Lan toả giá trị gia đình qua nhiều thế hệ
Khẳng định và phát huy giá trị văn hóa gia đình Lan tỏa nét đẹp văn hóa gia đình Thủ đô |
Đại gia đình có hơn 300 thành viên
Nhà văn Toan Ánh trong “Nếp cũ - Con người Việt Nam” đã khẳng định: “Nếu gia đình là một bụi cây nhỏ, gia tộc là cả một khóm rừng, khóm rừng che chở cho bụi cây, nhưng bụi cây dù nhỏ cũng góp phần để làm cho khóm rừng thêm rậm rạp. Muốn biết khóm rừng phải đi từ bụi cây, muốn hiểu xã hội phải đi từ gia đình. Chính vì lẽ đó, muốn hiểu phong tục Việt Nam, phải bắt đầu từ phong tục gia đình”.
Có một đại gia đình ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, dù qua nhiều thế hệ với hơn 300 thành viên, nhưng vẫn gìn giữ được gần như trọn vẹn cái “nếp xưa” ấy, đó là đại gia đình của hai cụ Nguyễn Văn Đỉnh và Nguyễn Thị Sâm.
Cụ ông Nguyễn Văn Đỉnh (sinh năm 1910) và cụ bà Nguyễn Thị Sâm (sinh năm 1914) ngụ tại làng Tương Mai (nay thuộc phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) sinh được 15 người con, gồm 10 con trai và 5 con gái. Cả 15 người con của hai cụ sau đó lập gia đình và sinh con. Các cháu trưởng thành, kết hôn, sinh thêm rất nhiều chắt, rồi chút, chít cho hai cụ.
Cụ ông Nguyễn Văn Đỉnh và cụ bà Nguyễn Thị Sâm. |
Năm 1984, cụ Đỉnh qua đời, hưởng thọ 75 tuổi. Cụ bà Nguyễn Thị Sâm mất năm 2007, hưởng thọ 94 tuổi. Trong 15 người con của hai cụ, có 4 người đã mất. Con trai cả của hai cụ năm nay 90 tuổi. Những người con dâu, con rể hiện đều ngoài tuổi 65.
Tính đến hiện tại, tổng số con cháu của gia đình là hơn 300 người, gồm cả dâu, rể. Trong đó, số con (F1) là 26 người, cháu (F2) là 89 người, chắt (F3) là 129 người, chút (F4) là 67 người và chít (F5) có 6 người.
Xuất phát điểm là nghề nông, khó khăn bộn bề, nhưng cụ Đỉnh và cụ Sâm đều cố gắng hết mình để các con đều được học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm. Tất cả các con của hai cụ đều học hết lớp 10, tương đương hết cấp phổ thông trung học ngày nay.
Thời xưa, các cụ có nhiều ruộng đất và đó là thứ tài sản quý giá giúp cuộc sống của gia đình khấm khá hơn, con cái nhờ vậy cũng được học hành đến nơi đến chốn.
Khi các con đến tuổi dựng vợ, gả chồng, một tay các cụ lo liệu với mong muốn các con có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Trong số 15 người con của hai cụ, có 2 người làm giáo viên, 3 người công tác trong ngành đường sắt, 1 người làm Phó Giám đốc công ty Giống cây trồng, số còn lại làm các ngành nghề khác.
Cụ Sâm (giữa, hàng thứ 2) cùng các con, cháu. |
Sau nhiều năm làm nông, cụ Đỉnh chuyển sang làm kinh doanh, cho khách thuê xe xích lô. Công việc cho thu nhiều lợi nhuận, giúp cụ có tài sản chia cho các con.
Các thế hệ cháu chắt của hai cụ hiện tại cũng đạt nhiều thành tích trong công việc, làm trong nhiều lĩnh vực ngành nghề như: Giáo dục, y tế, ngoại giao, kinh doanh, xây dựng...
Luôn quan tâm và tương trợ lẫn nhau
Chị Nguyễn Hồng Chuyên (sinh năm 1982), thuộc thế hệ F2 cho biết, hiện gia đình có hơn 300 thành viên, nhưng sống rải rác ở khắp nơi. Vì vậy, việc tụ tập đông đủ không hề dễ dàng.
Thông thường, thế hệ con cháu sẽ dễ tụ tập hơn nên các ngày giỗ, Tết, dù bận đến đâu, mọi người cũng cố gắng thu xếp. Đặc biệt quan trọng là ngày giỗ chung vào tháng 11 âm lịch của hai cụ và ngày mừng thọ các ông bà.
Theo chị Chuyên, bữa cỗ giỗ thường được chuẩn bị thịnh soạn gồm 22 mâm chủ yếu dành cho con cháu và một số khách mời là họ hàng thân thiết. Đây cũng là dịp để con cháu quây quần, cùng nhau ăn uống và chia sẻ những câu chuyện gia đình, cuộc sống.
“Lễ mừng thọ trở thành truyền thống của gia đình từ 30 năm trước, khi cụ bà tròn 80 tuổi. Mỗi năm, khi có các cụ trong nhà đến tuổi 80, 85, 90, gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ lớn, long trọng và con cháu sẽ tụ tập đông đủ”, chị Chuyên chia sẻ.
Hằng năm, thế hệ các cháu luôn tụ tập đông đủ để giữ gìn truyền thống gia đình. |
Thế hệ F1 trong đại gia đình họ Nguyễn giờ cũng bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, vì vậy lễ mừng thọ càng được coi trọng. Từ tuổi 70 trở đi, cả gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ để mọi người gặp gỡ, sum vầy, nói cười vui vẻ, chúc phúc cho nhau.
