TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động

(LĐTĐ) Sáng nay (23/5), tại Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động (CNLĐ) Thủ đô năm 2024.
Chương Mỹ: Đối thoại với công nhân lao động, nhiều thắc mắc được giải quyết Nhiều hoạt động hướng về người lao động trong Tháng Công nhân năm 2024 Lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ lắng nghe, chỉ đạo giải quyết các đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024, LĐLĐ Thành phố phối hợp với UBND Thành phố tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với CNLĐ Thủ đô.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tại địa phương đối với đoàn viên, người lao động; kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, người lao động với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tại các cuộc tiếp xúc, đối thoại trước; đánh giá khái quát tình hình đời sống, việc làm, quan hệ lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là tại các Khu công nghiệp và chế xuất, các cụm công nghiệp.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và đồng chí Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị.

Thông qua việc tổ chức Hội nghị cũng tiếp tục khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, các cấp, các ngành đối với tổ chức Công đoàn và đội ngũ đoàn viên, người lao động; phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tạo sự đồng thuận, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với tổ chức Công đoàn và CNLĐ.

8h00: Khai mạc Hội nghị

Dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đào Xuân Dũng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Lê Quang Long - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội; Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội; Lê Thanh Nam - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội; Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai...

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam dự Hội nghị.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các ban Xây dựng Đảng Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội thành phố Hà Nội; lãnh đạo các quận, huyện có khu công nghiệp đóng trên địa bàn; đại diện các phòng, ban thuộc Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội; lãnh đạo, cán bộ các ban của LĐLĐ Thành phố; Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; đại diện một số doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở và gần 300 CNLĐ đại diện cho 3 triệu CNLĐ đang làm việc.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
CNLĐ tham dự Hội nghị.

8h10: Báo cáo tình hình quan hệ lao động, đời sống, việc làm; tổng hợp kiến nghị, đề xuất của CNLĐ trên địa bàn Thành phố

Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Huy Khánh đã trình bày báo cáo quan hệ lao động, tình hình đời sống việc làm và những kiến nghị, đề xuất của CNLĐ Thủ đô năm 2024.

Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cho biết: Hiện nay, Hà Nội có trên 270 nghìn doanh nghiệp với khoảng 2,7 triệu lao động. LĐLĐ thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 9.208 Công đoàn cơ sở và 664.031 đoàn viên; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh có 5.781 Công đoàn cơ sở với 470.024 đoàn viên.

Năm 2023, trong điều kiện tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, đất nước còn nhiều khó khăn, song cùng với sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Thành ủy - Hội đồng nhân dân - UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cùng với sự ủng hộ, đồng hành, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong đó có đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, thực hiện chủ đề, kế hoạch công tác năm 2023 của Thành phố, thực hiện có hiệu quả các kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh báo cáo tình hình quan hệ lao động tại Hội nghị.

Cụ thể về quan hệ lao động: Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố thời gian qua vẫn giữ được ổn định. Số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công có xu hướng giảm mạnh. Việc thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở…n gày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn. Các thiết chế về Hội đồng quan hệ lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động Thành phố đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. Vai trò đại diện, tham gia quản lý của tổ chức Công đoàn các cấp được khẳng định. Từ đó góp phần vào xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn Thành phố.

Về tiền lương, tiền thưởng: Với tinh thần nỗ lực vượt khó, tuy sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, song đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các Khu Công nghiệp và chế xuất.

Về nhà ở của CNLĐ ở các Khu công nghiệp: Hà Nội hiện có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%). Vấn đề nhà ở cho CNLĐ còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động. CNLĐ rất mong muốn được mua nhà ở xã hội với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp. Hiện tại, có khoảng trên 70% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Ngoài ra, các trường học công lập cho con CNLĐ còn thiếu, điều đó đã gây khó khăn hơn cho người lao động.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Trước Hội nghị, Ban Tổ chức Hội nghị đã tiếp nhận được trên 600 ý kiến, kiến nghị gửi về từ các đại biểu CNLĐ và Công đoàn cơ sở.

Về chính sách lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội: Những tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế Thủ đô bắt đầu khởi sắc, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm tăng so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm đạt 44,4% so với kế hoạch. Có trên 5 nghìn lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm. Số lao động được cung ứng giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác đạt xấp xỉ 54 nghìn lao động.

Về chính sách bảo hiểm xã hội - bảo hiểm y tế - bảo hiểm thất nghiệp: Hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.059.803 người, tăng 88.126 người so với cùng kỳ năm 2023; tăng 2.105 người so với 31/12/2023; đạt 88,93% kế hoạch; chiếm 44,3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến hết tháng 4/2024, toàn Thành phố có 93.539 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tổng số tiền chậm đóng là 5.821 tỷ đồng, tỷ lệ chậm đóng là 8,24%.

Về quản lý Nhà nước về pháp luật lao động: Công tác quản lý Nhà nước về lao động đã được các cấp chính quyền Thành phố triển khai, thực hiện tốt. Các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động trên địa bàn Thành phố thực hiện đúng các quy định pháp luật về mức lương tối thiểu vùng, các quy định về thời giờ làm việc, hỗ trợ bổ sung nhiều khoản trợ cấp cho người lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể đạt 75,5%. Tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động đạt 74,3%... Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người lao động.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Người lao động dự Hội nghị.

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 163/CTr-UBND-LĐLĐ ngày 28/7/2020 giữa UBND Thành phố và LĐLĐ Thành phố, giai đoạn 2020 - 2025, để chuẩn bị tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với CNLĐ Thủ đô năm 2024, trong thời gian qua LĐLĐ Thành phố đã phát hành phiếu lấy ý kiến, kiến nghị của CNLĐ thông qua các Công đoàn cơ sở.

Đến nay Ban Tổ chức Hội nghị đã tiếp nhận được trên 600 ý kiến, kiến nghị gửi về từ các đại biểu CNLĐ và Công đoàn cơ sở. Qua tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu CNLĐ có ý kiến đề xuất với Thành phố và các sở, ngành liên quan, tập trung vào các nhóm vấn đề: Nhà ở cho công nhân; đời sống, việc làm của CNLĐ; vấn đề thực hiện chính sách đối với CNLĐ; an toàn giao thông; nâng cao trình độ chuyên môn và đào tạo nghề; đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp…

8h25: Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh đây là dịp để trao đổi, đối thoại và cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, việc làm của CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ tại các Khu Công nghiệp và chế xuất của Thành phố. “Để Hội nghị hôm nay thật thiết thực, hiệu quả đối với CNLĐ, tôi muốn lắng nghe trực tiếp ý kiến của CNLĐ một cách cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của mình trên mục tiêu chung “năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”. Chúng ta sẽ cùng thảo luận để làm sao chính quyền Thành phố có thể tạo điều kiện tốt hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho CNLĐ Thủ đô trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ.

Xác định quan điểm mỗi bước tiến, mỗi thành công chung của Thành phố không thể thiếu vai trò quan trọng của lực lượng CNLĐ Thủ đô, với vai trò là người đứng đầu, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các CNLĐ hãy thẳng thắn trao đổi, có ý kiến, đề xuất nguyện vọng của mình. Với tinh thần như vậy, Hội nghị tập trung vào những nội dung theo các nhóm lĩnh vực sau: Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; trật tự, an ninh, an toàn xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định trên tinh thần tiếp thu, với vướng mắc nào có thể tháo gỡ, lãnh đạo Thành phố, các sở, ngành, đơn vị sẽ giải đáp ngay tại Hội nghị. Chính quyền Thành phố luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất, sẽ đáp ứng tối đa những nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động vì điều đó cũng sẽ là động lực để Thành phố phát triển.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Phạm Quang Thanh điều hành Hội nghị.

