Tạo nên điểm nhấn của Hà Nội qua ‘Giao lộ leng keng’
Đề xuất nội dung ý tưởng
Hà Nội đã từng có một hệ thống tàu điện mặt đất (Tramway) tồn tại trong gần một thế kỷ, từ năm 1900 - 1990. Khi đó người Pháp quy hoạch Thành phố với quy mô đến 2 triệu dân, đồng thời xây dựng hệ thống tàu điện “leng keng” để phục vụ đi lại.
Tháng 5/1890, Công ty Điền địa Đông Dương xin phép chính quyền đô hộ thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện gọi là “Nhà máy xe điện” thuộc vào Công ty này (tên pháp là Usine de la Société des tramways électriques de l’Indochine”). Nhà máy đó đặt ở đầu làng Thụy Khuê nên dân Hà Nội ngày ấy gọi là “Nhà máy tàu điện Thụy Khuê”.
Tàu điện trên phố Hàng Đào năm 1940. |
Từ ga trung tâm ở bờ hồ Hoàn Kiếm, các tuyến đường tàu điện mặt đất tỏa ra 6 ngả là 6 cửa ngõ kết nối nông thôn với nội thành, gồm: Yên Phụ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, chợ Mơ; Vọng. Với chiều dài khoảng 50km, 1 depot đặt ở phố Thụy Khuê bây giờ, tàu điện phát triển mạnh nhất ở nước ta vào những năm 1930 - 1940, thời kỳ hưng thịnh nhất, tàu điện vận chuyển trên 40 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Từng có 4 tuyến đường tàu điện trong Hà Nội. Cụ thể:
Tuyến thứ nhất bắt đầu từ chợ Mới Mơ qua các phố Bạch Mai, Hàng Bài (có thời kỳ phố này mang tên Đồng Khánh) qua ga chính là Bờ Hồ trên phố Đinh Tiên Hoàng, chỗ đài phun nước ngày nay, tên chính là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khi dỡ bỏ đường tàu điện thì mới có đài phun nước. Đường tàu điện tiếp tục từ ga này qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường. Hàng Giấy, Chợ Đồng Xuân, Quán Thánh, Thụy Khuê và kết thúc ở chợ Bưởi, chỗ có gốc đa cổ thụ và cái giếng thơi cũng cổ. Tuyến tàu điện này dài hơn 10km.
Tuyến thứ hai bắt đầu từ ga chính Bờ Hồ qua Hàng Gai, Hàng Bông, Cửa Nam, Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Kim Mã, đền Voi Phục (Thủ Lệ) và kết thúc chỗ đầu dốc gần chiếc cầu của cửa Ô Tây Dương, tức Ô Cầu Giấy.
Tuyến thứ ba chung với đường trên một đoạn, cũng bắt đầu từ ga Bờ Hồ qua Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đẫy, đến đoạn Văn Miếu mới rẽ trái qua Hàng Bột, Nam Đồng và đi thẳng vào Hà Đông, dừng lại bến cuối cùng là Cầu Đơ bắc qua sông Nhuệ, không đi vào đến thị xã.
Tuyến thứ tư, cũng là đường có mặt sau cùng, là từ cửa bệnh viện Bạch Mai (còn có tên cũ là nhà thương Robin) qua đường Kim Liên, Hàng Lọng, cửa ga Hàng Cỏ, Cửa Nam, đầu hàng Bông, đến ngã ba Phùng Hưng thì rẽ theo đường Phùng Hưng, song song với cây cầu cạn trên cao của xe lửa, rẽ lên Hàng Cót, qua Hàng Than và kết thúc ở Ô Yên Phụ, sau khi vượt qua Nhà máy nước Yên Phụ và bến Tân Ấp.
Hình ảnh đoàn tàu hiện đại của dự án đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội. |
Trong nội thành, đường ray tàu điện là riêng biệt, được đánh chìm xuống lòng đường, chỉ còn một cái gờ nhỏ tạo ra cái khe cho bánh bám vào. Mỗi đoàn tàu ngày đó thường thường có 3 toa, 1 toa đầu kéo và 2 toa khách. Riêng toa đầu kéo hai đầu toa đều có cabin điều khiển để có thể lái được cả hai hướng mà không cần phải quay đầu, ngay sau cabin là cửa lên xuống, còn các toa khác thì cửa lên xuống nằm ở giữa.
