Giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách liên quan đến người lao động và kiến thức chăm sóc sức khỏe sau Covid-19
Giao lưu trực tuyến: Đồng hành đảm bảo quyền lợi cho người lao động Đang Giao lưu trực tuyến: Giải đáp những vướng mắc về chế độ, chính sách cho người lao động |
Đến dự buổi Giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Lương Quang Thành - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Thị Tám - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh.
Các đại biểu tham dự buổi Giao lưu trực tuyến. |
Về phía Ban Tổ chức có bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Hoa - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh.
Buổi Giao lưu trực tuyến còn có đại diện các ban của LĐLĐ thành phố Hà Nội; LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của gần 300 đoàn viên, người lao động huyện Đông Anh.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội gồm: Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Phụ trách Trung tâm Ôxy cao áp Việt Nga.
08h40: Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, trên thực tế, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành chức năng thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thời điểm. Trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, không ít người lao động và cả người sử dụng lao động lại chưa cập nhật kịp thời. Điều này dẫn đến việc có lúc, có nơi, chính sách chưa được doanh nghiệp triển khai đầy đủ và quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Bởi vậy, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách pháp luật cho cả người sử dụng lao động và người lao động nắm rõ là hết sức cần thiết.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến. |
Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bình cũng cho hay, trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng người lao động bị nhiễm Covid-19 khá phổ biến, vấn đề chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sau khi mắc Covid-19 cũng là mối quan tâm của người lao động.
“Buổi Giao lưu trực tuyến “Chế độ, chính sách mới liên quan đến người lao động và kiến thức chăm sóc sức khỏe sau Covid-19” với khách mời là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chế độ, chính sách, y tế sẵn sàng trả lời những câu hỏi, những thắc mắc mà bạn đọc, đoàn viên, người lao động quan tâm. Tôi hy vọng và mong muốn các đoàn viên, người lao động sẽ không bỏ lỡ cơ hội quý được nghe giải đáp trực tiếp những điều mình đang thắc mắc”, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
08h50: Cũng tại buổi Giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh Nguyễn Văn Hoa cho biết, để thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong những năm qua LĐLĐ huyện Đông Anh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hoa - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh phát biểu tại buổi Giao lưu trực tuyến. |
Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật cho người lao động nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật để chủ động tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động.
Hàng năm, LĐLĐ huyện phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ thành phố Hà Nội và báo Lao động Thủ đô tổ chức tuyên truyền, đối thoại về chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), các chế độ chính sách đối với người lao động như việc làm, tiền lương, tranh chấp lao động, cổ phần hóa doanh nghiệp và quyền lợi người lao động cho cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS).
Nói về ý nghĩa của buổi Giao lưu trực tuyến, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh cho hay, chương trình hỗ trợ pháp lý, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, quyền và nghĩa vụ cho CNVCLĐ; kiến thức chăm sóc sức khỏe sau Covid-19. Từ đó, giúp cán bộ Công đoàn, CNVCLĐ và doanh nghiệp có thêm kiến thức để áp dụng vào thực tiễn tại cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, góp phần đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển.
09h00: Phát biểu chỉ đạo tại buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng ghi nhận, biểu dương sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của báo Lao động Thủ đô với các Công đoàn cấp trên cơ sở, trong đó có LĐLĐ huyện Đông Anh để tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho CNVCLĐ.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi Giao lưu trực tuyến. |
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đặc biệt đánh giá cao Ban Tổ chức đã rất linh hoạt, nhạy bén, lựa chọn các chủ đề giao lưu nóng, mới, liên quan mật thiết đến người lao động, như chủ đề về chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 tại buổi giao lưu lần này.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cũng đánh giá hoạt động giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp Công đoàn tổ chức chính là một một trong những kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả nhất.
