Đề xuất các gói chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế
Kiến nghị dành 4% GDP hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19 Cần cơ chế đặc thù cho phát triển kinh tế trong 2 năm tới |
Cần đảm bảo và nâng cao năng lực y tế
Trình bày tham luận “Một số gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, TS Cấn Văn Lực cho rằng, các nhóm chính sách cần đảm bảo và nâng cao năng lực y tế; giảm chi phí, giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp; an sinh xã hội.
TS Cấn Văn Lực đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT, giảm phí bảo hiểm xã hội, thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế, phí trước bạ ô tô trong nước, có bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gói hỗ trợ lãi suất, cùng với đó là ứng trước các chi phí như tiền lương, phòng, chống dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), trình bày tham luận. (Ảnh: VPQH) |
Với các chính sách an sinh xã hội, cần triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại 4 vùng kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đào tạo nghề. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo. Nhấn mạnh nguồn lực và huy động nguồn lực thực hiện chính sách là điều quan trọng, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần phải chấp nhận thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1 điểm % mỗi năm trong 2022-2023.
Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam, lại đưa ra 5 nhóm giải pháp. Theo ông Cường, khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19 mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, do vậy, về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn đối với y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.
Ông Cường phân tích, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, về dài hạn hơn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách Nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, các gói hỗ trợ của Việt Nam nên ưu tiên cho các biện pháp ngắn hạn, như hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp. Còn trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, Việt Nam nên thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tập trung vào phát triển hạ tầng xanh, chuyển đổi số...
Toàn cảnh Diễn đàn |
Gói củng cố hệ thống y tế cần khoảng 76.000 tỷ đồng
PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, kiến nghị cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc. Cụ thể, gói củng cố hệ thống y tế cần khoảng 76.000 tỷ đồng; gói củng cố hệ thống an sinh xã hội cần khoảng 58.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ doanh nghiệp cần khoảng 244.000 tỷ đồng… Tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan tham mưu cần phối hợp chặt chẽ trong việc tính toán nhằm đảm bảo dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình, thay vì chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, vốn không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng.
Theo Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, trong năm 2020-2021, bối cảnh mới đã đặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước những thách thức “rất mới” và “rất khác”. Doanh nghiệp không chỉ đối mặt với vấn đề kinh doanh trực tiếp của mình, ngành mình mà đối mặt với những thách thức toàn cầu, những vấn đề lớn hơn không biên giới như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạnh tranh giữa các nước lớn… Từ phân tích trên, ông Đậu Anh Tuấn nhận định, có 5 xu hướng đầu tư kinh doanh trong bối cảnh mới. Đó là các xu hướng: Sẵn sàng thay đổi mô hình doanh không phù hợp; thích ứng tốt hơn; hướng nội hơn; xanh hơn; hoạt động kinh doanh nhân văn, vì con người hơn.
Ông Tuấn nhìn nhận, doanh nghiệp Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không ngại thay đổi, trong "gen” của mình, các doanh nghiệp Việt Nam luôn có khả năng thích ứng cao và đại dịch Covid-19 là khó khăn nhưng cũng là một cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cấp mình.
Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra 4 khuyến nghị. (Ảnh: VPQH) |
Tái xây dựng hệ thống y tế hậu đại dịch
Cũng tại Diễn đàn, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đưa ra 4 khuyến nghị. Trước hết, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế. “Hiện tại, Việt Nam đang làm rất tốt công tác tiêm vắc xin cho người dân với tốc độ bao phủ ấn tượng. Do đó, chúng tôi cho rằng, các bạn nên tiếp tục đẩy mạnh việc đặt hàng và phân phối vắc xin ngừa Covid-19, đồng thời cũng cần lên kế hoạch phân phối vắc xin trong tương lai. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, Việt Nam nên cân nhắc khả năng tái xây dựng hệ thống y tế hậu đại dịch”, bà Carolyn Turk nói.
