Có bệnh nền, đừng chủ quan khi mắc thủy đậu
Cần đề phòng những biến chứng Cảnh báo biến chứng nguy hiểm do bệnh Thủy đậu |
Hậu quả khôn lường
Đơn cử, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị khá nhiều ca mắc thủy đậu. Đáng tiếc, có ca đã tử vong khi mới 32 tuổi. Chia sẻ về ca mắc thủy đậu này, Phó Giáo Sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Qua khai thác bệnh sử thì đây là một thanh niên khỏe mạnh. Tuy nhiên, chỉ sau 4 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân đã tử vong. Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân cung cấp, bệnh nhân mắc thủy đậu do trước đó con trai của bệnh nhân bị thủy đậu và vừa được điều trị khỏi vài ngày.
Các cha mẹ cần đến cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em, người có bềnh nền không nên chủ quan (Ảnh minh họa tiêm vắc xin cho trẻ em). |
Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện những nốt phỏng trên trán, rồi lan xuống ngực. Bệnh nhân có đến phòng khám tư khám và cho thuốc điều trị nhưng không rõ mắc bệnh gì. Hai ngày sau bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt, khó thở và được nhập bệnh viện tỉnh điều trị. Sau hai ngày điều trị bệnh diễn tiến nặng hơn nên bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả chẩn đoán tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân mắc thủy đậu, có biến chứng viêm phổi nặng, suy gan cấp, rối loạn đông máu… Chưa đầy 12 giờ nhập viện, các triệu chứng tiến triển rất nhanh, bệnh nhân sốt cao liên tục, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, viêm cơ tim, rối loạn ý thức và đã tử vong. Ngoài trường hợp này, Trung tâm Bệnh nhiệt đới còn tiếp nhận 2 nữ bệnh nhân khá nặng, hiện vẫn đang điều trị, trong đó một phụ nữ mang thai, người còn lại có tiền sử dùng thuốc corticoid (thuốc chống viêm).
Theo bác sĩ Cường lý giải, với người khỏe mạnh mắc thủy đậu, sau 1-2 tuần điều trị sẽ khỏi. Tuy nhiên, với những người có cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc người có bệnh nền dùng các thuốc ức chế miễn dịch, khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm não, suy đa phủ tạng... Điều đó gióng lên hồi chuông cảnh báo để mọi người không nên chủ quan, cần biết cách phòng ngừa và nhận diện sớm dấu hiệu của bệnh.
Tiêm vắc xin phòng bệnh hiệu quả
Bác sĩ Cường cũng cho biết: Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do vi rút Varicella zoster (VZV) gây ra, bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp. Do đó, đa số trường hợp người khỏe mạnh nhiễm thủy đậu là do tiếp xúc với người bệnh thông qua không khí như hít phải những giọt nước bọt bắn ra ngoài khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hay tiếp xúc chất dịch từ mụn nước. Bệnh thường gặp ở trẻ em, hoặc ở người trưởng thành nếu chưa được tiêm phòng vắc xin. Người lớn nếu không có miễn dịch khi tiếp xúc với người bệnh cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 90% người chưa có miễn dịch thủy đậu sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với người bệnh. Bệnh thủy đậu có thể lây nhiễm trong khoảng thời gian từ 1 - 2 ngày trước khi xuất hiện mụn nước, cho đến lúc các mụn nước khô lại và bong tróc vảy. Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn có thể lây truyền từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây sau khi sinh nở.
Thời gian ủ bệnh thủy đậu thường từ 2 đến 3 tuần. Sau ủ bệnh, bệnh bắt đầu giai đoạn khởi phát với những biểu hiện của thủy đậu thường gặp như: Sốt, đau đầu, mệt mỏi, phát ban. Ở giai đoạn toàn phát, triệu chứng thường là sốt cao, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ. Điển hình là xuất hiện những mụn nước với đường kính 1 - 3 mm xuất hiện toàn thân, tập trung nhiều ở mặt, thân mình rồi lan ra toàn thân, thậm chí xuất hiện cả trong niêm mạc miệng, gây ngứa rát, khó chịu cho người bệnh.
Nếu không có biến chứng, giai đoạn hồi phục bệnh thủy đậu thường sau 7 - 10 ngày. Khi đó, các vết mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, da thâm và khỏi lâu sẽ trở lại bình thường không để lại sẹo. Trong giai đoạn này, việc vệ sinh cơ thể cần đặc biệt chú trọng, tránh để nhiễm trùng nốt phỏng dẫn đến sẹo. Trong những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn. Khi nhiễm trùng, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị thuỷ đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sảy thai, hoặc khi sinh ra trẻ có thể mắc một số dị tật bẩm sinh.
Bởi vậy, bác sĩ Cường nhấn mạnh: Các bệnh nhân có miễn dịch yếu, đang dùng thuốc corticoid, thuốc điều trị ung thư, đang xạ trị khi mắc thủy đậu sẽ dễ chuyển nặng và biến chứng. Ngoài ra, với những trường hợp khỏe mạnh cũng không nên chủ quan. Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Theo Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống vi rút thuỷ đậu là Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm trong những ngày đầu thì mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, dùng thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, bôi các dung dịch sát khuẩn làm se các nốt phỏng tránh bội nhiễm (xanh methylen), vệ sinh thân thể tránh các biến chứng bội nhiễm, không cần phải kiêng cữ nhiều (kiêng gió, kiêng nước,...). Điều quan trọng là người bệnh cần phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như corticoid.
Cách phòng ngừa bệnh thuỷ đậu hiệu quả hiện nay là tiêm phòng vắc xin. Trẻ có thể bắt đầu tiêm phòng từ 12 tháng tuổi hay bất kỳ ở lứa tuổi nào sau đó khi có điều kiện. Đối với phụ nữ, khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất là 3 tháng. “Hiện vắc xin phòng bệnh rất sẵn, trẻ nhỏ, người lớn hoàn toàn có thể tiêm phòng theo hướng dẫn. Tuy nhiên, có thể vì chủ quan nên nhiều người trì hoãn không tiêm, điều này là rất nguy hiểm”, bác sĩ Cường cảnh báo thêm.
Minh Khuê
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Chuyển đổi số 23/12/2024 20:14
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Giáo dục 23/12/2024 16:44
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Y tế 23/12/2024 16:40
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Giáo dục 22/12/2024 20:16
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20