Tôn vinh 115 tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI năm 2021
Báo chí đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và trách nhiệm xã hội cao cả
Đến dự Lễ trao giải có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ trao giải. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XVI – năm 2021, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, tiếp nối truyền thống 97 năm phát triển của báo chí cách mạng, báo chí nước nhà đang duy trì vai trò là kênh thông tin chính thống, chính thức, tuyên truyền hiệu quả đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói của người dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và người dân, đồng thời đang mạnh mẽ chuyển mình trước những thay đổi chóng mặt của công nghệ, trước sự thay đổi về cách thức tiếp nhận thông tin của người dùng, trước một thực tế là độc giả, khán-thính giả đang chuyển đổi dần lên các nền tảng số.
Để tiếp tục hiện diện và thậm chí chiếm lĩnh mọi nền tảng nhằm thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm thông tin - tuyên truyền của mình, báo chí không còn con đường nào khác là phải chuyển đổi số, hòa trong quá trình chuyển đổi số của cả xã hội.
Mục tiêu cơ bản của chiến lược này là phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Báo chí thời nay phải chủ động phát triển sản phẩm mới, thay đổi cách thức sản xuất nội dung cũng như mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả.
Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Các cơ quan báo chí cần thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới, đa dạng hóa nguồn thu để không quá phụ thuộc vào quảng cáo. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.
Chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý Nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho tác giả, nhóm tác giả đạt giải. (Ảnh: Trần Hải) |
"Vì vậy, hơn lúc nào hết những người làm báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các cấp cần phát huy những truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là truyền thống vững vàng về bản lĩnh chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc. Đó là truyền thống luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, theo lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đó là truyền thống luôn luôn sáng tạo, tự đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho hay.
Năm 2021, là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và giới báo chí cả nước. Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức rất thành công Đại hội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Phát huy những truyền thống vẻ vang, báo chí tiếp tục tuyên truyền đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước. Đó là: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Báo chí phản ánh những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, hướng tới mục tiêu duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Báo chí đề cập đến công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Báo chí nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, những tấm gương, nghĩa cử cao đẹp.
Đặc biệt, trong mảng đề tài liên quan đến đại dịch Covid-19, đã có nhiều tác phẩm phản ánh chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên, có tính lan tỏa cao trong xã hội. Báo chí đã thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa-thể thao, công nghệ, môi trường… ở trong nước và quốc tế, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng lớn và tin cậy của nhân dân. Báo chí đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và trách nhiệm xã hội cao cả, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông, tạo được hiệu quả xã hội rộng khắp. Và điều đáng mừng là nhiều tác phẩm xuất sắc trong số đó sẽ được vinh danh trong lễ trao Giải hôm nay.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công chúng đối với báo chí. Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng, sáng nay, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và báo Nhân Dân phối hợp tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
Đây là dịp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo. Đồng thời, đây cũng là lúc phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Năm nay là năm thứ 16 Giải Báo chí quốc gia được tổ chức theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải Báo chí quốc gia và Đề án Nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia. Mặc dù đại dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến quá trình tác nghiệp báo chí trong năm 2021, nhưng số lượng tác phẩm gửi về dự Giải là 1.911 tác phẩm, ở mức cao thứ hai trong 16 năm Giải Báo chí Quốc gia, cho thấy sức lan tỏa và sức hút của Giải đối với họat động báo chí.
Công tác thu nhận tác phẩm, tổ chức chấm Sơ khảo, Chung khảo được tiến hành nghiêm túc theo Điều lệ Giải, khách quan, công tâm, hiện đại và chuyên nghiệp. Hội đồng Chung khảo đã chấm 152 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng Sơ khảo, và quyết định trao 10 Giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích, theo 11 loại giải, cho những tác phẩm nổi trội nhất, có nội dung tư tưởng tốt, có tính phát hiện và tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thể hiện, nhất là sử dụng được những công nghệ làm báo tiên tiến.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lời chúc mừng 115 tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI năm 2021. Đây không chỉ là niềm vinh dự lớn trong cuộc đời mỗi người làm báo, mà còn là của cả cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác và gia đình, bạn bè.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Thành Đạt) |
Giải thưởng hôm nay để tri ân, cảm ơn những người làm báo đã góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực, thành công của đất nước trong năm 2021 rất đặc biệt, một năm chúng ta trải qua những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh.
Báo chí đã phát huy sức mạnh to lớn, tạo niềm tin, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về "Chiến lược vắc xin", "Chương trình phòng, chống dịch Covid-19" để Việt Nam đã trở thành một trong số ít nước dẫn đầu về tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Báo chí cũng đã lan tỏa lòng nhân ái, nỗ lực thực hiện an sinh xã hội, nghĩa cử của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong phòng chống dịch; chia sẻ với những vất vả, khó khăn; động viên, tôn vinh, khích lệ các lực lượng tuyến đầu, nhất là bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an và cả những cá nhân tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức và ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng là một trong những nước được thế giới đánh giá trên đà phục hồi vững chắc và dự báo có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023 (theo dữ liệu Chỉ số Phục hồi Covid-19 mà Nikkei công bố tháng 5, Việt Nam là một trong hai quốc gia thể hiện tốt nhất, tăng 48 bậc, từ vị trí 62 lên vị trí thứ 14). Đặc biệt, chúng ta đã tổ chức thành công đại hội thể thao SEA Games 31 cả trong thể thao và các sự kiện ngoài thể thao.
Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế; có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí và những người làm báo nước nhà.
Giải thưởng hôm nay được dành để tôn vinh những giá trị cao quý của những người làm báo. Đó là những ý tưởng tiên phong, sáng tạo, tinh thần dũng cảm, dấn thân, thậm chí đối mặt với hiểm nguy… Những giá trị đó đã kết tinh trong các tác phẩm báo chí để góp phần thực hiện các chủ trương đúng đắn của Đảng, quản lý hiệu quả của các cơ quan nhà nước, sự đồng hành của Nhân dân, làm cho xã hội tốt đẹp hơn. "Tôi hiểu nghề báo là một trong những nghề vinh quang nhưng vất vả, một nghề có thể đúng với câu hát "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu.
Để có những bài báo hay, phản ánh chân thực, sinh động, kịp thời về mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là các phóng sự điều tra thực trạng cuộc sống, nhiều phóng viên, nhà báo đã phải đối mặt với hiểm nguy, bị đe dọa, đi vào giữa tâm dịch, tâm bão, thiên tai địch họa… và có người đã không bao giờ trở về. Đối với các nhà báo, phóng viên nữ còn vất vả hơn vì nhiều lúc phải làm ngoài giờ, thực hiện những chuyến đi công tác dài ngày, trong khi vẫn phải lo toan công việc gia đình và phận sự của một người phụ nữ.
Giải thưởng hôm nay để tôn vinh những đóng góp trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả, bền bỉ của người làm báo, đã tích cực đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, nhất là việc tuyên truyền, thúc đẩy thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Nhiều tác phẩm năm nay đã góp phần truyền tải những chính sách lớn về tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh…
Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước; phát hiện, phản ánh những sai phạm trong sử dụng đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công…; quảng bá những mô hình kinh doanh, sản xuất sáng tạo, hiệu quả; tôn vinh, lan tỏa những hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương nhân ái trong phòng, chống dịch và trong khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội…
Trong thời gian tới, tình hình địa chính trị thế giới, nhất là xung đột Nga - Ukraine và hậu đại dịch Covid-19 sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu, như áp lực lạm phát, lãi suất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu… Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… diễn biến phức tạp.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước, chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào các cơ quan báo chí, người làm báo trong việc chủ động, tích cực, trách nhiệm, xung kích, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng, tạo động lực, quyết tâm và sự đồng thuận trong xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra những gợi mở, thứ nhất, quán triệt mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước; là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích quốc gia, dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước và dân tộc; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thứ hai, báo chí tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch, phản ánh và tìm ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp cho những vấn đề thực tiễn đặt ra; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực" để Nhân dân có niềm tin vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trước mắt chúng ta cần tập trung tuyên truyền về 03 đột phá chiến lược, những chủ trương, chính sách về phục hồi kinh tế; chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân và không để ai bỏ lại phía sau với mục tiêu cao nhất là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
"Chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Đặc biệt, tôi đề nghị báo chí tích cực hơn nữa tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị.
Thứ ba, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của Nhân dân, là động lực khích lệ nhân dân, thu hút được sự tham gia tích cực của người dân, làm sao để "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm", để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho phát triển. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện; góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về báo chí cách mạng Việt Nam.
Thứ tư, người làm báo phải không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn; nhiệt huyết, thông tin nhanh, chính xác, khách quan, chân thực, kịp thời, có trách nhiệm, văn hóa; không để bị chi phối, suy thoái trước những "cám dỗ", làm mất đi tính khách quan, trung thực trong mỗi tác phẩm báo chí.
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí - truyền thông, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội.
Thứ sáu, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực cung cấp thông tin một cách chủ động, có trách nhiệm để các nhà báo, phóng viên thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần bảo vệ những phóng viên, nhà báo trong thực thi nhiệm vụ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cơ hội làm việc tại Australia cho lao động Việt Nam
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Cải tạo một loạt chung cư cũ góp phần hạ nhiệt giá nhà
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc
Chấn chỉnh lái xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Doanh nhân Vũ Minh Châu được vinh danh vì sự nghiệp phát triển ngành mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam
Đêm nay, Hà Nội cấm lưu thông trên đường Văn Khê
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15
Quân đội nhân dân Việt Nam - Niềm tự hào dân tộc
Tin mới 19/12/2024 14:40
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm đối tượng đốt quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 10:47
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài thăm hỏi nạn nhân vụ cháy quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 10:25