Thuế thu nhập cá nhân: Thời điểm chín muồi để điều chỉnh
Cần sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân Hà Nội: Tập huấn chính sách thuế và gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp Người lao động ngóng điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân |
Chưa đủ trang trải cuộc sống… vẫn phải nộp thuế!
Những ngày gần đây, anh Tiến Dũng (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) là kỹ sư công trình, đứng ngồi không yên sau khi nhận được thông báo của ngân hàng về việc tăng lãi suất với khoản vay mua nhà, trong khi thu nhập của anh giảm mạnh kể từ năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều đáng nói là sau khi giảm trừ gia cảnh cho bản thân và một người con, thu nhập của anh vẫn bị tạm khấu trừ gần hơn 1 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân mỗi tháng.
“Với thu nhập hiện tại của tôi cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày của gia đình, trong khi hàng tháng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân là quá vô lý”, anh Dũng nói.
Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế thành phố Hà Nội. Ảnh: Hà Phong |
Theo anh Dũng, bản thân hiện vẫn đang phụ nuôi bố đẻ ngoài 70 tuổi nhưng không được giảm trừ do bố anh có thu nhập 1,7 triệu đồng/tháng. Với 1,7 triệu đồng/tháng, bố tôi không đủ trang trải tiền ăn uống sinh hoạt hằng ngày cũng như thuốc men chữa bệnh. Quy định người được giảm trừ phải có thu nhập bình quân không quá 1 triệu đồng/tháng được áp dụng gần chục năm nay đã quá lạc hậu, gây thiệt thòi cho người dân.
Còn anh Thành Văn (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), một nhân viên ngân hàng cũng cho hay, hai năm trước khi chưa lập gia đình, mức giảm trừ người phụ thuộc được nâng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng. Từ khi có con nhỏ cách đây một năm, anh cho rằng, mức 4,4 triệu đồng này quá thấp để nuôi con nhỏ dưới một tuổi. “Mức phụ thuộc là 4,4 triệu đồng mỗi người một tháng không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản, bởi mức chi tiêu của người phụ thuộc không quá khác biệt so với người nộp thuế trong cùng gia đình”, anh Văn nói và nhẩm tính, thu nhập của anh khoảng 20 triệu đồng. Mỗi tháng, chi cho con gái hơn 1 tuổi không dưới 6 triệu đồng, trong khi anh phải trả góp tiền mua nhà 8 triệu đồng/tháng.
“Đủ thứ phải chi tiêu, từ tiền ăn, bỉm, sữa cho con, giúp việc theo giờ, trả nợ ngân hàng, chưa kể lúc con ốm đau,… nên tôi luôn phải tính toán rất chi li, nhưng đến cuối tháng cũng không để ra được đồng nào. Mỗi tháng, sau khi trừ tiền nộp bảo hiểm bắt buộc, giảm trừ gia cảnh, tôi vẫn phải đóng thuế thu nhập”, anh Văn nhấn mạnh.
Không chỉ người dân mà những hộ kinh doanh cá thể cũng cảm thấy thiệt thòi khi phải “gánh” nhiều sắc thuế, chi phí. Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nộp các loại thuế, phí như lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có).
Ngưỡng xác định chịu thuế 100 triệu đồng từ nhiều năm nay được xem là quá thấp. Bởi như vậy, doanh thu mỗi ngày chỉ cần đạt 273 nghìn đồng là phải đóng thuế. Thực tế, với mức ngưỡng này các hộ kinh doanh đều vượt xa. Thậm chí, có những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, những người bán bánh mì, bán phở dạo cũng đã vượt.
Chị Thu Hương, kinh doanh quán cà phê ở phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) được bốn năm nay, nhưng mất gần hai năm quán phải đóng cửa để thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Quán cà phê của chị Hương có doanh thu kê khai khoảng 110 triệu đồng mỗi năm (trung bình gần 10 triệu đồng mỗi tháng). Theo chị Hương, lợi nhuận thực tế mà cửa hàng đạt được mỗi tháng khoảng hơn 5 triệu đồng, dù vậy, mức thuế khoán với hộ kinh doanh cá thể mà mỗi tháng chị Hương phải đóng là 1 triệu đồng.
