Chuyện cô giáo người Mường
Cô giáo hết lòng vì học sinh Chuyện cô giáo 27 năm gắn bó với nghề “ươm mầm tương lai” |
Giáo viên top 10 toàn cầu
Trò chuyện với cô giáo Hà Ánh Phượng (29 tuổi), cô giáo người Mường vừa được tổ chức Varkey Foundation bình chọn là một trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự tự tin và bản lĩnh toát ra từ nữ giáo viên còn rất trẻ.
Lớp học được bố trí “phi truyền thống” của cô giáo Hà Ánh Phượng (Ảnh: Thúy Nga) |
Trong mỗi tiết học, cô Phượng đóng vai trò là người điều phối, học sinh quay mặt vào nhau, ngồi theo từng nhóm thảo luận sôi nổi. Trên màn chiếu, những bạn bè ngoại quốc tương tác trực tiếp với học sinh. Nhìn cách các em trò chuyện và tự tin trao đổi bằng tiếng Anh, ít ai nghĩ đây lại là lớp học của một ngôi trường miền núi Phú Thọ với hơn 80% học sinh là người dân tộc Mường. Đây cũng chính là điều “kỳ tích” mà không ai dám tin vào thời điểm 2 năm về trước, kể cả cô Phượng.
Cô Phượng kể, trước khi xây dựng được những lớp học đặc biệt như vậy, cô giáo trẻ đã phải nỗ lực rất nhiều. Sinh ra và lớn lên từ vùng quê Yên Lập, một huyện nghèo của tỉnh Phú Thọ, nhà đối diện một trường học, ngay từ bé cô Phượng đã thích trở thành giáo viên. Bằng sự tự học và quyết tâm ngay khi còn trên ghế nhà trường, cô Phượng thi đỗ vào Trường Đại học Hà Nội. Sau đó tốt nghiệp đại học và thạc sĩ loại ưu cũng tại chính ngôi trường này. Rời khỏi giảng đường, mặc dù được một công ty nước ngoài mời về làm giám đốc đại diện với mức lương ngàn đô, nhưng cô Phượng vẫn quyết định trở về quê hương làm một cô giáo dạy trường làng.
Hơn ai hết, từng là học sinh nội trú, cô Phượng thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với tiếng Anh. Ngày nói ra quyết định của mình, cô Phượng nhớ như in sự ngạc nhiên của bạn bè, những lời can ngăn của mọi người xung quanh: “Rất nhiều người khuyên ngăn tôi lúc đó, có người bảo tôi điên. Cô bán bún đậu ở cổng trường nói với tôi rằng chắc gì người dân tộc đã biết nói tiếng Kinh, tôi về đó thì dạy Tiếng Anh cho ai. Bạn bè tôi thì bảo, nếu về, tôi tụt hậu là cái chắc”.
Tuy nhiên, trong thâm tâm của mình, cô Phượng lại cho rằng, việc ở nông thôn hay thành phố, đó đều không phải là rào cản. Với giáo viên, việc ngừng học mới chính là sự tụt hậu. “Người ta vẫn nghĩ người dân tộc thiểu số học Tiếng Anh là bất lợi nhưng tôi luôn có niềm tin vào các em học sinh của mình. Bởi ngay từ khi sinh ra các em đã là những đứa trẻ đa ngôn ngữ do học cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc mình. Vì vậy, việc học thêm một ngôn ngữ nữa là lợi thế chứ không phải là bất lợi”- cô Phượng cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi việc trở thành một giáo viên toàn cầu, cô Phượng chỉ cười và khẳng định bản thân mình chỉ là một giáo viên bình thường bước ra từ vườn chuối. Đây không phải là cách nói ví von mà xuất phát từ câu chuyện có thật. Đó là một buổi sinh hoạt chuyên môn xung quanh mô hình lớp học xuyên biên giới, do nhà bị mất điện nhưng không muốn dang dở sự kết nối, cô Phượng đành ra ngồi ở vườn chuối “bắt ké” Internet nhà hàng xóm để có thể tiếp tục giao lưu với thầy cô khắp địa cầu. “Từ “vườn chuối” nhà mình tôi thật sự thấy được thế giới gần hơn”, cô Phượng chia sẻ. Mong muốn học sinh của mình cũng được nhìn thấy thế giới ngoài kia rộng lớn, trong mỗi tiết dạy của mình, cô Phượng luôn cố gắng khiến học trò được “sống tự nhiên” trong ngôn ngữ mới. Đồng thời tạo ra động lực trong sâu thẳm các em, rằng phải học để thay đổi cuộc đời. Học để vươn ra thế giới và học để trở thành những công dân toàn cầu.
