Sông hỏi người… bao giờ xanh trở lại?!
“Hồi sinh” sông Tô Lịch vì tương lai của Thủ đô Phải thu gom xử lý nước thải Phải giải được “bài toán” ô nhiễm nguồn nước! |
Cuối dòng, sông thôi khóc
Trong cái nắng vàng ruộm một ngày mùa hạ 2021, tôi về thăm xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. Nép mình bên dòng sông Tô Lịch, hai thôn Nội Am và Thọ Am hiện lên như một bức tranh nên thơ, hiền hoà, với hàng dừa xanh thẳng tắp in bóng xuống dòng sông, điểm tô thêm là những sắc màu rực rỡ của các loài hoa như níu kéo bước chân người, xua tan bầu không khí ngột ngạt của dịch bệnh. So với 5, 6 năm về trước, con sông nay đã “đảo chiều”, lấy lại hơi thở trong lành, mang lại nguồn nước sạch cho cả một vùng quê.
Đứng dưới hàng dừa xanh, bạn tôi, một cô gái quê gốc xã Liên Ninh kể rằng: Huyện Thanh Trì có 10km sông Tô Lịch chảy qua địa bàn 6 xã, thị trấn, trong đó Liên Ninh là xã cuối dòng, có 1,2km sông chạy qua hai thôn Nội Am và Thọ Am.
Đoạn cuối sông Tô Lịch - nơi đi qua xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. |
Từ trước năm 2015, không khí ngột ngạt, bí bách là những gì người dân xã Liên Ninh phải chịu đựng vì dòng sông ô nhiễm nặng nề. Đây là hệ quả của tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công ty, xí nghiệp mọc lên, thêm vào đó nhiều hộ dân sống ven sông còn sử dụng ống dẫn nước thải trực tiếp trong quá trình sinh hoạt của gia đình xả thẳng ra sông. Ở nhiều đoạn có thời điểm còn bị ách tắc dòng chảy, nguyên nhân gây nên bởi rác, cây leo, bèo kết thành mảng. Hệ lụy là dòng sông bị cắt khúc, nước không lưu thông được. Lâu ngày chúng trở thành những mảng rác thải đầy muỗi và ô nhiễm.
Hoài niệm về những ngày xưa, ngày con sông vẫn là nơi tắm mát của tuổi thơ, nơi ông bà, cha mẹ gánh từng gánh nước chở về nhà, đánh phèn, nấu cơm, bạn tôi trầm mặc kể: “Hơn chục năm trước, nước sông ngày ấy trong và sạch lắm, mọi người vẫn cùng nhau gánh nước sông về dùng. Thỉnh thoảng, những con thuyền nhỏ của bà con ra đánh cá, kéo về những mẻ lưới đầy. Về sau, sông bị ô nhiễm trầm trọng, nước đen, bốc mùi, cá cũng không sống nổi, chỉ còn là một vùng nước chết, chẳng khác ao tù, nước đọng”.
Chúng tôi đi dọc bờ sông, con đường ven sông giờ đây nở đầy những cây hoa chiều tím, hoa mười giờ, lung linh trong sắc nắng. Đang nhặt những chiếc lá úa trên luống hoa chiều tím, chị Nguyễn Thanh Hồng, thôn Nội Am vui mừng chia sẻ: “Có một thời, tôi thật sự còn nghe thấy tiếng dòng sông “khóc” bởi nó bị tàn phá, bị hắt hủi, bị ném những thứ hôi thối xuống lòng mình. Cũng có thời con sông đứng lặng như dòng sông chết, nước không thể chảy, bèo không thể trôi, sông bị cắt khúc như đau đớn, oằn mình trong sự vô tình của con người. Ngày nay, những hộ dân ven sông đã có thể mở cửa sổ, đón gió từ sông thổi lại. Con đường ngày xưa phủ đầy rác giờ đã thành con đường hoa kiểu mẫu, bất cứ ai đi qua cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc”.
Vì đâu sông thôi khóc? Đó là vì một ngày người dân nơi đây đã hiểu ra, con sông là mạch máu của vùng đất này, sông sống thì đất sống, đất sống thì người còn lưu luyến, ở lại mà xây dựng quê hương. Chính vì vậy, sau khi có chủ trương nạo vét tuyến sông của huyện Thanh Trì, chính quyền và người dân xã Liên Ninh đã đồng sức, đồng lòng, quyết tâm mang đến cho sông Tô Lịch một câu trả lời: “Rồi sẽ xanh trở lại”.
