Chàng trai người Mông “thắp lửa” du lịch cộng đồng
Để du lịch cộng đồng trở thành thế mạnh Tạo bản sắc du lịch bằng văn hóa bản địa |
Sinh ra và lớn lên tại bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), chứng kiến người dân trong bản quanh năm lam lũ, nghèo đói, chàng thanh niên Tráng A Chu luôn đau đáu một ngày giúp bà con thay đổi cuộc sống…
Nhận thấy sự phát triển của du lịch Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), Tráng A Chu tham gia nhiều hội thảo du lịch của tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Nhờ ham học và cầu tiến, chàng trai Mông được chuyên gia du lịch Dương Minh Bình nhận làm học trò và tận tình chỉ dạy. Sau khi trở về bản, Tráng A Chu cùng vợ là Hoàng Thị Sua phá bỏ vườn mận, vay vốn xây dựng ngôi nhà sàn to nhất bản, cải tạo cảnh quan xung quanh để làm du lịch cộng đồng, đặt tên là A Chu Homestay.
Tráng A Chu vui vẻ đưa du khách đi trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: H.Phong |
Thời gian đầu khởi nghiệp, Tráng A Chu nhận được rất nhiều lời khuyên răn, ngăn cản từ bạn bè và người dân trong bản vốn đã quen nếp sống cũ. Nhiều ý kiến cho rằng, với địa hình đồi núi hiểm trở, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành quy định pháp luật còn hạn chế, rất khó để phát triển du lịch tại địa phương cũng như kết nối với các công ty lữ hành...
Bên cạnh đó, nguồn vốn eo hẹp cũng là thách thức lớn đối với đôi vợ chồng trẻ. Không nản lòng, Tráng A Chu vẫn quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. “Khi ấy, bố tôi bị suy thận phải chạy thận thường xuyên, gia đình lại đang nuôi hai em học đại học. Dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng gia đình vẫn luôn ủng hộ tôi. Bố cho tôi mượn sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng, vợ chồng em gái cho vay 200 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng tôi phải vay mượn thêm ở khắp nơi mới đủ vốn làm ăn”, Tráng A Chu bộc bạch.
Trong thời gian xây dựng căn nhà, vợ chồng Tráng A Chu cùng nhau học làm dịch vụ. May mắn, gia đình anh được thầy Dương Minh Bình hướng dẫn, chỉ dạy tận tình. Chị Hoàng Thị Sua chia sẻ: “Ngoài gia đình, họ hàng thì thầy Dương Minh Bình là người có công lớn nhất đối với vợ chồng tôi.Thầy dạy chúng tôi nhiều kiến thức, kỹ năng làm du lịch, như: Tiếp đón, dọn dẹp, thu ngân, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nấu ăn từ những món đơn giản nhất như thịt kho, cơm rang thập cẩm... đến những món cầu kỳ tại khách sạn 5 sao; hay đặc sản các vùng miền để phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, thầy Dương Minh Bình đã kết nối A Chu Homestay với nhiều công ty lữ hành trong nước, góp phần mở rộng mạng lưới khách du lịch đến nghỉ dưỡng”.
Để tạo nên dấu ấn khó phai trong lòng du khách khi đến Hua Tạt, Tráng A Chu đã vận động họ hàng, bà con trong bản cùng xây dựng nhiều tiết mục văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Vốn am hiểu các nhạc cụ dân tộc và thường xuyên tham gia văn nghệ tại trường đại học, Tráng A Chu đã dạy cho nhiều em trai những bản sáo, bản khèn, giúp các em tự tin biểu diễn trên sân khấu.
Anh Tráng A Chu. |
Tráng A Chu cũng cùng vợ và chị em trong bản Hua Tạt biên tập những bài múa đôi nam-nữ, múa nhóm để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, các hoạt động trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc Mông của du khách cũng được Tráng A Chu lên kế hoạch, xây dựng kịch bản chi tiết và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho bà con trong bản.
Cuối năm 2014, A Chu Homestay chính thức mở cửa đón khách. Thời gian đầu hoạt động, vì chưa có kinh nghiệm nên gia đình Tráng A Chu bị du khách phàn nàn rất nhiều. Dù vậy, anh vẫn luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của khách du lịch, bạn bè, người có kinh nghiệm, không ngừng học hỏi để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Ngoài thời gian làm việc, vợ chồng tôi tự học tiếng Anh để giao tiếp và phục vụ khách nước ngoài tốt hơn. Tôi cũng không ngừng tìm tòi, sáng tạo, làm phong phú thực đơn với nhiều món ăn mới mẻ và hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế”, chị Hoàng Thị Sua chia sẻ.
Cho đến nay, ngoài phòng ở cộng đồng, gia đình Tráng A Chu đã xây dựng thêm khu vực tắm thuốc, 10 phòng đơn và có thể đón tiếp 120 khách/ngày.“Hữu xạ tự nhiên hương”, sau một năm hoạt động, du khách đến với gia đình Tráng A Chu ngày một nhiều.
Ai đã tới A Chu Homestay chắc chắn không thể quên những buổi trải nghiệm văn hóa, tập quán cùng người dân Hua Tạt như: Vẽ sáp ong trên vải, giã bánh giày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống... Chúng tôi vô cùng thích thú khi được đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc, hài lòng với sự sạch sẽ từ thức ăn, đồ uống đến phòng nghỉ. Những món ăn đặc sản của người Mông như: Xôi ngũ sắc, gà xương đen, lợn bản, rau củ Tây Bắc... do chính tay chị Hoàng Thị Sua chế biến mang lại những bữa ăn ngon miệng và ấm cúng.
Hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc Mông càng trở nên đặc sắc, thú vị hơn bởi những đêm nhạc do gia đình Tráng A Chu phối hợp với bà con Hua Tạt biểu diễn. Tại đây, chúng tôi được thưởng thức tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng hát của các chàng trai, cùng say đắm trước những điệu dân ca, múa xòe của các cô gái Hua Tạt. Qua những buổi cùng Tráng A Chu lên đồi thông, rừng tự nhiên xã Vân Hồ... chúng tôi càng thấu hiểu và yêu mến sự mộc mạc, giản dị của con người cũng như thiên nhiên vùng cao Tây Bắc.
Sau hơn 7 năm hoạt động, A Chu Homestay không những thu hút nhiều đoàn khách trong nước mà còn là điểm đến yêu thích của rất nhiều tổ chức và khách du lịch trên thế giới, như: Đức, Anh, Hà Lan, Pháp... Thời điểm chưa bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bình quân gia đình Tráng A Chu đón khoảng 250-300 lượt khách/tháng; riêng từ năm 2017 đến 2019 đón khoảng 3.700 lượt khách/năm. Đặc biệt, mô hình du lịch của gia đình Tráng A Chu không những tạo ra sinh kế mà còn thay đổi nếp nghĩ, cách làm giàu của nhiều người dân trong bản.
Trong cuốn sách “Tourism Stories-The Vietnam Edition”-“Câu chuyện du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch thế giới xuất bản, A Chu Homestay được kể đến là một địa điểm du lịch không những giữ gìn được giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên của địa phương mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời tạo cảm hứng lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Đây cũng chính là động lực để Tráng A Chu cùng đồng bào các dân tộc nơi đây nỗ lực vươn lên, góp phần đưa du lịch Sơn La ngày càng khởi sắc./.
Với những đóng góp của mình, Tráng A Chu nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Sơn La, Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La... Đặc biệt, A Chu Homestay được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là điểm du lịch sinh thái tiêu biểu năm 2018; là một trong 15 đơn vị của Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2019. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21