Giao lưu trực tuyến: Quyền và nghĩa vụ của người lao động có gì mới từ 1/1/2021?
Buổi giao lưu trực tuyến là minh chứng khẳng định việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo đoàn viên, người lao động. Từ đó đã khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của của đoàn viên công đoàn, người lao động.
Đồng thời, Giao lưu trực tuyến “Quy định mới của Bộ Luật lao động năm 2019 về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021” còn giúp các doanh nghiệp, cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật liên quan đến người lao động, nhất là những điểm mới về quyền và nghĩa vụ của người lao động; thiết thực chào mừng Đại hội đảng bộ quận Hai Bà Trưng lần thứ 26, Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ 17.
Đại biểu tham dự buổi giao lưu |
Tới dự buổi giao lưu có các đại biểu: Đặng Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Nguyễn Văn Hồng - Phó Trưởng phòng Dân vận Các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Thành ủy; Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Thường vụ Liên đoàn lao động Thành phố - Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Bá Châu - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Liên đoàn lao động Thành phố; Nguyễn Thị Kim Dung – Chủ tịch Liên đoàn lao động quận Hai Bà Trưng.
Đặc biệt, là sự có mặt của hơn 200 công nhân viên chức lao động đến từ các đơn vị thuộc Liên đoàn lao động quận Hai Bà Trưng.
Tham gia giải đáp trực tiếp những thắc mắc của cán bộ công nhân viên chức, người lao động có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, tiền lương: Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Việt Nam; Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng truyền thông và phát triển đối tượng – Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Vũ Minh Huyền – Phó trưởng phòng xây dựng chính quyền – Sở nội vụ Hà Nội.
8h30
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Bích Ngọc – Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Bộ luật Lao động năm 2019 gồm 17 chương, 220 điều có rất nhiều điểm mới về quyền và nghĩa vụ của người lao động theo hướng có lợi hơn Luật hiện hành. Bên cạnh đó Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 cũng có rất nhiều điểm mới chúng ta cũng rất cần biết.
Bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi giao lưu |
Hiểu luật cặn kẽ là mong muốn của tất cả người lao động, người sử dụng lao động, để giúp chúng ta thực hiện đúng luật, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho chính chúng ta và góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ. Với từ 6 – 10 cuộc đối thoại, giao lưu trực tiếp, trực tuyến được tổ chức mỗi năm, báo Lao động Thủ đô đang dần hình thành một kênh phổ biến kiến thức pháp luật rất hiệu quả, hữu ích.
“Tại mỗi cuộc đối thoại, giao lưu đều có hàng trăm công nhân, viên chức, lao động tham dự. Chúng tôi mời đến các chuyên gia là những nhà quản lý, luật sư, những nhà hoạch định và triển khai chính sách, rất am hiểu về pháp luật và các lĩnh vực xã hội để trả lời các câu hỏi về các vấn đề khúc mắc trong quá trình thực hiện, giải quyết chế độ, chính sách, những vấn đề mà công chức, viên chức, người lao động quan tâm. Ngay bây giờ, các chuyên gia của chương trình đã sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp các khúc mắc mà các đồng chí quan tâm”, Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.
8h40
Trong bài phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Liên đoàn quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho rằng, xuất phát từ tình hình thực tế, trong thời gian qua và định hướng những năm tới, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam đứng trước thời cơ mới, thách thức mới. Vì vậy, công đoàn từ quận Hai Bà Trưng đến cơ sở cần phải tích cực đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người lao động, mặt khác phát huy vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động xẩy ra.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng phát biểu tại buổi giao lưu. |
Do đó, công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động hiểu biết đầy đủ về những điểm mới trong Bộ Luật Lao động, để người lao động thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động, tự bảo vệ mình và thực hiện tốt pháp luật lao động tại đơn vị, doanh nghiệp, góp phần thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cùng với người sử dụng lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
“Chương trình giao lưu trực tuyến về những điểm mới liên quan đến pháp luật lao động hôm nay là dịp để cán bộ công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động có thêm cơ hội được giao lưu, đặt câu hỏi trực tiếp với các chuyên gia có kinh nghiệm, để được giải đáp kịp thời các câu hỏi, vướng mắc từ cơ sở về lĩnh vực pháp luật lao động, chính sách, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động… Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Hai Bà Trưng lần thứ XXVI, Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Chủ tịch Liên đoàn quận Hai Bà Trưng khẳng định.