Chính quyền, các đoàn thể và nhân dân xã Liên Ninh cùng nhau ra quân dọn rác, kè sông. |
Cuộc hành trình tìm lại màu xanh
Hiểu được lòng dân, thời điểm ấy, Huyện uỷ Thanh Trì triển khai Nghị quyết 07-NQ/HU ngày 22/4/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện” và Thông báo số 631/TB-UBND ngày 19/8/2016 của Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì về kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tại cuộc họp bàn về công tác nạo vét tuyến sông Tô Lịch trên địa bàn huyện. Chính quyền, nhân dân của tất cả các xã có dòng sông Tô Lịch chảy qua đều đồng lòng thực hiện.
Xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, được sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện nạo vét, tổng vệ sinh kết hợp với giải tỏa hành lang dọc hai bên sông nhằm khắc phục triệt để vi phạm, ô nhiễm môi trường, lập hành lang bảo vệ chống tái lấn chiếm.
Ông Nguyễn Xuân Thọ - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Liên Ninh nhận định: “Khi bàn về xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thống nhất rất cao với huyện rằng, tiêu chí về môi trường rất quan trọng. Bây giờ không nghĩ ngay đến bảo vệ môi trường, cảnh quan thì sau này muốn làm cũng không làm được”.
Hưởng ứng kế hoạch của huyện và xã đề ra, hằng tuần, các đoàn thể, cán bộ xã, thôn tích cực ra quân thu gom, xử lý rác thải ở lòng sông và ven sông. Huy động lực lượng đông như vậy song hiệu quả công việc không đạt được như mong muốn, rác thải vừa dọn hôm trước, hôm sau người dân lại xả rác ra ven sông.
Quyết tâm là thế, nhưng khi đi vào thực tiễn mới phát sinh nhiều vướng mắc. Câu hỏi được lãnh đạo xã đặt ra khi đó là: Xác định được nguyên nhân ô nhiễm là lý do từ người dân xả rác. Đặt giả thuyết nếu là trước cửa nhà mình thì không ai tự đem rác ra đổ cả. Vậy thì cần có một con đường ven sông thì mới giải quyết được vấn đề môi trường. Nhưng mở đường đồng nghĩa với việc giải phóng mặt bằng, tiền bồi thường, tiền hỗ trợ... thì lấy ở đâu? Sau đó lại còn tiền để để đầu tư xây dựng đường ... Đó lại là một cái khó phát sinh đối với cấp xã.
Bằng sự tâm huyết, bằng tinh thần trách nhiệm của người cán bộ đảng viên, Đảng ủy, lãnh đạo xã Liên Ninh đã báo cáo với lãnh đạo Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì về ý tưởng đó và được huyện hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống rãnh thoát nước và đổ bê tông mặt đường 2 tỷ 757 triệu đồng, còn công tác giải phóng mặt bằng hoàn toàn xã phải chủ động xã hội hóa trong dân.
Mặt sông được dọn sạch sẽ. |
Việc làm đường, cải tạo cống, rãnh thoát nước được thực hiện theo phương châm: “Tranh thủ tối đa các nguồn lực sẵn có, huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, do nhân dân trực tiếp thực hiện; nhà nước hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật và nguyên vật liệu”. Với quan điểm này, làm sao để nhận được sự đồng tỉnh ủng hộ của nhân dân, nhất là khi người dân vừa phải đóng góp nhiều khoản kinh phí trong quá trình xây dựng nông thôn mới là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền xã. Ngoài ra, quan trọng nhất là phải vận động nhân dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương tự giải phóng mặt bằng, tự bàn giao diện tích đất để xã mở đường mà không có bồi thường, hỗ trợ.
Cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời Ủy ban nhân dân xã đề ra giải pháp là cùng với hai thôn Nội Am, Thọ Am hỗ trợ nhân lực, ca máy, cộng với một phần kinh phí đối với các hộ phải phá dỡ tường rào, công trình để cùng với các hộ dân thu dọn cây cối, hoa màu, giải tỏa công trình bàn giao đất cho Uỷ ban nhân dân xã để mở đường. Cùng với đó, phát huy vai trò giám sát, làm chủ của nhân dân, để nhân dân lựa chọn phương án thi công, nên họ hoàn toàn yên tâm và tích cực tham gia vào quá trình triển khai thực hiện.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng được huy động, tích cực đi từng ngõ vận động nhân dân đồng lòng. "Mắt thấy, tai nghe". Khi hiểu rõ những lợi ích của chương trình cải tạo môi trường sông Tô Lịch đem lại, nhân dân dần đồng thuận cao hơn và tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công để làm tuyến đường gom, cải tạo, làm sạch lòng sông.
