Có một Sapa “nông nghiệp hóa”
Nhờ điểm đặc biệt này, mai cổ Sa Pa “hét” giá hàng chục triệu vẫn hút khách Ghé thăm “cao nguyên trắng” Bắc Hà |
Nhiều mô hình kinh tế đưa lại thu nhập ổn định cho người dân
Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, huyện Sa Pa ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển. Ở miền Bắc Việt Nam, lẽ ra phải mang khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhưng do nằm ở địa hình cao và gần chí tuyến nên Sa Pa có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, ôn đới, không khí mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15°C. Mùa hè, huyện Sa Pa không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13°C – 15°C vào ban đêm và 20°C – 25°C vào ban ngày.
Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được phát triển mạnh mẽ tại Sa Pa trong nhiều năm trở lại đây. (Ảnh: Lương Hằng) |
Tận dụng thế mạnh từ vị trí địa lý và khí hậu, người dân nơi đây đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Một trong những mô hình đã và đang đưa lại hiệu quả kinh tế cho người dân Sa Pa phải kể đến mô hình nuôi cá hồi tại xã Ngũ Chỉ Sơn. Để tìm hiểu sâu hơn về mô hình nuôi cá hồi của người dân nơi đây, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Châu A Chư - một trong những hộ gia đình bắt đầu khởi nghiệp với cá hồi từ hơn 1 năm nay. Để tới được trang trại nuôi cá hồi của gia đình anh Chư, chúng tôi phải vượt qua dãy núi đá cheo leo khá hiểm trở. Bể nuôi cá hồi của gia đình anh được thiết kế giữa lưng chừng đồi, phía trên là căn nhà gỗ nhỏ - nơi sinh sống của vợ chồng anh Chư cùng 2 con nhỏ.
Bên bếp lửa đang bập bùng, anh Chư rót tách trà nóng mời chúng tôi. Anh Chư cho biết, trước đây, do chưa có công việc ổn định nên anh thường đi làm thuê khắp nơi để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Công việc bôn ba vất vả không được gần vợ con nên một năm trước, anh đã bàn với vợ về xã Ngũ Chỉ Sơn để ổn định kinh tế gia đình từ loài cá hồi tiềm năng. Do gia đình vợ anh Chư đã nuôi cá hồi nhiều năm trước nên anh không quá lo lắng về kĩ thuật chăm sóc. Anh Chư kể, khó khăn nhất với anh trong những ngày đầu bắt tay vào việc nuôi cá hồi có lẽ là vốn mua giống và thức ăn cho cá. Để tiết kiệm chi phí, toàn bộ bể nuôi đều do anh tự đào, mỗi bể có chiều dài chừng hơn 5m, chiều rộng 3m chiều sâu chừng 1m; phía đáy bể được lót một lớp bạt để nước không bị thấm.
Quá trình nuôi cá hồi từ nhỏ đến lúc thu hoạch cũng mất khá nhiều thời gian. Để có một lứa cá hồi trưởng thành xuất đi các nhà hàng, bán cho khách du lịch, người nuôi phải mất hơn 1 năm. Cá hồi trưởng thành thường đạt cân nặng từ 1 - 1,5 kg, to nhất khoảng hơn 2 kg. Hiện tại, gia đình anh Chư đang nuôi khoảng 1.500 con cá hồi. Với mỗi lứa cá, tùy vào trọng lượng cơ thể mà chế độ ăn và chế độ chăm sóc cũng có sự khác biệt, người nuôi phải thường xuyên quan sát để phát hiện những bệnh lạ xuất hiện và có giải pháp khắc phục kịp thời.
Không chỉ ổn định kinh tế từ cá hồi, nhờ sự định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương, những ngọn đồi trọc tại một số xã như Ô Quý Hồ; Ngũ Chỉ Sơn đã khoác lên mình lớp áo xanh mướt. Màu xanh không phải từ các loại cây lấy gỗ mà chính là những giàn su su đang cho ngọn và quả non mơn mởn. Điểm khác biệt của su su Sa Pa so với su su các địa phương khác ở chỗ quả su su Sa Pa có vị ngọt thanh, mùi thơm, thịt chắc và màu xanh sáng, rất đẹp mắt. Đây cũng là đặc điểm nổi trội khiến su su Sa Pa luôn được săn đón, giá cả được duy trì ổn định.
Trồng su su tới nay đã có trên 6 năm kinh nghiệm, bà Tẩn Thị Mẩy, dân tộc Dao tại xã Ngũ Chỉ Sơn nắm rõ từng công đoạn trồng cũng như chăm sóc loại rau đặc sản này. Theo bà Mẩy, su su thường được trồng khoảng thời gian gần Tết, nếu như su su tại các địa phương khác chỉ cho thu hoạch được một vụ thì su su ở đây có thể thu quanh năm, tuổi thọ trung bình của mỗi gốc su su cũng được từ 2 tới 3 năm. Bà Mẩy cũng cho biết, nhà bà hiện có khoảng trên 80 gốc su su đang cho thu hoạch. Trung bình, với mỗi cân su su khi cân bán tại vườn cho các thương lái rơi vào chừng 15.000 đồng/kg. Trong quá trình trồng su su gia đình bà khá vất vả vì phải leo trèo thường xuyên, thế nhưng, thu nhập ổn định từ su su đã trở thành nguồn động lực để gia đình vượt mọi khó khăn.
