Nhà báo Phan Quang: Tấm gương lan tỏa những giá trị nghề
Trước khi đặt bút viết về nhà báo Phan Quang, tôi có phần e ngại bởi đã có quá nhiều nhà báo, nhà văn, học giả nổi tiếng từng tâm tình, thổ lộ qua những trang giấy để khắc họa nên một chân dung nhà báo lớn của nền báo chí cách mạng nước nhà.
Hơn nữa, trong khuôn khổ một bài viết thật khó có thể nói hết về ông - một nhà báo từng giữ nhiều cương vị quan trọng như: Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam… Nhưng rồi sự thôi thúc trong tim của một người làm báo trẻ đã có vinh dự đôi lần được gặp và trò chuyện cùng ông trong căn phòng tầng 1 đầy sách ở tư gia đã khiến tôi mạnh dạn cầm bút viết về nhà báo Phan Quang.
Nhà báo Phan Quang ký tặng sách tác giả. (Ảnh: Giang Phú) |
Sinh thời, nhà văn Tô Hoài từng viết: “Tôi thấy một Phan Quang nhà văn, tâm hồn và văn phong chan hòa ruột thịt với phong cách nhà báo. Phải uyên thâm, lão luyện nghề báo, nghề văn đến mức thế nào mới sáng tạo được những nét riêng từ cái nghĩ, cái chữ như thế được”. Nhà báo Hà Đăng gọi ông là “Cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng nước ta”.
Giáo sư Hà Minh Đức gọi ông là “Nhà báo lão thành, nhà báo gạo cội, nhà báo uyên bác”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ gọi ông là “Một tấm gương lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa gọi ông là “Cây bút vạm vỡ và đa tài”… Trích một số lời nhận xét ấy đủ thấy nhà báo Phan Quang ta được nể trọng thế nào trong giới báo chí, văn chương.
Trò chuyện cùng ông trong một chiều cuối đông 2020 khi cái Tết đang cận kề, tôi cảm giác “ngôi sao” trong làng báo cùng với sự chu đáo, cẩn trọng là một sự giản dị, khiêm tốn đến đáng kinh ngạc. Dường như đó cũng là những yếu tố để tạo nên nhân cách của một nhà báo lớn. Hơn 90 năm qua, dù ở bất cứ cương vị nào, nhà báo Phan Quang cũng luôn lao động sáng tạo với các thể loại báo chí, văn chương (trong dịch thuật ông còn biết đến là người dịch tác phẩm văn học nổi tiếng “Nghìn lẻ một đêm” đã được tái bản đến gần 50 lần).
Ông luôn quan niệm: “Cuộc đời viết lách của tôi giống như một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo, và cuối cùng trong cuộc hôn nhân lý trí này, dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực, và tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thủy với nghề báo…”.
Nhà báo Phan Quang cũng đã từng trả lời: “Tôi đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời mình” khi được hỏi về “đòn cân” giữ nghề báo và nghề văn. Ở nghề báo - nghề mà ông chung thủy suốt cuộc đời, ông đã có khái quát gói gọn trong 4 chữ theo trình tự: “Đọc - Đi - Nghĩ - Viết”. Suy ngẫm về 4 chữ này mới thấy thật sự đúc kết của ông thật thâm thúy, sâu sắc và là “sợi chỉ đỏ” để nhà báo ở mọi thời học tập, noi theo. Là một nhà báo thì phải đọc nhiều để tích lũy, trau dồi kiến thức; phải đi để hiểu về cuộc sống bên ngoài và phản ánh cũng như mang được hơi thở cuộc sống vào trong trang viết của mình; phải ngẫm nghĩ thấu đáo trước khi đặt bút viết về một vấn đề gì đó…
Trong sự nghiệp cầm bút, nhà báo Phan Quang đã xuất bản hơn 50 cuốn sách mà cuốn sách nào cũng có ăm ắp những giá trị, có nhiều điều để nói, để bàn, để nâng niu, trân trọng. Nhưng có lẽ trong những ngày tháng 6 - tháng mà chúng ta có Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) xin được nhắc đến cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” của ông do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành vào quý 1/2019. Với 35 bài báo, bài viết được lựa chọn kỹ càng, sắp đặt khéo léo ghi lại những cảm xúc chân thực, những câu chuyện có thật đã khắc họa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua cách nhìn của ông giúp người đọc hiểu hơn về vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc - một nhà báo lớn, một người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Thông qua cuốn sách này, nhà báo Phan Quang đã giúp độc giả và nhất là những người làm báo hiểu sâu hơn tài năng báo chí của Bác Hồ, thấm thía câu nói của Bác: “Báo chí là một mặt trận, anh chị em viết báo cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cây bút và trang giấy là vũ khí của họ…”; “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới…”; “Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà…”.
