Thương hiệu trà sen Tây Hồ
Kỳ công quy trình ướp "thiên cổ đệ nhất trà" Hà Nội Trà sen xổi - hương vị độc đáo của văn hóa trà Việt |
Tinh hoa ẩm thực Hà thành
Trà ướp hương sen Tây Hồ là một thức uống tao nhã trong văn hóa của người Hà Nội. Trà sen là sự hòa quyện hoàn hảo giữa vị ngon của trà với mùi thơm nhẹ nhàng tinh khiết của hoa sen tạo hương vị rất riêng biệt.
Bà Lưu Thị Hiền nâng niu từng bông hoa sen để ướp trà. Ảnh:N.Hoa |
Nghệ thuật ướp trà sen là niềm say mê, niềm tự hào của người dân phường Quảng An, bởi thế mà từ đời này sang đời khác, nghề truyền thống ấy vẫn được tiếp nối như giữ lại một giá trị tinh túy cho mảnh đất và con người nơi đây. Vẫn là cách làm hoàn toàn thủ công, vẫn những nguyên liệu thơm ngon nhất cùng bí quyết gia truyền để tạo nên món quà độc đáo mang hương vị sen Hồ Tây.
Trà sen không lạ, nhưng lạ là phải đúng sen Bách Diệp trăm cánh được trồng ở khu vực Hồ Tây mới có thể ướp ra thứ trà tuyệt hảo. Mỗi năm vào tháng sáu, khi những búp sen bắt đầu nở rộ cũng là thời điểm các gia đình làm nghề ướp trà sen nơi đây tất bật vào vụ. Theo những nghệ nhân làm trà lâu năm, để làm được những mẻ trà sen ngon mất rất nhiều thời gian, công sức. Trong đó, loại sen làm trà phải là những bông sen mọc tại khu vực Hồ Tây có cánh phớt hồng, nụ vừa chớm nở cho hương thơm đậm đà.
Vào mùa sen nở, từ tờ mờ sáng, khi những giọt sương còn chưa tan, người làm trà sen dậy sớm chèo con thuyền nhỏ ra giữa hồ, khéo léo thu lượm từng búp sen còn đẫm sương đêm. Từng bông sen được hái thật nhanh với những thao tác nhẹ nhàng để búp sen không nhàu nát. Sau đó bông sen được đưa về nhà, người thợ thực hiện các công đoạn bóc cánh, tách gạo sen (thứ được ví như túi hương của bông sen). Việc lấy gạo sen là công đoạn khó, người làm phải nhẹ nhàng, khéo léo sao cho gạo sen không bị vỡ nát, bay mất hương thơm.
Để có chén trà thơm hội tụ tinh hoa của đất trời không phải là điều đơn giản, người làm phải trải qua từng khâu, vô cùng tỉ mẩn. Công đoạn chính là việc chọn hoa sen, không quan trọng hoa to hay nhỏ nhưng phải đúng loại hoa sen Bách Diệp. Việc chọn trà để ướp cũng không kém phần quan trọng, trà được chọn là loại trà khô nhưng chưa vào hương. Trà được đem ướp với những cánh hoa sen, gạo sen. Để ướp được 1kg trà sen phải cần tới 1.500 bông hoa sen và để mẻ trà đượm hương sen phải đủ 21 ngày với 7 lần vào hương và 7 lần sấy.
Trọn tâm huyết gắn bó với nghề
Nói về bí quyết để tạo ra những ấm trà sen mang hương vị đặc biệt của người Quảng An, bà Lưu Thị Hiền (người gắn bó với nghề ướp trà sen) bộc bạch: “Nghề ướp trà sen khô rất kì công, vất vả, không phải ai cũng làm được. Đòi hỏi người làm phải có tâm, yêu nghề chứ không thể chạy theo lợi nhuận kinh tế. Người làm phải biết độ nóng, nguội của trà, phải kiên trì nâng giấc trong từng mẻ sấy. Chúng tôi làm trà sen hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Trà được sấy theo cách truyền thống bằng than hoa để cho ra hương thơm đặc trưng. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu”.
