Cảnh giác với cái bẫy đằng sau những cuộc điện thoại giả danh các cơ quan thực thi pháp luật
Cảnh giác trước những chiêu lừa đảo tinh vi Cảnh giác với muôn kiểu lừa đảo trên mạng xã hội |
Tự dưng trở thành "tội phạm xuyên quốc gia"
Lật lại hàng loạt các vụ giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện thoại lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, có rất nhiều vụ án mà nạn nhân “đang yên, đang lành” bỗng dưng trở thành tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
Những “đường dây ma túy” tự vẽ này nhằm đánh vào tâm lý sợ hãi của người dân mà sự hiểu biết còn hạn chế. Đến khi đã “nắm thóp” được “con mồi”, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng liên tiếp, dồn dập đẩy nạn nhân vào "nguy cơ tù tội", khiến họ trở tay không kịp, răm rắp làm theo chỉ dẫn để rồi số tiền tiết kiệm bỗng "không cánh mà bay".
Tìm hiểu tài liệu cho bài viết này, phóng viên được biết một nữ cán bộ hưu trí đã 75 tuổi, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, bị các đối tượng giả danh công an lừa đảo, hòng chiếm đoạt 150 triệu đồng. Theo đó, các đối tượng gọi điện thoại đến số máy cố định của gia đình bà Trần Thị T. (có địa chỉ trên), sau đó nhận là công an đang điều tra một vụ án ma túy mà bà T. là người có liên quan.
Dù bà T. có giải thích thế nào đi chăng nữa, nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục dùng lời lẽ để dọa nạt. 75 tuổi, không còn đủ minh mẫn lại bị tội phạm dồn dập “tấn công”, bà T. liền "khai" ra thông tin cá nhân cũng như tài khoản ngân hàng.
Ngay khi biết nạn nhân có một sổ tiết kiệm với số tiền 150 triệu đồng, chúng đã yêu cầu bà T. không được nói cho ai biết để đảm bảo… bí mật cho “chuyên án”, sau đó hướng dẫn người này rút tiền, rồi chuyển toàn bộ vào tài khoản mà chúng đã chuẩn bị với lời khẳng định “nếu điều tra không thấy có dấu hiệu nghi vẫn sẽ trả lại”.
Tuy nhiên, khi ra đến văn phòng giao dịch của ngân hàng, trong lúc chờ đợi, cảm thấy có điều gì đó bất thường, lại đọc được cảnh báo của cơ quan công an dán tại khu vực giao dịch, bà T. đã trình báo nên giữ lại được số tiền trên.
Một trong 9 đối tượng trong đường dây cấu kết với người nước ngoài giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bị bắt tại Thừa Thiên - Huế. |
Không may mắn như bà T., một người đàn ông cũng ở thị xã Sơn Tây mới đây đã bị tội phạm giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 600 triệu đồng với thủ đoạn tương tự, nhưng “vụ án” mà chúng vẽ ra để lừa nạn nhân là một vụ rửa tiền cũng… tầm cỡ xuyên quốc gia.
Lo sợ vướng vòng lao lý dù bản thân không làm gì vi phạm pháp luật, một mặt tin lời tội phạm rằng sẽ được minh oan nếu như chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản để chúng xác minh, khi không liên quan đến “đường dây rửa tiền” sẽ hoàn trả lại, nên nạn nhân đã không suy xét kĩ lưỡng, lập tức chuyển tiền.
Mặc dù sau đó, người đàn ông này khi “hoàn hồn” lại, nhận thấy những biểu hiện bất minh của vụ việc đã đến cơ quan công an trình báo, nhưng lúc này 600 triệu đồng đã “bốc hơi” hoàn toàn.
Mất tiền vì một… “bưu kiện” ảo
Trả giá đắt hơn cho sự sợ hãi, lo lắng dẫn đến thiếu kiểm soát lý chí bản thân, chị Y. ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội đã trở thành nạn nhân trong cái “bẫy” do tội phạm giăng ra.
Thủ đoạn của các đối tượng là lừa đảo, thông báo chị Y. có một bưu phẩm và thẻ ngân hàng với số nợ 38,96 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng nối máy cho chị Y nói chuyện với một người tự xưng là công an đang điều tra vụ việc của chị Y. Sau màn “dọa dẫm”, đối tượng gửi cho chị một đường dẫn (link) và yêu cầu chị đăng nhập vào. Thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, chị Y. phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút 949 triệu đồng. Đến lúc này, chị Y. mới biết mình bị lừa, vội vàng ra cơ quan công an trình báo.
