Đồng loạt tiêm vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi ở Hà Nội: Tiêm chủng an toàn, phụ huynh tin tưởng
Tổ chức chu đáo, phụ huynh an tâm
Để phục vụ công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Hà Nội đã nhận được gần 73.000 liều vắc xin Moderna từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ và khi nhận được đã ngay lập tức thực hiện phân bổ cho các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Theo kế hoạch, Hà Nội có hơn 1 triệu trẻ thuộc diện tiêm chủng trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Và học sinh đủ điều kiện tiêm đợt này là các em học sinh lớp 6 (từ 11 tuổi đến 11 tuổi 10 tháng tính theo sinh nhật), không mắc Covid-19 hoặc mắc Covid-19 và đã khỏi trên 3 tháng. Loại vắc xin sử dụng trong đợt tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Moderna, liều lượng tiêm 0,25ml.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh. (Ảnh: Minh Khuê) |
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số điểm tiêm trên địa bàn Thành phố, các đơn vị đều bố trí các khu vực theo đúng quy trình một chiều từ tiếp đón, khai báo thông tin, khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu, đội phản ứng nhanh, xe cấp cứu.
Trong quá trình tiêm, cán bộ y tế tư vấn cẩn thận cho phụ huynh và các em học sinh về loại vắc xin, liều lượng, cách theo dõi sức khỏe và chế độ dinh dưỡng cho trẻ; đặc biệt, sau tiêm nếu trẻ có phản ứng bất thường về sức khỏe, gia đình cần liên hệ với cán bộ y tế hoặc đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử trí kịp thời.
Điển hình, tại điểm tiêm Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Trãi quận Ba Đình, ngay từ sáng 17/4, trường đã sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị để đón những học sinh đầu tiên thuộc khối 6 đang học tại trường và Trường THCS Nguyễn Tri Phương đến tiêm vắc xin phòng Covid-19. Điều kiện tiên quyết để học sinh được tiêm là phải có sự đồng ý của phụ huynh học sinh, trong phiếu kê khai thông tin với vai trò giám hộ. Các hội phụ huynh học sinh trường, lớp cũng phối hợp cùng nhà trường làm tốt kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ.
Cô giáo Đặng Hoàng Hà (Trường Tiểu học Giáp Bát, quận Hoàng Mai) cho biết: Với tâm thế của người giáo viên, trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi phải thật sự rất vững vàng. Từ ngày 16/4, khi nhà trường bắt đầu triển khai phiếu lấy thông tin, xin ý kiến... cũng là bước đầu để rà soát, nắm bắt thông tin. Phụ huynh cũng có những tín hiệu phản hồi, những trao đổi ban đầu, những lo lắng chia sẻ cùng giáo viên khi việc tiêm chủng được triển khai. Nhận được sự chỉ đạo từ các cấp, nhà trường đang thực hiện theo đúng trình tự để đưa việc tiêm chủng dựa theo tinh thần tự nguyện, làm thế nào để đảm bảo được sức khỏe cho các con, giúp phụ huynh an tâm. Và cần xác định, việc tiêm chủng mở rộng mới là giải pháp an toàn giúp trẻ đến trường học trực tiếp được ổn định và dài lâu. Nhằm đảm bảo sức khỏe thì việc tiêm vắc xin để phòng bệnh cho trẻ là cần thiết. Rất mong các bậc phụ huynh đồng tình, ủng hộ việc tiêm vắc xin cho trẻ, để các con được an toàn tới trường cũng như để cuộc sống quay về trạng thái bình thường. Với những học sinh có tiền sử dị ứng, nếu phụ huynh quá lo lắng cho các con, để an toàn hơn, có thể cho con làm test dị ứng trước khi tiêm. |
Chia sẻ về công tác chuẩn bị trước tiêm cho học sinh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi Lê Hoàn Châu cho biết: Để công tác tiêm chủng được diễn ra chu đáo, nhà trường đã lên các phương án cụ thể, trong đó tập trung vào việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và làm sao để hỗ trợ tối đa cho các y, bác sĩ cũng như học sinh đến tiêm phòng được diễn ra suôn sẻ.
