Gian nan chống buôn lậu cuối năm
Diễn biến phức tạp
Theo Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội), do thị trường Hà Nội ngày càng phát triển mạnh, giao thương hàng hóa lớn, nên hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Đơn cử, ngày 24/10, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra phòng 1836 nhà CT12C Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), phát hiện 164 chiếc điện thoại Samsung, iPhone,... 4 chiếc đồng hồ Smart watch không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội thu giữ nhiều hàng lậu trong thời gian gần đây (ảnh HQ) |
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với các lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 17C-098.12 tại khu vực ngã ba quốc lộ 2 giao với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, phát hiện trên xe có 15 tấn thực phẩm và mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không có kiểm định chất lượng sản phẩm. Qua đấu tranh khai thác, chủ hàng khai nhận toàn bộ số hàng trên được mua trôi nổi từ Trung Quốc với giá khoảng 600 triệu đồng, sau đó vận chuyển về Hà Nội bán kiếm lời,...
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, hai vụ vi phạm trên chỉ là những vụ điển hình trong số 7.065 vụ vi phạm mà Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý trong 10 tháng qua. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm. Đối tượng vi phạm thường lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu của các cơ quan chức năng để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nước ta.
Nói về các điểm “nóng” buôn lậu, hàng giả, có thể kể đến chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm). Gần như tất cả các mặt hàng vải vóc, quần áo thời trang “nhái” các thương hiệu lớn đều có ở chợ Ninh Hiệp. Các cuộn vải về đến đây đều được xé lẻ thành từng mảnh, từng tấm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, trên địa bàn xã Ninh Hiệp có hơn 2.000 hộ kinh doanh và 95 doanh nghiệp, hoạt động trong cả hai lĩnh vực là kinh doanh vải, quần áo thời trang và dược liệu.
Trong đó, nhiều đối tượng buôn lậu sử dụng các thủ đoạn rất tinh vi. Chẳng hạn, một đơn hàng 1.000 cuộn vải nhưng chỉ ghi hóa đơn 100 cuộn, vận chuyển làm nhiều lần, đối phó việc kiểm tra hóa đơn, chứng từ của các cơ quan chức năng. “Với 7 con đường để hàng lậu đi vào Ninh Hiệp và tới hơn 10 con đường để hàng lậu xé lẻ, theo các xe máy, xe thồ luồn lách trong các ngõ, xóm đi khắp nơi tiêu thụ, trong khi lực lượng chức năng lại mỏng, cho nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát”, ông Thuần cho biết.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng là một điểm “nóng” về buôn lậu. Thông qua đường hàng không, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường hơn. Các đối tượng chủ yếu buôn các mặt hàng cấm, có giá trị kinh tế cao như ma túy, vàng, ngoại tệ, sừng tê giác, ngà voi,... với các thủ đoạn gói hàng hoặc được giấu trong người, trong hành lý xách tay hoặc chỉ ghi địa chỉ nhận một cách chung chung, rất khó kiểm soát.
Sẽ kiểm soát chặt các mặt hàng thiết yếu
Tổng cục Quản lý thị trường đã ký Quyết định 3972/QĐ-TCQLTT phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020. Theo kế hoạch, hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố sẽ nằm trong kế hoạch đấu tranh, kiểm tra, xử lý gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ và Kiên Giang. Cùng với đó, các mặt hàng sẽ nằm trong diện đấu tranh, kiểm tra, xử lý là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các địa bàn nổi cộm. |
Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh cũng là thời điểm hàng lậu được vận chuyển vào nội địa. Vì vậy, chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm càng trở nên phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, tập trung kiểm tra các điểm “nóng” của các lực lượng chức năng.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, cuối năm là thời điểm các thương nhân tập kết hàng hóa để phục vụ nhân dân dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2020. Vì thế, các lực lượng chống buôn lậu chủ động làm tốt điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, ga Yên Viên, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài,...
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tích cực, chủ động phối hợp với Sở Công Thương, các quận, huyện, thị xã,... tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm gắn với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường; tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết.
Đặc biệt, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hàng hóa giả tạo để đầu cơ, tăng giá nhằm thu lời bất chính; làm tốt công tác vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, lực lượng 389 Hà Nội cũng tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng trung ương và các tỉnh biên giới để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
H. Phong
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV
Đại biểu đề nghị giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả
Tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm sởi trong bệnh viện
Xem trực tiếp chung kết Miss Universe 2024 ở đâu?
Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội: Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” luôn thực chất, hiệu quả
Thị xã Cửa Lò nhập vào Thành phố Vinh từ ngày 1/12/2024
Năm 2024 cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên
Tin khác
Công an tỉnh Kiên Giang phản hồi đơn tố cáo của bạn đọc báo Lao động Thủ đô
Điều tra - bạn đọc 02/11/2024 14:22
Liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An”: Huyện Định Quán mắc mớ gì mà chưa báo cáo?
Điều tra - bạn đọc 14/10/2024 10:44
Liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An”: Chỉ có Tỉnh uỷ Đồng Nai mạnh mẽ vào cuộc
Điều tra - bạn đọc 19/09/2024 09:12
Cần nghiêm trị những "bảo mẫu" có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em
Điều tra - bạn đọc 05/09/2024 15:50
Công an xã Văn Đức (Gia Lâm): Không có căn cứ để thiết lập hồ sơ theo đơn thư phản ánh
Điều tra - bạn đọc 28/08/2024 10:24
Xâm phạm hồ Trị An - Bài 3: Hàng nghìn bè nuôi cá và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Điều tra - bạn đọc 15/08/2024 09:45
Xâm phạm hồ Trị An - Bài 1: Đua nhau lấn chiếm lòng hồ
Điều tra - bạn đọc 08/08/2024 13:55
Đề nghị xem xét lại giá bồi thường đất nông nghiệp
Điều tra - bạn đọc 09/07/2024 08:48
Huyện Gia Lâm: Hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích?
Điều tra - bạn đọc 17/06/2024 18:44
Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức: Cần sớm di dời các hộ dân sinh sống trong diện tích rừng
Điều tra - bạn đọc 12/06/2024 16:05