cho người lao động đây là khoản bổ sung dựa theo quy chế tiền lương, tài chính của từng doanh nghiệp.
Anh Dương Văn Kỷ, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần Hóa chất Sơn Hà Nội hỏi: Vay tín chấp và vay tín dụng đen có phải là một hình thức lừa đảo không? Hiện nay các app cho vay xuất hiện rất nhiều và sao vẫn chưa bị xử lý?
Anh Dương Văn Kỷ, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần Hóa chất Sơn Hà Nội, nêu câu hỏi với các chuyên gia |
Chuyên gia Đào Trung Hiếu: Liên quan đến tín dụng đen, việc vay qua app rất phổ biến trong công nhân lao động và sinh viên, nhiều trường hợp cần 1 khoản tiền gấp thì tìm đến vay qua app. Vậy như thế nào là tín dụng đen, hiện nay chúng ta chưa có văn bản pháp lý nào quy định rõ về vấn đề này, tuy nhiên có thể hiểu vay tín dụng đen là vay không chính thức tại các tổ chức, cá nhân không được pháp luật công nhận và có lãi suất cao. Theo quy định của pháp luật lãi suất cho vay không được quá 20% của khoản vay/năm, vay tín dụng đen thường cao gấp 5 lần quy định này.
Chuyên gia Đào Trung Hiếu |
Một điểm nữa có thể lưu ý đó là vay tín dụng đen không cần thế chấp mà vay bằng tín chấp, có một số app hiện nay không cần điều kiện gì chỉ cần cho phép truy cập danh bạ điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi đến hạn, các tổ chức này thường sẽ “khủng bố, gây sức ép” với người vay thông qua cuộc gọi hoặc gửi tin nhắn gây áp lực buộc họ phải trả khoản vay với lãi suất rất cao.
Các cụ trước có câu “Dễ vay thì dầy nợ”, người lao động không hiểu chúng ta chỉ mắc vào vòng xoáy của tín dụng đen rất dễ dẫn đến nhiều vấn đề tiếp theo khác nhau. Nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ tự đẩy mình vào tình trạng nay. Do đó, về cơ bản, chúng tôi vẫn luôn nhắn nhủ hãy hạn chế tối đa vướng vào tín dụng đen này. Trường hợp cần tiền gấp, nên hỏi vay họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, bản thân tôi cũng biết Công đoàn Thủ đô cũng có hỗ trợ cho người lao động vay để tăng gia sản xuất, thực hiện phát triển kinh tế gia đình.
Tôi cũng xin thông tin thêm, vào năm 2023, Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá một băng nhóm cho vay tín dụng đen như vậy, thủ đoạn của tội phạm và ghép mặt, ghép hình ảnh của nạn nhân vào các clip đen và tung lên các trang mạng xã hội để gây áp lực, khủng bố tinh thần nạn nhân để đòi nợ. Các đối tượng này sau đó đã bị khởi tố vì tội cưỡng đoạt tài sản.
Ông Phạm Anh Minh, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tặng quà người lao động tham gia phần giao lưu. |
Chị Nguyễn Thị Lệ, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội hỏi:
1. Người lao động bị tai nạn trên tuyến đường từ nhà đến nơi làm việc hoặc ngược lại thì có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?
2. Luật ATVSLĐ 2015 quy định mức phụ cấp hàng tháng cho người làm công tác ATVSLĐ (an toàn vệ sinh viên - ATVSV) như thế nào?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: 1. Bộ luật Lao động quy định người lao động trên đường đi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nhà sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động. Tuy nhiên, phải căn cứ trên tình huống gây tai nạn lao động. Nếu lỗi không do người lao động thì người lao động sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động; nếu lỗi do người lao động (như đánh võng, uống rượu bia, bốc đầu xe, vi phạm luật giao thông…) thì sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động.
2. Về quyền lợi và chế độ của ATVSV, hiện nay, mức trợ cấp này chưa có quy định cụ thể, chủ sử dụng lao động và Công đoàn đơn vị doanh nghiệp sẽ bàn bạc đưa ra mức trợ cấp phù hợp với tình hình doanh nghiệp.
Anh Dương Văn Lưỡng (Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Việt Hà) hỏi: Cho vay “tín dụng đen” là sai pháp luật, vậy người cho vay “tín dụng đen” sẽ bị xử lý như thế nào? Xin hỏi chuyên gia, hiện nay cơ quan chức năng xử lý vấn đề này ra sao?
Chuyên gia Đào Trung Hiếu: “Tín dụng đen” theo nghĩa hẹp là cho vay lãi nặng, còn theo nghĩa rộng là các dạng huy động và cho vay tín dụng dân sự bất hợp pháp không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào.
“Tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay mà Nhà nước hay pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Cụ thể là cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, hoặc lãi suất 100%/năm được coi là tín dụng đen.
Chuyên gia Đào Trung Hiếu |
Để ngăn ngừa loại tội phạm này, từ năm 2019, Bộ Công An đã có chuyên đề về đấu tranh với đối tượng cho vay nặng lại, tín dụng đen. Từ đó, người dân có thể thấy hiện tượng dán cột điện cho vay nặng lãi đã không còn.
Nhưng đối tượng này đã tinh vi hơn và chuyển hoạt động lên không gian mạng và thông qua các mạng xã hội với nhiều hình thức, người dân dễ sập bẫy hơn và công tác đấu tranh tội phạm cũng phức tạp hơn. Qua quá trình điều tra, lực lượng công an đã xác định hiện có ba nhóm lừa đảo chính gồm là giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên zalo, facebook và các hình thức kết hợp.
Trong đó có 24 hình thức lừa đảo chính. Trong đó nổi bật là lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice, dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền; lừa đảo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... nói người nhà “vô tình” liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh...; lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán... thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm...
Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng rồi xin lấy lại tiền... hoặc lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo có người gửi bưu kiện, hoặc trúng thưởng, hoặc có khoản tiền ngoại tệ chuyển đến... cần có tiền ứng trước để lấy ra
Ngoài ra còn là các hình thức lừa đảo: SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo “bẩn” trên facebook... Các thủ đoạn này chủ yếu nhằm vào sự hám lợi và thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân.
Trong quá trình đấu tranh, Bộ Công an giao chỉ tiêu công tác cho công an địa phương, tổ chức trinh sát, điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Nhưng quan trọng nhất là vẫn phải tích cực công tác tuyên truyền, thay đổi hành vi và nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân.
Theo đó, Bộ Công an đã đưa ra yêu cầu, đề nghị người dân ghi nhớ, thực hiện tốt khẩu hiệu: “2 Phải 4 Không” để phòng, chống, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, bảo vệ tài sản.
Trong đó, 2 phải là: Phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...
Phải liên hệ với công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.
Và 4 không gồm: Không sợ: Không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án…
Không tham lam: Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”...
Không kết bạn với người lạ: Khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng.
Không chuyển khoản: Khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo.
Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân, đừng dễ tin bất cứ điều gì trên mạng xã hội, chúng ta cần chậm lại một nhịp để kiểm tra tất cả các thông tin trước khi có nguy cơ bị mất tiền oan.
Bạn đọc hỏi: Việc lập kế hoạch an toàn vệ sinh lao động có phải lấy ý kiến Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và dựa trên các căn cứ nào?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Kế hoạch an toàn vệ sinh lao động giúp doanh nghiệp có một khoản tài chính để thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động. Khi lập kế hoạch an toàn vệ sinh lao động phải thực hiện đánh giá rủi ro cho các hoạt động tại doanh nghiệp, dựa trên các hoạt động liên quan đến vấn đề tuyên truyền, huấn luyện, khám sức khỏe, căn cứ nhiều yếu tố để lập nên kế hoạch an toàn vệ sinh lao động.
Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp chỉ liệt kê ra các danh mục, mà không có dự kiến chi phí do đó nhiều kế hoạch bị vỡ. Do đó, khi lập kế hoạch an toàn vệ sinh lao động người sử dụng lao động phải bàn với Ban chấp hành Công đoàn, để xem với những kinh phí đó nội dung nào làm năm nay, nội dung nào làm ở các năm tiếp theo, bộ phận nào thực hiện làm, tránh tình trạng lập ra kế hoạch nhưng không thực hiện được.
Chị Trần Thị Lan Hương, Công ty Toyota Bosoku Hà Nội hỏi: Trong sổ Bảo hiểm xã hội của tôi có ghi công việc là vận hành máy cắt gọt kim loại, vận hành máy may công nghiệp… Tôi muốn hỏi việc ghi vậy trong sổ Bảo hiểm xã hội có được coi là công việc nặng nhọc độc hại hay không?
Chị Trần Thị Lan Hương, Công ty Toyota Bosoku Hà Nội đặt câu hỏi với chuyên gia. |
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh: Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã ban hành thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH quy định về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt, trong đó có quy định rõ về từng nhóm ngành nghề. Trong đó có cả quy định về nhóm cơ khí và luyện kim.
Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi bổ sung: Tên công việc của chị trong danh mục đã thể hiện rất rõ là cắt gọt kim loại. Do đó dù vị trí việc làm là tại tổ cải tiến thì cũng vẫn được hưởng các chế độ làm việc độc hại. Tên gọi của các tổ, phòng ban là theo quy định của từng doanh nghiệp, điều này không ảnh hưởng gì đến việc hưởng chế độ bảo hiểm, hay chế độ công việc nặng nhọc, độc hại.
