Phân vùng chống dịch để tăng tính hiệu quả
Người dân đồng thuận, lực lượng chức năng vào cuộc khẩn trương
Ngay sau khi Chỉ thị số 20/CT-UBND được ban hành, ông Đào Nguyên, Tổ trưởng Tổ dân phố số 16, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đã thông báo tới toàn thể người dân qua hệ thống Zalo của Tổ dân phố và người dân cũng chủ động nắm bắt thông tin. “Cơ bản dư luận đều đồng lòng và cho rằng cần phải xử lý nghiêm những đối tượng gây ảnh hưởng đến công tác chống dịch, nhất là những đối tượng ra đường không cần thiết”, ông Nguyên cho biết.
Theo anh Khắc, chung cư C14 - Bắc Hà, phường Trung Văn, dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến khó lường, việc phân vùng như hiện nay sẽ giúp các cơ quan chức năng chủ động các phương án phòng, chống dịch hiệu quả hơn. “Phương châm phòng bệnh là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài. Nhận thức được điều đó, nhiều cư dân trong chung cư đã thường xuyên tham gia ứng trực tại các chốt ra - vào địa bàn, cùng với lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc các “vùng xanh”, tránh lây lan dịch bệnh”, anh Khắc cho biết.
Chốt kiểm soát dịch trên phố Hồ Đắc Di |
Tương tự, tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa, mấy ngày nay ông Phan Văn Hào, Tổ trưởng tổ dân phố số 1 nghiên cứu rất kỹ Chỉ thị số 20/CT-UBND. Ông Hào cùng các thành viên trong “Tổ Covid-19 cộng đồng” cũng tích cực thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết, tin tưởng và ủng hộ, yên tâm và tự giác thực hiện phòng, chống dịch.
Tại chốt kiểm soát dịch trên phố Hồ Đắc Di, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Đồng cùng các cán bộ trực chốt tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Do chốt kiểm soát nằm trên trục đường dẫn ra khu vực chợ Nam Đồng, nên người dân trên đi chợ khá nhiều. Tất cả các trường hợp đi qua chốt đều được kiểm tra phiếu đi chợ và được nhắc nhở tuân thủ 5K.
“Các lực lượng chức năng phường quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; hướng dẫn cụ thể và cấp Giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển như: Dịch vụ công ích thiết yếu, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…”, ông Lâm cho biết.
Thực tế cho thấy, từ 27/4 tới nay, sau 40 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn Thành phố, nhiều Chỉ thị của UBND Thành phố đã được ban hành để phù hợp với tình hình chống dịch khi biến chủng Delta có độ lây nhiễm rất nhanh, đe dọa an toàn sức khỏe của người dân. Cùng với cả hệ thống chính trị, đông đảo người dân, doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành, nhiều người tự nguyện đóng góp công sức vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định, số người ra đường còn đông. Theo thống kê của của Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 Công an thành phố Hà Nội, có đến trên 80% Giấy đi đường do cơ quan, doanh nghiệp tư nhân cấp, trong đó có không ít trường hợp không đúng đối tượng, không đúng mục đích.
Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả phòng, chống dịch, phần nào làm cho tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan rộng nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để khắc phục.
Vì vậy, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố là rất cần thiết trong thời điểm này. Theo đó, từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, Thành phố quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng.
Vùng 1, khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Ở Vùng 1, tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.
Vùng 2 là khu vực phía Bắc, Đông Sông Hồng, được phân cách bởi hệ thống Sông Hồng, Sông Đuống với Vùng 1. Trong tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính “độc lập” cao. Tại Vùng 2, thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo phương án đã được phê duyệt.
Vùng 3 là khu vực phía Tây, phía Nam thành phố: Vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm Công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Tương tự như Vùng 2, Vùng 3 tiếp tục thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên sẽ áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.
Tích cực tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về kiểm soát triệt để phương tiện, người dân từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài giữa các vùng, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo, Công an Thành phố đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện tổ chức 21 chốt trực loại 1 của Thành phố đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao do Công an thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện, cùng phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Sở Y tế.
Các chốt trực 24/24, chia làm 4 ca, mỗi ca 6 tiếng, gồm 16 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, có 9 chốt loại 2 và 9 chốt loại 3 do lực lượng công an các quận, huyện chủ trì, nằm ở các vùng còn lại.
Theo Công an thành phố Hà Nội, để có thời gian chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp Giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong hai ngày (6 và 7/9), các lực lượng chức năng chỉ kiểm tra nhắc nhở, tuyên truyền những người ra đường thuộc nhóm được phép nhưng chưa có Giấy đi đường theo quy định mới. Cá nhân và người điều khiển phương tiện tiếp tục được sử dụng Giấy đi đường đã được cấp để phục vụ công tác kiểm tra khi có yêu cầu.
