Những kiến nghị tâm huyết
Thúc đẩy bình đẳng giới trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) | |
Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), góc nhìn từ ngành Y | |
Nhiều đóng góp tâm huyết vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) |
Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh. |
Đề nghị giảm giờ làm việc từ 48h/tuần xuống 44h/tuần
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố cho biết, quá trình triển khai lấy ý kiến của các cấp công đoàn, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô đóng góp vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cho thấy, cán bộ công đoàn, CNVCLĐ đặc biệt quan tâm đến những chính sách, quy định liên quan thiết thân tới quyền lợi của mình, nhất là quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động (NLĐ) (Điều 105, 107, 112).
Nhiều cán bộ công đoàn Thủ đô nhận định, hiện nay Việt Nam đang nằm trong nhóm các nước có thời gian làm việc cao, việc giảm giờ làm việc từ 48g/ tuần xuống 44 giờ/tuần là hợp lý đồng thời với giảm giờ làm việc bình thường, việc tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ sẽ giúp người lao động tái tạo sức lao động, chăm lo cho gia đình tốt hơn.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng dẫn chứng, theo khảo sát của ILO đối với 154 nước, Việt Nam là nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường cao nhất thế giới (48h/tuần) cùng với 40 nước khác. Mặt khác ngay từ những năm 1935, Đại hội đồng ILO đã thông qua Công ước 47 về Tuần làm việc 40 giờ, đây cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới.
“Bộ luật Lao động 2012 (Điều 104) cũng đã khuyến khích doanh nghiệp thực hiện Tuần làm việc 40 giờ. Trong khi khối cán bộ công chức, viên chức đã thực hiện Tuần làm việc 40 giờ từ năm 1999, thì việc công nhân lao động vẫn phải làm việc 48h/tuần là điều cần phải xem xét”- Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng bày tỏ.
Trao đổi về nội dung này, bà Phạm Thị Vân Hương – Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Nước sạch Hà Nội cho biết: Công ty đã và đang thực hiện số giờ làm việc là 44 giờ. Trong thời gian tới, Công đoàn Công ty sẽ tiếp tục đề xuất người sử dụng lao động ở khối gián tiếp giảm xuống còn 40 giờ, như vậy sẽ giảm giờ lao động cho hơn 400 người lao động thuộc lĩnh vực nước sạch của thành phố Hà Nội.
Bà Phạm Thị Vân Hương góp ý cần đưa đề nghị giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần”, vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Tán thành với đề xuất trên, bà Phạm Thị Bích Hải – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toto Việt Nam cho biết, Công ty TNHH Toto Việt Nam đã thực hiện giờ làm việc cho người lao động là 41,7 giờ/tuần. Bà Hải cho rằng sự thay đổi này tạo động lực cho người sử dụng lao động đưa ra cải tiến về thiết bị công nghệ, vừa giúp tăng năng suất, vừa giảm thời gian lao động cho người lao động, do đó, bà Hải đề xuất Bộ Luật Lao động (sửa đổi) có quy định giảm giờ làm cho người lao động.
Dẫn chứng cụ thể tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, ông Phan Thanh Hải – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết Công ty TNHH Meiko Việt Nam đang đẩy mạnh giảm giờ làm, công nhân làm việc 5 ngày nghỉ một ngày tức là vào khoảng 40 giờ/tuần.
“Từ khi Công ty thay đổi giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần, người lao động hết sức phấn khởi, từ đó năng suất lao động tốt lên, chi phí sản xuất giảm đem lại lợi nhuận cho Công ty. Từ một doanh nghiệp ở Thạch Thất giờ đây Công ty đã có mặt ở khu công nghiệp Thăng Long, sắp tới sẽ phát triển ở khu công nghiệp Quang Minh”- ông Phan Thanh Hải cho biết.
Theo đại biểu Quốc hội, suất ăn ca cần được quy định cụ thể trong Luật. |
Đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm
Góp ý cho Điều 112 (nghỉ Lễ, Tết), Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng phân tích với số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết.
Ngoài ra, với 10 ngày nghỉ, hiện số ngày nghỉ Lễ, Tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực: Trung Quốc 21 ngày; Campuchia 28 ngày; Thái Lan 16 ngày… việc tăng thêm 03 ngày nghỉ lễ giúp cho NLĐ có thêm một số ngày nghỉ trong năm để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển. Do đó, LĐLĐ thành phố Hà Nội đề xuất 2 phương án tăng ngày nghỉ.