Trước đó, để sẵn sàng cho công tác tiêm chủng, Trường THCS Nguyễn Trãi nói riêng cũng như các trường trong quận nói chung đều đã làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền cung cấp các thông tin liên quan tới việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn. “Nhìn chung tâm lý của phụ huynh cũng rất mong đợi và háo hức đối với việc cho con đi tiêm phòng.
Bởi hiện học sinh lớp 6 cũng như học sinh tiểu học đã đi học trực tiếp trở lại, đa số phụ huynh đều hiểu rằng, việc tiêm phòng là một trong những biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ khi dịch Covid-19 vẫn đang lưu hành. Do đó, ngay từ đầu, tỷ lệ trẻ đăng ký tiêm chủng cũng đạt tỷ lệ cao. Với những trẻ mới mắc Covid-19 chưa đủ 3 tháng sẽ được tiêm khi đủ điều kiện”, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết.
Tương tự, tại quận Hai Bà Trưng, bắt đầu từ sáng 17/4 đã đồng loạt triển khai tiêm cho 1.739 trẻ học lớp 6 của toàn bộ các trường công lập và ngoài công lập của quận Hai Bà Trưng tại điểm tiêm tập trung đặt tại Trường THCS Lê Ngọc Hân, THCS Nguyễn Phong Sắc và Bệnh viện Vinmec. Quan sát thực tế tại các điểm tiêm trong ngày đầu thực hiện tiêm cho trẻ, việc tổ chức tiêm chủng tại các trường đều đảm bảo an toàn tiêm chủng, đúng đối tượng và hiệu quả.
Theo yêu cầu của nhà trường, mỗi học sinh phải có phụ huynh hoặc người giám hộ đi cùng. Phụ huynh sẽ ngồi ở khu vực chờ trong sân trường trong thời gian con em mình được tiêm vắc xin. Để phòng chống dịch, học sinh được lập danh sách và mời ra tiêm theo trường và lớp vào các khung giờ khác nhau. Các điểm tiêm đều tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, không tụ tập đông người. Quy trình tiêm được bố trí một chiều, phân luồng rõ ràng, cơ sở hạ tầng đảm bảo đáp ứng yêu cầu vật chất phục vụ tại điểm tiêm.
Hay tại quận Hà Đông, một trong ba quận/huyện triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ sớm từ ngày 16/4, công tác chuẩn bị đều rất chu đáo, đảm bảo an toàn trước, trong và sau khi tiêm theo quy định của Bộ Y tế. Theo bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng Phòng Y tế quận Hà Đông: Toàn quận có 54.393 cháu trong độ tuổi tiêm chủng, tuy nhiên qua khảo sát có khoảng 54% trẻ đã bị nhiễm Covid-19 và theo khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ trì hoãn tiêm sau 3 tháng.
Theo đó, với những trẻ đủ điều kiện sẽ được tiến hành tiêm vắc xin trước. Về công tác chuyên môn, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn với toàn bộ cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng, cũng như những người tham gia vào công tác theo dõi, hồi sức cấp cứu. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng hỗ trợ công tác tổ chức tiêm chủng. Được biết, tất cả những người tham gia vào công tác tiêm chủng đều hiểu rõ nội dung, quy định, quy trình chuyên môn… khi tiêm vắc xin cho trẻ. Đối với những cháu chưa đủ điều kiện tiêm cán bộ y tế cũng đã thông báo tới cha mẹ học sinh khi đủ thời gian, điều kiện sẽ tiếp tục tiêm sau.