Nhà tập kết, bến chính, nơi sửa chữa là nhà ga Thụy Khuê ngoài cổng có đường ray để mọi tuyến đường đều có thể dẫn đoàn tàu về nhà máy và cần thì đi tuốt vào trong xưởng, có nhà vòm cao. Nhiều chục năm đầu tiên, tàu điện chỉ sơn một màu đỏ nâu, giống như toa tàu hỏa của ngành đường sắt. Sau này mới có toa sơn nửa đỏ nửa xanh theo chiều dọc toa tàu. Ghế cũng vậy, đầu tiên chỉ có ghế ngồi dọc, không chia từng chỗ. Sau khi toa sơn đổi màu, bắt đầu có ghế đặt ngang toa, hai người một ghế, ít khi toa ghế ngang này ngồi ba vì tàu điện không bao giờ quá đông.
Chuyện sẵn sàng tự nguyện nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai cũng là phong cách hàng ngày của người Hà Nội. Thực ra, tàu điện là phương tiện giao thông công cộng thuận tiện nhất, thô sơ nhưng rẻ tiền, phục vụ người nghèo là chính, đi từ ngoại ô vào thành phố là chính. Vé mua một lần đi suốt một tuyến mà rất rẻ, thường chỉ có 5 xu, tương đương với ngày nay mua một quả chuối, hoặc một phần mười bát phở bình dân.
Khi Pháp rút khỏi Hà Nội năm 1954, cơ sở vật tàu điện không còn gì. Nhưng tàu điện đã phục hồi và phát triển. Ngay từ năm 1968, hơn ba chục triệu khách mỗi năm. Thành phố đã có ý đồ hiện đại hóa tàu điện, nên cử một đoàn đi nghiên cứu xe điện ở Romania. Dự án không thành do chiến tranh chống Mỹ. Sang những năm đầu thập kỷ 80, tàu điện xuống cấp, mỗi năm chỉ còn khoảng 8 triệu lượt khách. Giám đốc và anh em công nhân đã vực công ty lên bằng cách: Nâng cao chất lượng xe, số khách tăng lên gần hai mươi triệu lượt mỗi năm, công nhân lên đến 900 người.
Năm 1989, Pháp tài trợ 6, 7 đoàn xe. Để tăng thêm thu nhập, công ty sản xuất cả gạch men, gốm sứ và than tổ ong, cán thép… Nhưng sau đổi mới, tàu điện cũng phải cáo chung. Toa tàu để gỉ và mục nát ở Thụy Khuê. Đường tàu bán sang Nhật với giá sắt vụn, dù nhiều thanh ray còn mới tinh. Không chỉ là một phương tiện vận tải công cộng đơn thuần, tàu điện mặt đất còn là một nét văn hoá đặc trưng, đẹp dịu dàng và gần gũi với người Hà Nội. Tiếng tàu điện leng keng đã đi vào thơ ca, những hình ảnh còn lưu giữ về tàu điện Bờ Hồ, những câu chuyện kể truyền qua bao thế hệ đã chứng minh giá trị văn hoá của nó trong lịch sử và ký ức nhân dân Thủ đô.
Hình vẽ mặt cắt dọc ga ngầm đường sắt đô thị. |
Hình vẽ mặt cắt ngang ga ngầm đường sắt đô thị. |
Điều đáng tiếc là những ký ức, nét đẹp hoài cổ của tàu điện leng keng đang dần phai nhạt. Ngày càng ít người biết đến tàu điện Bờ Hồ và tiếng leng keng gần gũi của nó. Nếu không muốn ký ức đẹp đó một ngày nào sẽ hoàn toàn tan biến, hồn cốt Hà Nội thực sự mất đi một nét cổ kính, lãng mạn, Thành phố cần phải có một nơi lưu giữ.
Những hình ảnh, hiện vật, thậm chí là tiếng leng keng tàu điện cần một nơi để trưng bày, phục dựng, giới thiệu cho người dân và cả du khách khắp nơi khi đến với Hà Nội. Tàu điện Bờ Hồ - nét đẹp nao lòng của quá khứ cần một nơi để neo lại, một con đường để chạy xuyên qua thời gian, trường tồn cùng Thủ đô.
