“Hoa tiêu” giữa đại ngàn
Hồi sinh “dòng” cá mát giữa đại ngàn Vượt đại ngàn đưa “ống nghe” về bản cứu người |
Phiêu lưu những chuyến tìm trầm hương
Nắng chiều trải vàng trên đại bản doanh của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An). Dưới khuôn viên, những thành viên của Đội chống săn trộm đang chuẩn bị hành trang cho chuyến đi rừng sắp tới. Trong số anh em, có một người đàn ông dáng người thấp nhỏ, nhanh nhẹn, nước da nâu rắn chắc, anh là Nguyễn Văn Huy, người gia nhập vào đội sau khi từ bỏ con đường làm “lâm tặc”.
Anh Nguyễn Văn Huy từ bỏ hành trình “lâm tặc” trở thành người tham gia giải cứu động vật ở Vườn Quốc gia Pù Mát. |
Nhà Huy ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ nhỏ, gia đình Huy đã sống gắn bó với rừng. Học phổ thông, anh đã biết vào dải rừng Phong Nha - Kẻ Bàng để săn bắt, lấy măng. Lớn lên, anh theo mọi người xuyên rừng đi tìm trầm hương (là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già). Nghề săn trầm hương là nghề chính, đem về thu nhập cho gia đình nên gần như quanh năm suốt tháng anh luôn băng rừng để tìm nó. Cũng vì vậy, với anh, rừng như nhà của mình. Năm nay 40 tuổi nhưng anh đã trên 20 năm đi rừng.
Năm 2001, Huy cùng anh trai và 2 người hàng xóm vượt trên 300 km ra huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An để dấn thân vào cuộc chiến tìm trầm trên vùng đất mới. Đến rừng Con Cuông, nhóm của Huy bắt đầu cuộc hành trình đầy mạo hiểm để đến những cánh rừng dọc biên giới Việt - Lào. Với những ngày cắt rừng, trên vai là ba lô đựng gạo, cá khô, thực phẩm, họ đã đi bộ luồn rừng khi trong tay không la bàn, bản đồ, thiết bị định vị. Kiến thức đi rừng của họ là kinh nghiệm nhìn vào khe suối, gốc cây, hướng mặt trời…
Một thời gian sau, nhóm của Huy đã cắt rừng vượt sang Lào để vào sâu trong địa bàn tỉnh Borikhamxay. Họ dựng lán trên cây làm chỗ trú tạm thời để đi tìm trầm. Thế nhưng, vào một buổi chiều, 4 người đang cắt rừng để về lán thì bất ngờ có tiếng súng nổ. Anh trai của Huy đi sau cùng bị trúng đạn do bọn phỉ bắn và tử vong.
Huy và 2 người hàng xóm bỏ chạy và may mắn thoát nạn. Đêm đó, anh Huy và những người còn lại lần tìm xác anh trai. Họ đào hố, chôn cất người thanh niên xấu số 22 tuổi rồi cả 3 người tiếp tục băng rừng tìm trầm. Chừng 1 tháng sau, họ trở về. Thấm thoắt 2 năm sau, Huy tìm đến khu rừng kia và mang hài cốt anh trai về quê an táng.
Đến giờ, Huy vẫn còn ám ảnh chuyến đi rừng kinh hoàng đó, nhưng vì mưu sinh nên anh không thể từ bỏ những cuộc hành trình đầy rủi ro trong rừng. Huy nói: “Ở quê em, đàn ông cả làng đều đi trầm. Biết là nguy hiểm nhưng chẳng biết làm gì hơn để kiếm tiền. Đôi khi có những người còn đổi đời nhờ tìm được trầm hương. Do đó, việc tìm ra Nghệ An để đi sang Lào là tìm kiếm may mắn cho mỗi người sau khi đã cân nhắc. Sau vụ anh trai mất, năm nào bọn em cũng đi từ 2 đến 3 chuyến ở vùng rừng biên giới này”.
Thoát rừng để đến với rừng
Tại Vườn Quốc gia Pù Mát, vai trò của Đội chống săn trộm thuộc dự án phi lợi nhuận của các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ Việt Nam bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm sắp tuyệt chủng rất rõ nét. Đội đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm ở đây trở thành 1 đội "đặc nhiệm" hoạt động theo 1 cơ chế tuần tra chung để truy quét, ngăn chặn, cũng như gỡ bỏ các loại bẫy, lán trại, tịch thu súng săn, đẩy đuổi con người ra khỏi khu vực cấm khai thác động, thực vật tại Vườn quốc gia Pù Mát. Cho nên, lực lượng của Đội rất cần những sơn tràng thiện chiến như Huy.
Như một sự sắp đặt, cuối năm 2018, nhóm của Huy ở Quảng Bình ra Vườn Quốc gia Pù Mát để vượt sang Lào tìm trầm thị bị lực lượng chức năng bảo vệ biên giới và Vườn Quốc gia Pù Mát phát hiện bắt giữ.