Một trong những điều mà nhà báo Phan Quang luôn trăn trở suốt những năm còn công tác cho đến hôm nay là vấn đề đạo đức báo chí. Theo ông, ai yêu nghề, quý nghề, người ấy khắc có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức báo chí bắt nguồn từ cái tâm, cái đức của người làm báo.
Chúng ta vì nước, vì dân mà tác nghiệp, tránh không để tay bị nhúng chàm vì lợi vì danh - đơn giản có thế thôi. Đó là căn cốt. Mọi sự còn lại đều thuộc phạm vi hành nghề. Bác Hồ dạy: Bắt đầu viết bài, nhà báo hãy tự trả lời, bài này ta “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?” rồi mới đến “Viết như thế nào?”, hay nói theo lối nói ngày nay, báo chí cần làm sao cho “Đúng, trúng, nhanh, hay”. Lời dạy của Bác Hồ hay 4 từ đúc kết phản ánh thực chất đạo đức nghề báo.
Tấm lòng ta sáng, cái đức ta trong, ta tôn trọng sự thật, ta phụng thờ lẽ phải, ta viết báo vì lợi ích những người đọc chúng ta, đó là đạo đức. “Còn về nghiệp vụ, nếu có sai thì sửa, chẳng may vấp ngã thì ta đứng dậy, mình tự hỏi mình do đâu vấp ngã, rồi thanh thản tiến bước tiếp tục đi lên”, nhà báo Phan Quang nhấn mạnh...
Trong những ngày tháng 6 này viết về nhà báo Phan Quang, trong tôi dâng trào biết bao cảm xúc ngưỡng mộ, khâm phục, tự hào… Và tôi nghĩ rằng ngẫm về cuộc đời của những nhà báo lớn, trong đó có nhà báo Phan Quang, người làm báo hôm nay sẽ thêm một lần thấy nghề báo luôn lấp lánh những điều cao đẹp; luôn cuốn hút những trái tim giàu nhiệt huyết, đam mê; luôn là “mảnh đất màu mỡ”, lý thú, diệu kỳ chờ đợi những đôi chân bước đến và phiêu lưu cùng những hành trình sáng tạo không ngừng mà đích đến là làm cuộc sống thêm nhân văn, tốt đẹp hơn.
Dù bước vào tuổi 93 nhưng hiện nay nhà báo Phan Quang vẫn làm việc, vẫn viết lách, vẫn đau đáu với sự phát triển của nền báo chí nước nhà. Nhà báo Phan Quang thực sự là tấm gương lan tỏa những giá trị nghề, là cây đa tỏa bóng mát cho thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau. /.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ quận Hoàn Kiếm bàn giao Công đoàn cơ sở
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hội đàm cấp cao với Trung tâm Những người lao động Brazil
Gần 300 đoàn viên, người lao động ngành NN&PTNT dự hội thao ở Đắk Lắk
Những điều người dân cần lưu ý trước khi mua nhà đất
Bầu cử Tổng thống Mỹ tác động như thế nào đến tỷ giá, lãi suất?
Khi nào có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024?
Để giá nhà chung cư không “nóng”
Tin khác
Nữ nông dân thành công từ mô hình nuôi bò sữa
Gương sáng 03/11/2024 09:10
Bác sĩ trẻ tâm huyết, sáng tạo vì sứ mệnh cứu người
Gương sáng 02/11/2024 13:11
Nữ nông dân khởi nghiệp thành công từ nuôi bò sữa
Gương sáng 30/10/2024 14:39
Nghệ nhân tuổi 75 "vượt bão" giữ nghề đúc đồng truyền thống
Gương sáng 30/10/2024 12:24
Chủ tịch Công đoàn cơ sở luôn hết lòng vì người lao động
Gương sáng 28/10/2024 06:05
Nâng cao hiệu quả sản xuất từ sáng kiến cải tiến tự động hóa
Gương sáng 23/10/2024 06:05
Nữ thủ lĩnh Công đoàn năng động, tâm huyết
Longform 21/10/2024 22:18
Người nông dân làm giàu từ nuôi cá nhờ công nghệ 4.0
Gương sáng 17/10/2024 16:45
Cô giáo đam mê làm thiện nguyện và những chuyến đi ấm áp tình người
Gương sáng 17/10/2024 16:43
Bí thư Chi bộ thôn dám nghĩ, dám làm
Gương sáng 17/10/2024 07:36