Song song với những ký ức ngọt ngào của “tiếng leng keng tàu điện phố vắng”, Hà Nội cũng đang dần hình thành những tuyến đường sắt đô thị mới. Với những tố chất khoẻ khoắn, mạnh mẽ, ưu việt, đường sắt đô thị mới sẽ trở thành xương sống của vận tải công cộng trong Thành phố. Mỗi chuyến tàu có thể chở hàng nghìn người, đi trên cao hoặc đi ngầm. Khác với vẻ đẹp trầm lắng của tàu điện mặt đất, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm lại mang vẻ đẹp hiện đại đến cho Hà Nội.
Nếu đã từng ngồi trên một chuyến tàu điện trên cao, hẳn ai cũng hiểu cảm giác được đắm chìm vào không gian muôn màu với những góc nhìn rộng, bao quát từng khu vực nó đi qua. Ở nhiều nước phát triển như: Liên Bang Nga, Nhật Bản, Liên Bang Đức… nhà ga tàu điện ngầm vừa phục vụ vận tải, vừa là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, vừa là nơi trú ẩn an toàn cho người dân khi cần thiết.
Lịch sử đường sắt đô thị Hà Nội bắt đầu từ gần 100 năm trước và đến nay đã sang một trang khác hoàn toàn, với nhiều thách thức và khó khăn hơn. Quá trình xây dựng các dự án đường sắt đô thị hiện đại còn rất nhiều gian nan, vất vả trong khi những điều kỳ thú về đường sắt đô thị hiện đại chưa được mấy người biết tới. Bởi vậy, cùng với những hoài niệm đẹp về tàu điện khi xưa, Hà Nội cũng rất cần lưu lại những dấu ấn của đường sắt đô thị hiện đại. Và cách tốt nhất là tạo nên một “Giao lộ leng keng”, nơi hoài niệm và hiện tại gặp nhau, đan xen, hoà quyện, tạo nên một bức tranh toàn cảnh ĐSĐT của Thủ đô. Giao lộ này có thể trở thành điểm nhấn văn hoá vô cùng đặc sắc của Hà Nội, góp phần xây dựng hình ảnh Thành phố vì hoà bình, văn minh và lịch lãm - đó cũng chính là mục đích và ý nghĩa của ý tưởng sáng tạo
Các giải pháp thực hiện
Việc tạo nên một “Giao lộ cảm xúc” giữa tàu điện mặt đất trong quá khứ và tàu điện hiện đại hoàn toàn có thể thực hiện được với những điều kiện sẵn có, hạn chế tối đa chi phí đầu tư.
Hình ảnh phối cảnh lối vào nhà ga ngầm C9. |
Hiện nay các nhà ga đường sắt đô thị, đều được thiết kế với 2 hoặc 3 tầng cơ bản. Cụ thể, tầng 1 - tầng trung chuyển (nơi đón tiếp hành khách, bán vé, soát vé); tầng 2 - tầng kỹ thuật; tầng 3 - tầng ke ga. Kích thước ga ngầm là 150m x 21,4m. Các tầng trung chuyển thường có diện tích khoảng trên 3.200m2, chức năng sử dụng là đón tiếp hành khách từ các khu vực xung quanh xuống ga để tham gia đường sắt đô thị, là nơi bán vé, soát vé lên tầu, có thể kết hợp với các mục đích kinh doanh và dịch vụ khi đơn vị sử dụng có phương án sử dụng mặt bằng hợp lý.
Điều này hành khách có thể nhận thấy rất rõ ràng tại các nhà ga đang hoạt động tại các nước có hệ thống đường sắt đô thị phát triển như Nga, Nhật, Trung Quốc, Anh, Đức, Pháp, Singapour… Như vậy, có thể tận dụng một phần diện tích của tầng trung chuyển tại một nhà ga thích hợp để tạo nên không gian văn hoá tàu điện. Vấn đề cần quan tâm nhất là “Giao lộ” này nên đặt ở ga nào?
