Chăm sóc toàn diện cho trẻ mắc Covid-19 tại nhà
Triệu chứng nhẹ nhưng không chủ quan
Theo Bộ Y tế, phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần.
Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh. Trong đó một số trẻ (khoảng 0,7%) cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như: Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng và viêm đa hệ thống (MIS-C).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Chia sẻ về vấn đề Covid-19 ở trẻ nhỏ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Phượng, Giảng viên cao cấp, Phó chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hô hấp Medlatec cho biết: Trẻ em mắc Covid-19 triệu chứng không nặng. Những trường hợp đã tiêm vắc xin, tỷ lệ triệu chứng nặng giảm mạnh và bệnh nhân gần như phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là trẻ em.
Tuy nhiên, dù tỷ lệ rất rất nhỏ trẻ nhiễm SARS-CoV-2 xuất hiện dấu hiệu nặng, nhưng các phụ huynh không nên chủ quan, mà phải quan tâm đến triệu chứng đường hô hấp của trẻ. Nếu chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà, thấy trẻ sốt trên 38,5 độ mà uống thuốc hạ sốt 2 lần không hạ thì phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để có sự hỗ trợ.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Phượng, hiện F0 điều trị tại nhà rất lớn, trong đó có trẻ em, nên vai trò của người thân chăm sóc trẻ nhỏ rất quan trọng. “Các bậc phụ huynh phải quan tâm đến nhịp thở của trẻ như: Trẻ dưới 12 tuổi nhịp thở phải trên 30 lần/phút, trẻ vài tháng đến 1 tuổi nhịp thở phải trên 60 lần/phút. Trường hợp các bậc phụ huynh không biết đếm nhịp thở của con thì nhìn thấy con có cánh mũi phập phồng, lồng ngực co kéo, thở dốc, quấy khóc thì phải liên hệ với y tế cơ sở để có sự hỗ trợ sớm nhất"- bác sĩ Hoàng Thị Phượng cho biết.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khi phát hiện trẻ nghi mắc hoặc mắc Covid-19 cha mẹ cần bình tĩnh xác định mức độ bệnh của con. Nếu trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ thì việc điều trị tại nhà là chìa khóa giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lí của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết. Nguy cơ trẻ bị lây nhiễm vi rút, bệnh khác từ bệnh viện được giảm bớt.
Liên hệ y tế để được theo dõi và hỗ trợ
Khi chăm sóc, điều trị trẻ mắc Covid-19 tại nhà, Phó Giáo sư Trần Minh Điển nhấn mạnh, gia đình đặc biệt lưu ý với đối tượng trẻ sơ sinh, bú mẹ và trẻ nhóm 2 - 6 tuổi (có nguy cơ sốt cao co giật). Cụ thể, đối với trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ mắc Covid-19, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C phải hạ nhiệt bằng Paracetamol 10-15 mg/1kg cân nặng, mỗi 4-6 giờ một lần, không quá 4 lần/ngày, chế phẩm đường uống hoặc đường đặt hậu môn. Đồng thời, người chăm sóc lấy khăn ấm chườm cổ, nách, bẹn khi bé sốt cao.
Phụ huynh cho trẻ uống nước thường, nước điện giải (pha đúng liều lượng). Cha mẹ theo dõi cả ngày và đêm, sau bù nước mà trẻ tiểu nhiều, trong hơn, môi không khô thì có thể yên tâm. Cách thức uống uống là 15-20 phút/lần, mỗi lần vài thìa.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng lưu ý, phụ huynh phải đảm bảo theo dõi sát xem trẻ chơi có ngoan không, có ăn, bú đầy đủ không và có đáp ứng với thuốc hạ sốt không. Nếu trẻ giảm sốt, tỉnh táo là dấu hiệu tốt. Nếu các điều kiện trên vẫn ổn, tiến triển tốt trong 24-48 giờ thì có thể tiếp tục chăm sóc bé tại nhà, không cần phải đưa đi bệnh viện. Cho trẻ bú và ăn nhẹ nhàng, chia nhỏ và nhiều hơn các cữ bú và bữa ăn. Không ép trẻ ăn nhiều một lúc, để trẻ dễ hấp thụ hơn, không uống quá nhiều nước cam, nước quả nguy cơ gây nôn, đầy bụng. Nếu trẻ ho, có thể sử dụng các loại siro ho thảo dược để giảm triệu chứng.
