Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong lao động, sản xuất, kinh doanh
Hiệu quả từ phong trào “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo” Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhiều sáng kiến, sáng tạo Khen thưởng đoàn viên đạt mốc 1 triệu sáng kiến |
Sáng kiến hiện hữu ở mọi lĩnh vực, ngành nghề
Có dịp đến khu vực sản xuất của Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (Gia Lâm, Hà Nội) và gặp gỡ anh Nguyễn Thế Tiến - Tổ trưởng phụ trách bộ phận môi trường của Công ty, chúng tôi mới cảm nhận hết được thái độ, tinh thần làm việc nghiêm túc, hăng say của anh và những người đồng nghiệp. Quan sát thấy, trong suốt thời gian làm việc, anh Tiến không chỉ tập trung cao độ để hoàn thành tốt công việc chuyên môn được giao mà còn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp triển khai công việc.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải trao Bằng khen của LĐLĐ thành phố Hà Nội cho các Công đoàn cấp trên cơ sở có thành tích trong việc triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến”. |
Tranh thủ giờ giải lao, trò chuyện với chúng tôi, anh Tiến chia sẻ, 12 năm gắn bó với Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, chứng kiến sự phát triển cũng như hiệu quả thiết thực của phong trào sáng kiến sáng tạo, anh luôn tự ý thức phải nỗ lực trong công việc, chủ động tìm tòi, học hỏi để đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi lớn, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo sự phát triển của Công ty.
Anh Tiến chia sẻ: “Mỗi năm, tôi đều tự đặt mục tiêu đóng góp cho Công ty sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi khoảng 300 triệu đồng và có ít nhất 5 đề tài cải tiến lớn để tăng năng suất lao động. Năm 2021 vừa qua, những sáng kiến cải tiến của tôi đã được áp dụng vào thực tiễn và có giá trị làm lợi cho Công ty hơn 1 tỷ đồng. Năm nay, tôi quyết tâm giữ vững mục tiêu bằng hoặc cao hơn so với năm trước”.
Với quyết tâm đó, anh Tiến đã có nhiều sáng kiến cải tiến, nổi bật là sáng kiến “Cắt giảm hóa chất Methanol sử dụng cho các trạm xử lý nước thải”. Chia sẻ về sáng kiến này, anh Tiến cho biết, trước đây trạm xử lý nước thải sử dụng 100% hóa chất Methanol (hóa chất công nghiệp có giá thành cao) để nuôi cấy vi sinh xử lý nước thải, do vậy có thành phần độc tính, nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng sức khỏe của người lao động.
Từ thực tế đó, anh Tiến cùng các đồng nghiệp tìm tòi đưa ra sáng kiến cải tiến thay thế một phần hóa chất Methanol độc hại bằng mật rỉ đường - chất thải phụ từ ngành công nghiệp mía đường có nguồn gốc từ thiên nhiên không độc hại, giá thành rẻ. Sáng kiến đưa ra giúp giảm chi phí, giảm thiểu được lượng chất thải góp phần tích cực trong việc hạn chế tác động ra ngoài môi trường.
Tuy nhiên, bước đầu thử nghiệm, hóa chất này trong quá trình sử dụng sẽ phát sinh ra màu ảnh hưởng đến chất lượng chất thải. Anh Tiến cùng cộng sự đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, rà soát tài liệu ứng dụng đồng thời thử nghiệm nhiều lần trên hệ thống độc lập để tìm ra thông số vận hành tối ưu nhất nhằm đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý luôn đạt quy chuẩn hiện hành trước khi xả thải ra ngoài môi trường.
Sau nhiều lần thử nghiệm thành công, sáng kiến cải tiến “Cắt giảm hóa chất Methanol sử dụng cho các trạm xử lý nước thải” đã được Hội đồng sáng kiến của Công ty thông qua và cho ứng dụng đại trà trên 7 hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Sáng kiến được áp dụng đã làm lợi cho Công ty gần 800 triệu đồng, giảm chi phí về hóa chất, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải, giảm sử dụng hóa chất độc hại trong Công ty, nâng cao chất lượng môi trường lao động, làm việc cho nhân viên vận hành xử lý rác thải.
Anh Nguyễn Thế Tiến (phải) cùng đồng nghiệp bên sáng kiến “Cắt giảm hóa chất Methanol sử dụng cho các trạm xử lý nước thải”. |
Ở lĩnh vực y tế, Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Anh Tuấn - Phó Giám đốc, phụ trách Khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Đông Anh, Hà Nội) đã đóng góp sáng kiến “Khung nắn chỉnh ngoài tự chế trong phẫu thuật điều trị gãy thân hai xương cẳng chân bằng kết xương đinh nội tủy không mở ổ gãy”. Bộ dụng cụ được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam, đã áp dụng thành công tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh trong phẫu thuật điều trị gãy thân hai xương cẳng chân bằng kết xương đinh nội tủy không mở ổ gãy.