Chính bởi độ cầu kì, phức tạp trong cách chế biến mà trà sen Tây Hồ được xem là loại trà có giá thành đắt đỏ trên thị trường. Hiện nay trà sen khô có giá từ 8-10 triệu đồng/kg, tuy giá cao nhưng do cách làm thủ công, tốn nhiều thời gian nên số lượng trà làm theo cách truyền thống không nhiều. Ngoài ướp trà sen khô theo cách truyền thống, nhiều gia đình ở Hồ Tây còn làm trà bông sen. Theo đó một nắm nhỏ chè được cho vào bên trong bông hoa sen, sau đó được gói lại rồi dùng lá sen buộc chặt bên ngoài. Bông sen sau khi được ngậm chè sẽ được cắm vào nước qua một đêm cho hương sen thấm quyện vào chè. Cách ướp trà này đơn giản, không tốn công nên giá thành rẻ từ 35 -50 nghìn đồng/bông, tuy nhiên hương vị không ngon bằng cách ướp trà khô truyền thống.
Theo các nghệ nhân phường Quảng An, pha trà ướp sen cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đó nhiều công phu. Để có được ấm trà ướp sen ngon cần có nước tốt, trà ngon, ấm và cách pha trà chuẩn. Trước khi pha trà, người pha cần tráng nóng ấm chén bằng nước sôi, sau đó chậm rãi gạt trà vào ấm, ủ trong ấm 3 phút để hơi nóng của ấm đánh thức hương thơm của trà. Người pha dùng nước sôi khoảng 85 - 90 độ C rót vào ấm, ngâm trà từ 30 giây đến một phút, nếu uống đậm có thể ngâm lâu hơn, cuối cùng rót trà từ ấm ra chén. Trà sen pha đúng cách, có được màu nước nâu hồng hoặc trong xanh (tùy theo từng loại trà), tỏa hương sen thơm ngát.
Mặc dù nghề ướp trà sen của phường Quảng An ngày càng có chỗ đứng vững trên thị trường, tuy nhiên khi nhắc đến việc gìn giữ nghề truyền thống, các nghệ nhân trong làng vẫn còn nhiều trăn trở. Bởi lẽ, những năm gần đây, vùng nguyên liệu làm trà sen trở nên khan hiếm, giá hoa bị đẩy lên cao khiến người làm trà gặp nhiều khó khăn, không ít gia đình đã phải chuyển nghề khác. Môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm, số lượng hoa sen quanh hồ ngày càng ít, cùng đó với phương pháp làm thủ công, tạo nhiều áp lực, thế hệ trẻ theo nghề cha ông không nhiều. Do đó, dù đã trở thành nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Hà thành nhưng nghệ nhân nơi đây lo lắng trà sen Tây Hồ sẽ dần bị mai một. Để giữ nghề, những nghệ nhân làm trà sen Hồ Tây luôn truyền dạy cho các con, cháu tình yêu, niềm đam mê với nghề ngay từ khi còn nhỏ.
“Trước đây, cả làng chúng tôi nhà nào cũng ướp trà sen để phục vụ gia đình, làm quà biếu, tặng vào các dịp lễ, Tết, chứ không sản xuất để bán. Ngày nay do nhu cầu thị trường, các gia đình sản xuất trà để bán, tuy nhiên với phương pháp làm thủ công tốn nhiều công sức, lợi nhuận kinh tế không quá cao, số hộ dân theo nghề không còn nhiều. Là nghề truyền thống của gia đình, ngay từ khi các con, cháu còn nhỏ vợ chồng tôi nhắc nhở, truyền dạy, cho tham gia vào các công đoạn ướp trà để bồi dưỡng, vun đắp tình yêu nghề cho các con, chỉ mong thế hệ trẻ vượt qua được những khó khăn, vất vả để tiếp tục giữ nghề”, nghệ nhân Ngô Văn Xiêm chia sẻ. /.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Việt Nam vô địch tại giải Futsal nữ Đông Nam Á 2024
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Giá vé tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ 7.000 đồng - 20.000 đồng/lượt
Hà Nội: Phát hiện hơn 100 bộ hài cốt vô danh khi thi công hệ thống thoát nước đã được dự đoán trước
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Đích đến của Đề án 06 là người dân được hưởng thụ dịch vụ ở bất kỳ đâu, tạo công bằng xã hội
Công nghệ AI liệu có thể thay thế giáo viên giảng dạy?
Tin khác
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01
Tái hiện không gian "nhà tranh vách đất" làng quê Bắc Bộ
Tôi yêu Hà Nội 15/11/2024 14:47
Gốm Bát Tràng thương hiệu hai trong một
Tôi yêu Hà Nội 14/11/2024 09:08
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Tôi yêu Hà Nội 05/11/2024 17:10
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49
Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 14:13