Chị Vũ Thị Phượng, Công ty Goshi Thăng Long hỏi: Đồng nghiệp tôi vay tiền qua app không trả đúng hạn, bên đòi nợ liên tục gọi điện cho tôi, quấy rối mặc dù đồng nghiệp khẳng định không cho số điện thoại của tôi. Vậy xin hỏi chuyên gia tôi có thể đề nghị công ty chấm dứt hợp đồng lao động hoặc kỷ luật đồng nghiệp không?
Chuyên gia Đào Trung Hiếu: Có nhiều trường hợp người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn đã tham gia vay tiền qua app và không trả tiền đúng hạn nên các đối tượng đòi nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ của họ để nhắn tin, gọi điện thoại nhằm mục đích đòi nợ, cho dù người bị gọi điện không liên quan đến các khoản vay nợ đó. Vậy “thoát” bằng cách nào?
Trước hết cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Thông báo cho đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên. Có thể sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang mạng cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, bạn có thể trình báo đến cơ quan công an và tuyệt đối không cung cấp thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ.
Chị Nguyễn Thị Huyền, Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long hỏi: Có trường hợp người lao động ở một Công ty, đến tuổi nghỉ hưu mà Công ty còn nợ Bảo hiểm xã hội của người lao động, như vậy người lao động đó có thể được giải quyết nghỉ và hưởng lương hưu ngay không?. Trách nhiệm của cơ quan đó như thế nào để người lao động đỡ thiệt thòi?
Chuyên gia Phạm Ngọc Minh: Nguyên tắc và trách nhiệm về đóng bảo hiểm cho người lao động thuộc về công ty. Khi Công ty vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ ảnh hưởng đến chính người lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ không có cơ sở để chi trả chế độ cho người lao động. Trường hợp nếu người lao động đã đủ thời gian đóng Bảo hiểm xã hội được cơ quan Bảo hiểm xác nhận thì tùy trường hợp người lao động sẽ được hưởng chế độ, việc này phải nghiên cứu thêm hồ sơ cụ thể phụ thuộc vào xử lý vi phạm của doanh nghiệp về nợ đọng bảo hiểm.
Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội cho biết, sau hơn 2 giờ tập trung làm việc liên tục nhiều câu hỏi về những vấn đề liên quan thiết thực đến người lao động như: công tác An toàn, vệ sinh lao động; đặc biệt là việc nhận diện những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay như lừa đảo qua mạng, tín dụng đen và cách phòng tránh... Tại buổi Đối thoại, các chuyên gia đã trả lời cho đoàn viên, người lao động hiểu rõ, hiểu kỹ những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc; từ đó tiếp tục tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động thực thi tốt chính sách pháp luật; đồng thời trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất để phòng tránh các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động. Những tư vấn nhiệt tình, giải đáp thỏa đáng của các chuyên gia đã giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững. “Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp có hiệu quả của các đồng chí để cán bộ, đoàn viên, người lao động trong ngành yên tâm, tin tưởng với các chủ trương mới của Đảng và Nhà nước, để tiếp tục hăng hái thi đua học tập, lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng ngành Công Thương Hà Nội ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế”, bà Lê Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội nhấn mạnh. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ thị xã Sơn Tây: Chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động
"Đi bão" văn minh của người dân Thủ đô
Sau sáp nhập, thành phố Vinh có 6 cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi
Tổ chức thành công Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động xã Đồng Trúc
Đa dạng các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên và người lao động
Xu hướng chi tiêu tiết kiệm dịp Tết 2025
Trao sản phẩm hỗ trợ phát triển cộng đồng cho đoàn viên Công đoàn vay vốn
Tin khác
TRỰC TUYẾN: Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới
Giao lưu, trực tuyến 30/10/2024 09:00
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Tuyên truyền Luật Thủ đô 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 30/10/2024 08:48
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Giao lưu, trực tuyến 11/10/2024 08:43
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Tuyên truyền kiến thức về an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Giao lưu, trực tuyến 11/10/2024 08:37
TRỰC TUYẾN: Tôn vinh 100 gương sáng kiến, sáng tạo và 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động
Giao lưu, trực tuyến 02/10/2024 08:39
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô tự hào quá khứ, xây dựng tương lai
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:05
Tọa đàm trực tuyến: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:04
TRỰC TUYẾN: Biểu dương gia đình, khích lệ con công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tiêu biểu
Hoạt động 28/08/2024 08:25
TRỰC TUYẾN: Trang trọng Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và tôn vinh cán bộ Công đoàn tiêu biểu
Hoạt động 28/07/2024 08:15
Trực tuyến: Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sự kiện 25/07/2024 07:31