Thân khuyết, tâm không khuyết
Người lan tỏa hạnh phúc trong trường học Gương sáng phụ nữ Thủ đô |
Người phụ nữ khuyết tật có đôi tay kỳ diệu
Một ngày xa lắc của năm 2019, tôi gặp chị trong buổi trao giải Nhì cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ thành phố Hà Nội. Đận ấy, vóc người chị nhỏ bé, di chuyển khó nhọc với những bước đi tập tễnh nhưng lại gây ấn tượng với tất thảy mọi người bởi nụ cười tươi rói luôn thường trực trên môi.
Nhận giải xong, chị nói với tôi, chị mong ước từng bước đưa tranh thêu làng nghề Quất Động giới thiệu rộng rãi ra toàn quốc và thế giới. Chị sẽ không ngừng cố gắng và phấn đấu để thực hiện ước nguyện ấy.
Dù là người khuyết tật song chị Hoàng Thị Khương luôn nỗ lực, có nhiều sản phẩm đoạt giải trong nước và quốc tế. Ảnh: Đinh Luyện |
Giờ đây, gặp lại chị, vẫn nụ cười và sự tự tin ấy, chị khoe thời gian vừa rồi đã làm được không ít việc. Đó là tham gia hội thảo quốc tế về nghệ thuật hòa nhập có tên Sambhav 2019 dành cho người khuyết tật tổ chức tại Ấn Độ, rồi thì gửi đi bức tranh “Chùa Thầy” và đoạt giải Nhì tại cuộc thi về ý tưởng sáng tạo sản phẩm bền vững làng nghề Việt Nam diễn ra hồi cuối tháng 11/2020. Năm 2021, rồi đến năm 2022 nghề thêu liên tục phải đối mặt với những khó khăn bộn bề từ dịch Covid-19 nhưng chị cũng kịp gửi vài ba sản phẩm mà bản thân ưng ý đi dự thi ở Thành phố…
Chị Hoàng Thị Khương sinh năm 1965, tính đến nay cũng là đời thứ 4 tiếp nối nghiệp thêu của gia đình. Chị kể, bản thân không được may mắn như những đứa trẻ khác, chị bị liệt một chân từ nhỏ. Đó là di chứng sau một cơn sốt cao, mẹ chị khi ấy cặm cụi lo cơm áo bên khung thêu nên không có nhiều thời gian để dành sự chú ý cho con.
Mãi đến khi cơn sốt trở nặng và biến chứng, chị được đưa đi chạy chữa thì mọi sự cũng trở nên muộn màng. Lớn hơn một chút, chị cũng dần ý thức được cuộc sống có phần khác biệt của mình. Trong khi các bạn đồng trang lứa vui chơi, chạy nhảy, chị chỉ có thể ngồi một chỗ. Nhận nhiều thiệt thòi nhưng chẳng ai thấy chị buông một lời oán trách.
Ngoài sự lạc quan, có một điểm mà người đối diện luôn thấy toát ra ở chị Khương đó là quyết tâm không khuất phục số phận. Chẳng thế mà, ở nơi mệnh danh cái nôi của nghề thêu, trong khi người ta dần rời bỏ đi nghề truyền thống thì chị đã khắc phục những khó khăn, mặc cảm của bản thân để vững bước theo nghề thêu ren và luôn giữ cho mình ngọn lửa yêu nghề cháy bỏng.
Với những người bình thường, vươn lên từ hai bàn tay trắng là điều không dễ, nhưng đối với một người khuyết tật thì đó là cả một thử thách lớn lao và thử thách đó càng lớn hơn đối với một người phụ nữ khuyết tật. “Tôi luôn nỗ lực hết mình để chứng minh cho mọi người thấy rằng tay nghề của người tật nguyền cũng chẳng thua kém gì người bình thường, hơn nữa còn có thể giỏi và lành nghề hơn cả người bình thường” – chị Khương chia sẻ.
Với bàn tay khéo léo, những bức tranh thêu của chị Khương đã làm sửng sốt nhiều người, đặc biệt khiến cho các du khách về thăm làng nghề thán phục. Họ đã đặt chị thêu những bức chân dung quý, rồi khi về nước còn mách cho người khác biết để tiếp tục đặt hàng. Năm 2015, chị Khương là người khuyết duy nhất ở Quất Động được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực thêu tranh truyền thống.
