Gìn giữ văn hóa người Dao dưới chân núi Tản
“Thủ phủ” mai trắng dưới chân núi Tản Hương thuốc Nam dưới chân núi Tản |
Giữ những giá trị văn hóa
Không biết đã bao lần chúng tôi đặt chân tới vùng đất nằm cách xa trung tâm Thủ đô, nhưng mỗi lần đến là một lần bất ngờ bởi sự đổi thay của đất và người nơi đây. Con đường ngoằn ngoèo được bê tông hóa khang trang dẫn chúng tôi về với bản người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì).
Cho đến nay, những nét đặc sắc của Tết nhảy vẫn được người Dao ở Ba Vì duy trì. Ảnh: Đinh Luyện |
Dọc đường hoa nở xanh biếc, làn khói bếp mỏng lan tỏa trên những nếp nhà. Ít ai biết rằng, xã Ba Vì tập trung đến trên 90% đồng bào dân tộc Dao sinh sống của Thủ đô. Ngày trước, đồng bào dân tộc đa phần sống tản mát trong không gian Vườn Quốc gia Ba Vì. Đời sống sinh hoạt đa phần phụ thuộc vào sản vật của núi rừng. Mãi tới năm 1968, khi được Nhà nước vận động, hỗ trợ an cư, đồng bào dân tộc Dao mới hạ sơn, xuống sinh sống tập trung thành 3 bản người Dao, nay là 3 thôn: Hợp Sơn, Hợp Nhất và Yên Sơn. Đồng bào cũng thay đổi tập quán sản xuất, tập trung canh tác nương rẫy, chăn nuôi lợn gà, thay vì chỉ khai thác sản vật của núi rừng.
Với dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống được xã Ba Vì, huyện Ba Vì coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Dù đời sống thay đổi, nhưng đến thời điểm này người dân tộc Dao vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng từ trang phục, tiếng nói cho đến các lễ hội. Nhiều lễ hội như: Tết nhảy, Lễ Cấp sắc… cho đến nay vẫn được truyền lưu và phổ biến trong cộng đồng. Theo chỉ dẫn của những người dân trong vùng, chúng tôi đến nhà ông Triệu Tiến Thành An (Sinh năm 1961, thôn Hợp Sơn) người “đăng cai” Tết nhảy. Theo lời ông An, Tết nhảy là nghi lễ đặc biệt quan trọng trong tục thờ cúng của người Dao. Là dịp cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt…
Trước đây, Tết nhảy thường được làm trong 3 năm liền, các năm tiến hành nối tiếp nhau. Chẳng hạn, năm đầu tiên làm 1 ngày 1 đêm, năm thứ hai làm 2 ngày 2 đêm và năm thứ ba làm 3 ngày 3 đêm. Tuy nhiên, thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa mới, hiện nay người Dao ở Ba Vì chỉ thực hiện Tết nhảy 1 lần, mỗi lần thường kéo dài trong 1 đến 3 ngày nhưng các nghi lễ và số lượt nghi lễ vẫn được cử hành đầy đủ theo phong tục.
Nhìn chung, Tết nhảy vẫn thường gồm 3 phần chính: Khai lễ, chính lễ và lễ tiễn đưa. Điều hành các phần lễ có thầy cúng, phụ các thầy cúng là những người đàn ông đã trải qua lễ Cấp sắc. Trong phần khai lễ, thầy cúng sẽ lập đàn lễ, bày biện lễ vật, mời các thần linh, gia tiên về dự lễ. Phần chính lễ được xem là quan trọng nhất và có thời gian dài nhất. Xuyên suốt phần khai lễ và chính lễ, thầy cúng và những người phụ lễ vừa nhảy múa vừa hát kết hợp với tiếng kèn, chuông, trống rộn ràng.
Nội dung câu hát, điệu nhảy tái hiện quá trình lao động, chiến đấu chống giặc giã, muông thú bảo vệ dân làng của các bậc tiền nhân... Những câu hát, điệu nhảy huyền bí làm cho người xem có cảm giác đang sống trong một thế giới khác, thế giới mà quá khứ và hiện tại đang giao hòa. Một điểm đặc sắc cho đến nay vẫn được duy trì là gia đình nào được chọn tổ chức làm Tết nhảy phải hội đủ các điều kiện như: Không có tang ma, kinh tế thông thuận… và quan trọng nhất là phải được sự đồng ý của người có uy tín trong thôn làng.
Để những nét đặc sắc không bị mai một
Với người Dao ở Ba Vì, nét văn hóa dân tộc dễ dàng nhận thấy nhất chính là sự độc đáo của trang phục truyền thống được thêu, may bởi chính những đôi bàn tay khéo léo của người trong vùng. Điểm đáng chú ý, người Dao Ba Vì thường được gọi là Dao sơn đầu, quần chẹt. Gọi như vậy bởi đàn ông Dao mặc áo mầu chàm có dải dài xanh đỏ buộc ở lưng, đầu chít khăn đen có thêu hoa văn ở hai đầu khăn, cổ đeo xà tích. Phụ nữ mặc váy ngắn tới đầu gối, quần quấn gối ống típ gọi là quần chẹt, khăn là một sợi vải mầu chàm tua chỉ ngũ sắc quấn quanh đầu, gấp lại sau gáy, đeo vòng cổ bằng bạc.
