Neo giữ miền ký ức bình an
Du học sinh Việt Nam kể chuyện đón Tết trong mùa dịch Covid-19 |
Chị Trần Thị Thảo Vi (Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức):
Chẳng thể nào “mua” được hương vị Tết xưa
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố dệt Nam Định. Vì cuộc sống mưu sinh tôi phải xa quê hương khi mới ngoài đôi mươi.
Nhưng không phải vì thế mà tôi quên đi văn hóa truyền thống bản sắc quê hương mình, đặc biệt là vào những ngày lễ Tết. Với tôi, làm cơm cúng lễ không chỉ là tín ngưỡng tâm linh, mà còn là nếp nhà. Tôi muốn các con của tôi nhận thức vẻ đẹp phong tục truyền thống từ khi còn nhỏ.
Châu Âu những ngày tháng dịch bệnh, thực phẩm và nhu yếu phẩm đều tăng giá. Đặc biệt, thực phẩm châu Á vào những ngày giáp Tết càng đắt đỏ hơn. Vì thế, mua bán sắm sửa vào ngày Tết với tôi cũng rất công phu.
Chuẩn bị đồ và gia vị lên món cho bữa cơm truyền thống vào dịp lễ Tết nơi xa xứ đòi hỏi sự biến tấu một cách linh hoạt. Nhiều khi, thiếu lát tai chua hay vị dấm bỗng cho món canh chua. Kiếm đâu ra cái vị thanh chua đặc trưng của người Hà Nội giữa trời Âu?
Tôi đã thay bằng nước muối dưa chuột. Sự kết hợp do thiếu hụt gia vị đôi khi lại ngon không tưởng. Với món cá kho, tôi thay quả trám bằng quả ô liu. Thật tuyệt vời, quả ô liu hút hết mùi tanh của cá, tạo nên một hương vị béo ngậy, tốn cơm lắm. Khi pha mắm tôm lấy đâu ra rượu “quốc lủi” nút lá chuối như ở Việt Nam? Tôi thay rượu bằng vài thìa bia. Cách biến tấu độc đáo này hấp dẫn cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Sơn hào hải vị ở xứ sở này không thiếu. Nhưng những “cánh chim thiên di” như tôi, chẳng thể nào mua được hương vị Tết xưa. Hương lá mùi già thoảng thơm xa ngái, vẫn khơi loang niềm dĩ vãng trong giấc mơ tôi hàng đêm mỗi khi đến độ Xuân về.
Bạn Nguyễn Ngân Hà (Nhật Bản):
Khi xa nhà mới thấy mâm cơm ngày Tết thật ý nghĩa
Hiện tại, tôi đang sống và học đại học tại Aomori, Nhật Bản. Nhớ những ngày đầu tiên mới sang đây, cảm giác thật chông chênh, nhớ nhà da diết khi Tết đến. Cũng may, có các bạn nên tôi dần quen và đỡ buồn.
Tôi phải nói thật, món ăn của người Nhật rất ngon. Nhưng mỗi khi Tết đến, tôi lại nhớ những món ăn truyền thống của Việt Nam như canh bóng, giò, nem... Khi sang đây, du học sinh chúng tôi tự mày mò tìm công thức, gọi điện về hỏi mẹ “bí quyết”. Chỉ một thời gian sau, chúng tôi đã có thể “lên món” một mâm cỗ truyền thống của Việt Nam vào dịp Tết.
Chúng tôi đặt bánh chưng trên một trang web, còn các món canh măng, nem rán, canh miến... cùng làm với nhau. Vào đêm giao thừa, chúng tôi quây quần bên mâm cơm với những món truyền thống, vừa ăn vừa xem chương trình táo quân.
Giây phút giao thừa, khi bố mẹ, gia đình gọi điện sang, ai cũng rưng rưng xúc động. Lớp trẻ chúng tôi dù đi học xa nhà, trở thành “công dân toàn cầu” nhưng trong sâu thẳm vẫn luôn nhớ về quê hương, nhớ không khí Tết với những món ăn truyền thống. Khi ở nhà, có thể chúng tôi không để tâm đến mâm cơm ngày Tết, nhưng khi xa nhà mới thấy thật sự ý nghĩa. Mâm cơm như một sự kết nối, neo giữ tình yêu quê hương trong tim chúng tôi.
Chị Trần Bích Thủy (Giessen, Cộng hòa Liên bang Đức):
Quê hương thật gần qua những món ăn cổ truyền
Tôi hiện đang sinh sống, làm việc tại Giessen, Cộng hòa Liên bang Đức. Với tôi, món ăn truyền thống của Việt Nam vào dịp Tết cổ truyền luôn gợi nhớ hương vị Tết. Khi tôi còn nhỏ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, những món ăn đó thật “xa xỉ” trên mâm cơm ngày thường. Nhưng Tết đến, bố mẹ chúng tôi luôn gắng chuẩn bị thật chu đáo để các con được thưởng thức những món ăn truyền thống đặc biệt.
Dù xa quê hương đã lâu, nhưng khi nào nấu lại những món ăn đó, tôi đều nhớ mâm cơm tất niên có đầy đủ các món ăn truyền thống như giò, chả, thịt đông, nem rán, canh măng, canh bóng, bánh chưng...
Cả nhà quây quần bên nhau, niềm hạnh phúc trong ánh mắt bố mẹ, niềm vui, sự háo hức của những đứa con cùng sum vầy trong mâm cơm chiều cuối năm đã luôn in sâu trong tâm trí của tôi. Vậy nên, mỗi khi làm những món ăn truyền thống, tôi lại nhớ Tết nơi quê nhà, nhớ gia đình ở Việt Nam.
Tôi nhớ nhất món nem chua nắm với lá đinh lăng mà bố tôi hay làm. Vị chua dịu dàng quyện cùng hương thơm của thính, của đinh lăng, của rượu nếp được cuộn tròn trong màu thịt hồng tươi là thứ hương vị in sâu trong ký ức mà đến giờ không biết tìm đâu nơi xứ người.
Tết đến, dù phải đi làm, tôi vẫn cố gắng làm một mâm cơm để dâng cúng tổ tiên. Nếu năm nào ngày Tết âm lịch vào đúng chủ nhật, tôi mời bạn bè cùng ăn tất niên với gia đình nhà mình. Bạn bè tôi đều khen ngon và có chung cảm giác như ăn Tết ở Việt Nam vậy.
Tuy ở nơi xa, nhưng gia đình tôi vẫn luôn giữ những nét văn hóa truyền thống của người Việt mình. Đôi khi, tôi cảm thấy quê hương thật gần qua những món ăn cổ truyền thân thương.
Tường Vy
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Cập nhật giá vàng, tỷ giá sáng 23/12: Vàng nhẫn diễn biến lạ, tỷ giá USD tăng "nóng"
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21