“Tuy thu nhập chưa bằng công nhân đi làm nhà máy tại khu công nghiệp, nhưng gia đình đành chấp nhận vì kinh doanh quán cà phê không phải xa nhà, không gò bó thời gian, có điều kiện chăm sóc con nhỏ”, chị Hương cho biết, do đăng ký diện hộ kinh doanh nên gia đình chị đóng thuế và lệ phí môn bài đầy đủ.
“Việc đóng thuế là nghĩa vụ của mỗi người dân, nhưng nhiều khi cũng nghĩ thu nhập chẳng được là bao mà đã phải đóng thuế. Còn chưa kể kinh doanh tự do như tôi không có bảo hiểm y tế, hay bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu như người làm công ăn lương. Chính vì vậy, tôi mong muốn các cơ quan chức năng phải nâng ngưỡng chịu thuế với hộ, cá nhân kinh doanh”, chị Hương nói.
Nhiều điểm bất hợp lý
Bàn về những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Đình Sơn, Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, trong 10 năm, tính từ khi áp dụng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/người/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần nhưng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Ngưỡng thuế này lạc hậu ngay từ khi điều chỉnh và áp dụng vì không đảm bảo đời sống của người lao động, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố lớn với mức sinh hoạt đắt đỏ như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh.
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, việc quy định mức thuế, trần thu nhập phải nộp thuế phải dựa trên mối tương quan giữa lương, thu nhập và giá cả. Ví ngay như ở Hà Nội, một người có mức thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng được xem là tương đối cao, song nếu số tiền đó so với các khoản chi cho cuộc sống thường nhật xem ra vẫn chưa đủ, huống gì một mét vuông nhà chung cư lên tới từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Trong bối cảnh giá cả không ngừng leo thang, đời sống, thu nhập, việc làm của nhiều người lao động đang gặp khó khăn, có lẽ đây là thời điểm chín muồi để điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân. |
Đáng nói, hàng loạt quy định khác vẫn được giữ nguyên sau hơn 10 năm. Cụ thể như quy định đối với người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng không được xem là người phụ thuộc. Trong khi mức thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng là thua xa với lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định ngay từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi áp dụng từ năm 2013. Thậm chí, mức thu nhập này còn thua xa chuẩn nghèo mà Chính phủ đưa ra cho năm nay là thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở nông thôn. Điều này khiến cho nhiều người đang phải nuôi bố mẹ, anh chị em bị mất sức lao động, tàn tật… nhưng có trợ cấp 1 - 2 triệu đồng/tháng lại không được khấu trừ gia cảnh là người phụ thuộc.
Ông Sơn cũng cho biết, theo quy định, cứ mỗi lần nhận thu nhập từ 2 triệu đồng thì người lao động bị tạm khấu trừ 10% được đánh giá là quá thấp, quá lỗi thời nhưng vẫn duy trì cả 10 năm nay.
Theo tìm hiểu, cũng vì ngưỡng tạm khấu trừ quá thấp, cứ đến cuối năm, hồ sơ đề nghị hoàn thuế (cuối năm, nếu chưa đến ngưỡng phải nộp thuế (132 triệu đồng/năm) thì người lao động sẽ phải làm thủ tục hoàn thuế để lấy lại tiền đã nộp). Tại Cục Thuế thành phố Hà Nội nhiều trường hợp làm hồ sơ hoàn thuế với số tiền từ vài trăm đến 1 triệu đồng. Điều này khiến cơ quan thuế bị quá tải về hồ sơ còn người thu nhập thấp cũng phải mất thời gian đi làm thủ tục để lấy lại số tiền của mình. Chính cơ quan thuế cũng “kêu” về quy định bất hợp lý này trong suốt nhiều năm qua và đề xuất nâng lên mức 5 triệu đồng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh.