Cả 4 người bị Biên phòng xử phạt hành chính về hành vi xâm nhập trái phép khu vực biên giới. Sau đó, 4 “lâm tặc” này bị đưa về Trạm Kiểm soát rừng Khe Thơi để làm rõ hành vi xâm nhập trái phép Vườn Quốc gia và khai thác lâm sản trái phép. Bước ngoặt này đã làm thay đổi nhận thức và hành động của anh Huy.
Khi 4 người trong nhóm của anh Huy đang bị giữ ở Trạm Kiểm soát bảo vệ rừng Khe Thơi thì ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát đã đến chất vấn và tìm hiểu thêm hành tung những người đến từ rừng Phong Nha-Kẻ Bàng. Ông Cường trước đây đã có thời gian công tác ở Phong Nha - Kẻ Bàng nên hiểu rõ về khả năng đi rừng của những người tìm trầm vùng này.
Sau đó, ông đặt vấn đề thuê 4 “lâm tặc” này ở lại bảo vệ rừng với mức lương 7 đến 8 triệu đồng mỗi tháng. Lời đề nghị của ông Giám đốc Vườn chỉ có 2 người trong nhóm đồng ý trong đó có Huy. Sau đó, cả 2 ở lại tham gia nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nhưng sau hơn 1 tháng, chỉ còn mỗi mình Huy tham gia.
Cuộc hành trình của những chiến binh thầm lặng để giữ bình yên cho cuộc sống rừng xanh cũng là bình yên cho con người. |
Anh Lê Tất Thành, Đội trưởng Đội chống săn bắt trộm cho biết: “Từ ngày có anh Huy về “đầu quân” những chuyến đi tuần của anh em luôn được anh trinh sát dẫn đường. Nhiều kinh nghiệm dân gian trong lúc đi rừng đã được anh Huy vận dụng rất hiệu quả, thuận lợi, đỡ khó khăn hơn so với trước đây. Với kinh nghiệm xuyên rừng nguyên sinh nhiều năm, anh cắt rừng không dùng la bàn, bản đồ hay chỉ nhìn tán rừng và rêu mọc trên thân cây là nhận biết được các hướng. Đi không để lại dấu vết, vừa đi vừa giấu thực phẩm ở trong rừng, ở nhiều điểm khác nhau để khi quay lại đến đâu lấy gạo, thức ăn đã giấu ở đó để sử dụng...”
Với chất giọng Quảng Bình mộc mạc, Huy chia sẻ với chúng tôi: “Sau những tháng năm tìm trầm, em cũng tích lũy được ít vốn, mua xe tải để chở keo và nhiều ha đất rừng ở quê để làm ăn. Em đi rừng với anh em trong Đội, thời gian đầu cũng bị chi phối rất nhiều công việc ở nhà. Nhưng khi thấy anh em ở đây làm việc đầy trách nhiệm, nhận thấy công việc giải cứu, bảo vệ thú rừng rất đáng quý. Lúc đầu,gia đình không ai đồng ý cho em đi với Đội. Thế nhưng, vượt qua mọi thứ, bây giờ vợ con cũng yên tâm để cho em đi rừng”.
2 năm tham gia Đội chống săn trộm ở Vườn Quốc gia Pù Mát, anh Huy đã trở thành một “đặc nhiệm” thực thụ. Huy cùng anh em đã thực hiện hàng chục chuyến đi tuần tra giải cứu, bảo vệ thú rừng ở Pù Mát và anh trở thành nhân tố không thể thiếu trong mỗi chuyến xuyên rừng của anh em.
Do dịch Covid-19, thời gian gần đây, Huy đã trở về với gia đình Quảng Bình để tranh thủ làm một số việc nhà. Qua điện thoại anh nói với phóng viên: “Em vẫn yêu rừng, thích đi rừng lắm. Nhiều tháng không đi nhớ rừng, nhớ anh em trong Đội. Sắp tới, nếu được gọi em lại tiếp tục đồng hành cùng anh em trong Đội”.
Còn ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát thì khẳng định với chúng tôi: “Đón Tết Nguyên đán xong, lãnh đạo Vườn sẽ lại mời anh Huy ra để tiếp tục tham gia dẫn đường tuần tra để góp phần hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Vườn Quốc gia Pù Mát”. /.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tin khác
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21
Cô gái khuyết tật và hành trình mang tri thức đến với các em nhỏ
Cộng đồng 15/11/2024 06:39
Hương thu ở phố sương mù
Cộng đồng 14/11/2024 11:31
Các bạn trẻ hào hứng với trải nghiệm “siêu xanh, siêu xinh” đến từ Vinamilk
Cộng đồng 13/11/2024 20:04