Sơn Tây long trọng kỷ niệm 200 năm Thành cổ và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch
Sắp diễn ra Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 - 2022) Sôi nổi các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây Phát huy sức trẻ vun bồi văn hóa xứ Đoài |
Đây là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với di sản văn hóa; đồng thời là cơ hội quảng bá, phát huy những giá trị độc đáo, tiêu biểu của di tích, khơi thông tiềm năng du lịch ở thị xã Sơn Tây, thúc đẩy công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Khơi thông các giá trị từ di sản
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, với vị trí địa lý quan trọng, trung tâm kết nối vùng Tây Bắc Thủ đô, Sơn Tây là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài, mang nhiều dấu ấn đặc biệt trong văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa tứ trấn của vùng đất Thăng Long - Hà Nội.
Về Sơn Tây, về miền di sản, nơi nổi danh bởi những quần thể di tích lịch sử - văn hóa với bề dày trầm tích lịch sử và sự phong phú, độc đáo của văn hóa lúa nước đồng bằng Bắc Bộ, tiêu biểu trong đó là di tích Thành cổ Sơn Tây - tòa Thành đá ong duy nhất ở Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm |
Thành cổ Sơn Tây được hoàn thành vào đời vua Minh Mạng thứ 3 triều Nguyễn năm 1822. Tại đây, vương triều Nguyễn đã xây dựng và củng cố một phức hợp hoàn chỉnh và chặt chẽ các công trình có giá trị phòng ngự cao, bao gồm hào nước, lũy bán nguyệt, bờ đất ngoài thành, cổng thành, tường thành, kỳ đài... với lực lượng phòng vệ đông đảo và trang bị vũ khí quy mô lớn. Không chỉ mang trong mình dấu ấn lịch sử, văn hóa của dân tộc, Thành cổ còn ấn tượng bởi vẻ đẹp cổ kính của công trình kiến trúc cổ độc đáo và tinh tế.
Với vai trò là một trong “tứ trấn” thành bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, là di tích trọng điểm trong chuỗi các di sản nổi tiếng của vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây đã trở thành một trong những biểu tượng của thị xã Sơn Tây nói riêng và vùng đất xứ Đoài nói chung. Đến nay, trải qua 200 năm thăng trầm, nhiều hạng mục công trình của Thành cổ vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, đó là: khuôn viên Thành cổ, hào nước, cổng Tây và cổng Nam của Thành…
Trong những năm qua, Thị xã đã phục dựng một số hạng mục như: Vọng cung, Kỳ đài, Đoan môn, giếng nước và một số đoạn tường thành… Bên cạnh những dấu ấn đậm nét về hệ thống các công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể cây xanh trong Thành cổ cũng là điểm nhấn, tạo nên một hệ sinh thái vô cùng độc đáo, một không gian xanh giữa lòng đô thị, tạo nét cổ kính, trầm mặc và lãng mạn của di tích, điểm đến lý tưởng cho du khách hoài cổ, yêu thiên nhiên.
Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng thành độc đáo, năm 1994, Thành cổ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc cấp Quốc gia.
Thị xã Sơn Tây đón nhận lẵng hoa tươi thắm từ Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. |
Theo đại diện thị xã Sơn Tây, ý thức được sứ mệnh của văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển văn hóa và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc tộc còn” và các chương trình, nghị quyết của Thành ủy về phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng trên địa bàn Thủ đô, thời gian vừa qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch.
Trong đó chú trọng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, văn hóa và trải nghiệm trên cơ sở khai thác, phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người.
Đặc biệt, ngày 30/4, thị xã Sơn Tây đã khai mạc Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài với chủ đề “Về Sơn Tây, về miền di sản” và khai trương Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây để bổ sung vào bản đồ du lịch của Thủ đô một sản phẩm du lịch đặc sắc.
Sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách gần xa.
Với mục tiêu tạo chuỗi kết nối hoàn chỉnh và xúc tiến, đầu tư phát triển du lịch, Thị xã Sơn Tây đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, như: Tổ chức trưng bày tranh ảnh, hiện vật giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây và nhiều hoạt động văn hóa tại không gian tuyến phố đi bộ; phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch, kết nối tour, tuyến nhằm phát triển du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, tâm linh, ẩm thực… của Sơn Tây và các địa phương;
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại di tích Thành cổ nhằm giáo dục truyền thống, ý thức bảo tồn di sản, khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa trong thế hệ trẻ; phối hợp tổ chức Lễ hội khinh khí cầu quốc tế đầu tiên tại thị xã và khu vực... Đây là những sự kiện lớn trong Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2022, được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 17 Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc tới các bậc tiền nhân đã có công xây dựng đất nước trong hành trình phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Hoạt động văn nghệ chào mừng 200 Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Đinh Luyện |
Đồng thời cũng là dịp để thị xã tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài, quảng bá các sản phẩm, điểm đến du lịch đặc sắc của thị xã, thúc đẩy xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế du lịch, thương mại, dịch vụ, kinh tế đô thị.
Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch
Tại Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã biểu dương thị xã Sơn Tây trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di tích, văn hóa - lịch sử trên địa bàn. Đồng thời triển khai nhiều hoạt động, chương trình phát động du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây trong những năm qua đã luôn bám sát quan điểm chỉ đạo của Thành phố, tổ chức triển khai một cách sáng tạo, bài bản và đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển kinh tế du lịch.
“Theo quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội với chức năng đô thị văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch được tổ chức hôm nay là một hoạt động rất ý nghĩa, nằm trong chuỗi hoạt động của “Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài”, “Về Sơn Tây - về miền di sản” và sẽ là một trong những tiền đề quan trọng nhằm khơi dậy tiềm lực to lớn cho sự phát triển của thị xã trong thời gian tới” - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thị xã nói chung và giá trị của Thành cổ Sơn Tây nói riêng; trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân thị xã Sơn Tây nỗ lực, chủ động thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24/11/2021), trong đó quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Coi trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch dịch vụ; quan tâm phát triển để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khuôn khổ kỷ niệm 200 năm Thành cổ, Thị xã Sơn Tây cũng khai mạc Lễ hội khinh khí cầu - Lần đầu tiên được tổ chức tại Thị xã. Ảnh: Đinh Luyện |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị Sơn Tây đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử gắn với giới thiệu đậm nét về di sản văn hóa của địa phương; tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chương trình, kế hoạch của Thành phố, của thị xã về phát triển văn hóa - du lịch - dịch vụ để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thống nhất nhận thức, đồng tình hưởng ứng thực hiện.
Đưa các nội dung về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững lồng ghép với nội dung giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư, ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ.
Tập trung bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn, như: Đền Và, Làng cổ Đường Lâm, Văn Miếu, Thành cổ, Hồ Đồng Mô, Suối Hai... gắn với phát huy hiệu quả lợi thế về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm và ẩm thực.
Huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đô thị; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Sơn Tây thông qua việc triển khai hiệu quả các hoạt động của “Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài” và phát huy hiệu quả hoạt động của Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây trở thành một trong những không gian văn hóa đặc biệt của thị xã và khu vực.
Trong thời gian này, nhiều hoạt động vun bồi tình yêu dành cho Thành cổ, nhân lên tình yêu di sản cũng được tổ chức tại khuôn viên Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Đinh Luyện |
Đồng thời, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cũng như toàn thể nhân dân thị xã tiếp tục chung tay, góp sức với Nhà nước gìn giữ, phát huy có hiệu quả giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây cũng như các di sản văn hóa trên địa bàn thị xã và coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển văn hóa - du lịch của Thủ đô trong thời kỳ mới.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; chú trọng chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch.
Dịp này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương quan tâm phối hợp cùng thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trên địa bàn Thủ đô và thị xã, đặc biệt khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế du lịch và công nghiệp văn hóa; đưa thị xã Sơn Tây sớm trở thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đô thị của vùng xứ Đoài, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội; phấn đấu đến năm 2030, các di tích văn hóa tiêu biểu của Sơn Tây được nâng cấp là “Di tích cấp Quốc gia đặc biệt”.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ phục vụ dịp Tết Ất Tỵ 2025
Vạn Phúc City mở ra cơ hội sở hữu những căn biệt thự, nhà phố “cuối cùng”
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Nỗ lực ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông
Lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đối thoại với lực lượng Công an xã, thị trấn huyện Mỹ Đức
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Thủ đoạn làm giả "thẻ ngành" để lập hồ sơ vay tiền ngân hàng
Tin khác
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42
Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của Đông Anh tới thị trường trong và ngoài nước
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 18:56
Hà Nội có xã dân tộc miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 09:24
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương
Thủ đô 19/11/2024 15:25
Sơn Tây: Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2023 - 2024
Nhịp sống Thủ đô 19/11/2024 07:59
Đoàn đại biểu Mặt trận thành phố Hà Nội dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn
Thủ đô 18/11/2024 12:46
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ dân vận ở Tổ dân phố
Nhịp sống Thủ đô 18/11/2024 11:33
Chú trọng xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc
Nhịp sống Thủ đô 17/11/2024 22:56
Tuyên dương Tổng phụ trách Đội xuất sắc tiêu biểu Thủ đô
Nhịp sống Thủ đô 17/11/2024 21:06