Cần kịp thời điều chỉnh
Tiếp tục nói về vấn đề nộp thuế thu nhập cá nhân hiện nay, ông Nguyễn Đình Sơn thừa nhận, đời sống của người lao động nói chung và người nộp thuế thu nhập cá nhân nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, cần phải xem xét sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt nhằm hỗ trợ người nộp thuế cũng như nuôi dưỡng nguồn thu. Bởi, trong hai năm dịch Covid-19 bùng phát và đến năm nay, chi phí giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như giá nhà, học phí, viện phí... đều tăng mạnh, khiến thu nhập của người dân bị bào mòn.
“Thu nhập không tăng, thậm chí giảm nhưng chi phí ăn, ở, đi lại trong gia đình, học hành của con cái,... đều tăng. Trong khi đó, cách xác định tiền thuế chỉ căn cứ vào thu nhập, áp vào để tính thuế là không ổn, gây thiệt thòi cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Người nộp thuế thu nhập cá nhân cũng là đối tượng quan trọng trong khâu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ. Khi thu nhập giảm sút, họ sẽ hạn chế chi tiêu, doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp khó và nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc so sánh với các nước phát triển, rằng khoản thu thuế thu nhập cá nhân đóng góp 30 - 40% tổng thu ngân sách nhưng ở Việt Nam mới đạt 9%, là rất khập khiễng. Bởi, tại các quốc gia này, chi phí học hành, khám chữa bệnh... đều miễn phí. “Ngoài khoản giảm trừ gia cảnh một mức nhất định, người dân vẫn được trừ tiền mua nhà, lãi vay ngân hàng... trước khi tính thuế thu nhập cá nhân. Còn ở Việt Nam, khoản giảm trừ gia cảnh chưa đủ chi tiêu nhu cầu thiết yếu. Người nộp thuế còn không được trừ tiền mua nhà, tiền học cho con, khám chữa bệnh cho bản thân...”, ông Sơn cho hay.
Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Nhà nước cần xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Điều này là cần thiết và nên làm vì sẽ giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh. Rất nhiều nước phát triển đều đã điều chỉnh tỷ lệ tính thuế thu nhập cá nhân theo mức độ lạm phát hàng năm, nhưng Việt Nam lại quy định chỉ khi nào lạm phát trên 20% mới thay đổi là quá chậm.
Thực chất thuế thu nhập cá nhân góp phần giúp Nhà nước kiểm soát nguồn thu nhập và phát hiện các nguồn thu bất hợp pháp, như hối lộ; buôn bán hàng cấm; hàng trốn thuế; lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Việc tăng hay giảm thuế thu nhập cá nhân cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt chính sách, cũng như tác động của nó đến các đối tượng nộp thuế và nguồn thu của Nhà nước.
Có thể thấy, để phục hồi kinh tế, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng hàng hóa từ 10% về 8% đã được thực hiện. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút, hàng triệu lao động bị ảnh hưởng, thì việc duy trì chính sách thuế - thuế thu nhập cá nhân ổn định liệu có còn phù hợp. Thiết nghĩ, cần phải giảm thuế thu nhập cá nhân đảm bảo đời sống cho người dân, đồng thời “nuôi dưỡng” sức mua cho nền kinh tế./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Tài chính 23/12/2024 11:37
Dự báo giá vàng: Xu hướng tăng vẫn chi phối
Tài chính 23/12/2024 06:10
Hôm nay (22/12): Giá vàng nhẫn tăng nhẹ
Tài chính 22/12/2024 06:02
6,8 triệu cổ phiếu BMK chào sàn UPCoM ngày 26/12
Tài chính 21/12/2024 22:33
Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm
Tài chính 21/12/2024 22:32
Prudential và HSBC hợp tác lấy trải nghiệm của khách hàng làm trọng tâm
Tài chính 21/12/2024 17:35
Cơ hội đầu tư nào sẽ khởi sắc trong năm 2025?
Tài chính 19/12/2024 16:33
Tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng
Tài chính 19/12/2024 11:42
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: Cầu nối đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của thị trường bảo hiểm
Tài chính 19/12/2024 09:36
100% Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thành lập Ban chỉ đạo Tổng kiểm kê tài sản công
Tài chính 19/12/2024 08:55