Chốt kiểm soát Cầu Thăng Long đường Võ Văn Kiệt (lối rẽ vào Khu công nghiệp Bắc Thăng Long), kiểm tra 100% người ra vào nội đô. |
Ghi nhận vào sáng 6/9, tại 39 chốt kiểm soát người và phương tiện ra - vào Vùng 1 Công an thành phố Hà Nội đã duy trì và tăng cường các lực lượng cắm chốt, các tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp người dân vi phạm.
Ngay từ sáng sớm, tại Chốt kiểm soát Cầu Thăng Long đường Võ Văn Kiệt (lối rẽ vào Khu công nghiệp Bắc Thăng Long), Thiếu tá Nguyễn Duy Linh và các đồng đội tích cực kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện được vào, ra phân Vùng 1. Đồng thời, hướng dẫn, phân luồng giao thông, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra giấy đi đường… do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.
Tương tự, tại chốt kiểm soát người và phương tiện di chuyển từ trong nội thành ra ngoại thành phía bên kia trên đường Võ Văn Kiệt - đường 23A (lối rẽ vào xã Hải Bối, huyện Đông Anh), người và phương tiện đi qua đều được yêu cầu dừng xe, kiểm tra nhanh giấy tờ tuỳ thân, Giấy đi đường. Tổ công tác cũng nhắc nhở những người ra đường thuộc nhóm được phép nhưng chưa có Giấy đi đường theo quy định mới.
Trong nội đô, trên những tuyến đường chính như đường Nguyễn Văn Cừ từ quận Long Biên sang quận Hoàn Kiếm, hai đầu tuyến đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) lên cầu Chương Dương, đường Minh Khai, Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng) hướng về cầu Vĩnh Tuy, đường Phú Diễn từ Quốc lộ 32 vào nội thành… vẫn còn nhiều người ra đường. Lực lượng chức năng đã tổ chức các chốt trực với hàng rào kéo dài cả trăm mét để kiểm soát phương tiện tránh gây ùn ứ tại chốt.
Thiếu tá Tạ Xuân Hậu, Chốt trưởng chốt trực trên đường Trần Nhật Duật hướng lên cầu Chương Dương thông tin, qua kiểm tra, đa số người ra đường đều có Giấy đi đường hợp lệ, nhưng đều được tuyên truyền về chủ trương mới và khuyến cáo không ra đường trong thời gian tới để chung tay cùng lực lượng chức năng phòng chống dịch.
Tại 2 chốt trên tuyến đường Cầu Diễn (thuộc địa bàn giáp ranh giữa hai quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm), lượng chức năng kiểm soát người từ các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Ba Vì vào trung tâm Hà Nội và ở chiều ngược lại kiểm soát người và phương tiện hướng từ quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm lưu thông ra ngoài nội đô.
Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 thông tin, hết đợt giãn cách xã hội thứ 3 tại Hà Nội (ngày 6/9), theo chỉ đạo của UBND thành phố, Ban Giám đốc Công an thành phố, cũng như Phòng Cảnh sát giao thông, các lực lượng Cảnh sát giao thông tham gia phối hợp thực hiện việc kiểm soát phân tuyến, phân vùng, các khu vực để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
"Quá trình kiểm tra, trong những ngày đầu thực hiện chỉ đạo mới của Thành phố, lực lượng chức năng tiến hành tuyên truyền, xử lý đối với những người ra đường không đúng mục đích, Giấy đi đường không có tuyến được cấp, vi phạm quy định về giãn cách của UBND thành phố", Thiếu tá Phạm Văn Chiến cho biết thêm.
Theo quan sát, bên cạnh việc nhiều người dân đưa ra được Giấy đi đường theo mẫu mới, thì với những mẫu Giấy đi đường cũ, lực lượng chức năng tích cực nhắc nhở, tuyên truyền nhanh chóng hoàn thiện trong 2 ngày tới.
Theo Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), trong đêm 5/9 và rạng sáng 6/9, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã thức trắng đêm để kịp in mẫu Giấy đi đường mới phục vụ nhân dân theo chức năng quản lý. Từ chiều 5/9 đến nay, đơn vị đã cấp được hơn 20.000 Giấy đi đường theo quy định. Các đơn vị đều được quán triệt tạo điều kiện cho người dân tham gia giao thông, tuy nhiên sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
“Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân và các cơ quan, đơn vị phối hợp, đồng hành để các lực lượng trực chốt hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện các lực lượng tích cực tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và cố tình lợi dụng chủ trương, chính sách để cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch”, Đại tá Dương Đức Hải thông tin./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Tin khác
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42
Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của Đông Anh tới thị trường trong và ngoài nước
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 18:56
Hà Nội có xã dân tộc miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 09:24
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương
Thủ đô 19/11/2024 15:25
Sơn Tây: Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2023 - 2024
Nhịp sống Thủ đô 19/11/2024 07:59