Kỳ 3: Khát vọng ươm mầm nơi đảo xa
Kỳ 2: Kiên cường những đôi “mắt thần” giữ biển | |
Kỳ 1: Mang hương Xuân đến với các đảo Tây Nam | |
Thăng hoa, vỡ òa cảm xúc với U23 Việt Nam nơi đầu sóng |
Vì tôi là người lính
Hòn Chuối thuộc địa bàn Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 17 hải lý. Đảo vỏn vẹn có diện tích 1,4km2, nằm ở độ cao 176m so với mực nước biển, có 54 hộ với khoảng 177 nhân khẩu, hầu hết là hộ nghèo và cận nghèo sống bằng nghề đi biển. Đứng lớp học tình thương ra đời trên đảo 20 năm nay là thầy giáo mang quân hàm màu xanh - Thượng úy Trần Bình Phục, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối.
Thượng úy Trần Bình Phục nắn nót những nét chữ đầu tiên cho học trò trên đảo Hòn Chuối |
“Ban đầu nhận nhiệm vụ ở đây, tôi cũng không nghĩ sẽ đi dạy cho mấy em. Ngày đầu ra, bắt gặp những đứa trẻ mặt mày lem luốc, không biết chữ, cuộc sống của gia đình chúng quá vất vả, lo ăn từng ngày. Thấy các em như thế, tôi đã đề xuất với Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cho dạy thử 1 tháng, rồi cái duyên dạy thử “dính” luôn cho đến bây giờ”, Thượng úy Trần Bình Phục - chủ nhiệm lớp học tình thương cho biết về những ngày đầu mở lớp.
Không thể chấp nhận nhìn những đứa trẻ với tương lai mờ mịt như vậy, Thượng úy Trần Bình Phục quyết tâm xin với Chỉ huy Đồn Biên phòng chính thức mở lớp dạy chữ cho những đứa trẻ ở đây. Nhưng thầy Phục cũng không thể lường hết những khó khăn ngày đầu mở lớp, khi tất cả đều bắt đầu từ con số 0, đặc biệt bà con nơi đây không mặn mà với việc cho con em họ đến lớp. Cũng dễ hiểu thôi - khi gạo còn chưa có đủ ăn, thì đi học là cái gì đó lạ lắm. Lũ trẻ cũng không biết việc đi học là như thế nào. Vậy là, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong Đồn Biên phòng phải đi đến từng nhà vận động, thậm chí cõng trẻ lên lớp. Nhưng vận động được học trò rồi thì lớp học không có, bàn ghế cũng không. Ngày đầu, học sinh chỉ đứng nghe thầy giảng.
“Mình thấy các em quá khổ, trong mỗi người ai cũng có lòng trắc ẩn. Hơn nữa, mình là người lính, muốn làm cái gì đó cho tương lai của các em. Đói ăn, đói mặc đều có thể giải quyết được, nhưng đói chữ, đói tri thức thì không thể được. Chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời mỗi con người. Từ suy nghĩ đó, tôi quyết tâm hành động”, Thượng úy Trần Bình Phục trải lòng.
22 học sinh chia làm 3 nhóm lớp, quay về 3 hướng bảng khác nhau |
Được Chỉ huy Đồn Biên phòng tạo điều kiện, thầy Phục lên lớp đều đặn, thường xuyên vào các buổi sáng, từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Từ lớp học xóa mù chữ ban đầu, được sự ủng hộ của lãnh đạo Đồn Biên phòng, sự quyết tâm và quyết liệt trong việc không để trẻ em nào đến tuổi đi học mà không biết chữ, lớp học tình thương đã thu hút 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đến lớp. Đặc biệt, thông qua truyền thông, nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong đất liền biết đến lớp học đã gửi tài trợ đồ dùng học tập, sách vở, quần áo nên lớp học ngày càng thu hút đông con em trên đảo theo học.
Nhận xét về đồng đội của mình, Thiếu tá Nguyễn Đức Thông – Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối cho biết: Do nhiệm vụ, một buổi lên lớp, buổi còn lại thầy Phục lại trở lại với nhiệm vụ chính của mình là Đội trưởng Đội vận động quần chúng. Nhưng thầy Phục rất tận tâm, tâm huyết với lũ trẻ, nhiều hôm không ngại khó, xuống dưới ghềnh để cõng trò lên lớp học.
Đến nay, lớp học tình thương rộng chừng hơn 20m2 do thầy Phục làm chủ nhiệm có 22 học sinh thuộc 3 nhóm lớp (từ lớp 1 đến lớp 8) theo học. Theo thầy Phục, để duy trì được lớp học là một cố gắng lớn, trong điều kiện chương trình giáo dục mỗi ngày có nhiều cải tiến, nâng cao. Thầy kể: Tôi dự định chỉ định dạy các em hết chương trình tiểu học thôi, nhưng đến nay có em đã học đến trình độ lớp 8 rồi. Để dạy được các em với khoảng 10 môn học cũng là hơi đuối, nhưng cả thầy và trò cùng phải cố gắng. Cũng may là điều kiện thời gian ngoài này không hạn chế, thầy trò chúng tôi học quanh năm chứ không có 3 tháng hè như trong đất liền nên tôi sẽ cố gắng bù lại kiến thức cho các em.