Nhiều gia đình đã hiến đất, dỡ hoa màu để làm đường gom ven sông. |
Hưởng ứng chủ trương của xã và trả lại màu xanh cho con sông quê hương, ngay lập tức, hơn 20 gia đình đảng viên thôn Nội Am và thôn Thọ Am đã đi trước, làm gương, tự giải phóng hoa màu, cây cối… Hành động của các gia đình đảng viên đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, biến những điều tưởng chừng khó trở thành hiện thực, đó là lời giải của trách nhiệm với địa phương, với cộng đồng.
Ở cái thời buổi tấc đất, tấc vàng, đất đai cũng chẳng rộng rãi là bao, thế nhưng khi được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, vận động, thấy được ý nghĩa của việc mở rộng đường gom, gia đình chị Phùng Thị Tâm cũng đã tình nguyện phá giỡ ngôi nhà ba tầng, rộng hơn 50m2 để mở rộng đường liên thôn; gia đình bà Xuân cũng tự nguyện hiến đất để làm đường gom ven sông. Bây giờ, đường qua nhà những người dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng làm đường đã được mở rộng, đổ bê tông sạch sẽ, đi lại dễ dàng, ô tô vào tận ngõ mà cảnh quan trước nhà cũng trở nên thoáng đãng, đẹp hơn rất nhiều. Đó là niềm vui, cũng là kết quả mà người dân nhận được hưởng từ sự đóng góp của chính mình.
Ở đâu có rác, ở đó thay bằng hoa
Việc gia đình dân cư ven sông dỡ nhà, dọn hoa màu, bàn giao đất cho địa phương, góp phần “gỡ nút thắt” giao thông và “gỡ” luôn cả những e ngại ban đầu của một số hộ dân, tạo nên phong trào bàn giao đất sạch để thực hiện chương trình cải tạo môi trường sông Tô Lịch trong cả xóm.
Chỉ sau một tháng, xã Liên Ninh đã vận động được 58/58 hộ dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, nhiều hộ gia đình đã phá dỡ tường dào, công trình, bàn giao đất cho Uỷ ban nhân dân xã để mở đường. Tiếp nối thành công của giai đoạn 1, cuối năm 2016, đầu năm 2017, xã tiếp tục triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 đoạn từ cầu Om thôn Thọ Am đến cống Ba cửa thôn Nội Am. Cả hai giai đoạn, trên toàn xã Liên Ninh có 128 hộ dân đã bàn giao mặt bằng trên 5.000m2 cho Uỷ ban nhân dân xã, trong đó có 6 hộ gia đình hiến trên 100m2 đất để làm đường gom ven sông.
Để trả lại màu xanh vốn có của sông Tô Lịch lịch sử, xã Liên Ninh tiếp tục thuê các máy xúc nạo vét bùn đất lắng dưới lòng sông; tổ chức 319 lượt ra quân tổng vệ sinh môi trường với trên 5 nghìn lượt cán bộ, nhân dân tham gia vớt rác thải, bèo… Để tái lấn chiếm, xã vận động nhân dân thực hiện “ba không”: không vứt rác ra sông, không bắt tôm cá trên sông, không dựng lều quán bán hàng.
Hàng tuần, các tổ chức đoàn thể, bà con xã Liên Ninh tổ chức vớt rác, vệ sinh môi trường ven đoạn sông. |
Nhờ cách làm quyết liệt, đồng lòng của chính quyền, nhân dân địa phương, dòng sông Tô Lịch đen kịt nay đã xanh trở lại, mang đến cho cả vùng hơi thở tươi mới, trong lành... Sau khi dự án nạo vét, cải tạo sông Tô Lịch đoạn qua huyện Thanh Trì được hoàn thành, sông Tô Lịch đã được hồi sinh. Nguồn nước không còn mùi hôi thối như trước, người dân có thể đi dạo, ngồi chơi, câu cá… hai bên bờ sông. Đoạn sông này đã trở thành nơi cung cấp nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho người dân trong huyện.
Khi con đường bê tông thẳng tắp được xây dựng bởi "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Đảng uỷ, chính quyền địa phương và các ngành đoàn thể, cán bộ, nhân dân thôn xã lại bắt tay thực hiện một nhiệm vụ mới. Với phương châm “Ở đâu có cỏ rác, ở đó thay bằng hoa”, quyết tâm mang lại một bộ mặt mới cho tuyến đường và bộ mặt của quê hương Liên Ninh.
Đều đặn vào các ngày cuối tuần, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đã tích cực dọn dẹp sạch sẽ và lựa chọn trồng các loại cây như dừa, sấu và các giống hoa như: dạ thảo, mười giờ… nên cây mọc nhanh, không đòi hỏi công chăm sóc, thích ứng với thời tiết và phù hợp với cảnh quan ven đường. Thêm vào đó, hằng ngày nhiều hộ dân sống bên tuyến đường này tự giác nhặt cỏ, tưới cho các khóm hoa.