Đồng thời, cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế, và phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về danh mục các khoản đầu tư hiện nay. Hiện danh mục đầu tư có rất nhiều dự án có tên nhưng chưa có thiết kế chi tiết, chưa có nghiên cứu khả thi để triển khai. Bên cạnh đó, Việt Nam nên cân nhắc đến tính hiệu quả không chỉ trong các doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mà còn phải để tâm đến việc nâng cao tính hiệu quả của hoạt động Chính phủ và một cách để đạt được mục tiêu này là cân nhắc việc áp dụng các cơ chế số hóa mới để đạt được hiệu quả cao hơn.
Cũng theo bà Carolyn Turk, Việt Nam nên cân nhắc tới tiêu dùng cá nhân, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, cho người dân. Các gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam cho các doanh nghiệp, cá nhân, các hộ gia đình so với khu vực cho tới thời điểm này vẫn còn thấp, cho nên có thể cân nhắc việc gia tăng hỗ trợ và chúng tôi tin rằng vẫn còn dư địa tài khóa để làm việc này.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh kiến nghị với Quốc hội cần tập trung vào công tác giám sát thực thi chính sách. (Ảnh: VPQH) |
Quốc hội cần tập trung giám sát thực thi chính sách
Trên cơ sở lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của hơn 10.000 hội viên Hội Doanh nhân trẻ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh phân tích: Chúng ta cần nhớ lại gói kích cầu kinh tế năm 2008 và 2009. Quy mô gói kích cầu kinh tế khi đó đã giúp cho đất nước vượt qua khủng hoảng và Việt Nam là một trong số rất ít nước có tăng trưởng dương. Mặc dù gói kích cầu đầu tư đã giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng tại thời điểm đó nhưng cũng tạo ra những hệ lụy to lớn cho sự phát triển bền vững khi chính sách tuy đúng đắn nhưng việc thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát dẫn tới thất thoát, tiêu cực, thậm chí là tác dụng ngược và không đến đúng đối tượng.
Nguyên nhân chính được đúc kết, theo ông Đặng Hồng Anh là do thiếu cơ chế kiểm soát tốt trong quá trình triển khai chính sách, thiếu sự phối hợp, trao đổi giữa khu vực doanh nghiệp, các cơ quan, chủ thể trong thực thi chính sách kích cầu nên khi thực hiện quy mô lớn nhưng dòng tiền ít dành cho sản xuất mà lại vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản. Hậu quả là lạm phát tăng cao gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô, kìm hãm sự hồi phục kinh tế.
Trước những bất cập trên, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị với Quốc hội cần tập trung vào công tác giám sát thực thi chính sách, kích cầu kinh tế theo phương châm từ xa, từ sớm. Việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện được diễn ra song song với quá trình triển khai chính sách, đảm bảo hiệu quả cao nhất việc đưa chính sách vào đời sống của người dân.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tin khác
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp 21/11/2024 07:42
Gỡ vướng cơ chế để doanh nghiệp bứt tốc trong chuyển đổi số
Doanh nghiệp 19/11/2024 20:00
Vạn Phúc City nhận cú đúp giải thưởng tại lễ trao giải PropertyGuru Vietnam Property Awards 2024
Doanh nghiệp 16/11/2024 10:18
Nỗ lực để 100% doanh nghiệp công nghiệp chủ lực được thụ hưởng chính sách hỗ trợ
Doanh nghiệp 10/11/2024 19:52
Hà Nội: Nâng cao hiệu suất quản trị về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp 10/11/2024 15:16
Để tránh việc ra sân bay bị hoãn xuất cảnh, người nộp thuế cần làm gì?
Doanh nghiệp 09/11/2024 06:39
Hơn 40 doanh nghiệp Đức tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Đồng Nai
Doanh nghiệp 07/11/2024 17:55
Để FTA không “ngủ quên” với doanh nghiệp nội
Doanh nghiệp 07/11/2024 06:10
Dấu ấn khác biệt của Vinamilk với hành trình 16 năm liền là thương hiệu Quốc gia
Doanh nghiệp 05/11/2024 15:06
Doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 của Bamboo Capital đạt 3.238 tỷ đồng
Doanh nghiệp 01/11/2024 18:18