Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và Quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Christophe Lemiere đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số Bộ, ngành; đại diện Ngân hàng Thế giới; đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện một số Sở GD&ĐT và cơ sở đào tạo giáo viên mầm non; đại diện Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký, Ban soạn thảo chương trình GDMN, các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học.
Xây dựng chương trình mầm non khoa học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm 2009, chương trình GDMN được Bộ GD&ĐT ban hành và thực hiện trên toàn quốc. Hơn 10 năm qua, quá trình triển khai chương trình GDMN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho giáo dục phổ thông đạt được những kết quả tốt.
Trước yêu cầu cao hơn, xa hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chương trình GDMN đã tốt nhưng là chưa đủ đề làm tốt hơn nữa. Do đó, khi bắt tay xây dựng chương trình GDMN mới, Bộ GD&ĐT muốn lắng nghe kinh nghiệm từ thực tiễn, khuyến cáo của các chuyên gia để việc xây dựng sẽ đạt mục tiêu đặt ra.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Bộ GD&ĐT) |
Với tầm quan trọng của bậc học nền tảng, có vai trò quyết định trong hình thành nhân cách, thể chất của con người, với những thách thức khi triển khai xây dựng chương trình GDMN mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong rằng, sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến từ Hội thảo, qua đó có được những định hướng đúng đắn về xây dựng chương trình, tránh được nhiều nhất những sai lầm; đảm bảo chương trình vừa tiếp thu được kinh nghiệm của thế giới, khoa học của GDMN, vừa phù hợp với thực tiễn văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam.
Trao đổi tại Hội thảo, Quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Christophe Lemiere đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phát triển chỉ số vốn con người, giảm bớt sự mất công bằng, qua đó tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Đối với bậc học mầm non, theo Quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc đầu tư cho GDMN sẽ giúp tăng cường số lượng học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông ở Việt Nam.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, những quốc gia có sự đầu tư vào GDMN, khi trưởng thành người dân có thu nhập cao hơn 30% so với thông thường. Đầu tư mầm non cũng giúp các bà mẹ dành thời gian nhiều hơn cho công việc, từ đó tăng nguồn thu nhập cho gia đình”, ông Christophe Lemiere nói.
Ghi nhận những ưu tiên đầu tư của Bộ GD&ĐT Việt Nam cho bậc học mầm non thời gian qua, trong đó có việc xây dựng chương trình GDMN, Quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đánh giá cao những giải pháp của Việt Nam dành cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em thiệt thòi; đồng thời khẳng định cam kết của Ngân hàng thế giới tiếp tục hỗ trợ các hoạt động phát triển con người, trong đó có GDMN tại Việt Nam.
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình GDMN, 99% trẻ em được học 2 buổi/ngày
Tại Hội thảo, đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) đã báo cáo đánh giá kết hơn 10 năm phát triển GDMN, 10 năm thực hiện chương trình GDMN Việt Nam, định hướng xây dựng chương trình GDMN mới.
Theo đó, chương trình GDMN được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009. Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện, với sự chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Bộ GD&ĐT, sự triển khai kịp thời, đồng bộ với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo của các địa phương, cơ sở GDMN, đến nay chương trình GDMN đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở (đạt 100%), trong đó có 5.255.889 trẻ (99%) học 2 buổi/ngày theo chương trình GDMN.
Chương trình GDMN đã thể hiện tính ưu việt, khoa học, phù hợp với thực tiễn và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GDMN: Chương trình thể hiện tính chất của chương trình khung quốc gia, tạo cơ hội cho cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện; chương trình hướng đến sự phát triển toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, phương châm giáo dục “học bằng chơi, bằng trải nghiệm” của trẻ, tạo điều kiện đảm bảo cho trẻ phát triển liên tục, đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ.
Năm học 2019-2020, toàn quốc huy động 5.795.002 trẻ em đến trường để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo chương trình GDMN, tăng 1.890.293 trẻ so với năm học 2010-2011. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 90,1% (tăng 7,1%). Tỷ lệ trẻ nhà trẻ học 2 buổi ngày là 99,8% (tăng 13,2%); trẻ mẫu giáo học 2 buổi/ngày đạt 98,9% (tăng 26,1%).
Năm học 2019-2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non (tăng 149.751 giáo viên). Tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên tăng 34,8% so với năm học 2010-2011.
Năm học 2019-2020 toàn quốc có 201.605 phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ (tăng 77.353 phòng so với năm học 2010-2011), trong đó: Phòng kiên cố tăng 89.985 phòng; phòng học bán kiên cố giảm 15,3%; phòng học tạm giảm 8,7%; phòng học nhờ, mượn giảm 11.584 phòng so với năm học 2010-2011.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là chất lượng đội ngũ và công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ và tài liệu nguồn cho giáo viên. Một số yếu tố vẫn cần được quan tâm để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình GDMN như: Chế độ chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện chương trình; số trẻ/lớp; không gian, diện tích lớp và đồ dùng, đồ chơi, học liệu cho trẻ.
Nhiều khuyến nghị cho Việt Nam về xây dựng chương trình GDMN
Hội thảo đã ghi nhận ý kiến trao đổi, báo cáo về kinh nghiệm xây dựng chương trình GDMN của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam từ các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới.
