Multimedia
09/04/2021 15:41
“Hồi sinh” sông Tô Lịch vì tương lai của Thủ đô

09/04/2021 15:41

Cải tạo, giảm thiểu ô nhiễm nước trên địa bàn Hà Nội từ lâu luôn là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận. Để môi trường xanh, chất lượng sống đô thị tốt hơn, Hà Nội đã triển khai nhiều đề án cải tạo, nạo vét các dòng sông, ao, hồ bị ô nhiễm. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước cho đến nay vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Theo các chuyên gia dự báo, nếu không có những giải pháp cải tạo hiệu quả hơn, tình trạng ô nhiễm sẽ ngày một trở nên nhức nhối.

“Hồi sinh” sông Tô Lịch vì tương lai của Thủ đô

Lời tòa soạn: Cải tạo, giảm thiểu ô nhiễm nước trên địa bàn Hà Nội từ lâu luôn là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận. Để môi trường xanh, chất lượng sống đô thị tốt hơn, Hà Nội đã triển khai nhiều đề án cải tạo, nạo vét các dòng sông, ao, hồ bị ô nhiễm trên địa bàn. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước cho đến nay vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Theo các chuyên gia dự báo, nếu không có những giải pháp cải tạo hiệu quả hơn, tình trạng ô nhiễm sẽ ngày một trở nên nhức nhối.

Với sông Tô Lịch cũng vậy, cho đến nay đã có nhiều kế hoạch, kịch bản được đưa ra nhằm “hồi sinh” dòng sông này, song thực tế việc áp dụng vẫn còn bỏ ngỏ. Sông vẫn ô nhiễm nặng. Trong lần hầu chuyện với Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, ông chỉ ra rằng phải sớm có giải pháp làm sống lại con sông từng là "linh hồn" của kinh thành Thăng Long này. Vì sao ư? Bởi “Tô Lịch” mang giá trị nhiều hơn một cái tên định danh, dòng sông này thuở xưa không chỉ nuôi sống người dân mà còn là nơi giao thương buôn bán, mang sinh khí thiêng liêng, đặc biệt còn là tấm chắn thiên nhiên quan trọng bảo vệ kinh thành. Vì vậy, hồi sinh sông Tô Lịch không đơn thuần là “mệnh lệnh của hiện tại” mà còn góp phần hướng tới một Hà Nội xanh, sạch. Một Hà Nội đáng sống.

“Hồi sinh” sông Tô Lịch vì tương lai của Thủ đô

Sông Tô Lịch có quá khứ huy hoàng, được mệnh danh là con sông đẹp và thơ mộng bậc nhất chảy giữa kinh thành Thăng Long. Cho đến nay, khi nhắc đến sông Tô Lịch người ta vẫn miêu tả qua những lời thơ đầy mỹ miều: Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh/ Dừng chèo muốn tỏ tâm tình/ Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu. Đẹp là thế nhưng ít người biết rành rẽ gốc tích dòng sông này. Tên Sông Tô Lịch do đâu mà có? Qua câu chuyện lịch sử từ Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chúng tôi tình cờ thấy được nét thú vị khi tên sông từ một nhân danh chuyển hóa sang địa danh.

“Hồi sinh” sông Tô Lịch vì tương lai của Thủ đô

Tô lịch là tên một dòng sông quan trọng của Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. Trong các tài liệu địa chí, lịch sử và huyền tích đều cho thấy rằng Tô Lịch là một tuyến có giá trị về mặt giao thông đường thủy và cả giá trị về văn hóa tinh thần.

“Hồi sinh” sông Tô Lịch vì tương lai của Thủ đô

Điều này hẳn nhiên đúng. Tuy nhiên, nếu chỉ xem Tô Lịch là một địa danh, một thủy danh thì điều này dường như vẫn chưa đủ. Lý giải câu chuyện này, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết, sông Tô Lịch rất đặc biệt. Nó là thủy danh nhưng gốc lại là nhân danh. Nó là tên của một con người trước khi trở thành tên của một dòng sông. Và con người đang nói tới, bấy giờ có họ Tô, tên Lịch.

“Hà Nội thoát thân ra từ vịnh Hà Nội tràn ngập nước biển. Và khi nước biển rút đi dần hình thành đồng bằng châu thổ. Từ vịnh biển, ngữ sách vở đều nói đấy là vịnh Hà Nội.