Cho rằng các chế độ chính sách liên quan đến người lao động thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng đề nghị trong thời gian tới, báo Lao động Thủ đô tiếp tục phối hợp với các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức thêm nhiều buổi giao lưu trực tuyến để kịp thời cập nhật kiến thức pháp luật và nâng cao kiến thức mọi mặt cho người lao động.
09h10: Các chuyên gia giải đáp câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, NLĐ và bạn đọc
Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Đông Anh tặng hoa các chuyên gia. |
- Anh Trần Văn Tuấn (Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Tiên Dương): Xin chuyên gia giải đáp giúp mấy vấn đề sau: 1. Quyền lợi của Ban Chấp hành Công đoàn do kiêm nhiệm nên vẫn phải đảm bảo về cả chuyên môn, tuy nhiên khối lượng công việc nhiều nên quy định được hưởng 3 tiết quá ít để dành cho hoạt động Công đoàn, vậy có thể nghiên cứu bố trí thêm thời gian không?; 2. Trước khi những người lao động như phụ trách thư viện, bảo vệ trường… được hỗ trợ trợ cấp đặc thù, tuy nhiên, trợ cấp này hiện đã bị cắt, liệu có thể xem xét, hỗ trợ kinh phí thêm cho nhóm nhân viên này không?; 3. Thời gian qua, do Covid-19 nhiều ngành được hưởng BHXH hoặc quỹ thất nghiệp, đơn vị chúng tôi có được hưởng không?
- Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Cán bộ Công đoàn không chuyên trách thường có nhiều việc và kiêm nhiệm các nhiệm vụ của công đoàn. Chính vì thế, Luật Công đoàn 2012 quy định rõ sẽ đảm bảo điều kiện cho cán bộ Công đoàn và các điều kiện cho Công đoàn hoạt động. Quy định pháp luật giúp đảm bảo các điều kiện tối thiểu để giành thời gian cho công đoàn. Tuy nhiên, thực tế thời gian sẽ không đủ. Ở đây phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để đáp ứng song song các nhiệm vụ. Ở trường hợp của anh, khi sửa luật Công đoàn, chúng tôi sẽ ghi nhận và đề xuất thêm.
Về câu hỏi liên quan đến phụ cấp cho đội ngũ nhân viên, Bộ luật Lao động 2019 đã tiếp cận các tiêu chuẩn của Luật Lao động quốc tế, quan điểm của các bộ luật trước đây là phải bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, pháp luật lao động là phải bảo vệ cho cả người sử dụng và người lao động. Do đó, luật trao quyền và ở đây tổ chức Công đoàn phải có trách nhiệm thương lượng và thỏa thuận với chủ sử dụng lao động. Tôi đề nghị Công đoàn phản ánh và có thương lượng với người sử dụng lao động, tập hợp ý kiến để phản ánh với lãnh đạo nhà trường để có phương án tối ưu nhất.
Anh Trần Văn Tuấn – Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Tiên Dương đặt câu hỏi. |
- Anh Hồ Xuân Tiến (Chủ tịch Công đoàn Công ty Xuất nhập khẩu Hà Anh): 1. Trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, tự điều trị ở nhà, xin hỏi những ngày ở nhà điều trị F0 có được hưởng lương, trợ cấp của đơn vị không?; 2. Xin chuyên gia tư vấn rõ hơn quy định mới về tranh chấp lao động và đình công trong Bộ luật Lao động 2019 và các thủ tục, chính sách cá nhân.
- Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân:
1. Khi bị Covid-19 điều trị tại nhà có được hưởng lương hay không là tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa đơn vị/doanh nghiệp và người lao động. Nếu người lao động trong quá trình bị F0 nhưng vẫn làm việc theo phân công của đơn vị tại nhà thì vẫn được hưởng lương bình thường.
Anh Hồ Xuân Tiến – Chủ tịch Công đoàn Công ty Xuất nhập khẩu Hà Anh 1 đặt câu hỏi. |
Còn trường hợp người lao động bị F0 muốn hưởng các chế độ của BHXH thì cần có giấy chứng nhận bị Covid-19 của chính quyền địa phương; còn nếu điều trị tại bệnh viện cần có giấy chứng nhận tại bệnh viện để nộp cho cơ quan BHXH.