8h50
Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn lao động Thành phố Đặng Thị Phương Hoa phát biểu tại buổi giao lưu |
Đến dự và phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn lao động Thành phố Đặng Thị Phương Hoa ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực của báo Lao động Thủ đô trong việc thường xuyên phối hợp với các Công đoàn cấp trên cơ sở, trong đó có Liên đoàn lao động quận Hai Bà Trưng để tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động. “Hoạt động này đã trở thành hoạt động thường xuyên của báo Lao động Thủ đô và đạt hiệu quả rất thiết thực”- Phó Chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa nhận xét. Phó Chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa cũng đánh giá cao sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của Liên đoàn lao động quận Hai Bà Trưng trong việc tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật cho người lao động.
Đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của buổi giao lưu trực tuyến “Quy định mới của Bộ Luật Lao động về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021”, Phó Chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa cho rằng, từ ngày 1/1/2021, Bộ Luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến quyền lợi của người lao động, vì vậy, chắc chắn đoàn viên, người lao động sẽ có rất nhiều tâm tư, thắc mắc khi đến tham gia buổi giao lưu này.
Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia |
Phó Chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa đề nghị các đoàn viên, công nhân viên chức lao động thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi là những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc với các chuyên gia để hiểu rõ, hiểu kỹ và thực thi tốt chính sách pháp luật.
Với các chuyên gia, Phó Chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa mong muốn các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn để trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất đối với người lao động.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa đề nghị báo Lao động Thủ đô tiếp tục phối hợp với các Liên đoàn lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành tổ chức thêm nhiều các buổi giao lưu trực tuyến, tạo kênh thông tin thiết thực, hữu ích cho người lao động cập nhật kiến thức pháp luật, để tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động.
9h00: Chuyên gia trả lời câu hỏi giao lưu
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân |
Chị Lê Thị Ngọc Anh, Công ty thoát nước Hà Nội: Câu hỏi 1: Hợp đồng thử việc có phải là hợp đồng lao động không? Khi ký hợp đồng thử việc trên 01 tháng có phải đóng bảo hiểm không?
Câu hỏi 2: Có một nhân viên tham gia Bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020 thì nhân viên đó mang thai và nghỉ không lương. Đến tháng 6/2020 thì bác sĩ cho nghỉ dưỡng thai, nếu nhân viên đó nghỉ đến lúc sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản không?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Hợp đồng thử việc không phải là hợp đồng lao động, bởi hợp đồng thử việc không bắt buộc về chế độ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đây là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.
Hợp đồng này không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác. Tuy nhiên, nếu hợp đồng lao động xác định thời hạn có nội dung thử việc thì sẽ vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung: Liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội, theo luật bảo hiểm xã hội, nếu người lao động mang thai đóng đủ 6 tháng trước sinh sẽ được hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, luật bảo hiểm xã hội mới đã sửa đổi đối với người lao động mang thai có bệnh lý chỉ cần đóng đủ 3 tháng sẽ được hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, cần phải có giấy xác nhận của bệnh viện có thẩm quyền xác nhận người lao động mang thai có bệnh lý.
Anh Đỗ Văn Hùng (Liên đoàn xiếc Việt Nam): Câu 1: Theo Luật sửa đổi, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do. Đối với ngành xiếc, việc đào tạo diễn viên rất mất thời gian và tốn nhiều tiền của, tuy nhiên sau 1 thời gian diễn viên lại muốn chuyển sang đơn vị khác. Xin chuyên gia cho biết, nếu đơn vị không muốn cho người lao động nghỉ thì có giải pháp nào không?