“Các điểm tiêm đều tổ chức tại các trường THCS, đối với các cháu không đi học sẽ tiêm tại các trạm y tế. Việc triển khai tiêm sẽ căn cứ vào việc phân bổ vắc xin của Sở Y tế, đợt này quận Hà Đông nhận được 4.000 liều vắc xin để tiêm cho các cháu học sinh khối lớp 6, nếu còn sẽ tiếp tục tiêm cho khối lớp 5”, bà Lê Thị Thanh Bình cho biết thêm.
Dự kiến tiêm trong 10 ngày
Với việc tổ chức quy trình tiêm chu đáo, đúng theo quy định của Bộ Y tế, nên các bậc phụ huynh khi đưa con đi tiêm càng thêm an tâm và tin tưởng. Khá nhiều phụ huynh đưa con đi tiêm lần này tại Hà Đông, Đống Đa… đều đánh giá cao công tác tổ chức tiêm chủng lần này. Thời gian chuẩn bị ngắn nhưng rút kinh nghiệm từ các lần tiêm chủng cho các lớp lớn hơn trước đây, các trường học và cơ sở y tế đã có sự chuẩn bị bài bản, chuyên nghiệp hơn. Điều này nhằm giúp cho công tác tiêm chủng được an toàn, hạn chế những sự cố đáng tiếc.
Các cán bộ tham gia nhập dữ liệu tiêm chủng cho học sinh. (Ảnh: Minh Khuê) |
Là một trong những phụ huynh đưa cháu tới điểm tiêm Trường THCS Nguyễn Trãi từ sớm để thực hiện khai báo, chuẩn bị cho việc tiêm chủng, ông Đặng Hữu Điền (phường Kim Mã, quận Ba Đình) cho biết, liên quan tới vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19, gia đình đã tìm hiểu kỹ và biết rằng việc tiêm phòng là cần thiết để bảo vệ cháu trước dịch Covid-19, cũng như để cháu an toàn khi đến trường. “Không chỉ người lớn mà cháu trai tôi cũng rất mong chờ được tiêm. Điều lo lắng duy nhất của cháu là phản ứng sau tiêm, tuy nhiên tôi đã phân tích, động viên nên cháu rất vững tâm và hào hứng cùng ông tới điểm tiêm phòng” - ông Đặng Hữu Điền chia sẻ.
Hiện, vẫn còn một số ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng việc tiêm vắc xin sẽ có ảnh hưởng đến quá trình phát triển, chức năng sinh sản của các em học sinh. Tuy nhiên, theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội: Bất kì loại vắc xin nào trên thế giới khi đưa vào sử dụng thì đều đã qua kiểm định và được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Với nhiều nước đã thực hiện tiêm có trẻ, các nghiên cứu cho thấy chưa có một bằng chứng nào nói lên vắc xin ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ nam và trẻ nữ. Khi cấp phép vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thì Bộ Y tế đã tham khảo, đánh giá rất nhiều tài liệu, bằng chứng quốc tế. Nếu có bằng chứng ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ thì đương nhiên Bộ đã không cấp phép. Trước khi thực hiện tiêm, Bộ đã nghiên cứu liều lượng vắc xin phù hợp với thể trạng của trẻ, dùng loại vắc xin dành riêng cho trẻ em. |
Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh không chỉ được các nhà trường, các bậc phụ huynh đồng tình, mà đa phần các em học sinh đều cảm thấy yên tâm. Chia sẻ với phóng viên, Khuất Sơn Tùng (học lớp 6, Trường THCS Nguyễn Trãi) cho biết: “Được tiêm vắc xin phòng Covid-19 em cảm thấy rất vui, vì em sẽ được bảo vệ sức khỏe tốt hơn khi trở lại trường học trực tiếp. Đặc biệt, trước khi đi tiêm, em đã được thầy cô tư vấn, gia đình động viên nên em rất an tâm và háo hức được tiêm sớm”.