2. Liên quan đến trường hợp tranh chấp lao động và đình công, khi có tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động thì cần hòa giải, nếu quá trình hòa giải không thành thì người lao động có thể phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không giải quyết được thì người lao động có thể khởi kiện trực tiếp ra tòa.
- Chị Tô Hương Lơ (Công ty cổ phần Môi trường và Đô thị Đông Anh): Trường hợp nào doanh nghiệp được quyền chấm dứt hợp đồng lao động và ngược lại; người lao động muốn chấm dứt Hợp đồng lao động thì thủ tục ra sao?
- Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Quyền và nghĩa vụ của người lao động trong hợp đồng lao động là nội dung được Bộ luật Lao động 2019 quy định rất rõ. Theo đó, trong thời gian Hợp đồng lao động vẫn còn hiệu lực, người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau:
Thứ nhất, người lao động thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ theo tiêu chí về hoàn thành nhiệm vụ mà cơ quan đã xây dựng trong quy chế và việc xây dựng, ban hành quy chế này có sự tham gia đóng góp ý kiến của Công đoàn và người lao động;
Chị Tô Hương Lơ - Công ty Môi trường đô thị Đông Anh đặt câu hỏi. |
Thứ hai, khi người lao động bị ốm đau, tai nạn, điều trị 12 tháng chưa khỏi (đối với hợp đồng không xác định thời hạn), điều trị 6 tháng liên tục mà chưa khỏi (đối với hợp đồng từ 1-3 năm) và nghỉ điều trị quá nửa thời gian trong hợp đồng dưới 12 tháng thì người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Tiếp theo là trường hợp người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau khi tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014; đặc biệt là trường hợp người lao động tự ý bỏ việc liên tục 5 ngày trở lên và trường hợp người lao động cung cấp thông tin không trung thực khi ký hợp đồng lao động… thì người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động.
Các chuyên gia trả lời câu hỏi tại buổi Giao lưu trực tuyến. |
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, người sử dụng lao động đều phải báo trước cho người lao động, cụ thể: Báo trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn (có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng); ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng…
Còn về phía người lao động khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì theo quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, người lao động không cần phải nêu lý do chấm dứt hợp đồng lao động mà chỉ cần thực hiện báo trước cho người sử dụng lao động, tùy theo từng loại hợp đồng ký kết: Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng. Nếu không thực hiện báo trước đúng quy định thì người lao động sẽ phải bồi thường cho doanh nghiệp.
- Bạn đọc hỏi: 1. Sau khi chồng tôi bị Covid-19 khỏi thì bị ngứa, khó chịu nhưng không bị nổi mề đay, vậy triệu chứng này là gì, cách chữa trị ra sao? Nguy cơ hậu Covid-19 ở trẻ em là như thế nào?
2. Hiện, lương khởi điểm của nhân viên nuôi dưỡng ở trường mầm non là 2.085.000/tháng, ngày làm 8 tiếng, không có thu nhập khác. Số tiền này rất ít, không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều nhân viên đã và đang muốn bỏ việc. Có chính sách nào hỗ trợ thêm cho nhân viên nuôi dưỡng thuộc hợp đồng 68 không?
3. Xin chuyên gia cho biết hiện nhân viên nuôi dưỡng có được hưởng các chế độ độc hại không? Có chính sách nào hỗ trợ không?
- Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Nguy hiểm của Covid-19 khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, gây ra nhiều phản ứng viêm của cơ thể, từ đó nảy sinh các chất trung gian, chất độc. Tuy nhiên, ở nhiều người tình trạng các chất độc quá nhiều, nên dễ dẫn đến biểu hiện như ngứa, nổi mề đay. Để xử lý, tôi khuyên bạn đến các cơ sở y tế gần nhất để có hướng điều trị. Về lâu dài, bản thân chị và người xung quanh cần quan tâm đến sức khỏe, tăng cường vận động nhẹ nhàng, không nên ăn kiêng, đảm bảo giấc ngủ tốt.