Cụ thể, phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2-5/9 hàng năm (tăng thêm 03 ngày so với quy định hiện hành). Phương án 2: Nghỉ 01 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và 02 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch. Đề xuất này được nhiều cán bộ công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô đồng tình, nhất trí.
Bày tỏ sự đồng tình với đề xuất ở phương án 1 ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phân tích nếu thực hiện phương án này sẽ giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đề xuất thêm một phương án nữa để đoàn đại biểu Quốc hội xem xét, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng cho rằng nên nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và thêm 2 ngày nghỉ vào dịp Tết Nguyên đán.
Nhiều năm giữ cương vị Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, sâu sát đời sống, tâm tư nguyện vọng của người lao động, bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội - cho rằng việc sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này là yêu cầu cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quan hệ lao động, thị trường lao động và đặc biệt là tác động trực tiếp tới quyền lợi của 2,5 triệu người lao động tại Thủ đô.
Do đó, liên quan đến thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, bà Nguyễn Thị Tuyến thống nhất với đề xuất giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ để người lao động có thời giờ nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình, tái tạo sức lao động và đồng tình với ý kiến tăng thêm ngày nghỉ vào ngày 2/9, hoặc dịp Tết dương lịch…
Suất ăn ca cần được quy định cụ thể trong Luật
Không chỉ đoàn viên, người lao động quan tâm mà ngay một số đại biểu Quốc hội (trong số đó đều là đoàn viên công đoàn) cũng rất quan tâm đến đạo luật này. Trong đó, chỉ riêng vấn đề bữa ăn ca của công nhân lao động trong các doanh nghiệp cũng được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến thấu đáo.
Thảo luận tại hội trường về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm lo bữa ăn ca cho người lao động để đảm bảo tái tạo sức khỏe cho người lao động.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nêu ý kiến: Việc tổ chức bữa ăn ca cho người lao động trong các doanh nghiệp chưa có quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, qua lấy ý kiến trực tiếp các công nhân cũng như doanh nghiệp, đề nghị Quốc hội nên xem xét quy định vấn đề này trong dự án luật.
Theo đại biểu Ma Thị Thúy, hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp đang thực hiện bữa ăn ca do doanh nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, khẩu phần chất lượng bữa ăn ca tại nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo về dinh dưỡng để tái tạo sức lao động, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm, đình công.
Thực tế đã xảy ra tình trạng người lao động bị suy dinh dưỡng sau thời gian dài ăn ca do doanh nghiệp cung cấp, tại một số doanh nghiệp có tình trạng đến bữa ăn ca công nhân phải mua thêm thức ăn bên ngoài để sử dụng, do đó không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét bổ sung thêm nội dung này vào trong dự thảo Bộ Luật Lao động và quy định cụ thể về việc sử dụng, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả và đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động theo hướng quy định các mức tiền tối thiểu chi cho bữa ăn ca tương ứng với mức độ lao động nặng nhọc của các nhóm ngành nghề, như quy định đối với chế độ bồi dưỡng nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đang thực hiện và được tính theo tỷ lệ so với mức tiền lương tối thiểu vùng”, đại biểu Ma Thị Thúy kiến nghị.
Đồng tình với đề nghị cần bổ sung quy định chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm lo bữa ăn ca cho người lao động để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh lao động thực phẩm, đại biểu Phùng Thị Thường (tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ: Là một đại biểu với gần 10 năm làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tôi đã chứng kiến đời sống của công nhân lao động vất vả, khó nhọc, từ những bữa ăn sáng vội vàng để sau đó với trung bình 10 giờ đến 12 giờ/ngày trong hàng rào nhà máy không biết tới cuộc sống bên ngoài, trở về nhà nhiều khi con không gặp mẹ vì đã say giấc ngủ.
Tôi nghĩ chúng ta không nên đặt quá nhiều gánh nặng tăng trưởng kinh tế lên đôi vai người lao động, họ là những người công nhân thấp kém trong xã hội. Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội hãy quan tâm tới những đối tượng lao động yếu thế này từ những chính sách thiết thực.
