Giò chả, patê giá bèo cực độc
Trên thị trường hiện nay, bên cạnh các loại chả lụa, chả quế, chả chiên… với giá bán trên dưới 200.000 đồng/kg, nhiều loại chả với giá chỉ 60.000 - 70.000 đồng/kg bán rất chạy. Người ta đã sản xuất loại giò chả giá bèo này như thế nào khi mà giá thịt heo trên thị trường đã gần 100.000 đồng/kg?
Tiền nào của nấy
Để mục sở thị các công đoạn chế biến từ nguyên liệu chính là thịt heo, thịt bò thành những cây chả lụa, chả quế, chả chiên, chả bò… thơm lừng, chúng tôi đã tiếp cận một số cơ sở chế biến thực phẩm tại TP HCM.
Tại cơ sở chuyên chế biến giò chả bán sỉ và lẻ nằm trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP HCM, khi đặt vấn đề mua sỉ số lượng lớn để bán lại cho các quán, tôi được ông H. (chủ cơ sở) giới thiệu hết sức tận tình về giá cả từng loại hàng. Ông khuyên: Nếu mua chả lụa về ăn thì chọn loại 150.000 đồng/kg, còn bán thì chỉ cần lấy loại 60.000 đồng/kg.
Nghe tôi thắc mắc vì sao giá chênh lệch quá lớn như vậy, ông H. cho biết ở đây vẫn nhận làm hàng cho khách mua sỉ theo giá yêu cầu. “Nói chung là tiền nào của nấy, muốn giá cao hay thấp đều làm được tất” - ông H. khoe.
“Nhiều nơi quảng cáo không sử dụng hàn the, thế thì họ làm bằng gì?” - tôi tò mò. Ông H. khẳng định: “Giò chả mà không có hàn the hoặc loại hóa chất tương tự thì chỉ có vứt chứ bán cho ai! Các thương hiệu lớn bán giá tới 200.000 đồng/kg chẳng qua là họ bán theo thương hiệu chứ thực chất cũng làm hàng như tụi này cả”!
Lôi trong thùng ra mấy bịch ni-lông đựng hóa chất, ông H. giải thích: “Nếu loại ngon thì tôi trộn ít mỡ và thịt cũng chọn lọc hơn. Chẳng hạn, loại chả lụa đặc biệt giá 150.000 đồng/kg được làm từ thịt nạc 70%, 30% còn lại là mỡ và các loại phụ gia khác. Còn loại giá 60.000 đồng/kg thì có tới 60% là mỡ heo và 40% là thịt nhưng chất lượng thịt kém hơn…”.
Hai loại nguyên liệu chính là thịt và mỡ sẽ được trộn đều rồi xay nhuyễn, sau đó trộn các loại gia vị, chất bảo quản như đường, bột ngọt, bột nở, hàn the, hương nước mắm, hương thịt heo, muối đỏ và bột chống mốc. Hỗn hợp này sau khi cân được đưa vào máy ép thành từng đòn, bọc ni-lông hấp chín… Ông H. tiết lộ: “Loại nào cũng phải đủ từng đó nguyên liệu mới giòn và dai được”.
Nguyên liệu thịt bò vụn dùng để sản xuất chả bò. (Ảnh nhỏ: Chả lụa được sản xuất từ thịt và mỡ heo). |
Thịt dạt, gan ôi
Tại một cơ sở sản xuất chả bò lâu năm có tiếng ở An Phú Đông, quận 12, TP HCM, sau một hồi dè chừng, chủ cơ sở cũng nhiệt tình tiếp chuyện chúng tôi. Ông khoe cơ sở của ông chuyên bỏ mối chả bò, patê cho nhiều thương hiệu nổi tiếng tại TP HCM. Ngay sau căn nhà vườn khang trang là một khoảng sân khá rộng tập kết nguyên liệu. Cơ sở này lấy thịt bò từ mối lái ở Tây Ninh đem về (chủ yếu là thị dạt, thịt vụn).
Khác với suy nghĩ của chúng tôi, thịt bò không trộn với mỡ bò mà trộn với mỡ heo. Tùy theo giá cả mà cơ sở pha lượng mỡ 30% hay 60%, tuyệt nhiên không có loại chả bò nào được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu thịt bò. Sau khi xay nhuyễn thịt và mỡ, người ta trộn hàn the, hương nước mắm, hương thịt bò, bột nở, bột chống mốc và bột màu vào.
“Thịt bò mắc hơn thịt heo nên phải pha nhiều. Nếu không pha thì giá bán phải trên 300.000 đồng/kg mới có lời mà chưa chắc đã ngon” - chủ cơ sở cho biết.
Chả bò đã vậy, món patê làm từ gan heo còn khủng khiếp hơn. Gan heo được bạn hàng bỏ mối đều lấy từ chợ đầu mối và chủ yếu là loại gan đá. Khác với loại gan bột thường có màu đỏ hồng và mềm, gan đá màu xám, cứng và có vị đắng nên giá chỉ bằng khoảng 60% loại thông thường.
Nếu “công nghệ” sản xuất chả phải trộn thêm hàn the, bột nổi… thì với sản xuất patê, người ta lại dùng bột nhừ và bột mì, chỉ có điểm chung là chúng cũng được pha với tỉ lệ mỡ heo 40%-50%. Do nguyên liệu rẻ nên giá patê cũng mềm hơn. Loại bình dân tại cơ sở này chỉ bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Chủ cơ sở phân trần: “Chúng tôi cũng chẳng muốn làm như thế này nhưng bạn hàng đặt bao nhiêu tiền thì phải làm bấy nhiêu thôi, làm cao hơn thì bán cho ai? Hơn nữa, nếu mình không làm thì người khác cũng làm...”.
Hàn the: Chất cực độc Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Trưởng Khoa Dược - Bệnh viện 71 Trung ương - Thanh Hóa, hàn the là chất cực độc, bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Khi hàn the vào cơ thể người, nó sẽ khó đào thải mà tích tụ trong gan, thận, gây tổn thương các bộ phận này. Ngoài ra, hàn the còn làm thoái hóa các cơ quan sinh dục, gây vô sinh. Trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn the 1-2 g/kg thể trọng có thể dẫn đến tử vong sau 10-12 giờ. |
Nguồn Người Lao Động
Nên xem
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15