Ký ức đau thương ở Bệnh viện Bạch Mai những ngày “Điện Biên Phủ trên không”
Càng tự hào chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” các em càng ra sức thi đua học tập Những “Khoảng lặng” trong 12 ngày đêm khói lửa Bản hùng ca viết bằng ý chí |
Cách đây 50 năm, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc Việt Nam, lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" hào hùng, vang dội, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi Việt Nam.
Trong trận chiến này, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những nơi bị ném bom khốc liệt nhất của máy bay Mỹ. Bom B52 đã rải thảm trúng Bệnh viện khi tại đây có hơn 300 bệnh nhân đang nằm điều trị dưới hầm. Nhiều khu nhà làm việc, phòng khám bị sập, nhiều bệnh nhân, bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện đã bị thương, tử nạn vì bom đạn của Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Đội phó Đội tự vệ Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ những ký ức đau thương trong 12 ngày đêm khói lửa. |
Ngay từ giờ phút ác liệt nhất của cuộc chiến đấu với B52, những nữ tự vệ Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt trực chiến 24/24h trong 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Đó là cô Cúc, cô Toán, Sửu, Chín, Hận, Nhàn, Xiêm... Họ đều là những y bác sĩ, chiến sĩ tự vệ công tác tại Bệnh viện Bạch Mai năm 1972.
50 năm sau thời khắc kinh hoàng, bà Nguyễn Thị Cúc - Đội phó Đội tự vệ Bệnh viện Bạch Mai vẫn nhớ như in: “Vào lúc 4 giờ ngày 22/12/1972, chúng tôi đang ngủ ở khu tập thể của Bệnh viện thì một loạt bom ném xuống, nhà cửa rung chuyển và đổ sập, gạch ngói, cây cối ngổn ngang.
Sau ít phút bàng hoàng, chúng tôi gọi nhau và biết mình còn sống. Ngay sau đó, chúng tôi được biết bom đã đánh sập 2 hầm lớn của khoa Nội và khoa Da liễu. Lúc đó, Giám đốc Bệnh viện Đỗ Doãn Đại đã ra lệnh khẩn cấp đào bới cứu người. Mặc cho trời tối, rét buốt và máy bay địch vẫn còn ầm ầm ném bom ở các vùng lân cận, chúng tôi lao vào tìm kiếm nạn nhân”.
Khi biết trong hầm khoa Nội và khoa Da liễu đang có nhiều bác sĩ, nhân viên và bệnh nhân trú ẩn, những người còn lại đã thay nhau dùng tay, cuốc, xẻng để đào bới. Qua những khe nhỏ trên đống đổ nát, họ nghe được những tiếng kêu cứu đến xé lòng.
Sau đó, các y bác sĩ, chiến sĩ tự vệ đã thả xuống hầm rất nhiều ống khí oxy để cung cấp không khí cho mọi người, động viên mọi người cố gắng chịu đựng, chờ đợi. Chỗ hầm nào không có khe hở, họ đã phải dùng búa, xà beng, đục bê tông lấy chỗ cho nạn nhân thở. Một lỗ nhỏ như thế phải thay nhau đục gần một ngày mới thông.
Trong trí nhớ của bà Cúc, đau lòng nhất là khi nghe được tiếng kêu cứu của các sinh viên thực tập: “Các anh, các chị ơi, cứu chúng em với!”. Không ai cầm được nước mắt, nhưng vẫn tiếp tục dồn sức vào công việc. Hai bàn tay phồng rộp và rớm máu, mệt thì uống nước, đói ăn mẩu bánh mì rồi lại tiếp tục đào. Cứu được người nào thì chuyển ngay vào khoa Cấp cứu. Nạn nhân nặng cần phẫu thuật chuyển sang Bệnh viện Việt - Đức.
“Ở một cửa hầm, chị Trần Thị Thoa - nhân viên của Bệnh viện bị một tảng bêtông chèn chết, hai tay dang rộng chắn lối đi, phía sau còn 4 người đang gào thét. Giám đốc Bệnh viện đã quyết định tháo khớp hai tay chị Thoa. Một quyết định đau lòng, nhưng chúng tôi phải gạt nước mắt thực hiện. Tôi đã bế chị Thoa lên để cứu những người còn sống ở phía trong”, bà Nguyễn Thị Cúc nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Cúc (ngoài cùng bên trái) tại buổi gặp nhân chứng lịch sử, giáo dục truyền thống nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". |
Cứ như vậy, phải 4 ngày sau (tức ngày 26/12/1972) mới đưa được thi thể 2 người cuối cùng lên khỏi hầm. Khi đó thân thể của họ đã biến dạng và phân huỷ.
Trong trận ném bom tàn khốc ngày 22/12/1972 đó, Bệnh viện Bạch Mai đã có nhiều người chết và bị thương. Trong đó, đau thương nhất là cái chết của 3 nữ y tá Nguyễn Thị Khuyến, Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Thị Thạch, đều còn rất trẻ. Khi hi sinh trên tay họ vẫn còn cầm ống nghe và ống đo nhiệt độ.
“Chúng tôi oà khóc khi nhìn thấy thi thể chị Nguyễn Thị Diên đang mang trong bụng đứa con 3 tháng tuổi. Bên cạnh những đau thương mất mát ấy, chúng tôi cũng đã cấp cứu mang lại sự sống cho nhiều người, đó là Giáo sư Lê Kinh Duệ, các bác sĩ Ngô Thị Ninh, Nguyễn Sỹ Hồi, y tá Nguyễn Thị Hạnh và 3 em nhỏ…”, bà Nguyễn Thị Cúc xúc động nhớ lại.
Với những thành tích ấy, đội nữ tự vệ, y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khen thưởng. Trong đó, bà Trần Thị Xiêm và bà Nguyễn Thị Cúc được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ. Giờ đây, các chị của Đội nữ tự vệ Bệnh viện Bạch Mai ngày ấy đã là bà nội, bà ngoại, nhưng chuyện cứu chữa bệnh nhân và đồng đội ngày ấy họ sẽ mãi mãi không bao giờ quên.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
TIN BUỒN
Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện
Nâng cao chất lượng hoạt động vì lợi ích đoàn viên
Đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Nâng cao chất lượng để nâng tầm vị trí
Trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng tăng tốc
Cập nhật sinh trắc học trước “giờ G”: Khách hàng không nên “đủng đỉnh”!
Xây dựng đô thị thông minh xứng tầm khu vực
Tin khác
Xây dựng đô thị thông minh xứng tầm khu vực
Nhịp sống Thủ đô 26/12/2024 08:47
Đô thị bừng sáng từ “Tuyến đường hoa nhân dân”
Nhịp sống Thủ đô 26/12/2024 08:47
Quận Bắc Từ Liêm tổng kết công tác mặt trận năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 25/12/2024 11:54
Không khí Giáng sinh rộn ràng tại Nhà thờ Lớn Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/12/2024 22:11
Doanh nghiệp cần hỗ trợ trong chuyển đổi “xanh”
Nhịp sống Thủ đô 24/12/2024 08:08
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Thủ đô 23/12/2024 17:27
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thủ đô 23/12/2024 11:39
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23