8h30: Lãnh đạo UBND Thành phố và LĐLĐ Thành phố lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của CNLĐ

Lắng nghe, giải đáp kiến nghị, thắc mắc của CNLĐ về vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Anh Nguyễn Văn Nam Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á, LĐLĐ huyện Gia Lâm

Anh Nguyễn Văn Nam (Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á, LĐLĐ huyện Gia Lâm) nêu kiến nghị: Sau dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá thì huyện Gia Lâm không còn dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều Khu công nghiệp có nhiều công nhân, vợ chồng trẻ, phải đi thuê nhà trọ. Tôi đề nghị Thành phố xem xét có thêm các dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Anh Nguyễn Thịnh (Công ty Cổ phần kết cấu thép Bình Phú)

Anh Nguyễn Thịnh (Công ty Cổ phần kết cấu thép Bình Phú) nêu kiến nghị: Đề nghị Thành phố sớm ban hành thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội, như việc giao đất, quyền lợi ưu đãi chủ đầu tư, xác định đúng đối tượng được mua.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Anh Phan Chí Thành (Công ty TNHH Canon Việt Nam

Anh Phan Chí Thành (Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội) nêu kiến nghị: Đề nghị Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách giải quyết vướng mắc xoay quanh câu chuyện thủ tục đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho CNLĐ.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (Giáo viên Trường Trung học cơ sở Cổ Đông)

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (Giáo viên Trường Trung học cơ sở Cổ Đông): Hiện nay LĐLĐ Thành phố đã có quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên nguồn vốn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đoàn viên, người lao động. Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội Thành phố triển khai các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đối với CNLĐ trên địa bàn để vay mua nhà, xây sửa nhà ở. Ngoài ra CNLĐ có thể tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi nào từ Thành phố? Thủ tục cho vay vốn có điều kiện và có được linh hoạt về thời gian không? Đề nghị UBND Thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn để các đơn vị triển khai đến người lao động.

Trả lời những câu hỏi, thắc mắc của CNLĐ về vấn đề nhà ở, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Về nhà ở xã hội, đây là nội dung được Thành phố hết sức quan tâm. Hiện nay có 58 dự án phát triển nhà ở xã hội. Sở Xây dựng Hà Nội đã trình xây dựng 4/5 dự án nhà ở xã hội tập trung. Với tổng 58 dự án, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 60 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. Riêng Gia Lâm, đang triển khai 1 dự án nhà ở xã hội ở Cổ Bi với quy mô 22ha đang trình phê duyệt. Sau khi phê duyệt sẽ được triển khai đưa nhà ở xã hội vào phục vụ CNLĐ. Thành phố cũng tạo điều kiện để người lao động mua nhà ở xã hội, trả tiền linh hoạt, ưu đãi, còn vấn đề vay vốn thì sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hiện nay, việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thông tư hướng dẫn số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng, Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 5/11/2019 của UBND Thành phố và các quy định pháp luật có liên quan.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong giải đáp thắc mắc, kiến nghị của CNLĐ.

Hiện tại, việc bố trí quỹ đất và hình thành các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cần thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành: Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), tại Điều 83 quy định.

Đất để phát triển nhà ở xã hội, UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.

Đối với khu vực nông thôn, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Sau khi Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023 có hiệu lực, Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi, bổ sung (thay thế) Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, UBND Thành phố sẽ giao các sở, ngành và các đơn vị liên quan tham mưu việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo từng khu vực phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở Thành phố và các quy định của pháp luật hiện hành.

Trong quá trình triển khai thực hiện có một số khó khăn, vướng mắc như: Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu mất nhiều thời gian; quy định về thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa rõ ràng… UBND Thành phố đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đất đai nhằm đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, Thành phố tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua trong năm 2024.

Đối với việc xác định đúng đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, công tác xét duyệt thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và hiện chủ đầu tư đã cam kết thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 5/11/2019 về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, UBND cấp quận, huyện, thị xã nơi có dự án thực hiện kiểm tra nhằm loại trừ việc người được mua, thuê nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần, không đúng đối tượng, không đủ điều kiện được hưởng chính sách thuê, mua nhà ở xã hội; thực hiện đăng tải công khai thông tin các dự án, danh sách các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lưu ý thêm: Đối với công nhân các Khu công nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời gian vay và trả tiền sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Như vậy, có thể đảm bảo đúng đối tượng. Còn thời gian trả tiền vay, tiền lãi cũng sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin thêm: Nhà ở là vấn đề quan trọng đối với mỗi người lao động nói chung và CNLĐ tại các Khu công nghiệp nói riêng, bởi “an cư mới lạc nghiệp”. CNLĐ có sự đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của Thành phố.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở cho CNLĐ. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội triển khai việc này còn chậm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong bối cảnh, mọi thủ tục, quy trình như thủ tục đầu tư, thủ tục thuê mua nhà đều được các cơ quan, ban, ngành triển khai rất thận trọng. Việc triển khai nhà ở xã hội còn chậm. Đây là lỗi của Thành phố, của sở, ban, ngành, trong đó cả cả quận, huyện, thị xã liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhu cầu của CNLĐ về mua, thuê nhà ở xã hội còn cách xa so với cung ứng của Thành phố. UBND Thành phố đề nghị Sở Xây dựng cùng với sở, ban, ngành khác phải xử lý công việc với tinh thần nhanh nhất, quyết liệt để có quỹ nhà cung ứng cho CNLĐ.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các cơ quan, ban ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt để có quỹ nhà cung ứng cho CNLĐ.

Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, trong năm 2024 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ phải khởi công được các khu nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch. Các sở, ban, ngành phải xác định đây là món nợ với người lao động với CNLĐ trên địa bàn Thành phố.

Ngoài chính sách của Trung ương, tới đây khi Luật Thủ đô được thông qua, chúng ta có thêm quyền nhất định để ban hành một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ cho phúc lợi xã hội nói chung trong đó có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể thuê, mua nhà ở xã hội. Bên cạnh các chế độ chính sách của Trung ương, Thành phố, UBND Thành phố mong muốn LĐLĐ Thành phố đồng hành cùng Thành phố để giúp người lao động được tiếp cận nhà ở xã hội bởi một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn là phải làm sao để người lao động khi tham gia vào tổ chức Công đoàn cảm thấy được chăm lo, bảo vệ, được quan tâm với những hoạt động thiết thực.

Lắng nghe, giải đáp kiến nghị, thắc mắc của CNLĐ về vấn đề hạ tầng giao thông, trật tự an ninh, an toàn xã hội.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Anh Phan Thanh Hải (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam) nêu kiến nghị.

