Doanh nghiệp cấp Giấy đi đường tràn lan, lãng phí "thời gian vàng" giãn cách
Tổ công tác liên ngành liên tiếp phát hiện nhiều giấy đi đường nghi giả mạo Ngày đầu Hà Nội siết chặt quy định về Giấy đi đường: Nhắc nhở để người dân hiểu, nghiêm túc chấp hành |
Tràn lan Giấy đi đường do doanh nghiệp cấp
Những ngày gần đây, đặc biệt là vào các ngày đầu tuần ( từ thứ 2 đến thứ 4), trên các tuyến đường như Láng, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Trường Chinh... mật độ phương tiện tham gia giao thông khá dày đặc. Dù lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, kiên quyết xử lý nghiêm những người ra đường không đúng mục đích, nhưng "kẽ hở" của việc cấp Giấy đi đường tràn lan đã khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong quá trình kiểm soát.
Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, sau hơn 1 tuần triển khai 6 Tổ công tác liên ngành kiểm soát chặt người ra đường không có lý do chính đáng tại 12 quận nội thành, lực lượng chức năng đã kiểm soát và phát hiện hàng trăm trường hợp ra đường không rõ lý do. Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra Giấy đi đường, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều Giấy đi đường do các công ty, đơn vị cấp cho nhân viên đi lại không đúng mục đích.
Cụ thể, hồi 10h20 ngày 19/8, Tổ công tác liên ngành làm nhiệm vụ tại khu vực ngã ba Đại Cồ Việt - Tạ Quang Bửu tiến hành dừng xe, kiểm tra đối với 1 nam thanh niên điều khiển xe mô tô BKS 30F4-828x. Nam thanh niên này xuất trình 1 chứng minh nhân dân, 1 Giấy đi đường do Công ty Cổ phần truyền thông đa phương tiện bảo vệ công lý cấp mang tên Trần Minh H. (trú tại phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội). Khai thác tại chỗ, anh H. cho biết, Giấy đi đường trên là do một người nhà anh H. làm để anh H. phục vụ đi lại, chứ anh H. không công tác tại Công ty Cổ phần truyền thông đa phương tiện bảo vệ công lý. Tổ công tác liên ngành đã bàn giao người và phương tiện cho Công an phường Lê Đại Hành tiếp tục giải quyết theo quy định.
Tổ công tác liên ngành liên tiếp phát hiện nhiều Giấy đi đường nghi là làm giả. (Ảnh: CAHN) |
Tương tự, hồi 15h ngày 19/8, Tổ công tác liên ngành làm nhiệm vụ tại khu vực 182 Trường Chinh tiến hành dừng xe, kiểm tra đối với 1 nam thanh niên điều khiển xe mô tô BKS 18K1-136.0x. Nam thanh niên xuất trình 1 căn cước công dân, 1 Giấy đi đường mang tên Lê Hải A. (trú tại xã Nam Hoa, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Anh Lê Hải A. có Giấy đi đường do Công ty TNHH Quách Ngọc Anh cấp. Nhưng khai thác tại chỗ, anh Lê Hải A. là nhân viên của Công ty Cổ phần xây lắp Khang Việt do ông Đặng Việt T. là Giám đốc.
Anh A. cho hay, Giấy đi đường trên là do ông Đặng Việt T. làm cho nhân viên để phục vụ đi lại trong thời gian giãn cách xã hội. Tổ công tác đã bàn giao người và phương tiện cho Công an phường Khương Thượng tiếp tục giải quyết theo quy định.
Không chỉ phát hiện Giấy đi đường do các công ty, đơn vị cấp cho nhân viên đi lại không đúng mục đích, cơ quan chức năng còn xử lý nhiều trường hợp tự làm Giấy đi đường với mục đích để đi qua các chốt kiểm dịch.
Đơn cử như khoảng 9h50 ngày 17/8, Tổ công tác số 7, Công an thành phố Hà Nội làm nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện bảo đảm công tác phòng dịch tại quận Thanh Xuân đã phát hiện 1 trường hợp tự làm Giấy đi đường để lưu thông trên đường.
Thiếu tá Đào Phan Anh, Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) - Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, vào thời điểm trên, anh N.H.N (sinh năm 1993 ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà) điều khiển xe máy tham gia lưu thông trên đường Nguyễn Trãi đã xuất trình Giấy đi đường do Công ty cổ phần chăm sóc sức khoẻ VG (địa chỉ ở số 9 Đào Duy Anh, quận Đống Đa) ký để tham gia công việc là nhân viên kinh doanh. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, qua chất vấn trực tiếp với người sử dụng giấy, Tổ công tác đã phát hiện giấy tờ trên là giả mạo. Sau khi liên hệ với Công ty cổ phần chăm sóc sức khoẻ VG, đơn vị cũng xác nhận không có nhân viên kinh doanh nào tên N.H.N. Tại cơ quan Công an, anh N.H.N cũng thừa nhận tự làm Giấy đi đường với mục đích để đi qua các chốt kiểm dịch.
Phát hiện nam thanh niên tự làm Giấy đi đường định lưu thông qua chốt. (Ảnh: CAHN) |
Ghi nhận tại chốt kiểm soát trên đường Phạm Văn Đồng - Đỗ Nhuận, trong khoảng thời gian từ 8h - 9h30 ngày 24/8, gần như 100% người và phương tiện lưu thông đều có Giấy đi đường, và được di chuyển sau khi cơ quan chức năng đã kiểm soát.
Theo một số cán bộ làm nhiệm vụ tại đây cho biết, qua kiểm tra chúng tôi thấy gần như 100% người tham gia giao thông có Giấy đi đường do các công ty, doanh nghiệp cấp. Việc không xác định được đơn vị nào sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp nào không, chính là "kẽ hở" dẫn tới đường phố vẫn đông người đi lại. Việc này sẽ gây lãng phí "thời gian vàng" giãn cách xã hội.