Câu 2: Hiện Luật đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu. Đối với diễn viên xiếc có đặc thù nghề nghiệp nhất định, đến tầm 45 tuổi là khó có khả năng làm việc nữa. Vậy có chính sách gì cho những nghề đặc thù như vậy?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Có thể nói bộ Luật Lao động 2019 đã có rất nhiều bổ sung và sửa đổi so với bộ Luật Lao động 2012, tiếp cận với những tiêu chuẩn của bộ Luật Lao động quốc tế. Quan hệ lao động là sự thỏa thuận, tự nguyện của cả 2 bên và được thực hiện dựa trên quyền của người lao động. Việc người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do nhằm đảm bảo trên quyền của người lao động được tự do làm việc. Người lao động muốn nghỉ cần phải đảm bảo thời gian báo trước cho chủ sử dụng lao động để đơn vị đảm bảo kế hoạch sản xuất của mình.
Đối với trường hợp của anh là ngành nghề đặc thù, trong quá trình đào tạo, đơn vị có thể thỏa thuận với người lao động về thời gian, chi phí đào tạo để có thể giữ chân người lao động. Việc giữ chân đó không chỉ dựa trên quy định của pháp luật mà còn là chế độ đãi ngộ riêng của doanh nghiệp trong việc tạo dựng môi trường làm việc thích hợp cho người lao động.
Chị Lê Thị Ngọc Anh (Công ty Thoát nước Hà Nội) đặt câu hỏi |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với câu hỏi thứ 2, ngành ngề của anh là ngành đặc biệt, được xếp vào ngành nghề nặng nhọc độc hại. Đối với những lao động có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc độc hại, suy giảm khả năng lao động 61% sẽ không quy định về tuổi đời nghỉ hưu. Do vậy lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với ngành nghề nặng nhọc độc hại sẽ không có nhiều thay đổi.
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân bổ sung: Theo điều 169 của bộ Luật Lao động 2019 đã có khoản 3 là người lao động bị suy giảm khả năng lao động sẽ giảm tuổi nghỉ hưu thấp hơn so với người lao động làm ngành nghề bình thường. Như ngành xiếc của anh đương nhiên sẽ được thấp hơn so với người lao động ngành nghề khác, thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.
Chị Trần Thanh Hương- giáo viên trường mầm non 8/3: Xin chuyên gia cho biết cách tính lương cho giáo viên đã được xét thăng hạng giáo viên mầm non hạng III lên II, giáo viên mầm non hạng IV lên III? Nếu chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ tính lương như thế nào? Nếu đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ tính lương như thế nào? Nếu tổng hệ số lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ngạch cũ lớn hơn bậc cuối trong ngạch mới sẽ được tính lương như thế nào?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền |
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Hiện nay, việc xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức theo thông tư số: 02/2007/TT-BNV của Bộ Nội vụ ngày 25/05/2007.
Theo đó, ở khoản II – Cách xếp lương mục 1. “Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức quy định cụ thể như sau: a) Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau:
Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.
b)Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
c) Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm nhiên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ.
Anh Đỗ Văn Hùng (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) đặt câu hỏi |
Thời gian hưởng lương ở ngạch mới (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Hệ số chênh lệch bảo lưu tại điểm c này (tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới.
Sau đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng ngạch hoặc chuyển ngạch khác, thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm nhiên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm khi nâng ngạch hoặc chuyển ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn KCC Hà Nội Plaza: Theo điều 42 của Bộ Luật Lao động, khi thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này. Xin hỏi: “Nhiều người lao động” ở đây Luật xác định là bao nhiêu? Từ 2 người trở lên bị ảnh hưởng hay có 1 con số cụ thể nào khác không? “Phương án sử dụng lao động” bao gồm biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án, kể cả phương án chấm dứt hơp đồng lao động với 1 số người lao động trong công ty.
Tuy nhiên quỹ dùng cho việc thanh toán chế độ khi chấm dứt Hợp đồng lao động cho các năm thực tế là khác nhau nếu thay đổi cơ cấu, thay đổi công nghệ, hoặc vì lý do kinh kế xảy ra liên tiếp năm này sang năm kia. Trong trường hợp người lao động đòi hỏi quyền lợi ít nhất là bằng hoặc cao hơn so với thực tiễn doanh nghiệp có thể đáp ứng, hoặc khi người lao động biết rằng gói thanh toán của mình không bằng những năm trước, người lao động có thể sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thanh toán các khoản lợi ích khi chấm dứt Hợp đồng lao động. Vậy trong trường hợp này người sử dụng lao động sẽ cần làm gì để thực hiện được việc cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động?