Không chỉ lúc vui vẻ, mà khi hoạn nạn, mọi người cũng luôn ở bên cạnh tương trợ lẫn nhau. Khi có người ốm đau, khó khăn về kinh tế, mọi người đều đến chăm sóc, thăm nom, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Đối với đại gia đình, đó là sự động viên vô cùng lớn lao, là nguồn sức mạnh khó có thể có được.
Trong một gia đình có hơn 300 thành viên, dù mỗi dịp tụ tập có thiếu đi vài gia đình thì số lượng vẫn khiến nhiều người kinh ngạc. Trong bài viết mới đây trên mạng xã hội, con gái chị Hồng Chuyên cho biết, chuyện nhiều người trong gia đình không nhớ tên nhau là bình thường.
Thậm chí, trong buổi tụ tập vui vẻ, các ông, bà còn ra trò chơi, cháu nào đọc đúng thứ tự tên 15 người con của cụ cố thì sẽ được thưởng tiền. Việc dễ mà hóa khó vô cùng bởi không phải ai cũng nhớ được.
“Là người ở thế hệ F3 trong đại gia đình, trong mỗi dịp tề tựu, quây quần sum họp đoàn viên, con vẫn hay gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười” như không nhớ hết mặt, gọi sai tên. Nhưng cảm giác là một phần của một gia đình lớn như vậy thật sự đặc biệt và đầy hứng khởi”, một người cháu chia sẻ.
Mỗi chuyến đi chơi xa, cả họ mặc đồng phục, ai cũng phải ngước nhìn. Nhiều người còn nghĩ đây là một công ty chứ không tin đó là một đại gia đình, là những người họ hàng thân thích.
Đại gia đình luôn dành thời gian cho nhau và hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh. |
Đông con nhiều cháu, việc bếp núc cũng trở nên đặc biệt. Trước đây, khi còn nấu cỗ ngày giỗ, mỗi người một tay, cùng nhau vào bếp góp thêm phần. Tuy đông đúc, nhưng tiếng cười nói rôm rả, tiếng trêu đùa nhau lại trở thành “đặc sản” của cả nhà.
Không khí nhộn nhịp trong căn bếp là điều mà rất nhiều người trong đại gia đình họ Nguyễn không thể nào quên.
Thời nay, cỗ nấu đã được thay bằng cỗ đặt, mọi người không phải dọn dẹp, nấu nướng. Cuộc sống lại có cái nhàn hạ và thú vui khác.
“Với chúng con, gia đình không chỉ là người thân, người cùng một dòng máu mà còn là những người bạn thân thiết, chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất. Gia đình con luôn dành thời gian cho nhau và hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Đây không chỉ là một gia đình lớn mà còn là cái nôi nuôi dưỡng tình thương và gắn kết.
Đại gia đình đông con nhiều cháu, song các thành viên đều là những người có tình cảm, thích cảnh đoàn viên. Bởi lẽ đó mà trong guồng quay hối hả, biến thiên dữ dội của cuộc sống, mọi người vẫn thống nhất cùng nhau ngồi lại quây quần vào mỗi dịp mừng thọ, hay tổ chức đi du lịch cùng nhau, dành nhiều thời gian nhất khi còn có thể”, con gái chị Hồng Chuyên chia sẻ.
Chị Thùy Dương (con gái của cô út trong 15 anh em thế hệ F1) kể: “Mỗi một sự kiện trong năm, gia đình tôi thường họp lại và cùng lên kế hoạch tổ chức. Ví dụ hoạt động nghỉ hè, thế hệ các bác, các cô chú F1 tin tưởng giao phó, thế hệ F2 chúng tôi lên phương án tổ chức chương trình du lịch nghỉ dưỡng cho đại gia đình sao cho phù hợp với mọi lứa tuổi. Chúng tôi phân công nhau theo năng lực và sở trường cá nhân để đảm bảo đem đến cho đại gia đình chương trình ý nghĩa nhất. Bên cạnh đó, khi nhà có việc, dù lớn nhỏ, tất cả mọi người đều đoàn kết, chung tay hỗ trợ và giúp đỡ nhau không quản ngại khó khăn”.
Từ câu chuyện về đại gia đình của hai cụ Nguyễn Văn Đỉnh và Nguyễn Thị Sâm có thể thấy, nếp nhà Hà Nội với những nét đặc trưng đã phần nào phản chiếu chiều sâu văn hóa, lịch sử của Thủ đô; là nhân tố không thể thiếu để tạo dựng cốt cách riêng của người Hà Nội. Trải qua thời gian, những nếp nhà xưa vẫn còn hiện hữu trong những câu chuyện kể, những ký ức một thời và đặc biệt vẫn được tiếp nối qua nhiều thế hệ gia đình Hà Nội. Tuy nhiên, sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại kéo theo không ít những thay đổi trong lối sống của người Hà Nội hôm nay. Bởi thế gìn giữ “nếp xưa” sao cho hài hòa với nhịp sống mới là rất cần thiết và cũng chính là góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Tin khác
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Cộng đồng 23/11/2024 08:12
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21
Cô gái khuyết tật và hành trình mang tri thức đến với các em nhỏ
Cộng đồng 15/11/2024 06:39