Ngoài ra, không nên trông chờ quá vào thuốc mà nên sử dụng các thực phẩm chức năng tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Bản thân tôi đã chứng kiến có bệnh nhân ngứa suốt nhiều tháng, tư tưởng bệnh nhân thoải mái, chăm chỉ luyện tập, hạn chế thực phẩm chiên, rán… tự dưng bệnh đỡ.
Nhắc đến nguy cơ hậu Covid-19 ở trẻ nhiều người tỏ ra hoang mang. Theo tôi, đây là nỗi sợ vô hình, tuy nhiên, ở trẻ thì không nên quá lo lắng. Cần bình tĩnh để xử lý. Khi con bị sốt liên tục, hạ sốt không đỡ, xuất hiện các triệu chứng liên quan đến thở và kém ăn… nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
- Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Về hợp đồng 68, hiện theo quy định của Luật Viên chức thì không còn các đối tượng theo hợp đồng 68 nữa. Hiện chỉ còn hợp đồng lao động và thực hiện theo Bộ luật Lao động 2019. Nếu các đơn vị vẫn ký hợp đồng 68 là không đúng. Và cần phải ký lại hợp đồng mới. Ở trường hợp này, người lao động cần thương lượng với chủ sử dụng lao động để ký hợp đồng mới. Và phải đảm bảo quyền lợi của người lao động theo hợp đồng lao động.
Đoàn viên công đoàn Trường Mầm non Kim Chung 1 đặt câu hỏi. |
Về câu hỏi liên quan đến ngành nghề độc hại, chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời: Về ngành nghề độc hại, trong quá trình làm việc, người lao động thấy rằng ngành nghề mình đang làm là độc hại thì cần tập hợp ý kiến, trình lên các cấp để từ đó có quy định liên quan. Từ quy định này lao động làm trong ngành nghề độc hại mới được hưởng các chế độ liên quan.
- Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân bổ sung: Hiện có nhiều công việc mới phát sinh, trong đó có quy định rõ danh mục các ngành nghề độc hại đang được hưởng các chế độ theo quy định. Các anh chị cần lấy đó để soi chiếu. Hiện chúng tôi cũng đang kiến nghị các danh mục ngành nghề độc hại nên bổ sung. Và cơ sở như của các anh chị cần phải đề xuất để chúng tôi ghi nhận, tập hợp và kiến nghị.
- Chị Vũ Thị Thanh Bình (Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Uy Nỗ): Xin chuyên gia cho biết sau khi bị Covid-19 tôi có bị mất ngủ thường xuyên, có dùng một số thuốc bổ não. Vậy tôi có nên dùng thuốc này hay không và sử dụng trong thời gian bao lâu?
- Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Thông thường những trường hợp sau mắc Covid-19 thường được mách dùng thuốc về tăng cường tuần hoãn não. Với những đối tượng sau khi bị Covid-19, đặc biệt là người có tuổi thường hay có triệu chứng bị mất ngủ kéo dài, khó ngủ, ngủ không ngon giấc… thì việc sử dụng thuốc tăng cường tuần hoàn não nguồn gốc thảo dược hợp lý sẽ rất tốt.
Chị Vũ Thị Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Uy Nỗ đặt câu hỏi. |
Mọi người cần phân biệt thuốc thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược và thuốc có nguồn gốc hóa chất (thuốc tây y). Đối với thuốc có nguồn gốc thảo dược sẽ tốt cho người sử dụng. Người sau khi bị Covid-19 nếu dùng thuốc có nguồn gốc thảo dược dùng thử mà hợp, thì nên sử dụng. Tuy nhiên, liều dùng bằng 1/2 khuyến cáo theo chỉ dẫn trên đơn thuốc.
