Gìn giữ những mảnh hồn làng
Nghệ nhân trẻ giữ hồn làng nghề truyền thống Giữ “nếp làng” trong quá trình đô thị hóa |
1. Làng tôi thuộc vùng đồng chiêm trũng ngoại ô Hà Nội. Xã có ba làng thì mỗi làng một giọng khác hẳn nhau, nhưng có lẽ làng tôi là đặc biệt hơn cả, nổi tiếng trong vùng vì không bị xếp vào dạng khó nghe, khó nói. Cái giọng nghe cũng không nặng, không lơ lớ. Người làng bảo, chính tiếng nói thanh thoát ấy đã làm nên nét duyên ngầm của thiếu nữ trong làng. Để rồi, dù nhan sắc không ngát hương như hai làng còn lại, cũng không sắc sảo chợ búa, nhưng những thiếu nữ cứ đến tuổi gả chồng là lại “đắt duyên”.
Giữa nhịp sống xô bồ, những lễ hội trong phố thị vẫn được duy trì tựa như nét văn hóa đầy trân quý. Ảnh: Đinh Luyện |
Làng tôi có một chợ nhỏ ngay cuối làng. Chợ chỉ họp vào buổi sáng và chừng 8 rưỡi 9 giờ là tan, kể cả rác cũng được dọn dẹp sạch sẽ. Mỗi sáng sớm, bà con đến chợ mua bán rau dưa thịt cá và những thứ thiết yếu. Mua ít, mua nhiều hầu như chẳng ai muốn về nhà ngay. Người trong làng hay nán lại ngó nghiêng xem làng trên xóm dưới có gì mới, có gì nóng sốt không. Rồi thì chỗ kia túm năm chỗ này tụm bảy, nhất là các bà, các chị. Mọi người hào hứng chia sẻ chuyện nhà mình, hào hứng tham gia bình luận chuyện của hàng xóm, chẳng khác nào một mạng xã hội thu nhỏ. Đôi khi tôi nghĩ, ở góc độ tích cực thì chính sự giao lưu ấy đã giúp tình làng, nghĩa xóm được khăng khít, gần gũi nhau hơn. Ở làng ai ốm đau, bệnh tật hay có chuyện người làng đều biết rồi rủ nhau đến thăm nom, chia sẻ.
Trong làng tôi có lẽ nổi bật nhất là gốc đa nơi cửa chùa. Cây đa to sừng sững án ngữ ngay đầu làng, tỏa bóng mát xum xuê che chắn nắng mưa cho mái chùa rêu đã phủ xanh trên những bức tường vôi bong tróc từng mảng. Cây đa có lẽ cũng lên tới hàng trăm năm tuổi. Cây cùng làng đi qua bao binh biến, đổi thay của thời cuộc, là chứng nhân cho lịch sử phát triển của ngôi làng từ những ngày xa xưa cho đến nay. Mẹ tôi vẫn thường kể, tại gốc đa đó mẹ tiễn bố tôi lên đường vào miền Nam đánh đuổi quân thù. Ngày bố đi mẹ chỉ dặn, chừng nào hết giặc thì nhanh về, mẹ chờ bố dưới gốc đa này.
Xưa vậy, nay cũng vậy, giờ mỗi lần về thăm nhà, suốt hành trình rời Thủ đô là lòng tôi cứ thấp thỏm. Phải mãi đến tận khi nhìn thấy bóng cây đa thấp thoáng đằng xa, tôi mới có cảm giác yên lòng vì mình đã về đến quê hương. Mới thở phào nhẹ nhõm bỏ lại sau lưng những gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền để về với những thân thương một thời thơ ấu.
2. Hẳn không ít người nhìn ra, tốc độ đô thị hóa nhanh, những làng cổ đang dần phải thu mình trong dòng chảy ồn ã. Những vẻ đẹp xưa cũ dù đã tồn tại cả trăm năm, nhưng cũng thật mong manh trước sự nghiệt ngã của thời gian và bàn tay con người. Dễ thấy, nhiều khu đất trước đây chỉ dành để cấy lúa, trồng hoa, làm ruộng rau muống… thì nay đã thành khu đô thị sầm uất với các tòa chung cư, biệt thự liền kề. Cách sống của người dân thay đổi, từ cư dân nông nghiệp chuyển sang làm thương mại, dịch vụ, đa số lớp trẻ thì đi làm công nhân, nhân viên văn phòng.
Tôi từng ghé làng Định Công (thuộc phường Định Công, Hoàng Mai) vốn nổi tiếng có nghề chạm bạc, nhưng nay chỉ còn một số người giữ nghề. Cùng trong niềm tiếc nuối ấy còn là sự biến mất của những không gian thoáng đãng ngày xưa. Định Công đang chịu sức ép của đô thị hóa và tăng dân số một cách chóng mặt, tất cả con ngõ của làng đều oằn mình vì quá tải.