Anh Phan Thanh Hải (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam) nêu kiến nghị: Trước đây có 3 lối vào Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Tuy nhiên 2 lối vào đã bị khóa, khiến giao thông dồn về trục đường chính. Hiện đường ngập lụt, khiến giao thông khó khăn. Đề nghị Thành phố có sự hỗ trợ để tránh ảnh hưởng đến người lao động, giúp người lao động tham gia giao thông được an toàn. Ở năm trước, khi đối thoại, chúng tôi cũng đề xuất trang bị thêm đèn tín hiệu giao thông, nhưng không được triển khai, đề nghị Thành phố quan tâm.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động

Chị Bùi Thị Hồng nêu kiến nghị.

Chị Bùi Thị Hồng (Vận hành Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai): Hiện Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai có hạ tầng giao thông với lối ra Đại lộ Thăng Long nhưng lối này bị chặn lại, hơn 10.000 người chỉ có thể vào qua đường 419, gây áp lực giao thông lớn. Chúng tôi tha thiết mong Thành phố hỗ trợ, mở lối vào ở Đại lộ Thăng Long để giảm bớt áp lực giao thông.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
CNLĐ nêu kiến nghị.

Trả lời những kiến nghị trên của CNLĐ, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết: Liên quan đến cổng ở Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, hiện có 2 cổng Ban Quản lý yêu cầu đổ bê tông là do thường xuyên có tình trạng không ai quản lý, rác thải, đất cát thường xuyên bị đổ trộm. Ban Quản lý cho đóng cổng tiếp giáp Đại lộ Thăng long để đảm bảo an ninh trật tự.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long trả lời kiến nghị của cán bộ Công đoàn, CNLĐ

Hiện Ban quản lý đang phối hợp với huyện Quốc Oai, yêu cầu đơn vị vận hành tiếp nhận. Sau khi có đơn vị vận hành thì sẽ mở lối giao thông đã bịt. Về việc đèn giao thông trong khu vực thiếu và không đảm bảo an toàn giao thông, chúng tôi chưa nắm được, đề nghị cán bộ Công đoàn cung cấp thêm thông tin, chúng tôi sẽ cho xử lý.

Đại diện huyện Quốc Oai bổ sung: Việc đường giao thông bị bịt khiến thời gian qua việc đi lại của CNLĐ bị ảnh hưởng, chúng tôi đang phối hợp với đơn vị hạ tầng tiếp quản. Sau khi có đơn vị hạ tầng tiếp quản thì công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nạo vét hệ thống thoát nước sẽ thông thuận.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai trả lời kiến nghị của CNLĐ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin: Về vấn đề này, theo tôi hiểu là xuất phát từ những tồn tại bởi công tác sáp nhập trước kia gây ra khúc mắc. Trước mắt, tôi đề nghị Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội cân nhắc phương án chỉ chặn xe ô tô, còn lại hỗ trợ tối đa cho CNLĐ ra vào và đến nơi làm việc. Đặc biệt, các đơn vị phải phối hợp với nhau để giải quyết tồn tại. Với tình trạng cần bố trí đền giao thông phải khẩn trương làm ngay, phải đi khảo sát và có phương án xử lý.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
CNLĐ theo dõi nội dung hội nghị.

Anh Hoàng Hải Anh (xã Xuân Sơn) nêu kiến nghị: Hiện, tại các tuyến kênh tưới tiêu, các trạm bơm, người dân thường xuyên xả rác thải. Do đặc thù của công nhân thủy lợi, các tuyến kênh này gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, người lao động không được hưởng các chế độ độc hại. Đề nghị Thành phố có sự hỗ trợ về vấn đề này?

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Liên quan đến kiến nghị của anh Hoàng Hải Anh (xã Xuân Sơn), hiện nghề nghiệp anh làm chưa có trong danh mục nghề, nhóm công việc nặng nhọc, độc hại. Về quy trình đề xuất nghề nghiệp vào danh mục nghề, nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, anh cần báo cáo với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo đơn vị sẽ có báo cáo lên trên. Chúng tôi sẽ thẩm tra và giải quyết. Anh có thể đến Phòng Việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội để được hướng dẫn các quy trình triển khai hoặc cuối buổi đối thoại gặp trực tiếp tôi để được hướng dẫn.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam trả lời kiến nghị của NLĐ.

Chị Nguyễn Thu Huyền (Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại Sơn Tây) nêu kiến nghị: Tình trạng xả nước thải dọc tuyến kênh tiêu Tây Ninh từ một số đơn vị sản xuất, chế biến nông sản thuộc xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) xuống huyện Thạch Thất làm ô nhiễm nguồn nước mặt và không khí, gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt cuộc sống của người lao động trên địa bàn các xã Phú Kim, Hương Ngải, thị trấn Liên Quan, Canh Nậu, Dị Nậu (huyện Thạch Thất). Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết: Với đề xuất của chị Nguyễn Thu Huyền, chúng tôi đã chỉ đạo rà soát. Kênh tiêu Tây Ninh 1 là hệ thống kênh tiêu chính cho vùng sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Phúc Thọ và Thạch Thất, đồng thời là nguồn cung cấp nước tưới cho một số xã hạ lưu kênh như xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ). Kênh tiêu Tây Ninh 1 do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích giao Xí nghiệp Thủy lợi Thạch Thất quản lý. Các cơ sở phát sinh nước thải trên địa bàn huyện Phúc Thọ xả thải trực tiếp nước thải không qua xử lý ra mương xuống Kênh tiêu Tây Ninh 1 gồm 3 cơ sở sản xuất tinh bột sắn thuộc giới hành chính xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ).

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam trả lời kiến nghị của CNLĐ.

Hiện tại, 3 cơ sở này đã tạm dừng hoạt động do hết mùa vụ. UBND huyện Phúc Thọ đã có Văn bản số 709/UBND-TNMT ngày 29/3/2024 về việc giao Công an huyện, phòng Kinh tế, phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Liên Hiệp kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cơ sở. Ngoài ra, để cải thiện chất môi trường nói chung và lượng nước nói riêng tại dọc tuyến kênh tiêu Tây Ninh và một số kênh khác trên địa bàn huyện Thạch Thất, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Cải tạo, nâng cấp kênh tiêu Tây Ninh - Ngòi Núc, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội” và dự án “Cải tạo, nâng cấp kênh tiêu Phùng Xá-Dị Nậu, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội” tại Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố làm Chủ dự án đầu tư. Tiến độ thực hiện hai dự án này năm 2024 - 2027.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh thông tin thêm: Hà Nội là điểm đến lý tưởng nhưng môi trường là vấn đề cần quan tâm nhiều nhất. Ở nước ngoài, những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đều bị xử lý nghiêm và yêu cầu đóng cửa. Thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung nguồn lực, chấn chỉnh các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Không vì lợi ích một nhóm người mà gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Thành phố hướng tới mục tiêu thực sự xanh và an toàn.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
CNLĐ nêu nhiều kiến nghị về vấn đề bảo hiểm xã hội và an toàn thực phẩm.

Anh Nguyễn Thành Công (Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Âu Cơ) kiến nghị: Hiện nay, có một số đối tượng cho vay tín dụng đen và các đối tượng lừa đảo tự nhận là công an, cán bộ quận thường xuyên gọi điện thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đã có CNLĐ bị lừa đảo lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, việc lừa đảo trên không gian mạng và lừa đảo của các công ty, doanh nghiệp thông qua hình thức phát hành trái phiếu hoặc nhượng cổ phần đang lan rộng, tội phạm công nghệ cao và các hình thức đánh bạc qua mạng thực chất là chiếm đoạt tài sản của nhân dân, trong đó có CNLĐ. Tôi mong muốn UBND Thành phố chỉ đạo Công an Thành phố và các cơ quan liên quan có chế tài và các biện pháp quản lý mạnh hơn nữa để ngăn chặn kịp thời các vấn đề trên.

