Sưu tầm 8000 chiếc đĩa cổ trang trí cho ngôi nhà
Hơn 20 năm nay ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có một người nông dân đi dọc sông Hồng sưu tầm đồ xưa.Không có tiền mua tủ kính trưng bày, ông đem gắn tất cả đồ vào tường, biến ngôi nhà thành tuyệt tác có một không hai.
Đất Vĩnh Phúc xưa nay nổi tiếng vì có nhiều người chơi và buôn đồ cổ. Trong số này có ông Nguyễn Văn Trường ở làng Kiệu Sơn (Chấn Hưng, Vĩnh Tường) có một niềm đam mê vô hạn với những món đồ sành sứ từ xa xưa. Lẽ thường thú chơi đồ cổ chỉ dành cho kẻ có tiền. Có gã nông dân Trường "Khùng" nghèo rớt nhưng vì đồ cổ mà sẵn sàng bán thóc, cắm sổ đỏ, ứng tiền làm thuê hay vất vả ngược sông Hồng gom nhặt. Ông thì khác, mua hoặc nhặt về, rồi tuyệt nhiên không bán bao giờ.
|
Ông Nguyễn Văn Trường, người nông dân xây nhà bằng đồ cổ. Ảnh: Phan Dương.
Với khoảng 8.000 chiếc đĩa lành lặn, tính ra ông nông dân nghèo này cũng đã có bạc tỷ. |
Con đường dẫn vào nhà ông Trường là một ngõ nhỏ lát bê tông, hai bên nhà cửa san sát. Ngôi nhà nhìn từ xa thoáng một nét kiến trúc như cung đình xưa. Trên tường rào có vô vàn bát đĩa cũ, những mảnh gốm vỡ. Vài chục chiếc cối đá xếp thành hàng. Cánh cổng mái vòm gắn những chiếc bình, chiếc đĩa đủ loại hoa văn từ hoa điểu (chim hoa), thạch trúc (tre trúc và đá), tam hữu (hoa mai, cúc, trúc), tùng hạc (chim hạc và cây tùng), lý ngư (cá chép), phượng vũ (chim phượng), phúc lộc thọ...
Bước qua cổng, bên phải là hòn non bộ lớn đắp hàng nghìn mảnh gốm cổ. Cây si ẩn hiện phía sau, cây trúc la đà trước mặt. Bên trái là ngôi nhà cấp bốn không trát vôi vữa như lệ thường, thay vào đó trên tường gắn những chiếc đĩa thành từng hàng ngay ngắn. Ba cây cột trước nhà gắn chi chít những đồng tiền xu, đồng xèng, khuy áo cũ kỹ...
Lấy vạt áo lau vết bụi nhỏ trên chiếc đĩa trước mặt, ông Trường nhìn toàn căn phòng, rồi âu yếm gọi nó là "bức tranh". Ông gắn đồ xưa lên tường vì không có tiền mua tủ trưng bày và sợ mất trộm hay những lúc mang ra ngắm lỡ tay làm vỡ.
|
Vì không có tiền nên ông quyết định gắn cố định những đồ xưa vào tường để không mang đi đâu được. Ảnh: Phan Dương. |
Ông Nguyễn Văn Trường, năm nay đã 52 tuổi, có mái tóc dài, nước da ngăm đen, đôi má hóp dãi nắng dầm sương kể, năm 1982, ông tham gia chiến đấu ở Campuchia. Đến năm 1986, ông về quê mưu sinh bằng nghề sơn rong bàn ghế thuê kiếm sống. Công việc này tạo điều kiện cho ông tiếp xúc với nhiều nhà, biết được các đồ cổ đẹp và niềm đam mê tột độ dấy lên trong ông từ đó.
"Tôi đi sơn bàn ghế cho một ông trùm buôn đồ cổ trong vùng. Nhà ông ấy có vô vàn đồ cổ đẹp, ngắm không biết chán. Ông ấy bảo tôi có cơ hội đi nhiều thì để ý xem nhà ai có đồ cổ thì mua lại bán cho ông ấy. Lúc đó tôi đã say mê đồ cổ rồi, bán nó chẳng khác nào bán đi những giá trị văn hóa của dân tộc".
Năm 1989, ông Trường lấy vợ, sinh con. Cuộc sống khó khăn, ruộng nương chỉ có vài sào. Là lao động chính trong nhà nhưng phần lớn số tiền kiếm được ông đều đổ vào đồ cổ. "Vợ con ngày ngày nhiếc móc, giận dỗi, phản đối tôi kịch liệt. Hàng xóm cũng cho tôi là khùng, gàn dở. Nhà tranh vách đất, miếng cơm không có mà ăn còn học đòi chơi đồ cổ", giọng ông buồn bã.
Ngày đó, nhà ông Trường vẫn là gian nhà đất cũ kỹ. Hầu hết những đêm trời mưa ông đều phải thức trắng, vừa lấy tơi che cho con, vừa lấy tơi che cho những món đồ cổ.
Người đàn ông này thành thật "yêu đồ cổ hơn vợ rất nhiều lần". Vì yêu quá mà ông đem cắm sổ đỏ, vay được 8 triệu đồng với lãi 3 phân. Qua 7 năm, số tiền tăng lên hơn 30 triệu đồng. Con trai ông vừa mới giúp cha trả nợ dịp vừa rồi.
Càng dấn thân vào những thứ đồ của cha ông xưa, ông càng say mê. Rồi đến một ngày ông Trường "Khùng" bỏ luôn nghề sơn, ngày ngày rong ruổi chiếc xe máy tàu đi dọc sông Hồng lên Việt Trì, Lào Cai, Yên Bái... săn đồ.