Thiết nghĩ, không một nhà ga nào phù hợp để lưu giữ ký ức, quảng bá nét đẹp của tàu điện leng keng đến người dân và du khách hơn Ga Bờ Hồ của tuyến đường sắt đô thị số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Bởi nhà ga này nằm ở vị trí đắc địa nhất, nơi mà bất cứ người dân hay du khách nào cũng muốn tới khi đến Hà Nội. Hơn nữa, Bờ Hồ vốn tự nó đã là nơi giao thoa giữa lịch sử - hiện tại và tương lai của Hà Nội, nơi được coi là trái tim của Hà Nội.
Hình vẽ mặt bằng bố trí của tầng trung chuyển nhà ga ngầm C9. |
Theo thiết kế, nhà ga C9 - Ga Bờ Hồ, tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ nằm ngay bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước cửa Tổng công ty điện lực. Tầng 1 - tầng trung chuyển nhà ga này có tổng diện tích khoảng 3.403m2. Nếu bố trí hợp lý, có thể sử dụng khoảng 1/3 diện tích tầng này để làm nơi trưng bày các hiện vật của quá khứ, hiện tại, vừa giúp người dân hiểu và gần gũi hơn với tàu điện hiện đại, vừa lưu giữ những ký ức đẹp về một thời tàu điện xưa, sẽ rất khả thi.
“Giao lộ leng keng” sẽ gồm tổng hòa các yếu tố: Hiện vật; hình ảnh; âm thanh, ánh sáng.
Ngoài một khu vực cố định để trưng bày các hình ảnh, hiện vật, khu vực này còn có thể được trang trí bằng những bức bích hoạ, tái hiện không gian văn hoá gắn liền với tàu điện leng keng. Thậm chí tiếng leng keng của tàu điện xưa cũng có thể được hồi sinh trên tàu điện hiện đại ngày nay. Với một tổng thể màu sắc, thanh âm, hình khối, chắc chắn đây sẽ là nơi mang đến nhiều cảm xúc, thu hút được sự chú ý và tình cảm của nhân dân, du khách đối với Hà Nội.
Một minh họa cụ thể tại thành Rome cổ kính, tại nhà ga San Giovanni khi thấy có quá nhiều hiện vật được tìm kiếm trong khu vực, thành phố quyết định thay đổi phương án không theo tiêu chuẩn ban đầu, cho dù dự án đã đi vào xây dựng. Ý tưởng mới là đưa nhà ga trở thành nơi tường thuật lại lịch sử một cách sống động, được thiết kế theo lối kể chuyện, đưa người xem chìm vào trong những câu chuyện lịch sử, làm chúng trở nên sống động, động chạm đo đếm được bằng cách kết hợp các thiết bị kĩ thuật cùng với các di chỉ khảo cổ tìm được.
Những yêu cầu này đặt ra hàng loạt những yếu tố thiết kế mới khác biệt với các tiêu chuẩn trưng bày thông thường: khoảng cách hiện vật, thời gian quan sát, âm thanh ánh sáng. Tuyến tàu điện ngầm ở Rome Line C, nhà ga San Giovanni (thiết kế bởi F.Lambertucci,A.Grimaldi, A.Farris) sảnh vào của ga tàu điện ngầm được thiết kế như 1 bảo tàng ngầm trưng bày những hiện vật theo từng tầng lớp lịch sử. Điều này, nếu thực hiện được, hành khách sẽ liên tưởng tới những nét tương đồng với những ga tầu điện ngầm nối tiếng thế giới ở Matxcva (Nga), Roma, Napoli (Italia)…
Ở đây, các nhà ga ngầm đường sắt đô thị đã thành công trong phương án tiếp cận về mặt văn hóa, lịch sử để đưa các di tích, di sản vào cuộc sống hàng ngày thay vì chỉ được lưu giữ trong sách vở hoặc trong bảo tàng.