Chị Hoàng Thị Khánh (Cơ sở cai nghiện ma túy số 5) kiến nghị: Đề nghị Công an Thành phố quan tâm, có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với việc nhập khẩu cho trẻ mới sinh thuộc các trường hợp nhập khẩu quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 20 “Điều kiện đăng ký thường trú, Luật cư trú”, do trong thực tế có nhiều trường hợp hộ gia đình sống ở các khu đất thuộc cơ quan từ nhiều năm nhưng chưa được bàn giao; sống ở khu vực có dự án treo; khu vực hành lang sông... nên không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhiều trường hợp xin nhập khẩu ở nơi có hộ khẩu theo mẹ nhưng cũng không được chấp nhận vì thực tế không ở đó.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Cán bộ Công đoàn nêu kiến nghị.

Anh Trần Duy Khiên (Công ty TNHH Lock & Lock Hà Nội) kiến nghị: Tình trạng nhiều hàng rong bán trong các Khu công nghiệp gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đặc biệt gây ùn tắc giao thông các giờ tan tầm của CNLĐ trong các Khu công nghiệp như: Thạch Thất, Quốc Oai, Quang Minh... Đề nghị Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, xử lý, giải tỏa dứt điểm tình trạng này.

Đại diện Công an Thành phố cho biết: Về tình trạng lừa đảo qua không gian mạng và tín dụng đen, chúng tôi nhận định đây là vấn đề hết sức nan giải. Các đối tượng phạm tội lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân. Dù đã tuyên truyền nhiều nhưng tình trạng người dân mắc phải vẫn nhiều. Trong thời gian qua, chúng tôi đã tập trung lực lượng để xử lý các vụ vi phạm, bắt giữ 19 vụ liên quan đến tín dụng đen. Chúng tôi khuyến nghị, ngoài công tác phòng ngừa thì rất cần sự hỗ trợ từ CNLĐ, cần có ý kiến phản ánh. Ngoài ra, các ban, ngành Thành phố phải cùng vào cuộc để ngăn ngừa. Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện các chế định pháp luật với loại hình đối tượng này, bởi thế cần sự chung tay.

Với giải pháp tháo gỡ cho trẻ sơ sinh, hiện nay, vấn đề này đã được giải quyết. Ngày 17/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 66/2023/TT-BCA (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cư trú, có bổ sung nội dung: “Người đăng ký thường trú theo điều kiện quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở đăng ký thường trú là địa điểm quy định tại Điều 23 Luật Cư trú thì hồ sơ đăng ký thường trú không cần phải có ý kiến đồng ý của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu”.

Như vậy, trẻ em mới sinh đăng ký thường trú theo cha, mẹ vẫn được giải quyết đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc địa điểm không được đăng ký thường trú mới quy định tại Điều 23 Luật Cư trú (như: Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều…; chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép,…; chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất…; chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ…) và hồ sơ đăng ký thường trú không cần phải có ý kiến đồng ý của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Thành Long trả lời kiến nghị của NLĐ.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng thông tin: Hiện Công an thành phố Hà Nội cùng Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tích cực tăng cường tuyên truyền ngăn chặn tín dụng đen trên các kênh truyền thông, báo chí. Chúng tôi có 1 kênh Zalo riêng với độ phủ là 4,2 triệu công dân trên địa bàn Thành phố.

Vừa qua, chúng tôi đã cho truyền thông mạnh về lừa đảo trên mạng và tín dụng đen; triệt phá được một nhóm lừa đảo là người nước ngoài trú tại quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, người dân vẫn cần tự trang bị kiến thức để phòng ngừa bởi bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của các đối tượng này. Tôi khuyến cáo công dân tuyệt đối không cung cấp căn cước công dân cho ai. Và hiện một số đối tượng còn giả mạo là cán bộ phụ trách Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Điều này người dân cần cảnh giác.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng trả lời kiến nghị của NLĐ

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Tín dụng đen và lừa đảo qua mạng là vấn đề nóng hiện nay. Tôi đề nghị các cơ quan liên quan tạo cơ chế thuận lợi để người dân vay tín dụng, tránh tìm đến các đối tượng xấu. Thói quen người dân hiện nay chủ yếu vẫn là dùng Facebook, Zalo hoặc Tiktok, bởi thế cần tăng cường tuyên truyền. Tôi đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phải lập các trang mang tính chất cảnh báo, phòng ngừa để người dân nâng cao nhận thức trên các kênh này. Một giải pháp nữa là hoàn thiện quy trình chuyển tiền ra nước ngoài bởi các thủ tục hiện nay chưa chặt chẽ. Ở nước ngoài, mua một chiếc sim điện thoại cũng phải hoàn thiện thủ tục mất 1 - 2 giờ. Ở nước ta lại quá dễ dàng. Đây là điều bất cập.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: Việc bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt cần phải nghiên cứu kỹ để vừa đảm bảo phù hợp với hiện trạng hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố vừa phải đảm bảo tránh gây ùn tắc giao thông cũng như đảm bảo thuận lợi để phục vụ cho người dân tham gia giao thông bằng xe buýt.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội trả lời kiến nghị của CNLĐ.

Trước mắt, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang triển khai thực hiện rà soát, đánh gia tổng thể mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố để đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản lượng vận tải hành khách công cộng kết hợp với việc thực hiện rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng, điểm tập trung phục vụ kết nối giữa các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân. Về lâu dài sau khi đánh giá hiện trạng hạ tầng giao thông phù hợp sẽ nghiên cứu bố trí làn đường ưu tiên dành cho phương tiện xe buýt.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội bố trí tuyến buýt có lộ trình ở phía Tây Thành phố để phục vụ cho việc phát triển công nghiệp của Thủ đô. Chúng ta phải phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực này để phục vụ phát triển công nghiệp, phát triển.

Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long thông tin: Với kiến nghị tình trạng nhiều hàng rong bán trong các Khu công nghiệp gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, hiện Ban Quản lý sẽ phối hợp với đơn vị để chấn chỉnh tình trạng này. Và đây cũng là căn nguyên khiến Ban Quản lý phải bịt một số lối vào Khu công nghiệp như đã đề cập trước.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long trả lời kiến nghị của CNLĐ.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Hiện Hà Nội có một số Khu công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có ít Khu công nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Đây là điều đáng lo ngại. Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, không thể trông chờ, ỉ lại mà cần có những giải pháp xử lý cụ thể hơn. Chúng ta phải tạo thói quen mới trong cách xử lý. Tôi đề nghị Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội phải cho rà soát lại toàn bộ các vướng mắc liên quan và phải xử lý.

Lắng nghe, giải đáp kiến nghị, thắc mắc của CNLĐ về vấn đề chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm

Chị Kim Dung (Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đức Anh) nêu kiến nghị: Đề nghị các cơ quan chuyên môn liên quan nghiên cứu cải tiến việc nhận và trả kết quả trong quy trình thực hiện các hồ sơ liên quan đến chế độ chính sách đối với người lao động.