Theo đó, đại biểu Phùng Thị Thường đề nghị cần bổ sung quy định chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm lo bữa ăn ca cho người lao động để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh lao động thực phẩm.
Theo đại biểu Thường, bữa ăn ca là vấn đề cấp bách được đặt ra trong những năm qua. Thực tế, ở nước ta số công nhân lao động làm việc theo ca chiếm tỷ lệ cao, bữa ăn ca có đặc thù về nhu cầu dinh dưỡng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và khả năng tái tạo của người lao động.
Việc bữa ăn ca không có trong quy định của pháp luật khiến nhiều doanh nghiệp hiểu là không mang tính bắt buộc, phụ thuộc vào lòng tốt của doanh nghiệp và khả năng thương lượng của hai bên. Điều này gây cản trở trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động khi xảy ra vấn đề phát sinh về chất lượng bữa ăn ca không đảm bảo chất dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Tôi kiến nghị suất ăn ca được quy định cụ thể trong luật bằng 0,05% mức lương tối thiểu vùng hàng năm để khi tăng lương giá cả thực phẩm thay đổi suất ăn ca của người lao động vẫn được đảm bảo về chất dinh dưỡng”, đại biểu Phùng Thị Thường kiến nghị.
Thống nhất và chia sẻ với ý kiến của đại biểu Mai Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) và đại biểu Phùng Thị Thường (đoàn Vĩnh Phúc), đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị: Tại Khoản 2, đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một điểm quy định hoặc giao Chính phủ quy định về đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho người lao động, chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm, tai nạn nghề nghiệp.
Còn đại biểu Tô Ái Vang, thực tế vừa qua, tại một số doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động chọn các nhà cung cấp thực phẩm từ nhiều nguồn khác nhau, không rõ nguồn gốc, chưa thật sự đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người lao động. Bên cạnh đó, các vấn đề bếp ăn, nhà ăn tập thể, đội ngũ đầu bếp cũng cần được quan tâm thỏa đáng.
Đề nghị bổ sung quy định bảo vệ thai sản đối với lao động nữ Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phùng Thị Thường (tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị bổ sung quy định bảo vệ thai sản đối với lao động nữ. “Là đại biểu nữ đã từng làm việc tại doanh nghiệp 4.500 lao động, với tỷ lệ 92% là nữ, tôi đã từng tham gia giải quyết chế độ trực tiếp cho những trường hợp lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà hết hạn hợp đồng lao động; đã chứng kiến nhiều giọt nước mắt của những công nhân lao động khi cầm tờ thông báo hết hạn hợp đồng lao động trên tay. Tôi đã nhìn thấy sự lo lắng, hụt hẫng của họ khi hết hạn hợp đồng lao động mà không được tái ký. Một lần nữa, tôi đề nghị bổ sung quy định khi lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết cho đến khi con đủ 12 tháng tuổi. Lao động nữ mang thai hộ được gia hạn hợp đồng lao động đến thời điểm giao đứa trẻ người nhờ mang thai hộ nhưng chỉ tính đến khi con đủ 12 tháng tuổi. Người nhờ mang thai hộ được gia hạn hợp đồng lao động từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 12 tháng tuổi. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nêu ý kiến: Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 34, tại khoản 1 quy định chấm dứt hợp đồng lao động khi hết hạn hợp đồng lao động. Nếu theo quy định trên thì lao động nữ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn trong khi đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà hết hạn hợp đồng lao động thì đương nhiên hợp đồng lao động sẽ chấm dứt. Trong khi đó, lao động nữ rất khó tìm việc làm mới do đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm cuộc sống, nuôi dưỡng thai nhi cũng như chăm sóc con dưới 12 tháng tuổi. Do vậy, đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định đối với những trường hợp này được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến khi con đủ 12 tháng tuổi. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Tin khác
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Hoạt động 22/11/2024 15:21
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 13:01
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 06:06
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Hoạt động 21/11/2024 15:49
Cụm thi đua số 4 triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên
Hoạt động 21/11/2024 14:15
Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu công tác truyền thông Công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 10:27
Nâng cao hiệu quả công tác nữ công công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Cụm thi đua số 1 thực hiện tốt công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể
Hoạt động 20/11/2024 18:50