Đồng thời, gia đình cần cho bé mặc quần áo thoải mái, phòng cách ly đảm bảo khô thoáng, sát khuẩn vật dụng, bề mặt tiếp xúc thường xuyên. Các chất thải xử lý gọn, kín, tránh lan truyền ra ngoài. Trẻ cũng phải được vệ sinh thân thể sạch sẽ, vệ sinh răng miệng, mũi họng bằng nước muối sinh lý. “Không cho trẻ uống các thuốc chống viêm, kháng sinh, kháng vi rút, thuốc xịt mũi nếu không có chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh phải thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và quản lý”, Phó Giáo sư Trần Minh Điển lưu ý.
Các bậc phụ huynh nên liên lạc với kênh tư vấn người nhiễm Covid-19 chính thức khi cần tư vấn sức khỏe cho trẻ. |
Còn đối với trẻ lớn, trẻ đi học mắc Covid-19, phụ huynh đánh giá sốt cả thời điểm ngày và đêm. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ C, theo dõi biến chuyển trong 4 tới 6 giờ liên tục bằng cách đo nhiệt độ.
Đặc biệt, ở nhóm trẻ từ 2 đến 6 tuổi khi sốt cao có thể có nguy cơ co giật khi nhiệt độ tăng nhanh trong thời gian ngắn. Nếu trẻ có hiện tượng co giật, cha mẹ phải thực sự bình tĩnh, gọi thêm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Các bậc phụ huynh cần đặt trẻ nằm trên một mặt phẳng cứng, ngửa nhẹ đầu và nghiêng đầu sang một bên; không đưa bất cứ thứ gì vào miệng trẻ để tránh gây tình trạng tụt lưỡi hoặc khó thở; không vội vàng ôm chầm lấy trẻ hay bế dựng trẻ lên.
Đồng thời, phụ huynh cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ, cặp nhiệt độ, cho trẻ hạ sốt bằng thuốc đặt đường hậu môn. Lấy khăn ấm lau chườm cổ, nách, bẹn và tiếp tục theo dõi tình trạng của trẻ, thông thường cơn co giật do sốt cao đơn thuần chỉ diễn ra trong vòng khoảng 1-2 phút. Nếu sau đó môi và tứ chi của bé ấm, hồng bình thường thì có thể hoàn toàn yên tâm.
Phó Giáo sư Trần Minh Điển cũng cho biết thêm, hầu hết trẻ có thể tự hồi phục sức khỏe sau 1-2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bệnh tình diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. Khi con có bất cứ biểu hiện bất thường nào, cha mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Với những trẻ có bệnh nền như: Đẻ non cân nặng thấp, bệnh phổi mạn, hen, ung thư, bệnh thận mạn, ghép tạng, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh huyết học, bệnh hệ thống, suy giảm miễn dịch, đang điều trị thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch… cần được quan tâm, bảo vệ nhiều hơn, theo dõi sát sao hơn bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo, phụ huynh khi chăm sóc trẻ mắc Covid-19 cần có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (số điện thoại của Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động hoặc Tổ cấp cứu lưu động của quận, huyện). Tất cả thành viên ở cùng nhà với người F0 phải khai báo sức khỏe qua phần mềm “khai báo y tế điện tử” mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi cần.
Nên xem
Quyết liệt dẹp “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông tại phố cổ
TP.HCM: Nhiều giải pháp chống thất thu thuế thương mại điện tử
Ấn tượng với show diễn Elise Thu Đông 2024
Tôn tạo di tích đình Đại Áng: Phát huy giá trị văn hoá quý báu của cha ông
Điều tra nguyên nhân vụ cháy kho hàng đồ chơi ở Định Công
Không khoan nhượng với tội phạm ma túy
Người thắp ngọn đèn tri thức trong tôi
Tin khác
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00
Quy định mới về tiêu chuẩn sức khoẻ, khám sức khỏe của người lái xe
Y tế 18/11/2024 14:30
Số ca mắc bệnh sởi tăng cao tại tỉnh Đồng Nai
Y tế 17/11/2024 19:03
Ngành Y tế Hà Nội duy trì thực hiện tốt các mô hình y tế học đường
Y tế 17/11/2024 06:35
Nhập viện cấp cứu sau khi tự uống cao chữa xương khớp
Y tế 16/11/2024 11:38
Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh
Y tế 16/11/2024 11:38
Sở Y tế TP.HCM thông tin trường hợp người bệnh tử vong trước khi nhập viện
Y tế 15/11/2024 17:31
Thủ tướng yêu cầu chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan
Y tế 15/11/2024 08:56
Bộ Y tế thông tin về điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở
Y tế 14/11/2024 15:25
Trẻ bị suy tuyến thượng thận vì sử dụng thuốc hỗ trợ tăng cân
Y tế 12/11/2024 12:48