Cụ thể: Đa dạng hóa nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển hồ sơ bản giấy giữa Cơ quan Bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp để tạo lợi thế cạnh tranh về mặt giá cả cũng như tiến độ giao nhận tài liệu, nâng cao hiệu quả công việc. Một CNLĐ nêu kiến nghị: Hiện nay, tình trạng người lao động xin rút để hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân người lao động, gia đình và các chính sách an sinh xã hội. Rất mong lãnh đạo Thành phố cho biết những chỉ đạo của Thành phố nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động xin rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng như hiện nay.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Người lao động nêu kiến nghị

Chị Hoàng Thị Mai (Công ty Cổ phần Tam Yên) nêu kiến nghị: Kiến nghị về việc hỗ trợ cho nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã được tham gia bảo hiểm xã hội do nhân viên thú y xã phải thực hiện rất nhiều công việc. Song, hiện nay nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã chỉ được hưởng phụ cấp và chỉ được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế mà chưa được hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội. Đây là thiệt thòi cho người lao động. Đề nghị Thành phố có cơ chế hỗ trợ cho đối tượng này.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Toàn cảnh Hội nghị.

Anh Đặng Vũ Long (Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam) kiến nghị: Hiện nay, khi chốt sổ bảo hiểm xã hội vẫn cứ gửi số giấy lại cho Công ty rồi chuyển lên Cơ quan Bảo hiểm xã hội. Công ty chốt xong rồi lại chuyển về cho người lao động hoặc người lao động phải đến lấy. Việc xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội vẫn cần gửi lên Cơ quan Bảo hiểm xã hội để xin dấu mà không được công nhận thông tin trích xuất từ VssID. Quá trình điện tử hóa cũng được thực hiện từ lâu. Rất mong Cơ quan Bảo hiểm xã hội xúc tiến để đồng bộ dữ liệu, giảm các thủ tục hành chính như thế này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Cán bộ Công đoàn, NLĐ nêu kiến nghị về chế độ bảo hiểm xã hội.

Chị Nguyễn Thị Mai Loan (Công ty TNHH Kenmec Việt Nam) nêu: Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước là 1,8 triệu động. Tuy nhiên đến nay, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong ngành Thủy lợi thuộc thành phố Hà Nội vẫn chỉ được hưởng lương và đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương cơ sở cũ là 1,49 triệu đồng. Đề nghị Thành phố xem xét hỗ trợ cho cán bộ, công nhân, viên chức, lao động đang làm việc trong ngành Thủy lợi thuộc thành phố Hà Nội theo mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng.

Trực tiếp giải đáp kiến nghị về vấn đề này, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết: Hiện nay, Cơ quan Bảo hiểm xã hội có giao nhận hồ sơ với các đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã ký hợp đồng HN032023/HĐDVBCCI/BĐHN-BHXH.HN ngày 16/6/2023 với Bưu điện Hà Nội về việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và chi phí do Cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả nhằm giảm chi phí, thời gian cho đơn vị, doanh nghiệp, người lao động khi giao dịch với Cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Với đơn vị sử dụng công lập chỉ cần đăng ký có hồ sơ gửi đến Cơ quan Bảo hiểm xã hội, Cơ quan sẽ tổ chức trả tại trụ ở đơn vị sử dụng lao động, đơn vị hoàn toàn không mất đồng phí nào. Về hồ sơ điện tử, Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thực hiện 95% thủ tục điện tử cũng không phát sinh phí. Đối với hồ sơ giao nhận với người lao động hầu như cũng không có hồ sơ giấy.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Ông Vũ Đức Thuật- Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời kiến nghị của CNLĐ.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của CNLĐ Thủ đô, ngoài việc tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội trên môi trường điện tử hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu để chọn ra đơn vị thực hiện chuyển phát trong việc tiếp nhận và trả kết quả nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và có chi phí thấp nhất.

Liên quan đến vấn đề người lao động phản ánh tình trạng rút bảo hiểm một lần là vấn đề nhức nhối, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho hay: Khi người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, người rút bảo hiểm xã hội một lần không nhiều như các tỉnh phía Nam nhưng có xu hướng tăng lên. UBND Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, giúp người lao động ổn định cuộc sống khi về già.

Đặc biệt, ngoài mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ; năm 2022, Thành phố đã hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Cán bộ Công đoàn nêu câu hỏi kiến nghị.

Cụ thể như sau: Hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với các đối tượng khác. “Qua Hội nghị này, Cơ quan Bảo hiểm xã hội mong muốn anh chị em công nhân khắc phục khó khăn về tài chính, không nên rút bảo hiểm xã hội một lần để vẫn đứng trong bệ đỡ an sinh xã hội”, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố bày tỏ.

Liên quan đến kiến nghị về việc hỗ trợ cho nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã được tham gia bảo hiểm xã hội, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố cho hay, nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã, phường, thị trấn chưa đủ căn cứ xác định là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn nên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đội ngũ này được hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2022 - 2025.

Thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc bố trí lực lượng và chế độ chính sách cho nhân viên chăn nuôi thú ý các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 10/1/2022 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định nhân viên chăn nuôi thú ý các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định “Nhân viên chăn nuôi thú ý cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ thanh toán khác theo quy định”. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố, Sở Tài chính, UBND quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn việc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với nhân viên chăn nuôi thú ý cấp xã.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Rất nhiều câu hỏi, kiến nghị được NLĐ gửi tới lãnh đạo Thành phố và các cơ quan, ban, ngành.

Về kiến nghị chốt sổ bảo hiểm, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp các cơ quan có liên quan đồng bộ dữ liệu tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID) và ứng dụng VneID để người lao động có thể tra cứu thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... và sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên 2 ứng dúng VssID và VneID để đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bảo hiểm xã hội Thành phố tiếp thu ý kiến góp ý của người lao động Thủ đô, tiếp tục báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới hoàn thiện các quy định về sổ bảo hiểm xã hội điện tử tiến tới không dùng sổ BHXH giấy trong việc tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trả lời kiến nghị mức đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên thủy lợi, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố chia sẻ: Hiện nay, Cơ quan Bảo hiểm xã hội thu dựa trên 2 khu vực là khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Căn cứ Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Từ ngày 1/7/2023, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với những người hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính trên mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng, không áp dụng đối với các đơn vị thực hiện chế độ tiền lương do chủ sử dụng lao động quyết định.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
CNLĐ dự Hội nghị.

Chia sẻ thêm với CNLĐ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh dành nhiều thời gian nói về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh hiện nay có nhiều nhóm người phải làm việc đến cuối đời mà không có lương hưu, không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng rút ra và dừng lại. Đó là thiệt thòi và xã hội văn minh thì không nên có tình trạng đó.

“Những người rút bảo hiểm xã hội một lần có thể giải quyết được khó khăn trước mắt nhưng trong trường hợp không may, khi về già họ lại thành gánh nặng cho con cháu, lao động mà không có lương hưu, tự mình rời bỏ an sinh, ý nghĩa tốt đẹp của bảo hiểm xã hội”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ, thời gian qua, Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng sẽ có những điều chỉnh để Luật chặt chẽ hơn, tối ưu nhất chính sách cho người lao động. Thời gian tới các cơ quan cũng cần tăng cường truyền thông để người lao động hiểu rõ, có thêm nhận thức về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.