Nhằm giám sát chặt chẽ công tác tiêm chủng, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra tại một số điểm tiêm. Tại buổi kiểm tra công tác tiêm chủng trên địa bàn quận Hà Đông, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, dự kiến đợt tiêm chủng lần này sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày. Để đảm bảo an toàn cho công tác tiêm chủng, ngành Y tế Thủ đô đã huy động tất cả các bệnh viện hạng I, hạng II, tuyến Thành phố để tham gia ứng trực tại các điểm tiêm chủng. Đồng thời Hà Nội cũng tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực nhi khoa, hồi sức cấp cứu để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng.
“Đặc biệt, trong quá trình tiêm chủng, ngành Y tế rất quan tâm đến các đối tượng là trẻ em mắc bệnh bẩm sinh, trẻ suy dinh dưỡng hay trẻ có tiền sử dị ứng… và thực hiện khám sàng lọc kỹ càng trước tiêm. Bên cạnh đó, với những trẻ có bệnh lý nền hoặc dị ứng... sẽ tiêm tại bệnh viện để bảo đảm an toàn nhất cho các cháu”- bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.
Cũng qua kiểm tra công tác tiêm chủng tại quận Hà Đông, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng bày tỏ mong muốn phụ huynh học sinh đồng thuận, đưa con em tới các điểm tiêm chủng lưu động để thực hiện tiêm chủng đầy đủ và sớm nhất. Với lộ trình tiêm hạ dần độ tuổi (từ dưới 12-5 tuổi; tương đương từ khối lớp 6 tiêm trước, tiếp đó tiêm lần lượt từ khối 5 đến khối 1 và cuối cùng đến trẻ 5 tuổi), bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định: “Thủ đô đã chuẩn bị toàn bộ về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để sẵn sàng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi”.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, nhà trường và y tế địa phương tăng cường truyền thông đến phụ huynh học sinh về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19; đồng thời, cập nhật chính xác và kịp thời thông tin của các đối tượng đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 lên hệ thống tiêm chủng quốc gia.
Theo rà soát, thành phố Hà Nội có hơn 1 triệu trẻ thuộc diện tiêm chủng, trong đó hơn 157.000 trẻ thuộc khối mẫu giáo, 743.200 trẻ thuộc khối tiểu học và hơn 102.100 trẻ thuộc khối THCS (năm học 2021-2022). Ngoài ra, có hơn 6.600 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi không đi học nhưng sinh sống trên địa bàn Thành phố. Hà Nội phấn đấu 95% trẻ đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là cách thức hiệu quả để bảo vệ trẻ và tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế khi đã được tiêm vắc xin không có nghĩa là trẻ không bị nhiễm Covid-19 nữa, mà chỉ làm giảm tính trầm trọng của bệnh nếu có bị nhiễm vi rút. Do đó, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện đúng nguyên tắc phòng bệnh theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ sức khoẻ cho trẻ nhỏ, bản thân, gia đình và xã hội./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
Mở cửa “chuồng cọp” để tự cứu mình
Khai thác giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại
Xem xét lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Cũng nên "cách mạng" về giáo dục - đào tạo
Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động
Tạo đột phá mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình: Bắt đầu từ nêu gương, dám nghĩ, dám làm
Tin khác
Khai thác giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại
Văn hóa 26/11/2024 10:00
Gia tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong vì kháng thuốc
Y tế 26/11/2024 08:01
Khói bếp chiều đông
Văn hóa 26/11/2024 08:01
Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo khi mua sắm trực tuyến trong đợt giảm giá Black Friday
Xã hội 25/11/2024 22:05
Trải nghiệm độc đáo với robot nấu phở tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024
Văn hóa 25/11/2024 16:52
Hà Nội triển khai mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn
Xã hội 25/11/2024 14:34
Hà Nội tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng dân số
Xã hội 25/11/2024 14:23
Hà Nội ghi nhận thêm 28 ca mắc sởi
Y tế 25/11/2024 14:17
Tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới
Xã hội 24/11/2024 13:32
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Văn hóa 24/11/2024 08:32