Nâng cao kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông
Ra mắt cổng giáo dục trực tuyến hỗ trợ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới Đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông: Vì sao “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”? |
Nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015 - 2020, đã có nhiều hoạt động được triển khai và đạt kết quả tích cực.
Thời gian qua, công tác tự đánh giá của các cơ sở giáo dục đã có sự chuyển biến rõ rệt. (Ảnh minh họa: P.T) |
Tính đến năm học 2019 - 2020, 100% Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, nhiều tỉnh/thành phố có tỷ lệ cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài cao trên 90% như: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên… Tính đến tháng 7/2020 có 24.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên trên cả nước đã được đánh giá ngoài (đạt tỷ lệ 58,7%). Số lượng này tăng gần 6 lần so với mức 4.206 trường (chiếm tỉ lệ 9,75%) được đánh giá ngoài năm 2014. Công tác tự đánh giá của các cơ sở giáo dục cũng chuyển biến rõ rệt, đạt tỷ lệ 96% cơ sở hoàn thành tự đánh giá.
Những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục. Đặc biệt, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một loạt Thông tư tích hợp quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục các cấp học; các công văn hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông. Việc thống nhất một bộ tiêu chuẩn đánh giá, một quy trình đánh giá đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục thực hiện cùng một lúc hai hoạt động, góp phần làm giảm các thủ tục hành chính trong công tác quản lý, giảm công sức, thời gian và chi phí khi triển khai thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng tự đánh giá và đánh giá ngoài cho cán bộ quản lý, giáo viên của các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng hỗ trợ triển khai. Tính đến tháng 11/2020, đã có gần 28.000 cán bộ, giáo viên được tham gia các khoá bồi dưỡng. Xét trên quy mô cả nước, đội ngũ này cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ hoạt động tự đánh giá và thực hiện đánh giá ngoài tại nhiều địa phương.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo và cơ sở giáo dục cũng đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong công tác quản lý giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục. Nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác kiểm định chất lượng và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Một số địa phương đã nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích phù hợp cho những đơn vị thực hiện tốt công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, có chế tài xử lý những cơ sở làm không tốt.
Qua thực tiễn triển khai, các địa phương đều khẳng định, công tác kiểm định chất lượng có ý nghĩa và tác động lớn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Việc có thêm nhiều cơ sở giáo dục được công nhận kiểm định chất lượng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều trường nâng cao được các tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục… Người hưởng lợi cuối cùng từ quá trình phấn đấu đạt các mức của tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, trường chuẩn quốc gia chính là các học sinh.
Kiểm định phải trung thực, thực chất, bình đẳng và theo định kỳ
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác kiểm định chất lượng vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn như: Một bộ phận cán bộ quản lý (nhất là quản lý cơ sở giáo dục) chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức về công tác kiểm định chất lượng giáo dục; còn một số địa phương triển khai chậm hoạt động này; chất lượng kiểm định viên chưa đồng đều; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục của một số Sở Giáo dục và Đào tạo còn thiếu và luôn có sự thay đổi nên ảnh hưởng hiệu quả triển khai…
Thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015 - 2020 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong rất nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ đều xác định kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Quy định về công tác kiểm định chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học đã được đưa vào Luật Giáo dục từ năm 2005 và được tiếp nối, hoàn thiện trong các văn bản Luật tiếp theo.
Nguyên tắc về kiểm định chất lượng giáo dục được quy định rõ trong các văn bản Luật này là đảm bảo “Độc lập, khách quan, đúng pháp luật”, “Trung thực, công khai, minh bạch”. Nếu đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (ban hành năm 2009), hoạt động kiểm định chất lượng chỉ dừng ở việc khuyến khích cơ sở giáo dục tham gia thực hiện, thì Luật Giáo dục 2019 đã yêu cầu đây là hoạt động “bắt buộc”, “định kỳ” và thực hiện bình đẳng.
Với sự thay đổi trong quan điểm chỉ đạo đó, những năm qua, đặc biệt giai đoạn từ 2015 đến 2020, công tác kiểm định chất lượng đã được các nhà trường, địa phương triển khai tích cực, hiệu quả. Hoạt động này tạo diện mạo mới, vị thế mới, tạo chuyển biến tích cực và rõ nét trong công tác giáo dục của các nhà trường, mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh. Trong các nhà trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và đạt kiểm định chất lượng giáo dục, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành. Các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và xã hội ngày càng có ý thức trách nhiệm chung tay xây dựng nhà trường tốt đẹp hơn.
Tới đây, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, để công tác kiểm định chất lượng giáo dục đạt hiệu quả cao hơn nữa, các cấp ngành Giáo dục cần tiếp tục phát huy những mặt mạnh, khắc phục hạn chế; kiểm định phải trung thực, thực chất, bình đẳng và theo định kỳ; xây dựng kế hoạch kiểm định chất lượng, biến tự đánh giá thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên, chuyên gia đánh giá ngoài; xây dựng và hoàn chỉnh “Mô hình bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục” đối với trường mầm non, phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên cả nước…
Phạm Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Văn hóa 04/11/2024 22:00
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Xã hội 04/11/2024 19:26
Y học tái tạo - Xu hướng mới trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp
Y tế 04/11/2024 14:06
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy
Giáo dục 04/11/2024 13:59
Bộ GD&ĐT cảnh báo việc giả mạo văn bản thông báo tổ chức Giải đạp xe
Giáo dục 04/11/2024 12:26
Phú Quốc quyết liệt xử lý lấn chiếm lòng đường, lấy lại cảnh quan
Xã hội 03/11/2024 22:29
Đề xuất công nhận Ngày Chiều cao thế giới
Y tế 03/11/2024 22:25
Đồng hành cùng các gia đình hiếm muộn trên hành trình “tìm con”
Y tế 03/11/2024 19:31
Hà Nội: Khích lệ tinh thần hiếu học của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Cộng đồng 03/11/2024 19:03
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trưng bày 4 bảo vật quốc gia
Du lịch 03/11/2024 16:46