Những “tiết học xuyên biên giới”
Quay trở về quê hương với những tiết học vượt ra ngoài những bức tường, cô Phượng luôn tâm niệm “Anh ngữ là sinh ngữ”, học ngoại ngữ phải có môi trường mới hiệu quả được. Vì vậy, cô Phượng đã lên mạng tìm kiếm và kết nối. Năm 2018, khi tham gia một cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin của Bộ Giáo dục và đào tạo, cô Phượng biết tới Diễn đàn giáo dục toàn cầu của Microsoft - nơi cộng đồng giáo viên trên khắp thế giới cùng thiết kế bài học, chia sẻ chuyên môn và hỗ trợ lẫn nhau. Điều này khiến cô Phượng vô cùng hào hứng.
Cô Phượng với những tiết học xuyên biên giới (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Bằng cách tham gia vào cộng đồng giáo viên toàn cầu, cô Phượng đã “thu hẹp khoảng cách địa lý”, kết nối học sinh của mình với giáo viên và học sinh của các nước khác, mở ra những lớp học xuyên biên giới nhờ công cụ Skype. Lúc đầu, việc kết nối chỉ mang tính giao lưu, sau đó cô Phượng đã thiết kế bài giảng từ sách giáo khoa. “Ví dụ, sách giáo khoa có bài đọc về Dangdut – loại nhạc dành cho giới trẻ ở Indonesia. Thông thường, học sinh sẽ đọc bài trong sách rồi tìm ra ý chính và làm bài tập là kết thúc tiết học. Thế nhưng, tôi đã liên hệ với một cô giáo người Indonesia trên diễn đàn, kết nối Skype rồi cho học sinh xem các bạn ở Indonesia hát, múa và chia sẻ về thể loại nhạc đó. Học sinh cả 2 nước sẽ cùng trình diễn, múa hát cho nhau nghe. Vì thế, ai cũng cảm thấy thích thú và hào hứng. Các em nhờ thế cũng sẽ nhớ bài học sâu hơn, tự tin hơn khi giao tiếp và còn tăng cả những hiểu biết về văn hóa, xã hội”- cô Phượng kể.
Cô Phượng cũng thiết kế các tiết học để học sinh giới thiệu các đặc sản vùng miền hay các văn hóa dân tộc của chính quê hương mình. Trong tiết học như vậy, các em học sinh trở thành các “diễn viên” trên sân khấu để biểu diễn các điệu múa dân tộc hay làm “ẩm thực gia” để quảng bá các món ăn của Việt Nam với bạn bè quốc tế…Cứ như vậy, học sinh của cô Phượng từ học sinh miền núi vốn rụt rè, từng cúi gằm mặt xuống khi nhìn thấy một thầy giáo Tây xuất hiện trên màn hình, đùn đẩy nhau nói chuyện và chỉ dám vẫy tay chào “Hello”, giờ đây đã có thể tự tin giao tiếp với những người bạn ngoại quốc. Và chẳng cần visa, cả cô và trò đã cùng nhau “đi du lịch” tới hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Cũng kể từ khi được vinh danh là 1 trong 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu, cô Phượng nhận thấy mình càng cần cố gắng hướng tới cộng đồng nhiều hơn. Vì thế, cô đã trực tiếp đi chia sẻ về mô hình lớp học xuyên biên giới tới giáo viên tại các tỉnh thành trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, cô giáo trẻ còn làm hơn 100 video dạy tiếng Anh miễn phí phát trên kênh YouTube; cùng học sinh thực hiện dự án quốc tế “Phòng chống bắt nạt trẻ em trên không gian mạng” nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình. Bên cạnh những thành công của mình, cô Phượng vẫn có điều mong mỏi, đó là “chiếm lĩnh” trái tim của học trò, để truyền cảm hứng và giúp các em trở thành những công dân toàn cầu./.
Phương Ngân
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Thủ đoạn làm giả "thẻ ngành" để lập hồ sơ vay tiền ngân hàng
Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thu về hơn 173.500 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2024
Giá xăng dầu hôm nay (22/11): Giá dầu thế giới tăng gần 2%, trong nước giảm
Tỷ giá USD hôm nay (22/11): Đồng USD tăng mạnh trên thị trường tự do
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 22/11: Gió Đông Bắc cấp 2 -3, đêm và sáng trời rét
Giá vàng hôm nay (22/11): Vàng trong nước và thế giới vẫn tiếp tục "leo thang"
Tin khác
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21
Cô gái khuyết tật và hành trình mang tri thức đến với các em nhỏ
Cộng đồng 15/11/2024 06:39
Hương thu ở phố sương mù
Cộng đồng 14/11/2024 11:31
Các bạn trẻ hào hứng với trải nghiệm “siêu xanh, siêu xinh” đến từ Vinamilk
Cộng đồng 13/11/2024 20:04
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh
Xã hội 13/11/2024 11:33
Lưu giữ dịu dàng của Hà Nội trong những bức ảnh
Cộng đồng 12/11/2024 06:22