Lớp học tình thương Đồn Biên phòng 704 do thầy Trần Bình Phục chủ nhiệm nằm trên lưng chừng đảo Hòn Chuối |
Nói về người chiến sĩ - người thầy đã mang cái chữ và tri thức đến cho con em trên đảo, bà Ngô Thị Huệ ở khóm 1, đảo Hòn Chuối bảo: “Không có ai như ông thầy Phục này, đi vô bờ xin quần áo, xin sổ sách cho lũ trẻ. Mà lũ trẻ đi học ở ngoài này là không tốn đồng bạc nào, thậm chí còn cho tiền học sinh đem về ấy chứ”. Còn đối với chị Nguyễn Thị Thủy, người phụ nữ không biết chữ thì việc 2 đứa con chị được thầy Phục dạy chữ, dạy làm người là hạnh phúc quá lớn lao. Nhắc đến thầy Phục, chị rưng rưng nói đi nói lại: “Tôi ơn thầy nhiều lắm, hai đứa trẻ biết chữ là tôi ơn thầy nhiều lắm”.
Khát vọng chắp cánh ước mơ
Với quyết tâm xóa nhòa khoảng cách về tri thức giữa đảo và đất liền, thầy Phục đã cố gắng tự học, cập nhật kiến thức và giáo án mới nhất để dạy cho con em trên đảo, để sau này, nếu gia đình di chuyển vào bờ, các em có thể theo kịp các bạn trong đất liền. Hàng năm, thầy Phục chủ động liên kết với Trường Tiểu học thị trấn Sông Đốc tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực và làm học bạ cho các em, vì thế, khi vào đất liền, học trò trên đảo Hòn Chuối có thể xin học các cấp học kế tiếp bình thường.
Trần Gia Kiệt (15 tuổi, sau những giờ lên lớp tích cực giúp bố mẹ chuyển hàng. Anh Trần Hoàng Giang - bố Kiệt chỉ mong con được đi học, sau này sẽ có cuộc sống khá hơn mình |
Gia đình anh Trần Hoàng Giang (40 tuổi) ra đảo Hòn Chuối từ cuối năm 2008. Đến nay, ba cậu con trai của anh là Trần Gia Kiệt (15 tuổi), Trần Gia Hào (13 tuổi) và Trần Hào Nam (6 tuổi) đều đang theo học lớp 4, lớp 3 và lớp 1 của thầy Trần Bình Phục. Anh bảo, may nhờ có lớp học mà lũ trẻ được học hành, có kiến thức, được chỉ bảo đến nơi, đến chốn. Hy vọng sau này chúng sẽ có cuộc sống khá hơn cuộc sống mưu sinh vất vả bà bố mẹ chúng đang làm.
Mang theo kỳ vọng đó của phụ huynh, Thượng úy Trần Bình Phục chia sẻ: Giờ người dân trên đảo đã nhận thức được rằng, chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời chứ không thể làm thuê, làm mướn, mưu sinh chênh vênh mãi như cuộc đời của họ nên họ cũng đồng lòng, quyết tâm cho con đến lớp. Tôi cũng sẽ cố gắng đem tri thức đến cho các em, cố gắng tốt nhất có thể vì biết đâu mai đây gia đình các em khấm khá hơn, các em vào đất liền học, sẽ có cơ hội học tiếp để vươn lên.
Với sự quyết tâm đó, thầy Phục và các cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo Hòn Chuối đã thay đổi được nhận thức của người dân nơi đây. Nhiều năm qua, từ lớp học tình thương nhỏ này, đã có hơn 20 học sinh được chuyển tiếp vào đất liền để học lên bậc học cao hơn. Thầy Phục tự hào kể: Học trò của tôi giờ đã có đứa học cấp 3 rồi, mình tự hào vì đã góp một phần nhỏ bé mở ra cho các em cánh cửa tương lai. Trước đó, tương lai của các em là một màu xám xịt, giờ tôi đã chắp cánh ước mơ, tô thêm cho cuộc sống các em nhiều màu sắc hơn, giúp các em biết sống tích cực hơn, để sau này các em sẽ trở thành người có ích cho xã hội.
Từ ngày có lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối, người dân nơi đây có dịp nâng cao văn hóa, tri thức |
Tết này, Thượng úy Trần Bình Phục cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ quê ở Cà Mau tiếp tục “cắm chốt” ăn Tết trên đảo, nhường cho anh em quê ở ngoài Bắc về quê đón Tết cùng gia đình. Anh tâm sự: Chúng tôi sẽ đón Tết ở đây, sau Tết sẽ về thăm gia đình. Ai cũng nhớ, cũng mong muốn sum vầy cùng gia đình trong thời khắc Xuân mới, nhưng với người lính, nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu, bám đảo, bám biển, chắc tay súng bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Nói về ước muốn đầu Xuân mới, Thượng úy Trần Bình Phục chỉ gửi gắm ước nguyện rằng những học sinh nhỏ bé của mình, bằng sự nỗ lực của bản thân sẽ tự vươn lên để thực hiện ước mơ với con chữ, học cao hơn, tiến xa hơn, sau này sẽ chung sức cùng các anh bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bằng những hành động thiết thực của mình, các anh đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo nơi đảo tiền tiêu |
Chia tay người thầy giáo mang quân hàm màu xanh, chia tay các cán bộ, chiến sĩ đang cắm chốt trên điểm đảo tiền tiêu Hòn Chuối, chúng tôi có dịp hiểu và thêm tự hào về các anh- những người lính cụ Hồ. Bằng những hành động thiết thực của mình, các anh đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, chắp cánh ước mơ, ấm thêm tình quân - dân nơi đảo xa, góp phần xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Kỳ cuối: Tự hào những người con Thủ đô cắm chốt tiền tiêu
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15
Quân đội nhân dân Việt Nam - Niềm tự hào dân tộc
Tin mới 19/12/2024 14:40
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm đối tượng đốt quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 10:47
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài thăm hỏi nạn nhân vụ cháy quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 10:25