Chia sẻ về sáng kiến của mình, bác sĩ Đoàn Anh Tuấn cho biết: “Bệnh viện chưa có bàn chỉnh hình nên tôi cùng đồng nghiệp tìm tòi, nghiên cứu, lên ý tưởng chế tạo khung nắn chỉnh. Trong vòng 3 tháng, chúng tôi đã thiết kế, chỉnh sửa và hoàn thiện khung nắn chỉnh. Hội đồng y đức của bệnh viện đưa vào ứng dụng trong phẫu thuật điều trị gãy thân hai xương cẳng chân bằng kết xương đinh nội tủy không mở ổ gãy. Khi sử dụng bộ dụng cụ rất an toàn, không gây biến chứng, giúp quá trình nắn chỉnh trong phẫu thuật được nhanh chóng, giảm số lượng bác sĩ trong ca phẫu thuật”.
Chi phí làm ra khung nắn chỉnh chỉ hết 7-10 triệu đồng, trong khi nhập bàn chỉnh hình có trị giá hàng tỷ đồng. Do vậy, sáng kiến này giúp giảm chi phí trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, đồng thời giảm chi phí cho bệnh viện. Khung nắn chỉnh có thể ứng dụng rộng rãi cho các bệnh viện cùng tuyến không có bàn chỉnh hình. Sáng kiến của bác sĩ Đoàn Anh Tuấn được áp dụng tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh đã góp phần quan trọng trong cứu, chữa bệnh nhân. 100% bệnh nhân sau phẫu thuật sớm phục hồi, tập luyện và có thể đi lại bình thường.
Đối với khối hành chính sự nghiệp, phong trào thi đua “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” được gắn liền với cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành - trách nhiệm - liêm chính - sáng tạo” và tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân. Phong trào đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của thành phố Hà Nội.
Ở khối giáo dục, phong trào thi đua “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” được gắn với phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với nhiều hình thức thi đua tạo khí thế sôi nổi trong đội ngũ các thầy cô giáo và các em học sinh. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô. Năm 2022, toàn khối giáo dục đã có hơn 5.000 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở; 435 sáng kiến được công nhận cấp ngành và cấp Thành phố.
Triển khai sâu rộng phong trào thi đua trong các cấp Công đoàn
Điểm qua những sáng kiến tiêu biểu và việc triển khai phong trào thi đua “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” ở các lĩnh vực, ngành nghề để thấy rằng, phong trào đã có sức lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo CNVCLĐ. Để có được kết quả đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” và kịp thời khen thưởng những CNVCLĐ đạt thành tích cao. Qua đó, thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ và phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Bác sĩ Đoàn Anh Tuấn (giữa) hướng dẫn đồng nghiệp sử dụng thiết bị mới do mình nghiên cứu, chế tạo. |
Thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phát động và triển khai phong trào thi đua “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng ngành, nghề. Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, nhằm tạo ra những sân chơi bổ ích giúp công nhân lao động có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao tay nghề và thể hiện năng lực của bản thân, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức phát động phong trào thi đua “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” gắn với các phong trào như “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo” Thủ đô.
Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thi thợ giỏi công nhân lao động các KCN&CX Hà Nội, thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia ở những nội dung thi nghề Hàn CO2, nghề cắt gọt kim loại trên máy công cụ Tiện CNC, nghề Phay CNC, nghề Tiện vạn năng, nghề Phay vạn năng…
Thông qua Hội thi đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, kỹ năng nghề nghiệp của công nhân lao động trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, công tác và đời sống, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cũng đã kịp thời biểu dương, khen thưởng những công nhân lao động đạt thành tích cao trong các phong trào thi đua. Từ đó, tạo động lực để công nhân lao động tiếp tục phấn đấu, không ngừng cố gắng nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Ở cơ sở, phong trào thi đua “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” cũng được triển khai sâu rộng, phù hợp với từng doanh nghiệp. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam Đặng Văn Chương cho biết, nhận thức được việc phát động các phong trào thi đua, nhất là phong trào sáng kiến sáng tạo, phong trào cải tiến trong công nhân lao động sẽ đem lại hiệu suất làm việc cao và lợi nhận lớn, từ nhiều năm qua, Công ty đã thành lập Ủy ban sáng kiến cùng với đó là sự tham gia tích cực của tổ chức Công đoàn để triển khai phong trào thi đua trong công nhân lao động.
Hàng tháng, hàng quý, mỗi xưởng sản xuất sẽ lựa chọn ra đề tài sáng kiến tiêu biểu để báo cáo Ban Giám đốc đánh giá và khen thưởng, khích lệ. Các sáng kiến cải tiến của người lao động ngoài việc được khen thưởng, vinh danh còn được tuyên truyền trên báo nội bộ của Công ty nhằm tạo sức lan tỏa đến toàn thể công nhân lao động. Đặc biệt, sáng kiến cải tiến sẽ là một trong những tiêu chí để xét nâng lương trước thời hạn cho người lao động.