Không phụ công người trồng, chỉ một thời gian ngắn, cây phát triển và bắt đầu ra những bông hoa đầu tiên. Dù trồng ven đường, nhưng đường hoa gọn gàng, sinh trưởng và khoe sắc mỗi ngày. Cứ thế, cán bộ, nhân dân địa phương lại tiếp tục nhân rộng, kéo dài công trình tuyến đường hoa. Từ ngày có con đường hoa, ý thức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp cũng được người dân trong thôn chung tay thực hiện, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi hai bên đường, lòng sông. Con đường hoa đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Liên Linh Tạ Duy Đông: “Việc rác trôi từ đầu nguồn sông đến là khó tránh khỏi, vì nơi đây là cuối dòng. Chính quyền và người dân xã không có cách nào khác là hàng tuần, hàng tháng ra quân dọn vệ sinh, vớt rác, giữ cho sông không bị ô nhiễm trở lại. Mong thành phố Hà Nội tiếp tục có những biện pháp kỹ thuật cải tạo bền vững, kè sông, xử lý nước thải, hạn chế rác từ nguồn, tăng cường quá trình tự làm sạch, kết hợp cảnh quan vui chơi giải trí, đưa ôxy trên bề mặt, làm các công viên dọc sông, chuyển hoá các chất ô nhiễm…” |
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Liên Ninh Tạ Duy Đông, cải tạo ô nhiễm môi trường, trả lại màu xanh cho sông Tô Lịch, làm tuyến đường gom ven sông là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn song khi lòng dân đã thuận, mọi việc đều được triển khai thuận lợi. Đến nay, bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền và nhân dân, vấn đề ô nhiễm môi trường sông và hai bờ sông ở xã Liên Ninh đã dần đi vào hoài niệm.
Có đường mới, dòng sông thoáng đãng, khiến cuộc sống nông thôn bừng sáng. Không chỉ cuộc sống người dân được nâng cao mà tình cảm quê hương, gia đình cũng đậm đà sâu sắc hơn nhiều, trong câu chuyện hằng ngày mọi người vẫn nhắc nhau về những ngày hàng trăm cán bộ, nhân dân cả huyện và xã cùng chung tay làm sạch môi trường, rồi họ lại nhắc nhở con cháu bảo vệ công sức của cả tập thể đã tạo nên. Tuyến đường bê tông trải suốt chiều dài sông Tô Lịch đoạn qua xã Liên Ninh không chỉ là những đường nét chạm khắc, tô điểm cho bức tranh nông thôn của địa phương thêm nhiều gam màu sáng, mà nó còn là “thước đo” của sự đồng thuận, đồng lòng của cán bộ và nhân dân trong xã. Nguồn lực vật chất có thể cần tới hàng chục tỷ đồng, nhưng khi có sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác trong toàn xã hội được khơi dậy thì đích đến thật gần.
Có thể nói, thành quả này là một quá trình nỗ lực, cố gắng của địa phương để xây dựng được những nông dân mới, suy nghĩ mới, cách làm mới, tầm nhìn mới và lối sống mới. Vững vàng giữ thành quả đạt chuẩn nông thôn mới để tạo đà phát triển xã Liên Ninh trở thành phường, huyện Thanh Trì trở thành quận trong tương lai không xa.
Tuy đã có được những thành quả của ngày hôm nay, nhưng dòng sông mới chỉ sạch, đẹp chứ chưa thể xanh trong bởi nơi đây là cuối nguồn, dù bà con Liên Ninh có gắng sức đến mấy cũng khó bề ngăn cản được sự ô nhiễm từ đầu nguồn trải dọc suốt triền sông trôi tới. Chính vì vậy, “Sông hỏi người... bao giờ xanh trở lại?!” vẫn còn là câu hỏi được trả lời trong tương lai, khi mà tất cả các quận, huyện nơi con sông đi qua đều chung chí hướng, bảo vệ môi trường đi qua địa bàn của mình, để “gánh nặng” không đổ dồn về cuối dòng, nơi những người dân đang đau đáu trông chờ một ngày sông sẽ xanh trở lại!
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01
Tái hiện không gian "nhà tranh vách đất" làng quê Bắc Bộ
Tôi yêu Hà Nội 15/11/2024 14:47
Gốm Bát Tràng thương hiệu hai trong một
Tôi yêu Hà Nội 14/11/2024 09:08
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Tôi yêu Hà Nội 05/11/2024 17:10
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49