Chị Trần Thị Thanh Hương (Trường Mầm non 8/3) đặt câu hỏi |
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Việc thay đổi cơ cấu tổ chức ảnh hưởng đến việc làm, nguy cơ mất việc làm từ 2 người trở lên thì người sử dụng lao động phải xây dựng kế hoạch phương án sử dụng lao động được quy định tại điều 44 Bộ Luật Lao động. Đối với những quy định trợ cấp mất việc làm, tiền trợ cấp mất việc làm phải đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động, dù có quỹ hay không thì vẫn phải đảm vào trả trợ cấp cho người lao động. Tiền này được hoạch toán vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Còn nếu có quỹ thì tuỳ thuộc vào ngân sách phúc lợi, phụ thuộc nguồn tài chính của doanh nghiệp, khoản này có quyền được cao hơn luật, công đoàn luôn đứng về phía người lao động và sẽ đảm bảo quyền lợi phù hợp nhất và cao nhất cho người lao động.
Chị Đinh Kim Thu – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đoàn Kết: Theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về ban hành chính sách cải cách tiền lương thì từ năm 2021 sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Vậy đối với những giáo viên đã làm lâu năm trong ngành thì khi cắt thâm niên và trả lương theo vị trí việc làm như vậy thì lương có bị thay đổi nhiều không? Giáo viên có được hưởng phụ cấp nữa không?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Tôi xin trao đổi về các nội dung liên quan đến giáo viên các trường công lập. Ở đây, chị có ý kiến về Nghị quyết 27, việc thực hiện cải cách tiền lương đối với giáo viên công lập hiện nay chưa thực hiện, do vậy chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, với những giáo viên được biên chế việc hưởng lương vẫn bình thường không có sự thay đổi gì.
Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa tặng quà cho công nhân viên chức lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Bạn đọc hỏi: Tôi là giáo viên, được biết từ 1/7/2020 bỏ biên chế suốt đời, việc bỏ biên chế như vậy sẽ thay bằng hình thức hợp đồng như thế nào, chế độ có gì thay đổi không? Từ 1/7 bên cạnh việc nâng ngạch sẽ có xét nâng ngạch, đối tượng nào thì được xét nâng ngạch?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Khi Luật viên chức 58/2010 quy định khi tuyển dụng viên chức nói chung và viên chức giáo viên phải ký hợp đồng làm việc, hợp đồng làm việc có 2 hình thức: xác định thời hạn, sau khi hoàn thành hợp đồng xác định thời hạn sẽ thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (gọi nôm na là biên chế suốt đời). Tuy nhiên hiện nay Luật sửa đổi của Luật cán bộ công chức, viên chức có quy định viên chức tuyển dụng sau ngày 1/7/2020 thì thực hiện hợp đồng xác định thời hạn.
Đối với giáo viên: luật giáo dục năm 2019 quy định nhà giáo được xếp lương dựa vào vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, do đó nhiều người thắc mắc chế độ đang hưởng hiện nay như phụ cấp đứng lớp, thâm niên nghề sẽ thay đổi như thế nào.
Ngày 16/6/2020, Hà Nội nhận được văn bản 820 của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trong văn bản trả lời của Cục Nhà giáo có khẳng định hiện nay các chính sách tiền lương, phụ cấp của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Như vậy, hiện nay khi Chính phủ chưa quy định về chế độ tiền lương trong đó có chế độ phụ cấp thâm niên, thì các anh, chị trong tháng 7 vẫn tiếp tục thực hiện như cũ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (Công ty TNHH KCC Hà Nội Plaza) đặt câu hỏi |
Về việc nâng ngạch, đối với công chức còn viên chức chỉ có khái niệm thăng hạng. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cán bộ công chức, viên chức quy định rất rõ các nội dung này. Trước kia chỉ có khái niệm thi nâng ngạch nhưng hiện nay đối với Luật sửa đổi thì có thêm khái niệm xét nâng ngạch. Đối với việc xét nâng ngạch quy định điều 45 của Luật cán bộ công chức cũ quy định nếu công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn điều kiện quy định tại điểm a,b,c:
a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật này;
b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;
c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi;
d) Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức.