Tích cực hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến”
Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã chú trọng triển khai phong trào thi đua “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” gắn với việc hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” (Chương trình “1 triệu sáng kiến”) do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động. Ngay sau khi Chương trình “1 triệu sáng kiến” được phát động, các cấp Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô đã đăng ký phấn đấu đóng góp ít nhất 130.000 sáng kiến trong công tác phòng chống dịch, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn. Kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình, đã có 56.106 sáng kiến đăng ký tham gia, đạt 200% chỉ tiêu do Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Trong giai đoạn 2 của Chương trình, tính đến tháng 9/2022, LĐLĐ Thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng người đăng ký sáng kiến với 25.223 người đăng ký và 71.192 sáng kiến được cập nhật.
Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, năm 2022, toàn Thành phố đã có 93.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 1.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ 555 sáng kiến và đề tài khoa học được lựa chọn đề nghị từ cấp trên cơ sở, Hội đồng thi đua LĐLĐ Thành phố đã xét chọn và công nhận 100 “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2022 và quyết định tặng Bằng khen của Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố cho 50 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động sáng tạo” năm 2022. Đáng chú ý, trong tổng số 555 sáng kiến gửi về LĐLĐ Thành phố, có 512 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền, với số tiền làm lợi hơn 488 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến của CNVCLĐ được áp dụng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm mà còn có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn Thủ đô. |
Ghi nhận thực tế, trong quá trình triển khai phong trào, từ Thành phố đến cơ sở đã có những cách làm hiệu quả, nhờ đó đã đạt được kết quả tích cực. Đơn cử như tại LĐLĐ huyện Phúc Thọ, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết, hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến”, LĐLĐ huyện đã phát động Tuần cao điểm, Tháng cao điểm tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng, tham gia. Kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình “1 triệu sáng kiến”, CNVCLĐ huyện đã đóng góp 1.709/431 sáng kiến đạt 397% chỉ tiêu LĐLĐ Thành phố giao. Một số đơn vị đã tham gia vượt 400% và trên 300% chỉ tiêu giao.
Tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, Chương trình “1 triệu sáng kiến” đã được Công đoàn Công ty cụ thể hóa bằng cách phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng sản phẩm, phong trào không làm ra hàng hỏng, giảm tỷ lệ hàng hỏng, triển khai các phong trào thực hiện 5S (Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và đặc biệt là phong trào cải tiến tới từng bộ phận. Kết quả, đã có 47 tổ Công đoàn với hơn 1.000 người tham gia Chương trình, đóng góp 1.633 bài cải tiến, vượt chỉ tiêu 408% so với kế hoạch. Hiện, phong trào cải tiến vẫn đang được tiếp tục duy trì và phát huy nhằm đạt tới mục tiêu 2.000 người tham gia cải tiến với 8.000 đề tài được xem xét đánh giá trong năm 2022.
Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 Chương trình “1 triệu sáng kiến” của LĐLĐ thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả mà các cấp Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô đã đạt được giai đoạn 1 của Chương trình. Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “Sự nhạy bén, quyết tâm của các cấp Công đoàn Thủ đô trong việc thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến” đã gặt hái thành công và tạo ra lực hút cùng thi đua của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam”./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hai yếu tố tạo nên chất lượng “tiến vua” của Cam tươi FVF
Ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Phụ nữ Thủ đô sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới
Giao lưu trực tuyến về lựa chọn thực phẩm, cân bằng dinh dưỡng cho gia đình
Thay đổi quy định về điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm từ 1/7/2025
Long Biên: Ra mắt Nghiệp đoàn Lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở thứ hai
VinFast miễn phí sạc pin cho tất cả ô tô điện đến ngày 30/6/2027
Tin khác
Long Biên: Ra mắt Nghiệp đoàn Lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở thứ hai
Công đoàn 24/12/2024 17:32
Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới
Hoạt động 24/12/2024 07:52
Lan tỏa sâu rộng phong trào thi đua trong công nhân
Hoạt động 24/12/2024 07:42
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Vì lợi ích đoàn viên 23/12/2024 11:38
Thực sự là Tổ chức không thể thiếu
Hoạt động 19/12/2024 17:34
Phát huy vai trò bảo vệ lợi ích của người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 19/12/2024 16:38
Đổi mới hoạt động chăm lo
Hoạt động 19/12/2024 10:49
Đa dạng giải pháp phát triển Công đoàn cơ sở
Hoạt động 17/12/2024 12:48
Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh
Hoạt động 17/12/2024 12:47
Quận Long Biên: Gần 1,5 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ cho 3.236 đoàn viên, người lao động
Hoạt động 17/12/2024 09:58