Đại úy Trần Ngọc Lực, Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Công an thành phố Hà Nội), Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành số 3 cho biết, trong quá trình kiểm tra Giấy đi đường, Tổ công tác nhận thấy số lượng doanh nghiệp cấp Giấy đi đường cho nhân viên rất nhiều. Trong khi đó người tham gia giao thông quá đông, nên để đảm bảo lưu thông thông suốt, tránh tụ tập đông người, chỉ có thể kiểm tra xác suất. Tuy nhiên, Tổ công tác đã phát hiện được nhiều đối tượng dùng Giấy đi đường không đúng mục đích. Những trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu giả mạo hoặc không đúng mục đích đều bị xử lý nghiêm.
Cần thêm giải pháp để kiểm soát người đi đường
Tại cuộc họp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội chiều 20/8, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, nếu triển khai kiểm soát không khẩn trương, nhanh chóng thì sẽ gây ùn tắc, ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch. Công an thành phố Hà Nội đã có nhiều cải tiến phân luồng kiểm soát, khẩn trương đẩy nhanh tốc độ kiểm soát tại các chốt, ngăn ngừa ùn tắc tối đa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Đại tá Trần Ngọc Dương nhấn mạnh, trong quá trình giãn cách xã hội từ nay đến ngày 6/9/2021, Công an thành phố Hà Nội sẽ xử lý nghiêm, có thái độ cương quyết đối với mọi vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thông tin tại cuộc họp. |
Trong thời gian giãn cách xã hội, trước tình trạng có lúc người dân ra đường còn đông, nhất là vào các cung giờ tan tầm, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức 6 tổ kiểm tra cơ động liên lực lượng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Vi phạm qua các ngày cũng đang giảm dần. Đại tá Trần Ngọc Dương nhấn mạnh, các tổ kiểm tra này sẽ hoạt động mạnh hơn và xử lý nghiêm mọi vi phạm, ngăn chặn mọi ý định ra đường không cần thiết và răn đe hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật trong khoảng thời gian cần phải tăng cường giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh.
Đại tá Trần Ngọc Dương cho biết, theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ người dân ra đường không có giấy phép chiếm khoảng 10%. Trong 90% số công dân sở hữu Giấy đi đường thì có tới 90% giấy phép do doanh nghiệp cung cấp cho nhân viên. Lực lượng chức năng phát hiện có Giấy đi đường khống (đến chốt thì vội vàng điền tên vào), Giấy đi đường giả mạo.
Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, với các trường hợp lưu thông trên đường có Giấy đi đường của các cơ quan, doanh nghiệp, Công an Thành phố sẽ đề xuất quản lý bằng tin nhắn của các đơn vị cấp phép. Với các doanh nghiệp được phê duyệt phương án lao động sản xuất đã được xã, phường phê duyệt, Công an Thành phố kiến nghị xã, phường cấp phù hiệu cho những lao động này.
Nhiều trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, đã bị xử phạt. |
Cần xử lý nghiêm cả người đi đường lẫn người cấp giấy không đúng người, đúng việc
Ngày 29/7, UBND thành phố Hà Nội ban hành mẫu giấy dùng cho một số trường hợp đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội. Mẫu giấy đi đường yêu cầu điền đầy đủ thông tin cá nhân (tên, tuổi, số căn cước công dân (chứng minh nhân dân), số điện thoại, nơi ở, nơi làm việc...), mục đích tham gia giao thông. Giấy có hiệu lực từ ngày ký và chỉ có giá trị trong thời gian giãn cách xã hội.
Ngoài ra, Giấy đi đường chỉ được cấp cho đúng đối tượng (cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức đó) và sử dụng đúng mục đích (chỉ được dùng để di chuyển từ nhà đến nơi làm việc hoặc nhằm thực hiện công việc chuyên môn được giao)...
Theo Luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), việc cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp giấy đi đường không đúng quy định (cấp không đúng đối tượng, cấp sai mục đích) có thể bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Mức phạt 5-10 triệu đồng áp dụng với cá nhân, tổ chức bị phạt gấp đôi.
Tổ công tác liên ngành kiểm soát chặt người ra đường phải có các giấy tờ theo quy định. |
Việc cấp giấy đi đường cho cán bộ, người lao động để đi làm là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, sử dụng giấy đi đường giả để ra đường nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, cố tình không tuân thủ quy định là hành vi coi thường pháp luật, đáng lên án trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Hệ lụy khôn lường, dịch bệnh sẽ lây lan, không kiểm soát nếu người dân vẫn cứ tìm mọi cách ra đường.
Bởi thế, bên cạnh xử phạt nghiêm minh những người đi đường lý do không chính đáng, sử dụng giấy đi đường giả, mua giấy giấy đi đường cũng cần xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị cấp giấy đi đường không đúng người, đúng việc.
Có thể thấy, với mức độ nguy hiểm của chủng vi rút mới, một trong những giải pháp hàng đầu là người dân phải thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt hạn chế tập trung đông người. Tình trạng lượng người đổ ra đường ngày càng đông, đang đe dọa phá vỡ thành quả chống dịch của Thành phố và nhân dân suốt thời gian qua.
Đề nghị lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân cố tình không thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, ảnh hưởng đến "thời gian vàng" trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thủ đô 23/12/2024 11:39
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 18:52
Quận Bắc Từ Liêm tích cực khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 17:09
Năm 2024: Quận Thanh Xuân thu ngân sách ước đạt 108,91%
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 11:07
Huyện Thanh Trì kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Nhịp sống Thủ đô 19/12/2024 18:53