Theo Tiến sĩ Aija Rinkinen (Chuyên gia cao cấp về giáo dục tại Ngân hàng Thế giới), xây dựng chương trình GDMN không chỉ đơn thuần là nơi chăm sóc trẻ để cha mẹ đi làm mà thay vào đó là xây dựng triết lý giáo dục. Tại đó, trẻ em là trung tâm, chăm sóc và phát triển trẻ là phương pháp. Giáo viên được liên tục bồi dưỡng để cập nhật, đổi mới; trẻ em được xác định và hỗ trợ các nhu cầu cần thiết. Nhà trường phối hợp với phụ huynh, gia đình cùng với các tổ chức xã hội, y tế…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hu Xinyun, Annie (Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Giáo dục Hồng Kông) cho rằng: Khác với cách học truyền thống chú trọng truyền tải về kiến thức, hiện nay, các chuyên gia GDMN tập trung xây dựng chương trình mới hướng đến những phương pháp giáo dục cung cấp cho trẻ các kỹ năng, dụng cụ, thiết bị, bối cảnh, qua đó phát triển năng lực, cảm xúc, trẻ em học được cách chia sẻ, chăm sóc, trải nghiệm, hỗ trợ những người xung quanh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã tập trung thảo luận, trao đổi lãm rõ thêm các nội dung được trình bày qua tham luận, cung cấp thêm ý kiến từ nhiều góc nhìn khác nhau, phân tích, góp ý bổ sung, điều chỉnh quan điểm/định hướng xây dựng chương trình GDMN mới. Các giải pháp nhằm phát huy nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 6 tuổi nói chung và xây dựng thành công chương trình GDMN mới nói riêng cũng được đề cập tại Hội thảo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Bộ GD&ĐT) |
Trước đó, từ năm 2020, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát, đánh giá 10 năm thực hiện chương trình GDMN. Cuối năm 2021, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo với chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước về việc đề xuất quan điểm xây dựng chương trình GDMN và Hội thảo với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đại diện 63 tỉnh/thành phố để đánh giá việc thực hiện chương trình GDMN. Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã có đánh giá, phân tích ngành đối với GDMN, qua đó nhìn nhận, đánh giá chương trình GDMN hiện hành và rút kinh nghiệm, đề xuất quan điểm xây dựng chương trình GDMN mới.
Chương trình GDMN mới sẽ được xây dựng với quan điểm chung là cần kế thừa và phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành; thể hiện rõ nét hơn quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em mầm non phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, hướng đến hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình cũng cần tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế và chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu trong hoàn cảnh cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4.
Định hướng các giá trị ở bậc học mầm non theo hướng giản dị
Trong phát biểu tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn các chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước đã có sự chuẩn bị công phu cho các tham luận tại Hội thảo. Từ những kinh nghiệm được trao đổi, Bộ trưởng đề nghị nhóm biên soạn tiếp tục đánh giá, khảo sát sâu hơn đối với chương trình GDMN hiện hành, tiếp thu ý kiến từ giáo viên - những người trực tiếp triển khai chương trình về những thuận lợi, vướng mắc.
Cho rằng học tập kinh nghiệm của thế giới là rất quan trọng, song Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý, việc thiết kế chương trình phải phù hợp, khả thi với triển khai thực tế tại Việt Nam, về điều kiện, mức sống, đội ngũ giáo viên... Cần có sự phân tích kỹ những đối tượng sẽ chuyển hóa, thực thi chương trình này trong thực tế, với bối cảnh một vài năm tới chưa có sự thay đổi đáng kể nào so với hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi mở một số nguyên tắc khi xây dựng chương trình như tính kế thừa chương trình cũ, lấy nền tảng khoa học tâm lý học, trong đó nhấn mạnh đặc thù lứa tuổi. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị nhóm chuyên môn xem xét thật thấu đáo cách tiếp cận năng lực phù hợp với GDMN, bởi nếu không thận trọng sẽ lấy cách tiếp cận phổ thông cho bậc học này. Thống nhất với mục tiêu chung là nhằm phát triển con người toàn diện, song Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần định hướng các giá trị ở bậc học mầm non theo hướng giản dị, trong đó định hướng đầu tiên là sự lương thiện của con người.
“Vì đây là vấn đề hệ trọng, không được phép sai lầm, nên cần rút kinh nghiệm những giai đoạn trước, việc khảo sát, thử nghiệm phải làm rất thấu đáo. Mục tiêu là có một chương trình GDMN tốt, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với khả năng thực hiện. Tinh thần là dành tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em và cần chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất, giáo viên, tâm thế, truyền thông… để có thể có được kết quả tốt nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Giáo dục 23/12/2024 16:44
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Giáo dục 22/12/2024 20:16
Hà Nội: Gặp mặt, động viên đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025
Giáo dục 20/12/2024 18:30
Gắn biển công trình trường học cấp Thành phố kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Giáo dục 20/12/2024 13:48
Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ
Giáo dục 20/12/2024 08:34
Thấp thỏm chờ phương án tuyển sinh vào lớp 10
Giáo dục 19/12/2024 17:41
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải
Giáo dục 19/12/2024 06:31
Trường THCS Lạc Viên: Hành trình rực rỡ trong năm học 2023 -2024
Giáo dục 18/12/2024 15:31
Ngành Giáo dục Hà Nội: Nhiều kết quả trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU
Giáo dục 17/12/2024 19:22
Học sinh cuối cấp, giải pháp nào vượt qua áp lực?
Giáo dục 17/12/2024 17:12