Những người canh trời ở “chảo lửa, rốn mưa”
Lũ miền Trung vượt mốc lịch sử 1983, quan trắc viên thủy văn dầm mình giữa dòng nước dữ |
Tại Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc Trung Bộ, mỗi ngày hàng chục bản tin thời tiết được phát đi. Phía sau mỗi kết quả đó, là sự cẩn trọng, thầm lặng, lao động miệt mài của gần 300 con người làm việc ở 22 trạm khí tượng, 33 trạm thuỷ văn, 1 trạm ra đa, 1 trạm ra đa biển, 1 trạm thám không vô tuyến, địa bàn hoạt động trải dài từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh.
Nhân viên Trạm Thuỷ văn Yên Thượng (Thanh Chương) lội bùn đi đo đạc. |
Và trong mỗi ngày đó, 24/24 giờ, quan trắc viên ở các trạm liên tục theo dõi, đo đạc, ghi chép, cập nhật số liệu của hàng chục các chỉ số khác nhau ở các mảng khí tượng, thuỷ văn và hải văn để báo cáo về Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc Trung Bộ. Tất cả luôn tập trung cao độ cho công việc, xử lý chính xác từng con số để dự báo kịp thời tình hình nắng nóng, mưa bão, lũ lụt, lốc xoáy, mưa đá, sạt lở đất,…góp phần to lớn giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Một quan trắc viên tại Trạm khí tượng Vinh nói với tôi rằng, nếu không yêu nghề, không nghĩ đến ý nghĩa to lớn của công việc này chắc không thể bám trụ để làm việc. Một nghề vốn đã đặc thù, lặng lẽ đi qua bao nhiêu thập kỷ, lại còn vất vả nhân đôi khi làm việc ở một vùng đất nắng lắm, mưa nhiều, thời tiết thay đổi thất thường, cực đoan. Hàng trăm con người làm việc trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, biển đảo, xa dân cư, dù nắng hay mưa, nửa đêm hay sáng sớm đều phải túc trực làm việc, không thể kể hết những thiệt thòi, thiếu thốn, hy sinh, họ thầm lặng làm công việc của mình.
Anh Lê Hữu Huấn - Phó Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn Bắc Trung Bộ chân thành hỏi tôi: “Nhà báo đã đi nhiều ở các huyện miền núi, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng thượng nguồn của Nghệ An chưa; đã từng lên các huyện miền núi cao của Thanh Hoá như Mường Lát chưa? Nếu đi rồi, nhà báo sẽ hiểu và thương hơn những người làm nghề khí tượng thuỷ văn khi họ đang từng ngày, từng đêm làm việc ở đó. Họ lặng lẽ đứng sau những bản tin thời tiết ở khu vực đó”.
Chúng tôi được đến thăm Trạm Thuỷ văn Yên Thượng, nằm bên hạ lưu sông Lam, thuộc địa bàn xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương. Nếu không được giới thiệu, chắc sẽ không đoán được 5 người lao động ở đây, gồm 1 trạm trưởng và 4 quan trắc viên là những người làm công tác đo đạc thuỷ văn. Bởi sự mộc mạc, giản dị và khiêm nhường từ họ. Dọn một đĩa khoai lang và lạc luộc mời chúng tôi, họ như ngại ngùng, bất ngờ khi có người tới thăm. Những câu hỏi thăm qua lại giúp không khí trò chuyện gần gũi, cởi mở hơn. Ba người phụ nữ làm việc ở đây, mỗi người một hoàn cảnh, người đang nuôi con nhỏ, người lấy chồng xa, người ở xa nơi làm việc, điều kiện sinh hoạt, đi lại còn thiếu thốn, bất tiện. Tôi hỏi về thu nhập của họ, một chút ngượng ngùng, một chị trả lời “Hầu hết mức lương của anh, chị em ở Đài chưa đủ để trang trải cuộc sống gia đình, nhiều người còn khó khăn. Có những người mới chỉ được hơn 3,5 triệu đồng/tháng, mức lương của lao động hợp đồng theo hệ số nhà nước còn thấp”.
Lúc chúng tôi đến trạm thì trời nắng nóng, ngồi trò chuyện một lúc thì trời đổ cơn mưa rào, chờ hết cơn mưa, các chị quan trắc viên lại vội ra sông lên thuyền đi đo mực nước. Người cầm thước, người cầm nhiệt độ, sổ sách, quần ngắn, xắn tay, lội bùn làm việc. Nhìn những người phụ nữ giản dị, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng lặng lẽ làm công việc của mình đầy trách nhiệm, tôi vô cùng nể phục; nghĩ đến quanh năm họ dãi nắng, dầm mưa, ra sông, trực đêm, công việc nhiều, áp lực lớn nhưng thu nhập thấp lại càng thương họ hơn.
Là phụ nữ làm khí tượng thuỷ văn luôn có những thiệt thòi, nỗi niềm riêng và đối với đàn ông cũng thế, họ không giấu được cảm xúc khi nói về chuyện nghề, chuyện đời. Tại Trạm Ra đa thời tiết Vinh, chỉ có 3 người đàn ông lặng lẽ thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ. Tại đây, anh Nguyễn Mạnh Hà, quê ở huyện Nam Đàn cho biết, anh đã 28 năm gắn bó với nghề, làm việc trên tất cả các địa hình, từ Trạm khí tượng Hòn Ngư lên Trạm khí tượng ở huyện miền núi Con Cuông rồi sang Trạm khí tượng ở huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh và bây giờ về làm việc tại Vinh.