Nó giống như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long bây giờ. Tại đây, một gò đất thấp thôi nhưng lại được gọi là núi vì đã có câu “Cao ba tấc thôi nhưng mà có thần” thì tiêu chuẩn cũng đủ để gọi đó là núi.

Chúng ta có ngọn núi Rốn rồng mà tên chữ là Long Đỗ. Cái chữ “đỗ” ấy mọi người vẫn hằng ngày gọi nó là đậu. Nhưng gốc của nó lại là cái rốn rồng. Khi chuyển ngữ sang tiếng Hán - Việt là Long Đỗ và trên Rốn rồng ấy thì ngôi làng đầu tiên của Hà Nội gốc được thiết lập. Đứng đầu làng đầu tiên của Hà Nội gốc đó chính là ngài Tô Lịch” - Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chia sẻ.

Theo sách Việt điện u linh, hệ thống kho tàng, truyện kể dân gian thì Tô Lịch – vị già làng, vị thủ lĩnh là người đức độ, thương dân. Vì thế, sau khi mất, Tô Lịch được tôn làm thần của làng. Người đứng đầu làng trở thành thần làng, cũng cho con sông chảy qua mượn luôn tên gọi của chính mình. Con sông, vì thế có tên là Tô Lịch.

“Hồi sinh” sông Tô Lịch vì tương lai của Thủ đô
Bản đồ kinh thành Thăng Long thời Hồng Đức (1490), Nguồn wiki

Có một điều rất thú vị mà theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chia sẻ, sách Việt điện u linh đã kể 14 câu chuyện về Cao Biền, trong đó có sự đối đầu đầy màu sắc huyền kỳ giữa viên quan cai trị này với chính thần Tô Lịch. Theo đó, khi Cao Biền “động chân, động tay” với dải đất này, ông ta chọn khu vực Cầu Đông của sông Tô Lịch để mở cửa thành Đại La.

Khi ấy thần Tô Lịch đã hiển hiện, ý muốn báo cho kẻ thống trị ngoại bang biết rằng đất này vốn đã có chủ, là người Việt. Không chịu thừa nhận, Cao Biền đã gây chiến. Kết quả là kẻ ngoại lai đại bại. “Sau khi Cao Biền bại, một ngôi đền để thờ ngài Tô Lịch đã được xây lên. Bây giờ chúng ta biết chính là đền Bạch Mã, đang tọa lạc giữa phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm” - Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nói.

“Hồi sinh” sông Tô Lịch vì tương lai của Thủ đô

Những huyền kỳ về dòng Tô Lịch là một phần lịch sử, dĩ nhiên vẫn có những nghi hoặc khó giải bởi nó mang màu sắc thiên về tâm linh. Dù vậy, không thể phủ nhận một điều rằng, mọi dòng sông đều có vận mệnh của nó. Nhìn vào từng giai đoạn lịch sử có thể thấy có thời điểm dòng sông thăng hoa, mang lại sự phồn thịnh cho cư dân quần cư bên cạnh nó.

“Hồi sinh” sông Tô Lịch vì tương lai của Thủ đô

Với sông Tô Lịch, trải qua tháng năm Lý Thái Tổ định đô Thăng Long và qua các triều Lý - Trần - Lê, Tô Lịch có một sức sống mạnh mẽ, phong phú.

Trước hết, hai bên sông xuất hiện nhiều làng, dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, nhiều công trình kiến trúc, chủ yếu là chùa, quán và cũng tại hai triền sông, xuất hiện không ít danh nhân văn hóa đất nước.

Qua những biến thiên của thời gian, sông Tô Lịch ngày nay còn tương đối ngắn và hẹp. Theo tính toán, hiện sông còn dài ước chừng khoảng 15km, bắt đầu chảy từ phường Nghĩa Đô qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai rồi hợp lưu với sông Nhuệ tại làng Tó (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì).

Có quá khứ huy hoàng và đẹp đẽ, tiếc thay sông Tô Lịch nay đã trở thành con sông “chết”, một ao tù dài vì mất nguồn. Qua những biến thiên của thời gian, thay vì phải chảy, con sông giờ im lìm. Nói như sự đau đớn của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan “Mặt sông giờ phẳng lặng như gương, như tờ. Có vài chỗ chảy nhưng chảy ở chỗ cửa cống chứ nó không phải dòng chảy...”.

Bài 2: Cách nào khả thi?

“Hồi sinh” sông Tô Lịch vì tương lai của Thủ đô

Nội dung: Đinh Luyện
Thiết kế: Đức Hà