thì được xét nâng ngạch công chức trong những điều kiện sau: Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận; Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội tặng quà cho công nhân viên chức lao động. |
Bạn đọc hỏi: Con tôi hết 6 tuổi hưởng bảo hiểm y tế trẻ em thì có được tính là bảo hiểm 5 năm liên tục không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Quy định về quyền lợi bảo hiểm y tế 5 năm liên tục là ở bất kỳ thời điểm nào, tuổi nào nếu người tham gia bảo hiểm tham gia liên tục và không có thời gian ngắt quãng 3 tháng thì đều được tính quyền lợi bảo hiểm xã hội 5 năm liên tục. Do đó, con bạn đã tham gia bảo hiểm y tế trẻ em liên tục thì vẫn được tính quyền lợi này.
Tôi xin mở rộng ra, người lao động lưu ý nếu bất cứ vì lý do gì đó mà bị ngắt quãng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì nên chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đảm bảo không có thời gian ngắt quãng 3 tháng, từ đó có thể hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội 5 năm liên tục.
Bạn đọc hỏi: Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao lâu sẽ được hưởng lương hưu?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đủ từ 15 tuổi được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất (khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). So với chế độ Bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Tuy nhiên, với chế độ này, người tham gia có thể đảm bảo cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc. Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay bắt buộc thì đều phải tham gia 20 năm mới được hưởng lương hưu.
Chị Đinh Kim Thu (Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đoàn Kết) đặt câu hỏi |
Chị Trần Thị Hương - Công ty thoát nước Hà Nội: Người lao động đi làm ngày lễ tết có được bố trí nghỉ bù không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Chúng tôi được biết các người lao động tại các đơn vị luôn luôn muốn có ngày nghỉ bù. Tuy nhiên theo bộ Luật Lao động không có điều khoản quy định ngày nghỉ bù. Chỉ có quy định người lao động làm việc trong giờ quy định và làm việc ngoài giờ bổ sung trong các dịp Lễ, Tết sẽ được hưởng mức lương cao hơn. Ngày nghỉ bủ dựa trên sự tự thỏa thuận giữa người lao động và chủ sở hữu lao động với nhau.
Chị Hoàng Thị Hằng - Chủ tịch công đoàn trường mẫu giáo Bạch Mai: Xin chuyên gia cho biết, theo Bộ Luật lao động 2019 có tăng tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non không?
Buổi giao lưu còn có sự tham dự của hơn 200 cán bộ công đoàn và người lao động trực thuộc Liên đoàn Lao động quận Hai bà Trưng… |
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Tuổi nghỉ hưu liên quan đến quá trình công tác của cán bộ công chức và người lao động, khi Bộ Luật 2019 sửa điều 169 về tuổi nghỉ hưu có quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình chậm 5 tuổi đối với nữ, 2 tuổi đối với nam, cho đến 2028 nam là 62, nữ đến năm 2035 nghỉ hưu ở tuổi 60. Lộ trình này tương đối dài để cho sức khỏe của người lao động có thể thay đổi, tuy nhiên khi nghiên cứu khoản 3, của điều 169 có quy định 2 điều kiện người lao động được giảm tuổi thấp hơn so với người lao động bình thường đó là người lao động bị suy giảm khả năng lao động (bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên), người lao động có thời gian làm việc ở khu vực nặng nhọc, độc hại hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nếu giáo viên không nằm trong danh mục của Bộ Lao động về việc là ngành nghề nặng nhọc, độc hại thì đương nhiên sẽ nghỉ hưu như người lao động bình thường.