Anh nói: “Những năm tháng tuổi trẻ sung sức, mình đã gắn liền với khí tượng thuỷ văn nơi vùng sâu, vùng xa, trải qua bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn, cô đơn. Nhớ những ngày ở Đảo Ngư, có tháng 3 cơn bão đi qua là cả tuần anh em phải ăn cơm trắng với bột súp. Lúc nào cũng trong tâm thế lao ra ngoài trời để đo mưa, đếm gió. Ở vùng đất “gió như phang, nắng như rang” này, mỗi người dân đã phải gồng mình để chịu đựng thời tiết và những người làm khí tượng thuỷ văn cũng phải gồng mình để làm việc. Thế nhưng, không có niềm vui và hạnh phúc nào bằng việc dự đoán chính xác thời tiết, giúp hàng triệu người dân đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản”.
Anh Hà tự hào kể về nghề với đôi mắt sáng ngời, anh phân tích, nghề khí tượng thuỷ văn là nghề “bắt mạch cho trời”, nếu như bác sỹ dùng máy siêu âm, chụp phim để chẩn đoán bệnh cho người thì nghề khí tượng thuỷ văn dùng các loại máy móc như: ra đa, vệ tinh để chẩn đoán “bệnh của trời”. Chuẩn đoán này ảnh hướng rất lớn đến đời sống của người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Là người con của quê hương Thanh Hoá, làm việc tại Đài từ năm 1995, gần 30 năm gắn bó với nghề, anh Trịnh Đức Trường - Trạm trưởng Trạm ra đa thời tiết Vinh chia sẻ: “Nhiều khi ngồi nghĩ thấy thương các con. Ngày chúng còn bé, ở khu tập thể, mưa to, gió lớn, bố mẹ đi trực, gửi hai con cho người này sang người khác, khi trở về thấy chúng nằm ngủ mê trên ghế, nằm ở đó để chờ bố mẹ về. Cũng ngày xưa, những lần mưa bão lớn, gió quật ầm ầm, anh em ở Đài phải nằm xuống, bò từng bậc lên cầu thang tầng cao để quan trắc, lúc ấy sợ lắm vì nguy hiểm nhưng phải làm nhiệm vụ của mình để nhanh chóng gửi số liệu về cho phòng dự báo. Gần 30 năm rồi, mình làm việc ở xa, công việc luôn phải trực nên điều kiện chăm sóc bố mẹ hai bên nội ngoại cũng khó khăn, nhiều khi thấy có lỗi. Cuộc đời gắn bó với nghề này rồi biết làm sao được, gắn bó rồi thì yêu nghề và trách nhiệm với nghề, dù nghề của mình chẳng nhiều người biết đến, lại gắn liền với “nghèo và khổ”.
Lắng nghe, thấu hiểu những chia sẻ từ đồng nghiệp của mình, anh Lê Hữu Huấn - Phó Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc Trung Bộ kể: “19 năm trước, khi vừa về làm việc tại Đài, tôi nhận được cuộc gọi của một cô giáo mầm non ở huyện miền núi, cô hỏi cơn bão vừa đi qua, hơn 40 cháu học sinh trong lớp muốn ra về, có thể cho các cháu về nhà được không. Tôi đã nói với cô, hiện tại đang là trong mắt bão “trời bình yên”, tuy nhiên dự báo sau bão ảnh hưởng bởi hoàn lưu, dễ có mưa to, gió lớn, cô hãy để các cháu ở lại trường mấy tiếng sau hãy về. Đúng như dự báo, ngay sau đó có mưa lớn, các em đã chờ hết mưa để về nhà an toàn. Ngay từ sự việc đó, hình dung về sự an toàn của các em nhỏ khi được dự báo, cảnh báo về thời tiết; cảm nhận được niềm tin của nhân dân vào những người làm khí tượng thuỷ văn. Tôi bắt đầu yêu nghề từ đó”.
Đứng trên tầng cao nhất của Trạm Ra đa thời tiết Vinh, nhìn ra bao quát cả thành phố Vinh mênh mông, lãnh đạo Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc Trung Bộ và cán bộ, nhân viên Trạm Ra đa thời tiết Vinh nói với nhau: Dù công việc đặc thù, dù nghề của chúng ta còn nghèo, nhưng chúng ta đã thầm lặng cống hiến rất nhiều cho xã hội, trong gian khó vẫn giữ vững khí chất, cả tập thể luôn sống đoàn kết, nghĩa tình. Đó là tài sản vô giá, là niềm tự hào của các thế hệ những người làm công tác khí tượng thuỷ văn nơi vùng đất Bắc Trung Bộ thân thương này.
Mai Liễu
Nên xem
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Tin khác
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21
Cô gái khuyết tật và hành trình mang tri thức đến với các em nhỏ
Cộng đồng 15/11/2024 06:39
Hương thu ở phố sương mù
Cộng đồng 14/11/2024 11:31