Lắng nghe, giải đáp kiến nghị, thắc mắc của CNLĐ về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
CNLĐ nêu kiến nghị.

Một người lao động nêu kiến nghị: Thời gian qua, UBND Thành phố đã rất quan tâm đến chính sách giáo viên, nhân viên trường học. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ chính sách phù hợp với bằng cấp của cán bộ giáo viên, nhân viên còn hạn chế. Nhiều giáo viên, nhân viên có Bằng Đại học nhưng chỉ được hưởng lương Trung cấp hoặc Cao đẳng. Việc này đã kéo dài nhiều năm qua. Vừa qua có đợt xét thăng hạng cho giáo viên nhưng yêu cầu phải có Bằng Đại học từ đủ 9 năm trở lên, chúng tôi thấy chưa hợp lý. Kính đề nghị lãnh đạo Thành phố có phương án kịp thời, phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ giáo viên, nhân viên Các đồng chí nhân viên tổ nuôi, lương thấp, chưa được tăng lương, để giữ lại người lao động trong nhà trường rất khó khăn, có phương án để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên và người lao động.

Đại diện Sở Nội vụ trả lời: Liên quan đến vấn đề này, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND Thành phố tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III lên chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố Hà Nội. Kết quả có: 22.769 giáo viên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II.

Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên đã góp phần thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với giáo viên và người lao động. Tuy nhiên, có một số trường hợp giáo viên có tâm tư, suy nghĩ về tiêu chuẩn, điều kiện “yêu cầu phải có bằng đại học từ đủ 9 năm trở lên” xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và mong muốn đề nghị UBND Thành phố có phương án phù hợp…

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Đại diện Sở Nội vụ trả lời kiến nghị của CNLĐ.

Liên quan đến nội dung này, căn cứ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023, UBND Thành phố xây dựng Đề án tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên báo cáo Bộ Nội vụ và tổ chức thực hiện.

Theo quy định tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 của Bộ Giáo dục vào Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số: 01/2021/TT-BGDĐT, số 02/2021/TT-BGDĐT, số 03/2021/TT-BGDĐT, số 04/2021/TT BGDĐT ngày 02/02/2021, theo đó quy định người dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng II phải có tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, cụ thể:

Đối với giáo viên tiểu học: Theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT: “Thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09) hoặc giữ ngạch giáo viên tiểu học (mã số 15.114) hoặc giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) hoặc giữ ngạch giáo viên tiểu học chính (mã số 15a.204) được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tiểu học theo Luật Giáo dục 2019.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
CNLĐ nêu kiến nghị.

Như vậy, thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV, mã số V.07.03.09 (chuẩn trình độ là Trung cấp Sư phạm Tiểu học), giữ ngạch giáo viên Tiểu học, mã số 15.114 (chuẩn trình độ là trung học phù hợp với chuyên ngành giảng dạy), giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học hạng III, mã số V.07.03.08 (chuẩn trình độ là Cao đẳng), giữ ngạch giáo viên Tiểu học chính, mã số 15a.204 (chuẩn trình độ là Cao đẳng) được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III, mã số V.07.03.29 (chuẩn trình độ là Đại học) từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên Tiểu học là có Bằng Đại học.

Đối với giáo viên trung học cơ sở: Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT: “Thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) hoặc giữ ngạch giáo viên trung học cơ sở (mã số 15a.202) được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên trung học cơ sở theo Luật Giáo dục 2019.”.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Đoàn viên, NLĐ theo dõi Hội nghị.

Như vậy, thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12), ngạch giáo viên trung học cơ sở (mã số 15a.202) có chuẩn trình độ là cao đẳng được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III, mã số V.07.04.32 (chuẩn trình độ là đại học) từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên trung học cơ sở là có Bằng Đại học.

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của một số giáo viên, hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nghiên cứu, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sửa đổi quy định về yêu cầu 9 năm có bằng đại học đối với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở để đảm bảo thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với giáo viên. Về lương, thu nhập của nhân viên cấp dưỡng, cô nuôi: Theo Thông tư 06, các đơn vị ký hợp đồng làm việc với cấp dưỡng, cô nuôi và áp dụng thang bảng lương như công chức, viên chức, Sở Nội vụ cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tới đây sẽ có những hướng dẫn cụ thể.

Chị Nguyễn Thị Mai Linh (Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O) hỏi: Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tạo môi trường tốt, thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào Thủ đô, qua đó đã giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Xin lãnh đạo Thành phố cho biết Hà Nội có những giải pháp gì để thu hút lượng lớn CNLĐ đến làm việc tại Khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lao động với các tỉnh, thành phố khác.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Cán bộ Công đoàn, CNLĐ nêu kiến nghị.

Trả lời câu hỏi trên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: Trong những năm qua, Hà Nội có nhiều chính sách ưu tiên thu hút người lao động ở các tỉnh, thành phố đến làm việc tại Thủ đô, trong đó có 3 giải pháp tiêu biểu: Thứ nhất, phát triển mạnh hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thu hút lực lượng lao động ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và khu vực lân cận đến Hà Nội để học nghề.

Hiện nay, Hà Nội có trên 300 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm đào tạo nghề cho trên 200 nghìn người lao động. Hà Nội tổ chức các hoạt động kết nối giữa hoạt động giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động Thủ đô. Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động Thủ đô thu hút 10 nghìn người tham dự.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam trả lời kiến nghị của đoàn viên, NLĐ.

Tại Ngày hội đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm, nhiều người lao động đã ký kết hợp đồng lao động tại phiên giao dịch. Mỗi năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng tổ chức khoảng 260 phiên giao dịch việc làm. Tất cả các phiên đều kết nối online đến tất cả các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn Thành phố. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội hình thành kênh thông tin điện tử “Người tìm việc, việc tìm người” trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Doanh nghiệp có thể đăng nhu cầu cần tuyển dụng, vị trí làm việc, người lao động có thể đăng nhu cầu tìm việc của mình, bằng cấp, nguyện vọng, mức lương, qua đó Trung tâm sẽ kết nối các bên với nhau.

Ngoài ra, mỗi năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội còn tổ chức 5 - 6 phiên giao dịch việc làm liên tỉnh, giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc cũng như khu vực Đồng bằng sông Hồng. 5 tháng đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã giải quyết việc làm cho người lao động đạt được 70% kế hoạch việc làm lao động của năm. Thứ hai, Hà Nội tổ chức các hội nghị, đối thoại với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước… nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Thứ ba, trong khoản 1, Điều 27 dự Thảo Luật Thủ đô dự kiến sắp tới sẽ được thông qua dành một nội dung rất quan trọng về vấn đề nhà ở xã hội cho CNLĐ. Theo đó, ngoài chính sách Trung ương, chúng ta sẽ có những chính sách cởi mở hơn, triển khai nhanh hơn, đây là điều tốt để thu hút lực lượng lao động ở các địa phương khác về làm việc tại Hà Nội.