Cùng với những mô hình kinh tế trên, một số xã trên địa bàn huyện Sa Pa cũng phát huy thế mạnh của một số cây trồng. Theo đó, hiện tại, Sa Pa đang tập trung phát triển các mô hình trồng hoa địa lan; mô hình trồng rau an toàn; mô hình cây dược liệu và mô hình trồng cây ăn quả. Các cây trồng trên đều đã và đang đưa lại nguồn thu nhập cao, đưa lại cuộc sống ổn định cho người dân.
Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Không chỉ được đầu tư phát triển về du lịch, khoảng 5 năm trở về đây, huyện Sa Pa cũng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tới Sa Pa, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những mô hình kinh tế được đầu tư về khoa học kỹ thuật. Tận dụng thế mạnh của tự nhiên và khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, các sản phẩm khi tới với người tiêu dùng đều được đánh giá cao về chất lượng.
Mô hình trồng su su tại xã Ngũ Chỉ Sơn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đưa lại nguồn kinh tế ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. (Ảnh: Lương Hằng) |
Với khí hậu mát mẻ quanh năm, các nhà đầu tư đã mạnh dạn đầu tư phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao. Có những loại cây hoa trước đây chưa từng xuất hiện tại vùng núi, thế nhưng, khi trồng tại huyện Sa Pa lại sinh trưởng và phát triển tốt. Rời quê cùng người thân lập nghiệp tại huyện Sa Pa đến nay đã được hơn 4 năm, anh Nguyễn Văn Cường (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đã tích lũy cho mình vốn kinh nghiệm dày dặn trong việc trồng cây cảnh.
Đưa chúng tôi tham quan vườn cây, hoa giống đang được trồng trong nhà lưới, anh Cường cho biết, năm đầu trồng hoa, hai chú cháu chỉ dám trồng thử nhiệm trên diện tích nhỏ với những loài hoa dễ chăm sóc. Về sau, khi đã nắm bắt được kĩ thuật trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh ở miền núi cao, khu vực nhà màng được mở rộng diện tích hơn, các loại hoa từ đó mà trở nên đa dạng.
Do trồng được các loài hoa ưa lạnh ngay cả trong mùa hè nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm không quá khó khăn. Phần lớn các loại cây đều được các thương buôn đặt trước, số lượng hoa được bán lẻ ra ngoài không nhiều. “Từ khi trồng hoa ở Sa Pa, hiệu quả kinh tế mang lại khá ổn định. Làm hoa ở đây mùa hè dễ làm hơn ở quê nhiều, trong khi đó giao thông vận tải đi lại thuận tiện nên các thương buôn ở dưới xuôi lên mua khá nhiều, hoa đẹp và được giá” – anh Cường cho hay.
Cũng giống như anh Cường, ông Ngô Văn Họa (tỉnh Thái Bình) cũng đã có 5 năm gắn bó với xã Ngũ Chỉ Sơn. Hiện tại, ông Họa đang quản lý hơn 1ha dâu tây được trồng trong mô hình nhà lưới. Theo ông Họa, giống dâu tây được trồng tại vườn là loại dâu tây Đà Lạt cho năng suất cao. Dâu được trồng và chăm sóc khoảng 3 tháng sẽ cho thu hoạch, nếu chăm tốt sẽ cho thu hoạch liên tục từ 1 tháng tới 1,5 tháng. Do được trồng, chăm sóc, thu hoạch với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên dâu tây ở đây bán rất được giá, mỗi cân dâu tây sau khi vận chuyển về Thủ đô được bán với giá gần 400 nghìn đồng/kg.
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã đưa lại thu nhập ổn định cho người dân. Có những diện tích trồng hoa ly, hoa lan đã cho thu nhập lên đến cả tỷ đồng, hoặc như việc trồng rau xanh cũng mang lại cho nông dân đến vài trăm triệu đồng/ha canh tác trong một năm. Không thể phủ nhận những hiệu quả từ việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đưa lại, thế nhưng để có thể phát triển bền vững, huyện Sa Pa cần quan tâm xây dựng mối liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất. Mối liên kết này được thực hiện trên cơ sở: Người dân có đất, sức lao động; doanh nghiệp có vốn, khoa học và công nghệ; chính quyền có cơ chế, chính sách hợp lý. Có như vậy, huyện Sa Pa mới có thể thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp tới đầu tư, phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cần vốn đầu tư lớn./.
Lương Hằng
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Du lịch 22/11/2024 18:57
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Hợp tác, liên kết du lịch giữa 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận
Du lịch 22/11/2024 16:59
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22