Ngoài ra còn có một số ngành nghề lao động nặng nhọc khác như gác tàu, công nhân lao động nữ trong ngành dệt may, da dày, chế biến thủy, hải sản. Khi tham gia vào Nghị định quy định độ tuổi nghỉ hưu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lấy ý kiến của công đoàn ngành giáo dục, cũng như của giáo viên mầm non, đã có công văn số 591 ngày 17/6 để tham gia với Chính phủ đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nặng nhọc để có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, tuy nhiên việc tiếp thu, cụ thể hóa các nội dung của khoản 3, điều 169 của Bộ Luật Lao động theo như nguyện vọng của giáo viên, ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như phụ cấp, thời gian làm việc…
Chị Đỗ Thị Thúy Liên - Công ty Trách nhiệm hữu hạn ESOFT Vietna hỏi: Điều 118 Bộ Luật Lao động 2019 có quy định một số nội dung phải đưa vào nội quy lao động của doanh nghiệp là Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Quy định này khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong thực hiện xử lý bởi vì trên thực tế hành vi quấy rối tình dục là hành vi xảy ra ít người được biết và không có bằng chứng. Xin các chuyên gia có những lời khuyên hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp trong thực hiện quy định này?
Chuyên gia Hồ Thi Kim Ngân: Bộ Luật Lao động 2019 lần đầu tiên đưa ra nội dung phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào nội quy lao động, nhằm đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động. Trước đó, vào năm 2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã phối hợp ban hành bộ quy tắc ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trong đó có quy định rất rõ về khái niệm và các hình thức quấy rối tình dục, khuyến nghị ban hành nội quy, quy chế phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Các quy định tại Bộ Quy tắc ứng xử này được tham khảo từ các chuyên gia quốc tế và có sự phối hợp bàn bạc soạn thảo từ 3 bên. Bạn có thể tham khảo Bộ Quy tắc này để áp dụng xây dựng nội quy cho doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi là Luật nhằm để phòng chống chứ không phải là chờ vụ việc xảy ra để xử lý, vì thế việc đưa vào nội quy lao động là để nâng cao nhận thức của cả người sử dụng lao động và người lao động về hành vi này từ đó chủ động phòng chống, tạo môi trường làm việc an toàn.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Kim Dung tặng quà cho công nhân viên chức lao động. |
Chị Nguyễn Thị Xuân - Công ty trách nhiệm hữu hạn Trần Thành: Công ty tôi có sử dụng lao động là người dân tộc, họ đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Xin hỏi, công ty có phải đóng bảo hiểm cho người lao động không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Luật Bảo hiểm y tế quy định các thứ tự đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế trong đó, người lao động tham gia tại các đơn vị có chủ sử dụng lao động thuộc nhóm thứ nhất, nhóm thứ 2 do quỹ Bảo hiểm xã hội đóng đối với những người nghỉ hưu, nhóm thứ 3, thứ 4 thuộc nhóm đối tượng chính sách. Quy định theo thứ tự từng nhóm đối tượng đó, nếu người lao động đang có thẻ ở vùng dân tộc hoặc vùng khó khăn khi quay trở lại làm việc thì sẽ tham gia tại đơn vị chứ không thực hiện tham gia theo thẻ, bởi thẻ ở vùng khó khăn là thẻ miễn phí do ngân sách nhà nước cấp, còn thẻ sử dụng lao động do người lao động và chủ sử dụng lao động cùng phối hợp để nộp tiền Bảo hiểm y tế.
Theo quy định khi người lao động đến cơ quan thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia thì phải tham gia đầy đủ các chế độ từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Khi đơn vị lập danh sách báo tăng, đồng thời sẽ thông báo người lao động có thẻ thì lập tức trên phần mềm hệ thống sẽ cắt thẻ bảo hiểm y tế thuộc nhóm đối tượng chính sách để tăng theo nhóm đối tượng ưu tiên của Luật Bảo hiểm y tế.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Tin khác
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Hoạt động 22/11/2024 15:21
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 13:01
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 06:06
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Hoạt động 21/11/2024 15:49
Cụm thi đua số 4 triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên
Hoạt động 21/11/2024 14:15
Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu công tác truyền thông Công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 10:27
Nâng cao hiệu quả công tác nữ công công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp
Hoạt động 21/11/2024 08:42