Hệ thống đường sắt đô thị còn mới mẻ tại Việt Nam, tuy nhiên đã được phát triển trên thế giới từ rất lâu, với những thực tiễn và kinh nghiệm có thể khẳng định được việc xây dựng một “Giao lộ leng keng” tại ga ngầm C9 là hoàn toàn khả thi và mang lại nhiều ý nghĩa. Có thể nói, việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm trong thành phố có bề dày lịch sử mang lại nhiều cơ hội quý giá kết hợp với một Giao lộ “leng keng”, chúng ta có thể có một cách tiếp cận đúng đắn và từ đó tạo cơ hội để thấy được những góc nhìn lịch sử. Mang lại cho Thủ đô không chỉ những vị khách du lịch, mà cả là sự bất ngờ, và sau đó là lòng tự hào cho chính người dân đang sống.
Kế hoạch thực hiện và dự toán kinh phí
Việc triển khai thực hiện ý tưởng sẽ thực hiện đồng bộ với việc triển khai ga ngầm C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo kế hoạch triển khai dự án sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm 2021.
Ga ngầm San Giovanni, Rome (Italy) - tích hợp dự án giao thông ngầm đồng thời hình thành Bảo tàng di sản đô thị dưới lòng đất. |
Trong quá trình triển khai, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ đưa vào dự toán kinh phí thực hiện của Dự án và nguồn vốn ngân sách của Thành phố.
Những đặc điểm nổi bật của ý tưởng ở chỗ: Hệ thống hóa, lưu trữ được những giá trị lịch sử về lĩnh vực đường sắt đô thị tại Thủ đô; Hiện tại, tại Hà Nội cũng như Việt Nam chưa có một công trình lưu trữ giá trị lịch sử, kết nối các yếu tố xưa và nay, truyền thống và hiện đại tương tự.
Về tính khả thi, việc áp dụng ý tưởng hoàn toàn khả thi, một số công trình trên Thế giới đã áp dụng và đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả về văn hóa, kinh tế và xã hội.
Về tính thực tế, vấn đề giữa bảo tồn và phát triển hiện tại đang rất được quan tâm, việc hài hòa, kết nối những yếu tố này cùng với nhau nhằm mang lại những giá trị to lớn hơn là rất cần thiết và có tính thực tế cao.
Hiệu quả của ý tưởng nằm ở chỗ đối tượng được hưởng lợi là người dân Thủ đô, khách du lịch có thể tiếp cận, thăm quan và tìm hiểu về lịch sử của đường sắt đô thị tại Thành phố.
Hiệu quả kinh tế xã hội nằm ở chỗ, ngoài những giá trị văn hoá, “Giao lộ leng keng” còn có thể mang lại những lợi ích thiết thực về kinh tế - xã hội. Trước tiên là giúp thu hút người dân đến với tàu điện, sử dụng loại hình vận tải công cộng này thường xuyên hơn, góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và môi trường của Thành phố.
Ngoài ra, đây còn có thể là một điểm tham quan, kinh doanh đồ lưu niệm với những chiếc tàu điện mô hình nhỏ là mặt hàng chủ đạo. Dù mục đích kinh tế không được đặt lên hàng đầu, nhưng nếu quản lý tốt, có bài tính phù hợp, sẽ đảm bảo được chi phí duy trì, vận hành địa điểm tham quan này mà không cần ngân sách Thành phố chi trả.
Nếu “Giao lộ leng keng” bước từ ý tưởng ra thực tế, chắc chắn Hà Nội sẽ có thêm một điểm nhấn văn hoá, du lịch nữa, góp phần xây dựng hình ảnh Thành phố vì hoà bình. Và một lần nữa người dân Hà Nội lại có cơ hội được nghe tiếng tàu điện leng keng tại Bờ Hồ, được sống lại phần nào cảm xúc về một Hà Nội cổ kính, trầm lắng và lãng mạn, để nhớ và tự hào về Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Lê Trung Hiếu
(Công đoàn Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Cập nhật giá vàng, tỷ giá sáng 23/12: Vàng nhẫn diễn biến lạ, tỷ giá USD tăng "nóng"
Vòng 17 Premier League: MU thua tơi tả, Liverpool thắng tưng bừng
Giá xăng dầu hôm nay (23/12): Giá dầu thế giới đầu tuần bật tăng
Bán kết AFF Cup 2024, Singapore vs Việt Nam: Văn Toàn không thi đấu
Dự báo giá vàng: Xu hướng tăng vẫn chi phối
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/12: Sáng sớm có sương mù, ngày nắng
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15