Anh Phan Nhân Trung (Công ty TNHH Vietnergy) kiến nghị: Năm 2024 đang được dự báo xảy ra tình trạng thiếu điện vào mùa khô như năm 2023. Rất mong Thành phố xem xét các phương án để duy trì nguồn điện ổn định để các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội yên tâm sản xuất và tăng sản lượng.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Đại diện Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị của CNLĐ.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội cho biết: Cuối năm 2023, đầu năm 2024, Tổng Công ty Điện lực Thành phố đã xây dựng kịch bản, cung ứng điện và thực hiện các giải pháp đồng bộ. Từ đầu năm 2024 đến nay, việc cung ứng điện trên địa bàn Thành phố đảm bảo tốt. Trong những tháng đầu năm và các tháng tiếp theo, Tổng Công ty Điện lực Thành phố đã căn cứ vào mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn để xây dựng các phương án, kịch bản điều hành hệ thống điện, đảm bảo cấp điện cho phát triển kinh tế, đời sống nhân dân trên địa bàn trong mọi tình huống. Để giúp Tổng Công ty Điện lực Thành phố hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đề nghị quý khách hàng tiếp tục quan tâm, sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2024.

11h20: Phát biểu kết luận, tiếp thu ý kiến và chỉ đạo các sở, ngành có liên quan giải quyết

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sau hơn 3 tiếng, đã có 24 kiến nghị của CNLĐ trực tiếp đến lãnh đạo Thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá những ý kiến rất sát với thực tế đời sống, chính quyền lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của anh chị em công nhân, những đề xuất từ cụ thể đến vĩ mô.

Những trao đổi dựa trên tinh thần cùng hiểu, cùng chia sẻ, cùng giải quyết, thảo gỡ hướng đến chung sức, chung lòng vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô. Trước những kiến nghị của CNLĐ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao các sở, ban, ngành tiếp tục tháo gỡ; cái gì làm ngay thì phải xác định được thời gian, cái gì cần nghiên cứu thì phải có lộ trình, rõ qua điểm, cách làm.

“Giải quyết vướng mắc của CNLĐ phải nhìn thấy kết quả, đong đếm, nhìn thấy được và phải có chuyển biến”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận Hội nghị.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, vấn đề nổi cộm, căn cốt nhất trong những vấn đề đã nêu là nhà ở xã hội cho công nhân. Đây cũng là nội dung cả hệ thống chính trị của Thành phố đang vào cuộc nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu, kế hoạch. Thành phố phấn đấu năm 2024 sẽ có những dự án khởi công và hoàn thành được, từ đó tạo ra quỹ nhà cho anh chị em công nhân.

Bên cạnh đó, sẽ thực tế hơn quá trình tiếp cận, hồ sơ, thủ tục quy trình thực hiện; có chính sách hỗ trợ để người đáng được hưởng sẽ được hưởng; quan tâm đến một loạt thiết chế khác như thiết chế văn hóa để CNLĐ ổn định cuộc sống, trong đó công tác khảo sát phải sâu sát và LĐLĐ Thành phố cần tiếp tục làm tốt công tác này.

Liên quan đến chính sách an sinh xã hội, Thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người lao động về tiền lương, tiền công để có những quyết sách trình Hội đồng nhân dân cho phù hợp lộ tình phát triển Thủ đô trong thời gian hiện nay và thời gian tới…

Với tinh thần lắng nghe thấu đáo tại Hội nghị hôm nay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định đã tiếp thu và sẽ cùng với LĐLĐ Thành phố triển khai công việc bằng trách nhiệm cao nhất, giải quyết kiến nghị nhanh nhất để mong muốn của CNLĐ.

11h30: Tặng quà cho 50 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp “Tháng Công nhân”

Tại Hội nghị, UBND Thành phố đã trao 50 suất quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và quà trị giá 350 ngàn đồng.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tặng quà CNLĐ
TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Phạm Quang Thanh tặng quà CNLĐ.

11h35: Kết thúc Hội nghị

Lần thứ 5 tham dự Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với CNLĐ Thủ đô, anh Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam chia sẻ: Sau rất nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri các năm, năm nay tôi tiếp tục đại diện cho người lao động của Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam cũng như CNLĐ tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai tới Hội nghị gặp gỡ, đối thoạt giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với CNLĐ Thủ đô năm 2024. Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được có mặt tại đây. Tại Hội nghị, chúng tôi được trực tiếp gửi ý kiến của người lao động tới Chủ tịch UBND Thành phố, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố. Nhờ có những hội nghị này mà người lao động tại các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội có cơ hội để bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng của mình tới các vị lãnh đạo cao nhất của Thành phố.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Anh Phan Thanh Hải.

Qua Hội nghị, chúng tôi gặt hái được những thành công, có nhiều kiến nghị được các cơ quan chức năng, ban, ngành hỗ trợ giải quyết rất nhanh, qua đó góp phần hỗ trợ cho quyền lợi cũng như đảm bảo việc làm cho người lao động.

Hôm nay, Công ty chúng tôi đến đây có tổng cộng 26 CNLĐ, có kiến nghị chung cho cả Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Đã nhiều năm Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai thường xuyên vào mùa mưa bị ngập lụt trên các con đường dẫn vào Khu công nghiệp. Bên cạnh đó, năm vừa qua, Khu công nghiệp lại bị hạn chế 2 lối vào, lối vào chính thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những lần ngập lụt. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng cũng như Chủ tịch UBND Thành phố, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố quan tâm giải quyết để chúng tôi có con đường thuận lợi đi làm hằng ngày để đảm bảo an toàn và vào ca kịp giờ.

Chị Nguyễn Thị Mai Loan (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kenmec Việt Nam) cho biết: Đây là lần đầu tiên Công ty tôi cử CNLĐ tham dự Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với CNLĐ Thủ đô năm 2024.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Chị Nguyễn Thị Mai Loan

Tôi cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi khi có cơ hội được trực tiếp đặt câu hỏi để lãnh đạo Thành phố nắm bắt được nguyện vọng, tâm tư của người lao động; qua đó tạo điều kiện cho người lao động có môi trường làm việc tốt hơn, hoàn thiện cơ sở vật chất Khu công nghiệp. Dự Hội nghị, người lao động tại Công ty tôi mong muốn Thành phố quan tâm đến các tuyến đường trong Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai hiện bị khóa lại dẫn đến đi lại khó khăn, nguy hiểm cho người lao động. Trong thời gian tới, chúng tôi mong được mở tuyến đường để giảm tắc đường, đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó vấn đề ô nhiễm môi trường tại các Khu công nghiệp vẫn còn tương đối nhiều, do đó mong muốn Thành phố tiếp tục quan tâm đến vấn đề này

Anh Đào Minh Đức (Công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam): Tôi làm ở Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam đã 21 năm.

TRỰC TUYẾN: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động
Anh Đào Minh Đức

Đây là năm thứ 3 tôi tham dự Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với CNLĐ. Qua mỗi lần tham dự Hội nghị, tôi đều thấy sự đổi khác và thiết thực bởi các ý kiến, đề xuất của CNLĐ với Thành phố đều được lãnh đạo Thành phố, LĐLĐ Thành phố tiếp thu, quan tâm, giải quyết thấu đáo. Ở lần tham dự này, chúng tôi mong muốn Thành phố, LĐLĐ Thành phố giúp đỡ, động viên, tăng cường công tác chăm lo cho người lao động. Riêng cá nhân tôi, do ở Sóc Sơn nên rất mong muốn Thành phố quan tâm, giải quyết đến vấn đề mùi xú uế tỏa ra ở bãi rác Nam Sơn. Đây là vấn đề nhức nhối, rất cần Thành phố quan tâm, giải quyết.