Còn những loại thuốc dãn mạch có nguồn gốc hóa chất thì nên dùng trong khoảng 2-3 tuần là tốt. Sau đó nên chuyển sang dùng thuốc có nguồn gốc thảo dược.
- Một giáo viên Trường Tiểu học Võng La: Sau khi bị Covid-19, tôi thường xuyên bị hắt hơi, ngứa họng. Sau khi uống thuốc chỉ được 15 ngày lại tiếp tục bị lại. Xin hỏi chuyên gia việc uống thuốc kéo dài có nguy hiểm gì không? Xin chuyên gia cho lời khuyên về hướng điều trị triệt để.
- Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Sau khi bị Covid-19, một số người có tình trạng ngứa họng, ho khan kéo dài, hay ốm vặt, chữa được triệu chứng mấy hôm lại bị. Có mấy lý do của tình trạng này như sau: Khi vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ làm sức miễn dịch bị suy giảm, khả năng chống chọi bệnh tật kém.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Phụ trách Trung tâm ô xy cao áp Việt Nga trả lời câu hỏi về sức khỏe sau Covid-19 |
Bên cạnh đó, mặc dù đã khỏi Covid-19, nhưng những tổn thương do Covid-19 gây ra thì vẫn còn như những vết sẹo nhỏ gây kích thích đường thở. Từ những lý do trên, tôi cho rằng cái gốc của vấn đề là chúng ta phải tăng sức đề kháng của cơ thể.
Đối với những vấn đề về đường hô hấp và tiêu hóa, theo kinh nghiệm của tôi, những người không bị nóng có thể dùng nước ấm pha mật ong thêm chanh, quất, gừng, tỏi tùy theo sở thích vào mỗi buổi sáng sẽ rất tốt cho đường tiêu hóa và hô hấp nhưng cái này không áp dụng được với những người bị nóng.
Cùng với đó, chúng ta nên tăng cường vận động, tập thể dục vận động vùng cổ, tập khí công, vẩy tay… việc vận động sẽ làm tiêu tốn năng lượng của cơ thể, thúc đẩy việc lưu thông máu rất tốt cho sức khỏe.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa – Trường THCS Mai Lâm đặt câu hỏi. |
Chúng ta cũng cần tăng cường thải độc cơ thể bằng cách dùng các loại thuốc thảo dược bổ gan, sử dụng các thức ăn có chứa nhiều chất chống gốc tự do, ô xy hóa như các loại rau củ quả màu xanh đậm, đỏ, vàng, ít chế biến thì tốt.
Tôi cũng có kinh nghiệm là với các trường hợp dị ứng, hắt hơi, sổ mũi, dị ứng, ho khan kéo dài có thể dùng thuốc Theralene 5mg là thuốc chống dị ứng thế hệ cũ có tác dụng chống dị ứng, ho khan rất tốt, nhưng thuốc này gây buồn ngủ nên dùng vào buổi tối.
Tuy nhiên, tôi vẫn lưu ý rằng giải pháp tốt nhất không phải là dùng thuốc mà như tôi nói ở trên là chúng ta phải tăng cường vận động, thải độc và luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng.
- Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (đoàn viên công đoàn Trường THCS Mai Lâm): Với tình hình Covid-19 hiện nay, nhiều người cho là bình thường, một số gia đình có trẻ bị Covid-19 nhưng không khai báo vì không được hưởng lợi gì. Song cũng có trường hợp trẻ bị sốt, khi đưa đi cấp cứu bệnh viện yêu cầu phải có xác nhận của trạm y tế. Xin chuyên gia cho biết, khi các con có triệu chứng Covid-19 thì cần làm gì?
- Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Tôi xin trả lời vấn đề bạn hỏi theo khía cạnh chuyên môn. Thực tế, y tế cơ sở thời điểm Covid-19 bùng phát họ quá tải. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vì thế mà không khai báo, rất có thể sẽ bị ảnh hưởng đến quyền lợi sau này.
Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tham gia trả lời câu hỏi giao lưu |
Với các trường hợp trẻ bị Covid-19, lúc nào là tình trạng nguy hiểm hoặc diễn biến xấu, tôi nhấn mạnh bạn cần lưu ý trang bị máy đo, cồn, thuốc hạ sốt để chống co giật. Ngoài ra, biến chứng nặng Covid-19 ở trẻ thường ko nhiều, tập trung ở nhóm viêm phổi do sức đề kháng kém, bởi vật nên dùng máy đo nhịp thở của trẻ, nếu trẻ có dấu hiệu thở gấp, xanh tím… thì cần đưa đến cơ sở y tế. Nếu cơ sở y tế yêu cầu có xác nhận của trạm y tế, bằng mọi cách bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế đủ khả năng để điều trị ngay.
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung: UBND Thành phố đã giao Trung tâm y tế các quận/huyện quản lý F0 tại nhà. Tuy nhiên, khi bạn đăng ký với trung tâm y tế, họ sẽ có trách nhiệm xác định các luồng tuyến để phân vùng người bệnh. Nếu chúng ta không khai báo mà đưa thẳng lên viện sẽ dễ dẫn đến lây chéo, gây hậu quả lớn, bởi vậy chúng ta cần đăng ký với trung tâm y tế nếu chẳng may mắc Covid-19. Ngoài ra, theo quy định của thành phố, nếu bạn không đăng ký với trung tâm y tế sẽ không có giấy xác nhận để gửi tới cơ quan bảo hiểm, ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi.
- Chị Vương Thị Thu Huyền (Trường Mầm non Họa Mi): Nhà tôi có bé 2 tuổi bị Covid-19 cách đây 2 tháng, sau đó bị bệnh chân tay miệng, sau khi vào viện, bác sĩ cho xét nghiệm máu, chỉ số xét nghiệm cho thấy chỉ số bạch cầu cao và men gan cao bất thường. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ kê uống thêm vitamin và hạ sốt, vậy tôi xin bác sĩ tư vấn thêm về đơn thuốc vì tôi cảm thấy lo lắng vì chỉ số men gan của con khá cao.
- Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Đối với bé bị Covid-19 cách đây 2 tháng, sau đó bị chân, tay, miệng, đi khám bạch cầu tăng hơn 12 nghìn, men gan cao (AST66, ALT 54), như vậy là chỉ số bạch cầu tăng nhẹ. Bé có thể bị bội nhiễm do vi khuẩn. Phụ huynh nên đi xét nghiệm lại công thức máu và men gan. Nếu bạch cầu vẫn cao thì nên dùng kháng sinh. Và việc sử dụng thuốc kháng sinh loại nào sẽ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tham gia trả lời câu hỏi giao lưu. |
Còn về chỉ số men gan tăng cao của trẻ, hiện đang có căn bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, đã có trẻ tử vong. Bệnh viêm gan cấp tính chưa xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của ngành Y tế đang quan tâm, theo dõi và giám sát chặt chẽ. Đối với những trẻ khi mắc phải căn bệnh này có nhiều triệu chứng, trong đó có men gan cao.
Trường hợp này, trẻ men gan cao chưa quá đáng ngại. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, phụ huynh nên cho con đi khám lại tại các bệnh viện chuyên khoa. Nếu kết quả, chỉ số men gan của trẻ vẫn như vậy thì phụ huynh có thể yên tâm, chỉ cần chăm sóc, cho trẻ ăn uống đa dạng để tăng cường sức đề kháng.
- Anh Nguyễn Văn Sinh (Công ty cổ phần Nồi hơi Việt Nam): Tôi xin hỏi các chuyên gia một tình huống giả sử như sau: Công ty nợ bảo hiểm của người lao động 5 năm nay với lý do làm ăn khó khăn. Khi có một người lao động muốn nghỉ việc để tìm công việc khác, người đó đề nghị Công ty tách đóng bảo hiểm cho mình để đảm bảo quyền lợi khi nghỉ việc nhưng không được Công ty chấp nhận. Đề nghị của người lao động như vậy có hợp lý không? Công ty từ chối thực hiện là đúng hay sai?
Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh Nguyễn Văn Hoa tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tham gia trả lời câu hỏi giao lưu |
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hai năm vừa qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tình trạng nợ BHXH ở các doanh nghiệp là khá lớn. Việc tách đóng BHXH đã được quy định trong pháp luật nên việc người lao động đề nghị tách đóng BHXH để giải quyết quyền lợi nghỉ việc là đề nghị hợp lý. Riêng phía doanh nghiệp ngay từ khi nợ bảo hiểm của người lao động đã là sai quy định rồi và khi từ chối tách đóng BHXH thì tiếp tục là sai. Người lao động có quyền khiếu nại doanh nghiệp đã vi phạm quyền lợi của người lao động.
- Đại diện Công đoàn Trường THCS Vĩnh Ngọc: Tại một số cơ quan, khi cán bộ, nhân viên bị nhiễm Covid-19 sẽ được chế độ bảo hiểm. Xin các chuyên gia giải đáp rõ hơn các chính sách này, đặc biệt đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có được hưởng chính sách gì không?
- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với người lao động đóng BHXH nếu bị mắc Covid-19 sẽ được hưởng các chế độ được nghỉ ốm, con mắc Covid-19 thì bố mẹ được nghỉ chăm con ốm; chế dộ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe…
Chị Vương Thị Thu Huyền - Trường Mầm non Họa Mi |
Bên cạnh đó, nếu người bị mắc Covid-19 nghỉ việc để điều trị mà vẫn còn phép năm thì thời gian nghỉ việc này có thể được trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.
Ngoài ra, người lao động cũng nên theo dõi các chính sách mới của BHXH để có thể tự tham gia, đảm bảo quyền lợi của mình.
Phát biểu bế mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết, sau thời gian gần 3 giờ diễn ra Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chế độ, chính sách mới liên quan đến người lao động và kiến thức chăm sóc sức khỏe sau Covid-19”, Ban tổ chức đã nhận được gần 40 câu hỏi được người lao động quan tâm, như: Tiền lương, BHXH, thời gian làm việc, nghỉ ngơi và người lao động mắc Covid-19 được hưởng những chính sách hỗ trợ gì, điều kiện, thủ tục thụ hưởng ra sao, chăm sóc sức khỏe trong thời gian nhiễm bệnh và hậu Covid-19 như thế nào, phương cách chăm sóc khi trẻ nhỏ bị Covid-19.... Những vấn đề này đã được các chuyên gia tháo gỡ một cách thực tế, dễ hiểu. Tuy nhiên, do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô mong muốn công nhân lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc. “Do thời lượng có hạn nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu hôm nay, chúng tôi sẽ gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên báo Lao động Thủ đô. Bạn đọc có thể tiếp tục gửi các thắc mắc đến báo Lao động Thủ đô để chúng tôi gửi cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng”, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc nhấn mạnh. |
Bài viết cùng chủ đề
Tọa đàm, Giao lưu trực tuyếnCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay (22/11): Đồng USD tăng mạnh trên thị trường tự do
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 22/11: Gió Đông Bắc cấp 2 -3, đêm và sáng trời rét
Giá vàng hôm nay (22/11): Vàng trong nước và thế giới vẫn tiếp tục "leo thang"
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Tin khác
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 06:06
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Hoạt động 21/11/2024 15:49
Cụm thi đua số 4 triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên
Hoạt động 21/11/2024 14:15
Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu công tác truyền thông Công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 10:27
Nâng cao hiệu quả công tác nữ công công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Cụm thi đua số 1 thực hiện tốt công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể
Hoạt động 20/11/2024 18:50
LĐLĐ quận Long Biên trao 100 triệu đồng hỗ trợ xây nhà ở cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Hoạt động 20/11/2024 16:41
Thăm hỏi, tặng quà 18 giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Hoạt động 20/11/2024 16:23