Khi học sinh được giáo dục tình yêu quê hương
Dành hết tâm huyết cho tình yêu quê hương Nuôi dưỡng tình yêu quê hương cho học sinh |
Đa dạng hoạt động
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa), những năm qua, việc giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng. Các nội dung giáo dục được lồng ghép vào bài học chính khóa, ngoại khóa theo hình thức Học vui - Vui học, thu hút sự hào hứng tham gia của đông đảo học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh tại di tích lịch sử trên địa bàn như: Lễ kết nạp đội viên vào ngày 26/3 tại di tích lịch sử gò Đống Đa, tổ chức cho học sinh giỏi đi thăm quan khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Đối với học sinh Trường Tiểu học Thái Thịnh, dù tuổi còn nhỏ nhưng các em đã tìm hiểu lịch sử địa phương qua sách báo, Internet và tự làm các sản phẩm, bài thuyết trình qua Power Point.
Ảnh: Việc giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh cần được chú trọng. |
Hay như tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình), nhà trường luôn chú trọng việc tổ chức các chương trình mang tính giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh. Những nội dung này được giáo viên tích hợp hoặc sử dụng trong dạy các môn học ở khối lớp. Không dừng lại ở việc giảng dạy trên bục giảng, giáo viên còn kết hợp vào các hoạt động ngoại khóa nhằm giúp học sinh thêm thích thú, hăng say học tập, từ đó khơi dậy trong các em ý thức giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống.
Tại quận Hà Đông, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã phát động đợt thi đua cao điểm tới hơn 5.000 giáo viên và 89.000 học sinh trên địa bàn triển khai “Sổ tay chiến sĩ nhỏ Điện Biên”. Để hưởng ứng đợt thi đua cao điểm này, các nhà trường chủ động mời nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh đến nói chuyện với học sinh; tổ chức các chuyên đề giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ... Qua các buổi nói chuyện, các học sinh hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về lịch sử dân tộc, về sự hy sinh của cha ông để thế hệ hôm nay có được cuộc sống hòa bình, phát triển.
Cô giáo Phương Thị Thìn (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông) cho biết: “Hưởng ứng kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, dịp này, nhà trường phát động cuộc thi vẽ tranh đến toàn thể học sinh với chủ đề “Tự hào chiến sĩ nhỏ Điện Biên”, trang trí lớp học với chủ đề 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… Các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống, giúp học sinh hiểu và thêm yêu, tự hào về chiến thắng hào hùng của dân tộc, từ đó nỗ lực hơn nữa trong học tập, rèn luyện để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi”.
Như tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông), nhà trường tổ chức cho 200 học sinh thi vẽ tranh với chủ đề “Hướng về Điện Biên Phủ” và chọn 30 tác phẩm đẹp nhất để đóng thành tuyển tập. Cùng với đó, nhà trường còn tổ chức các phòng trào thi đua cho hơn 2.000 học sinh với nhiều hoạt động như: Hát về truyền thống Đội, trang trí lớp học theo chủ đề 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…
Chú trọng giáo dục lịch sử địa phương
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc phải triển khai ở các cấp học. Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào Chương trình giáo dục phổ thông góp phần gìn giữ bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Mỗi chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội... trên địa bàn mình sinh sống.
Tại Hà Nội, thời gian qua, nhiều trường học đã và đang triển khai các hoạt động giáo dục địa phương căn cứ theo đặc thù văn hóa, lịch sử nơi nhà trường hoạt động. Ngoài việc giảng dạy trên lớp, giáo viên còn tổ chức các giờ học ngoại khóa tại các di tích trên địa bàn nhằm giúp học sinh thêm hứng thú trong học tập.
Chẳng hạn, tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), kế hoạch chống quân Tống xâm lược của vua tôi Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt đã được học sinh nhà trường thể hiện đặc sắc trên sân khấu đình Phúc Xá - nơi thờ tự và là quê hương Việt Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt. Bằng nét diễn hồn nhiên nhưng đầy sự tự hào, các học sinh đã có thêm nhiều kiến thức lịch sử giá trị. Tiết học giáo dục địa phương tuy diễn ra vỏn vẹn trong một buổi sáng nhưng đã được nhà trường chuẩn bị công phu với nhiều hình thức.
Không khô cứng như những bài học trên lớp, không khó tưởng tượng về một nhân vật lịch sử, một sự kiện hay một thời kỳ đã xa… những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị đại tướng huyền thoại của thế kỷ XX - đã trở nên thật gần gũi, dễ nhớ và đầy xúc động đối với học sinh Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm). Để học sinh nắm bắt lịch sử truyền thống một cách trực quan sinh động, nhà trường đã tổ chức các tiết học lịch sử bên ngoài lớp học. Theo đó, các học sinh có thể học ở thư viện, sân trường, bảo tàng.
Em Lê Phương Thảo Nguyên (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Thăng Long) chia sẻ: “Trên ghế nhà trường, chúng em cũng đã học về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, em càng cảm thấy tiết học thú vị hơn khi chúng em được học dưới sân trường - nơi có tượng đài của Đại tướng. Em rất tự hào khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng dạy học và làm việc tại đây. Em sẽ cố gắng học thật tốt để xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp”.
Các trường học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng tổ chức cho học sinh đến tham quan, học tập, tìm hiểu Cụm di tích đình - đền - chùa Hai Bà Trưng. Sau các cuộc ngoại khóa, các trường tổ chức cho học sinh thi vẽ tranh, tìm hiểu lịch sử về các di tích, danh nhân được đặt tên đường phố trên địa bàn.
Có thể thấy, trong xu thế hội nhập thì việc giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh càng cần được chú trọng. Điều quan trọng là các nhà trường cần giúp học sinh được học, được quan sát từ thực tế ngay tại nơi mình sinh sống, học tập để các em nhận thức được ý nghĩa và trách nhiệm gìn giữ, phát huy của bản thân mình với truyền thống văn hóa, lịch sử nước nhà. Văn hóa truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước cần trở thành nền tảng trong giáo dục đạo đức cho học sinh, là hành trang quý giá cho thế hệ trẻ trong quá trình hội nhập với thế giới.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Ủy ban nhân dân các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây về việc triển khai chương trình giáo dục di sản, tham quan học tập ngoại khóa tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thành phố. Thỏa thuận hợp tác được triển khai nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức lịch sử của Thăng Long - Hà Nội gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các di tích, từng bước đưa di sản tiếp cận trường học; qua đó góp phần tăng cường liên kết giữa di sản với nhà trường, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản. |
Phạm Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tin khác
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02
Ba Đình: Tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2024
Giáo dục 19/11/2024 18:50
“Người lái đò” tận tâm và nhân hậu
Giáo dục 19/11/2024 16:40