"Hành trình đi nhặt đồ cổ của tôi vất vả lắm. Những trưa nắng chang chang mà mình tôi lăn lộn trên những bãi cát sỏi, nhặt từng mảnh gốm xưa, một chiếc khuy, đồng xu, xèng cũ tôi cũng xem là giá trị lắm. Ngoài nhặt nhạnh, tôi cũng lân la hỏi chuyện bà con và mua lại những đồ có giá trị", ông chia sẻ.
Người đàn ông kể, kỷ niệm sâu sắc nhất đó là lần đi qua mạn trại giam Vĩnh Quang (Tam Đảo) thì bị thủng xăm xe. Buổi trưa nắng gắt hơn 40 độ, xung quanh đường vắng teo không một hàng quán, bụng đói meo. Trên xe lại chở vài chục cân đồ gốm. Ông đẩy xe qua dốc hơn 2 km mà tưởng như chết đi, sống lại mất lần. Kỷ niệm này ăn sâu vào tâm trí đến mức giờ mỗi lần đi đâu ông đều có thói quen nắn lốp xe.
Lại có lần khác, hôm đó hơn 21h, ông đi mua được hơn 2 triệu đồng tiền đồ xưa. Gần về đến nhà thì ông đâm vào đống rơm. Tất cả đồ mua được đều bị vỡ tan tành. Xót đứt ruột nhưng ông vẫn cố gắng lượm tất những mảnh vỡ về.
Cả gian nhà cấp bốn 2 gian của ông cũng được gắn vô vàn chiếc đĩa đẹp mắt. Ông Trường cho biết, bắt đầu đập tường gắn đĩa từ năm 2005 và mới hoàn tất "bức tranh" trong tháng này. Chỉ riêng căn nhà đã gắn mất 3.000 chiếc đĩa.
Những đồ cổ ông sưu tầm đa phần là bát đĩa đời Lê, Nguyễn, có giá trị kinh tế không cao |
"Nhưng khó khăn nhất với tôi vẫn là không có tiền. Mỗi chuyến đi tôi chưa bao giờ có quá 1 triệu đồng. Phần lớn số tiền này, tôi đều phải bán lúa, vay mượn hay đi ứng trước tiền công. Chuyến đi nào tôi cũng phải nhịn đói lấy tiền mua đồ cổ. Có những bận, tôi còn chấp nhận làm thuê cho người ta vài ngày đổi lấy những món đồ", ông tâm sự.
Năm 1988, ngôi nhà nhỏ đã không còn đủ sức chứa đồ. Mỗi lần ngắm ông mất nhiều giờ lục ra, sắp xếp lại. Rồi ông nảy ra ý định gắn đồ cổ vào tường rào, sau đó làm vào hòn non bộ, cuối cùng mới có ý định đập tường nhà, gắn đồ xưa. "Ban ngày tôi đi làm đồng giúp vợ, còn lại đi săn đồ cổ. Ban đêm mới làm công việc này. Tôi đập tường nhà, trộn 2 cát, một xi măng làm vữa. Cơm tối xong là tôi làm đến khuya. Mỗi tối gắn được từ 15 đến 17 chiếc đĩa lên tường".
Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ nên chỉ có mình ông làm. Mất 15 năm thì ông hoàn thành "bức tranh" của mình với tổng cộng hơn 8.000 chiếc đĩa, 90 kg xèng, 20 kg tiền xu, hơn 20 kg các loại khuy áo bằng đồng, bằng đá, và còn vô vàn những mảnh gốm vỡ khác.
"Bây giờ các con tôi đã trưởng thành. Gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn lớn nhưng không đè nặng như xưa. Ban ngày tôi vẫn tiếp tục săn tìm đồ cổ. Ban đêm tôi lại tiếp tục công việc gắn đồ cổ. Để làm hết mọi ngóc ngách trong nhà sẽ phải mất khoảng 7 năm nữa", người nông dân chơi đồ cổ xưa ước tính.
Nguồn VnE
Nên xem
Dấu ấn khác biệt của Vinamilk với hành trình 16 năm liền là thương hiệu Quốc gia
Hà Nội sẵn sàng cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội HANIFF VII
Sắc màu hầu đồng trong nghệ thuật trang điểm
Sơn Tây: Thông tin về vụ sập nhà ở phường Quang Trung
Quận Bắc Từ Liêm trao Huy hiệu Đảng tặng 220 đảng viên lão thành cách mạng
Huyện Thường Tín nỗ lực chuyển đổi số để phát triển toàn diện
TP.HCM: Nhiều vướng mắc về thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả BHXH
Tin khác
Sơn Tây: Thông tin về vụ sập nhà ở phường Quang Trung
Tin mới 05/11/2024 14:50
Đại biểu đề nghị giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả
Sự kiện 05/11/2024 11:44
Năm 2024 cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên
Sự kiện 05/11/2024 11:30
Đại biểu Quốc hội: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng “tắc” do nguyên vật liệu
Sự kiện 05/11/2024 11:29
Đại biểu đề nghị tăng chi đầu tư phát triển cho y tế và giáo dục
Sự kiện 05/11/2024 10:42
Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công
Tin mới 05/11/2024 08:00
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Sự kiện 04/11/2024 22:07
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Sự kiện 04/11/2024 21:44
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Sự kiện 04/11/2024 21:37
Đại biểu Quốc hội: Cần nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường dù là nhỏ nhất
Sự kiện 04/11/2024 16:33