Cuộc sống của người dân xã Ba Vì đang từng ngày đổi khác. Ảnh: Đinh Luyện |
Cho đến nay, ngoài những dịp lễ Tết, nhịp sống hiện đại khiến bản sắc trang phục của người Dao ít nhiều phôi pha. Những người trẻ thường rất ít diện trang phục truyền thống trong những ngày thường. Đây cũng là điều khiến không ít cao niên bản địa trăn trở. Trò chuyện với bà Triệu Thị Thanh, Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì cho biết, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa khiến những nét văn hóa truyền thống có sự giao lưu, vay mượn, lai tạp. Những nét riêng có cũng dần biến đổi theo thời cuộc. Song suy cho cùng, văn hóa, trang phục, tiếng nói… vẫn cần được duy trì bởi đây là bản sắc riêng. Và để giữ những nét truyền thống, để người trẻ không đánh mất bản sắc, những người cao tuổi trong cộng đồng phải nêu gương và truyền dạy cho con cháu.
Ngoài trang phục, với đồng bào dân tộc Dao, một trong những trăn trở khác là việc bảo tồn chữ viết. Ông Lý Văn Phủ - nguyên Trưởng thôn Yên Sơn, là một người có uy tín trong thôn, từng được được vinh danh là công dân Thủ đô ưu tú năm 2019 cho biết, chữ viết từng là một phần quan trọng, gắn bó và được lưu giữ trong đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn 3 thôn thuộc xã, chỉ còn ít người có thể viết được chữ Dao.
Vì sao ư? Bởi chữ viết của người Dao đến nay gần như chỉ được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống. Ngoài ra, ít tính ứng dụng cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc bảo tồn và lưu giữ chữ viết gặp nhiều khó khăn. “Trang phục truyền thống, tiếng nói… vẫn còn nhưng chữ viết lại ít người biết. Để duy trì lâu dài và phổ biến chữ viết rộng rãi trong cộng đồng người dân bản địa thì khó nói lắm. Bởi viết chữ chỉ giải quyết các công việc riêng, các nghi thức lễ tục nên không có nhiều người trẻ quan tâm. Bản thân tôi cũng luôn lo là nó sẽ mai một, biến mất. Đến bây giờ tôi chỉ nỗ lực làm sao để bảo tồn, truyền dạy cho những ai mong muốn được học” – ông Lý Văn Phủ trăn trở.
Thực tế, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đã trở thành mối quan tâm chung của cả xã hội. Tại Hà Nội, nhiều chương trình hoạt động đã chú trọng, quan tâm đến vấn đề này. Chẳng hạn, trong Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”... đều xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn những giá trị truyền thống vào xây dựng và phát triển đời sống kinh tế, xây dựng bản sắc văn hóa.
Bà Triệu Thị Thanh, Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì cho rằng để người trẻ không đánh mất bản sắc, những người cao tuổi trong cộng đồng phải nêu gương và truyền dạy cho con cháu. Ảnh: Đinh Luyện |
Không nói đâu xa, tại huyện Ba Vì cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa liên quan. Chẳng hạn, theo lời bà Triệu Thị Thanh, trong các năm 2018, 2019 ở cấp địa phương là xã và huyện cũng từng mở nhiều lớp dạy chữ viết của người Dao. Hoạt động này nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng bởi trực tiếp góp phần gìn giữ những bản sắc riêng của đồng bào người Dao trong vùng.
Theo tìm hiểu, tại huyện Ba Vì bên cạnh công tác tổ chức tuyên truyền, các ngành chức năng trong huyện cũng thành lập đội bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số ở các xã. Tổ chức bảo tồn tốt Lễ Cấp sắc, Tết nhảy, tri thức làm thuốc Nam của dân tộc Dao; tổ chức tập luyện và biểu diễn cồng chiêng, dân ca Mường… Ngoài ra, với thế mạnh về du lịch Ba Vì cũng đã chủ động lồng ghép các chương trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số với chiến lược phát triển du lịch. Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được ưu tiên đầu tư đồng bộ, toàn diện. Dẫn như vậy để thấy, các cấp ngành của Hà Nội luôn quan tâm đến việc lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân tộc thiểu số Thủ đô. Tuy nhiên, bài toán giữa bảo tồn và phát triển vẫn là một trong những câu chuyện dài hơi. Bởi trong quá trình bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc thiểu số, làm sống dậy các mỹ tục, các giá trị di sản văn hóa vẫn còn muôn vàn thách thức.
Giã từ những người dân bản Dao hiếu khách tôi chợt nhận thấy xã Ba Vì đang từng ngày đổi khác. Vùng đất của người Dao rồi mai này sẽ trở thành vùng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Điều này hoàn toàn có thể. Chỉ hi vọng bên cạnh sự phát triển kinh tế, đi đôi với phát huy nét văn hóa truyền thống, những chàng trai cô gái người Dao vẫn giữ được sự chân chất, hiếu khách như họ vẫn có. Ấy là thứ giúp níu chân khách phương xa…/.
Đinh Luyện
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Tin khác
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thủ đô 23/12/2024 11:39
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 18:52
Quận Bắc Từ Liêm tích cực khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 17:09
Năm 2024: Quận Thanh Xuân thu ngân sách ước đạt 108,91%
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 11:07
Huyện Thanh Trì kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Nhịp sống Thủ đô 19/12/2024 18:53