Truyền cảm hứng vượt lên nghịch cảnh
Nghề thêu lúc thịnh, lúc suy và ở Quất Động cũng vậy. Thế nhưng, thời nào cũng thế, để tiếp nối nghề vẫn luôn có những nghệ nhân có niềm đam mê và say nghề. Nhắc chuyện nghề, chị Hoàng Thị Khương bật mí, để giỏi ở trong nghiệp thêu thùa ngoài sự chuyên cần thì người thợ phải có sáng tạo cá nhân. Bằng niềm say mê sáng tạo không ngừng, chị Khương đã cho ra đời những bức tranh thêu tay đoạt giải cao, vươn tầm thế giới và có giá trị kinh tế.
Chị Hoàng Thị Khương bên bức tranh thêu về Bác Hồ. |
Là một thợ thêu có tiếng trong vùng, ít người biết chị Hoàng Thị Khương còn truyền cảm hứng vượt lên nghịch cảnh cho không ít mảnh đời khiếm khuyết. Còn nhớ, cơ duyên của chuyện này bắt đầu từ năm 2004, khi một tổ chức phi chính phủ mời chị Khương dạy thêu cho hơn 10 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau lần đó, chị tiếp tục dạy nghề cho những người nghèo, thanh thiếu niên mồ côi ở Hà Giang, Thanh Hóa về học nghề. Tính đến nay, cơ sở thêu của chị đã đào tạo nghề cho nhiều người khuyết tật ở các nơi như: Hà Nội, Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… và những người yêu thích tranh thêu trong huyện.
Ở cơ sở của chị, bất cứ ai chỉ cần có sự đam mê nghề đều được chị chỉ dạy nhiệt tâm. Không ngừng cống hiến cho xã hội, năm 2016, chị Hoàng Thị Khương được bầu làm Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thường Tín. Tham gia công tác hội, hỗ trợ những người đồng cảnh đến thời điểm hiện tại chị Khương đã tổ chức được nhiều chiến dịch quyên góp, tặng quà hỗ trợ đến các gia đình có người khuyết tật.
Khi nghe đến chuyện chị từ chối bán những bức tranh người ta trả giá lên tới hàng trăm triệu, tôi đùa rằng tính chị có chất nghệ sĩ. Bởi lý do chị chối từ cũng thực đơn giản. Chị thích. Còn nhớ quãng năm 2010, chị đã từng mang những sản phẩm của mình là bức thêu với hình ảnh một ngôi nhà nhỏ, bên cạnh ngôi nhà là con suối và một cánh rừng hoa đi giới thiệu trong dịp Hà Nội 1000 năm Thăng Long. Nhiều người xem xong trả giá khá cao, thế nhưng chị lắc đầu từ chối. Rồi thì cách đây ít năm có người cũng mong mua được bức tranh thêu về Bác nhưng chị cũng chối từ.
Chị Khương bộc bạch, những món tiền đó có thể coi là khá lớn với một người phụ nữ nghèo như chị nhưng đó là những bức tranh mà chị thích. Chị ấp ủ sẽ mở phòng tranh thêu trên chính mảnh đất quê hương mình, trong phòng trưng bày sẽ đặt những bức thêu đẹp và tâm huyết nhất của chị.
“Tôi rất muốn mở một phòng tranh để trưng bày, để tất thảy mọi người xa gần đều có thể đến chiêm ngưỡng sản phẩm nghề thêu Quất Động. Để mọi người thấy rằng một người khuyết tật như tôi có thể tạo ra các tác phẩm như thế này, thế hệ trẻ tương lai sẽ tạo ra những tác phẩm tuyệt đẹp hơn, từ đó giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của quê hương mình” - chị Khương chia sẻ.
Nhìn chị Khương tỉ mẩn bên khung thêu, tôi thầm nghĩ với người khuyết tật, công việc chị đang làm quả thực không phải chuyện dễ dàng. Nhưng chị đã và đang làm được. Ở chị, ngoài bóng dáng của một nghệ nhân giữ nghề truyền thống thì người ta sẽ nhìn thấy hình ảnh của một người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa về nghị lực, vươn lên khỏi những nghịch cảnh của cuộc sống. /.
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tiêu dùng 22/11/2024 23:33
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Du lịch 22/11/2024 18:57
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
Trật tự đô thị 22/11/2024 18:46
Chia sẻ khó khăn cùng gia đình có người thân bị tai nạn giao thông
Giao thông 22/11/2024 18:44
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Bảo vệ sức khỏe từ sớm, từ xa vì kỷ nguyên vươn mình
Bình luận 22/11/2024 16:49