Nhóm P.V

Có thể bạn quan tâm

Nên xem

EURO 2024 (2h ngày 17/6) Anh - Serbia: Liệu Serbia có là "con mồi" của sư tử Anh?

EURO 2024 (2h ngày 17/6) Anh - Serbia: Liệu Serbia có là "con mồi" của sư tử Anh?

(LĐTĐ) Theo lịch trận đấu, hôm nay sẽ diễn ra các trận đấu giữa Hà Lan - Ba Lan sẽ diễn ra lúc 20h, trận đấu giữa Slovenia - Đan Mạch sẽ bắt đầu lúc 23h tối nay. Riêng cặp đấu giữa đội tuyển Serbia và đội tuyển Anh tại bảng C - EURO 2024 diễn ra vào lúc 2h (ngày 17/6).
Italia nhọc nhằn kiếm 3 điểm đầu tiên tại EURO 2024

Italia nhọc nhằn kiếm 3 điểm đầu tiên tại EURO 2024

(LĐTĐ) Thủng lưới rất sớm nhưng đội tuyển Italy vẫn lội ngược dòng trước Albania ở trận ra quân tại bảng B EURO 2024.
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 16/6: Ngày nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa

Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 16/6: Ngày nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa

(LĐTĐ) Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều tối và đêm 16/6, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 15-30mm, có nơi trên 60mm. Khu vực Hà Nội, ngày có mây, ngày nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi...
Bình Dương: Tìm thấy thi thể người phụ nữ bị nước cuốn trôi trong mưa lớn

Bình Dương: Tìm thấy thi thể người phụ nữ bị nước cuốn trôi trong mưa lớn

(LĐTĐ) Vào tối 14/6, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra mưa lớn, lúc này bà H. điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, thuộc phường Uyên Hưng, thành phố (TP) Tân Uyên để về nhà thì bị nước cuốn trôi.
Phổ biến những điểm mới về tiền lương tới người lao động quận Cầu Giấy

Phổ biến những điểm mới về tiền lương tới người lao động quận Cầu Giấy

(LĐTĐ) Trong gần 2 giờ diễn ra buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động”, các chuyên gia đã giải đáp trực tiếp hơn 30 câu hỏi của đoàn viên, người lao động quận Cầu Giấy, chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: Tiền thưởng, tiền lương, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản, thời giờ làm việc...
Từ 15/6, phụ huynh Hà Nội tập dượt đăng ký tuyển sinh trực tuyến

Từ 15/6, phụ huynh Hà Nội tập dượt đăng ký tuyển sinh trực tuyến

(LĐTĐ) Từ hôm nay (15/6) đến ngày 17/6, phụ huynh học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể tập dượt đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào mầm non, lớp 1 và lớp 6 các trường công lập năm học 2024 - 2025.
Tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024​

Tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024​

(LĐTĐ) Chiều nay (15/6), tại Hà Nội, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp tổ chức Lễ Tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Tin khác

Phổ biến những điểm mới về tiền lương tới người lao động quận Cầu Giấy

Phổ biến những điểm mới về tiền lương tới người lao động quận Cầu Giấy

(LĐTĐ) Trong gần 2 giờ diễn ra buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động”, các chuyên gia đã giải đáp trực tiếp hơn 30 câu hỏi của đoàn viên, người lao động quận Cầu Giấy, chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: Tiền thưởng, tiền lương, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản, thời giờ làm việc...
Hiệu quả từ Hội thi tìm hiểu, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp

Hiệu quả từ Hội thi tìm hiểu, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp

(LĐTĐ) Nhằm tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp đến đông đảo đoàn viên, người lao động, Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh đã tổ chức Hội thi Tìm hiểu, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, nhiệm kỳ 2023-2028.
Cho trái ngọt từ những đam mê

Cho trái ngọt từ những đam mê

(LĐTĐ) Say sưa khi nói về lĩnh vực thiết kế thời trang, nhưng khi nhắc đến thành tích bản thân và danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô năm 2024, Trần Thị Vân Khánh - Chuyên viên cắt mẫu, Phòng Kỹ thuật mẫu, Công ty TNHH SX&TM Tuấn Trang lại rất khiêm tốn, cho biết: “Danh hiệu này là niềm vui, niềm hạnh phúc với tôi, nhưng hơn hết, nó còn khẳng định và tôn vinh những nỗ lực cống hiến, sáng tạo của cả tập thể và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”.
Tổ chức lớp học bơi cho con của đoàn viên tại Nhà Văn hoá Lao động tỉnh Nghệ An

Tổ chức lớp học bơi cho con của đoàn viên tại Nhà Văn hoá Lao động tỉnh Nghệ An

(LĐTĐ) Sáng 15/6, Công đoàn Viên chức tỉnh Nghệ An phối hợp với Nhà Văn hoá Lao động tỉnh tổ chức "Khai giảng khoá đào tạo kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước năm 2024" cho con đoàn viên công đoàn.
Để môi trường làm việc an toàn không thể thiếu vai trò của Công đoàn

Để môi trường làm việc an toàn không thể thiếu vai trò của Công đoàn

(LĐTĐ) Từ năm 2017, khi bắt đầu thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), hằng năm, Chính phủ thay vì tổ chức Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ vào tháng 3, đã chọn tháng 5 là Tháng hành động về ATVSLĐ gắn với Tháng Công nhân. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của Công đoàn trong công tác ATVSLĐ.
Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 tân Phó Chủ tịch

Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 tân Phó Chủ tịch

(LĐTĐ) Ngày 14/6/2024, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành khóa XV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 để bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
LĐLĐ quận Long Biên bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho cán bộ Công đoàn cơ sở

LĐLĐ quận Long Biên bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho cán bộ Công đoàn cơ sở

(LĐTĐ) Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Long Biên vừa phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành LĐLĐ quận khóa V; các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở.
Công đoàn Trường Mầm non thị trấn Phú Xuyên: Đảm bảo công tác chăm lo cho người lao động

Công đoàn Trường Mầm non thị trấn Phú Xuyên: Đảm bảo công tác chăm lo cho người lao động

(LĐTĐ) Năm học 2023-2024, Công đoàn Trường Mầm non thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, đã tích cực tham gia quản lý, kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ.
LĐLĐ huyện Thanh Trì: Nâng cao nhận thức về pháp luật cho đoàn viên và người lao động

LĐLĐ huyện Thanh Trì: Nâng cao nhận thức về pháp luật cho đoàn viên và người lao động

(LĐTĐ) Nhằm nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), từ đầu năm đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thanh Trì đã xây dựng, hướng dẫn công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn huyện tới 100% Công đoàn cơ sở (CĐCS).
Ký kết phối hợp tuyên truyền vận động hiến mô, tạng

Ký kết phối hợp tuyên truyền vận động hiến mô, tạng

(LĐTĐ) Chiều 14/6, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động đăng ký hiến tặng mô, tạng - cho đi là còn mãi.
Xem thêm
Phiên bản di động