Thực tế, không chỉ Định Công phải đối mặt với cảnh đô thị hóa như vậy. Có lẽ đây là bước phát triển tất yếu của nhiều ngôi làng ven đô Hà Nội. Một số làng đã biến đổi thành phường hoặc kết hợp với làng khác để hình thành đơn vị hành chính mới như các làng: Đại Yên, Vĩnh Phúc, Kim Mã, Bưởi, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, Mai Động, Kim Liên, Trung Tự, Thịnh Hào, Hoàng Mai, Đại Mỗ, Tây Mỗ... Giờ nói đến “làng ven đô”, người ta thường sẽ nghĩ ngay đến những huyện xa như Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng… với giá bất động sản nhảy múa mỗi ngày.
Tại những nơi này, người viết bài đã chứng kiến cảnh sống ở những khu nhà trọ chật chội và tối. Ở đó thường xảy ra cãi vã, mâu thuẫn giữa chủ nhà và người thuê trọ. Đó là những mặt trái khó cưỡng. Muốn nhanh chóng giàu lên từ đất, nhiều người đã chia nhỏ phần đất của gia đình, tổ tiên để lại rồi xây dựng nhà ở hoặc chuyển nhượng cho người nơi khác đến... Điều này cũng lặp lại với những gì đã từng diễn ra ở những ngôi làng đã đô thị hóa 10-15 năm trước.
3. Hôm đến làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), tôi chậm rãi đi trên những con ngõ rêu phong in hằn vệt thời gian loang lổ. Chợt nghĩ, sâu bên trong là những căn nhà ẩn chứa bao câu chuyện đời vui buồn. Ngõ hẹp thì ở đâu cũng vậy, ở nơi này dẫu không đến mức người đi phải nghiêng mình lách qua, song cũng phải chậm lại. Chậm lại nên sẽ có cảm giác sống chậm. Tại nơi này, dưới bóng cổ thụ hay dưới những cổng nhà cổ thường có các cụ già râu tóc bạc phơ ngồi đánh cờ. Có khi là sự giao lưu của người già và người trẻ, như để tạo sự gắn kết tình làng, tình người.
Ảnh: Đinh Luyện |
Giống Đường Lâm, làng cổ Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm) cũng vậy. Từ bao đời nay, Đông Ngạc luôn nổi tiếng với truyền thống khoa bảng vào hạng nhất nhì của kinh thành Thăng Long. Điều này ít nhiều thể hiện ngay trên các cổng hình tháp bút, cuốn thư ở làng. Từ cổng làng, cổng ngõ đến cổng nhà đều thể hiện tinh thần hiếu học của người Kẻ Vẽ. Những chiếc cổng trăm tuổi đều có sự khác biệt từ kích thước đến kiến trúc. Mỗi cổng mang một dáng vẻ riêng, không thể hoà lẫn. Trải qua thời gian, có những cổng được tôn tạo trùng tu, nhưng cũng còn đó những chứng nhân lịch sử bao nhiêu năm rồi vẫn như thế, chúng cổ kính, rêu phong và nhuốm màu thời gian. Ông Lê Văn Châu - Phó Ban quản lý di tích đình Đông Ngạc bảo với tôi, cho đến nay truyền thống hiếu học của người làng vẫn được giữ gìn. Các dòng họ trong làng, dòng họ nào cũng có người đỗ Tiến sĩ, ít nhất là một người.
Nhìn những nét xưa cũ lẩn khuất trong sức sống hiện đại ở Đông Ngạc, ở Đường Lâm, tôi chợt nghĩ, phải chăng những nét đẹp truyền thống như liều kháng thể để người dân giữ được nếp làng, dù đời sống xã hội đã đổi thay rất nhiều. Phải chăng quá trình đô thị hóa có những thách thức, đánh đổi? Tôi thì nghĩ rằng, trước sự đô thị hóa phát triển ngày càng mạnh mẽ, để viết tiếp những huyền thoại về vùng đất kinh kỳ văn hiến trong thời đại mới, người Hà Nội cần nỗ lực bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa. Một việc cấp thiết trước mắt, đó là các cơ quan chức năng cần có các phương án bảo tồn những làng cổ ở ngoại thành trước khi chúng bị đô thị hóa hoàn toàn, làm mai một những nét đẹp truyền thống như chuyện đã xảy ra ở nhiều ngôi làng nội đô./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01
Tái hiện không gian "nhà tranh vách đất" làng quê Bắc Bộ
Tôi yêu Hà Nội 15/11/2024 14:47
Gốm Bát Tràng thương hiệu hai trong một
Tôi yêu Hà Nội 14/11/2024 09:08
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Tôi yêu Hà Nội 05/11/2024 17:10
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49