Muốn nâng tầm Y tế Thủ đô, phải có cơ chế đặc thù
Nhân viên Y tế Thủ đô “lặng thầm” chống dịch Biểu dương 187 cán bộ, nhân viên tiêu biểu ngành Y tế Thủ đô Hướng đến xây dựng hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân |
Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều
Đây là góp ý của Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế Trần Thị Mai Oanh tại hội thảo “Phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân”, do Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa tổ chức, nhằm đề xuất chính sách để sửa đổi Luật Thủ đô.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thành phố có nhiều đổi mới, tiến bộ, chất lượng không ngừng được nâng cao. Các bệnh viện, cơ sở y tế của Thành phố từ cấp huyện và cấp xã được đầu tư nâng cấp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi Hội thảo. Ảnh: Phương Thảo |
Thành phố đang trực tiếp quản lý 41 bệnh viện trực thuộc; có 1 Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội thuộc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Mạng lưới y tế công cộng, dự phòng, phục vụ công tác dịch tễ, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh gồm: 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và 579 trạm y tế xã, phường thuộc 30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (trong đó, đã có 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình)...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện đang được Thành phố Hà Nội tích cực chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện. Trong các chính sách đề xuất sửa Luật Thủ đô, chính sách y tế hết sức quan trọng, tác động rất lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thành phố Hà Nội mong muốn các chính sách đề xuất kiến nghị sửa Luật Thủ đô sẽ thật sự ưu việt, vượt trội, khả thi để tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho Hà Nội phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống y tế của Thành phố trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều ở các tuyến; chưa giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải ở một số bệnh viện và chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến Thành phố.
Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu và chưa thực sự bền vững. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế Thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu thốn, nhiều nơi đã xuống cấp. Nhân lực y tế còn thiếu và yếu, tỷ lệ y bác sỹ của Thành phố trên số dân còn thấp, đặc biệt đối với các trạm y tế cấp xã, có nơi trên 60.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ y tế (trong khi với 10 cán bộ y tế chỉ phụ trách hiệu quả khoảng 13.000-15.000 dân).
Chế độ đãi ngộ, thu nhập của lực lượng y tế nói chung, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở còn thấp, dẫn đến việc khó tuyển dụng, thu hút nhân lực vào làm việc. Các quy định về bảo hiểm y tế, chế độ chi trả khám chữa bệnh, định mức kinh phí còn bất cập, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Cơ chế quản lý, hoạt động các cơ sở y tế còn chưa phù hợp, chưa phát huy tính tự chủ, trách nhiệm, phát huy tốt nguồn nhân lực của ngành y tế...
Vì vậy, Luật Thủ đô sửa đổi cần đưa ra được những cơ chế, chính sách đặc thù, ưu việt, giúp cho Thủ đô có cơ sở pháp lý để xây dựng, phát triển hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phát triển Y tế Thủ đô theo nguyên lý y học gia đình
“Trong lộ trình xây dựng Luật Thủ đô, rất cần thiết phải nghiên cứu phát triển một số chính sách đặc thù giúp phát triển y tế Thủ đô theo nguyên lý Y học gia đình, trong đó huy động sự tham gia của các đơn vị y tế ngoài công lập” là quan điểm của Ths.bác sĩ Trần Việt Anh, Trường Đại học Y Hà Nội.
Theo bác sĩ Trần Việt Anh, chính sách sửa đổi Luật Thủ đô cần hướng tới xây dựng được một môi trường làm việc công khai, minh bạch, công bằng với các nhân viên y tế, có chế độ đãi ngộ phù hợp để giúp họ toàn tâm toàn ý tham gia cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Xây dựng chính sách ưu đãi thu hút nhân sự y tế có chuyên môn lành nghề, trình độ cao đang làm việc ở khối y tế ngoài công lập tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ y tế công, ví dụ như: Được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, được ưu đãi về học phí khi tham gia đào tạo tại các hệ thống đào tạo công lập và đa dạng hóa về thời gian làm việc (trong giờ hành chính, ngoài giờ hành chính, bán thời gian, biệt phái có thời hạn...).
Theo bác sĩ Trần Việt Anh, cần quy định chi phí cho các dịch vụ y tế ở mức cơ bản do ngân sách và bảo hiểm y tế chi trả; chi phí vượt mức cơ bản do người sử dụng dịch vụ chi trả. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở.
Đồng thời, cần xây dựng hồ sơ sức khỏe cho mỗi người dân được theo dõi, cập nhật tình trạng sức khỏe từ lúc sinh ra đến cuối đời, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm nhất chi phí cho chăm sóc sức khỏe. Đa dạng các gói bảo hiểm y tế, phát triển bảo hiểm y tế Nhà nước và bảo hiểm y tế thương mại gồm nhiều mệnh giá, tương ứng với các gói dịch vụ y tế khác nhau; khuyến khích các công ty, tổ chức phát triển bảo hiểm y tế thương mại và tham gia đồng bảo hiểm với bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước chi trả để tăng gói quyền lợi cho người bệnh.
Từ thực tiễn quản lý, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng, cần huy động toàn diện hệ thống y tế tham gia công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, không phân biệt công lập hay tư nhân. Vừa qua, trong phòng, chống dịch Covid-19, rõ ràng chúng ta đã phát huy được nguồn lực y tế tư nhân rất hiệu quả. Theo ông Long, bác sĩ dù làm việc ở bệnh viện công hay tư nhân cũng đều có trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân, nên cần xây dựng cơ chế quyền lợi đi liền trách nhiệm.
Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hoàng Văn góp ý, để lực lượng y tế chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, ngoài cơ sở vật chất tốt, chuyên môn tốt, thì chế độ đãi ngộ phải tốt để bác sĩ an tâm làm việc.
Một số ý kiến khác cũng đồng tình cao với các đề xuất hạn chế sự phân biệt giữa bệnh viện công và bệnh viện tư; cho rằng việc phát triển y tế cơ sở, y học gia đình rất quan trọng, cần được quan tâm đúng mức; cần quy định trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân chặt chẽ để bảo mật tốt nhất cho bệnh nhân...
Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển y tế cơ sở
PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào, Trường Đại học Y Hà Nội nhìn nhận, cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế Thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức; nhân lực y tế còn thiếu, không đều, đặc biệt đối với các trạm y tế cấp xã... Do đó, Hà Nội cần xây dựng hệ thống chính sách về y tế một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến.
Đồng thời, Thành phố cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động y tế; hình thành hệ thống khám chữa bệnh theo mô hình liên kết giữa các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa Thành phố với các trung tâm y tế quận, huyện, y tế tư nhân. Nâng cao khả năng dự báo, giám sát, phát hiện, năng lực ứng phó, khống chế dịch bệnh: Thông tin được sớm các dịch bệnh từ xã, phường tới Viện vệ sinh dịch tễ hoặc ứng dụng các phương pháp dự báo, các trang thiết bị hiện đại của Viện vệ sinh dịch tễ tới xã, phường...
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh. Ảnh: Thiện Tâm/VGP |
PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào cũng góp ý, Thành phố cần quy định các biện pháp ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp và các biện pháp khác để tăng cường xã hội hóa y tế, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại; các cơ sở nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ y tế, dược phẩm và trang thiết bị y tế. ”Thủ đô cần được quy định các chính sách đặc thù để phát triển hệ thống y tế cơ sở và dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân thực hành theo nguyên lý y học gia đình”, bà Đào nói.
Đồng thời, quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế phù hợp để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sĩ làm việc cho cơ sở y tế tư nhân, kết nối và bổ trợ với hệ thống y tế hiện hành; quy định cơ chế đặc thù về bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý đối với người lao động không phải là viên chức tại các đơn vị tự chủ tài chính để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao...
Tham luận tại hội thảo, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế Trần Thị Mai Oanh cho hay: 80% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân là ở tuyến cơ sở, 15% có nhu cầu chăm sóc ở tuyến 2 (tuyến tỉnh), chỉ 5% có nhu cầu chăm sóc ở tuyến 3 (tuyến Trung ương). Tuy nhiên, hiện nay, người dân đang sử dụng dịch vụ không cần thiết, có rất nhiều bệnh do thiếu tin tưởng về chất lượng ở tuyến dưới nên đã lên tuyến trên.
“Phải đặt vấn đề người dân đang muốn gì? Thực ra, người dân luôn mong muốn khi khỏe cũng vẫn được chăm sóc để không bị bệnh, khi bị bệnh thì được tiếp cận kịp thời dịch vụ y tế chất lượng và được chăm sóc toàn diện, và khi bị bệnh nặng thì được tiếp cận các kỹ thuật hiện đại. Vì vậy, cần thiết nâng cao chất lượng hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, để đảm đương được vai trò của cả 3 tuyến khám, chữa bệnh cho người dân”, bà Oanh nói./.
Theo Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế Trần Thị Mai Oanh, muốn chăm sóc toàn diện, liên tục cho người dân, phải có sự kết nối giữa các cơ sở y tế ở các tuyến khám, chữa bệnh. Việc thành phố Hà Nội hướng đến nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, phát triển Y học gia đình là hướng đi đúng. “Nhưng phải thay đổi phương thức chăm sóc, hiện nay có vẻ thiên nhiều về khám chữa bệnh, khi bị bệnh thì điều trị. Thời gian tới, dứt khoát phải thay đổi, chú trọng phòng bệnh, làm thế nào để giúp người dân sàng lọc phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, quản lý sức khỏe cá nhân và có sự kết nối trong chăm sóc sức khỏe”, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách y tế Bộ Y tế nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô cần có quy định về thực hiện đối tác công - tư trong đầu tư phát triển các bệnh viện công lập. Nói về cơ chế tự chủ, bà Oanh cho rằng, việc hiểu tự chủ là bệnh viện hoàn toàn tự mình cân đối kinh phí là không phải, mà vẫn phải có vai trò hỗ trợ của Nhà nước. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Cập nhật giá vàng, tỷ giá sáng 23/12: Vàng nhẫn diễn biến lạ, tỷ giá USD tăng "nóng"
Tin khác
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Hoàn thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 trong năm 2025
Y tế 20/12/2024 20:37
Trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
Xã hội 20/12/2024 09:58
Hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn
Y tế 19/12/2024 17:38
Tình trạng các nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng đang điều trị tại Bệnh viện E
Y tế 19/12/2024 16:43
Sôi nổi Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Y tế 17/12/2024 20:52
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều người nhập viện vì mắc sởi
Y tế 17/12/2024 08:06
Nhiều người cần tham vấn tâm lý trong điều trị bệnh “khó nói”
Y tế 17/12/2024 06:39
Hà Nội ghi nhận thêm 44 trường hợp mắc sởi
Y tế 17/12/2024 06:38
Duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số
Xã hội 13/12/2024 11:46