Tang vật thu giữ trong một vụ án giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bị lực lượng công an triệt xóa |
Và mới đây nhất, cơ quan CSĐT - CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo về một vụ giả danh công an gọi điện lừa đảo số tiền 300 triệu đồng.
Theo đó, ngày 1-4-2022, Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm tiếp nhận đơn trình báo của chị Q., SN 1990, trú tại quận Hoàn Kiếm về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo, sáng 30-3-2022, chị Q nhận được cuộc gọi của một đối tượng nữ, giới thiệu là nhân viên bưu điện và thông báo chị có một bưu phẩm của ngân hàng chi nhánh Đà Nẵng ghi khoản nợ là 40 triệu đồng. Người này yêu cầu chị phải thanh toán khoản nợ nếu không sẽ báo cơ quan Công an.
Sau đó, một nam giới gọi điện thoại cho chị Q., xưng là Đội trưởng, thuộc Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng. Đối tượng nói chị Q. bị lộ thông tin cá nhân và liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy rồi yêu cầu chị Q. đến Công an thành phố Đà Nẵng làm việc. Do chị Q. nói không đi Đà Nẵng được, đối tượng yêu cầu chị tải app “Thay đổi bảo mật” rồi đăng nhập tài khoản ngân hàng để xác minh. Sau đó chị Q. phát hiện tài khoản của mình bị mất 300 triệu đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Số tiền mất lớn, chị Q. khá suy sụp và lo lắng, đồng thời hy vọng rất mong manh về việc lấy lại được tiền. Đến giờ, chị Q. vẫn còn cảm thấy sợ.
Sập "bẫy lừa" vì nỗi sợ hãi
Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, tại sao không làm việc phạm pháp mà vẫn dễ dàng bị lừa? Hay phải chăng là “có tật giật mình”? Hoặc có dính líu đến các vụ việc phi pháp nên quá sợ hãi, khiến tội phạm lợi dụng hoạt động?...
Để lý giải điều này, một số nạn nhân của những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh công an cho biết, không ai nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành nạn nhân của các “bẫy lừa” trên để mà phòng ngừa, cảnh giác. Hầu hết đều là do tâm lý hoang mang, lo sợ và vấn đề tuổi tác cao dẫn đến lú lẫn...
Ông H., trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một người may mắn thoát được “bẫy” của “công an” rởm, giữ lại được số tiền 500 triệu đồng kể: "Khi bị các đối tượng gọi điện thoại giả danh công an, khẳng định ông H. có liên quan đến một đường dây ma túy xuyên quốc gia, lúc đó ông H. cũng vẫn rất bình tĩnh trả lời vì biết bản thân là một cán bộ về hưu trong sạch. Tuy nhiên ngay sau đó, các đối tượng “đổi giọng”, chúng nói nghi ngờ thông tin cá nhân của ông H. bị đánh cắp, sau đó đối tượng đã lấy danh nghĩa ông H. để tham gia hoạt động phi pháp". Lúc này ông H. cũng giật mình, biết đâu được chứ vì thông tin cá nhân hiện tại không khó để có được, nhất là khi mạng xã hội phát triển như hiện nay…
Thế rồi, một phần lo sợ nếu không cung cấp các thông tin, thì hình ảnh của bản thân sẽ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng thông qua việc truyên truyền các vụ án như lời “công an” nói, mặt khác cũng muốn chứng minh sự trong sạch của mình, nên ông H. đã nghe theo chỉ dẫn của tội phạm, ra ngân hàng làm thủ tục chuyển khoản.
May mắn cho ông H., bởi thời điểm ông ra ngân hàng thì đã hết giờ làm việc. Nhân viên ngân hàng chưa thực hiện được các lệnh giao dịch, phải chờ đến ca sáng hôm sau. Tối hôm đó, ông H. (khi ấy là tổ trưởng tổ dân phố), trong lúc nghỉ ngơi sau giờ cơm tối đã đọc báo An ninh Thủ đô. Trùng hợp trên báo xuất hiện bài viết cảnh báo với nội dung tương tự vụ việc mà ông đang vướng phải, nên lập tức cùng gia đình đi trình báo, kịp thời phối hợp với ngân hàng phong tỏa tài khoản, giữ lại được số tiền trên.
Dù đã được cảnh báo, nhưng nhiều nạn nhân vẫn "sập bẫy" lừa của tội phạm giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo |
Hầu hết nạn nhân của những vụ việc trên, dù là trẻ tuổi hay lớn tuổi đều cho biết, bản thân không vi phạm pháp luật, nhưng một phần tâm lý sợ hình ảnh cá nhân bị phát tán lên mạng internet vì tưởng có kẻ đánh cắp thông tin cá nhân của bản thân để hoạt động phạm tội, phần khác cũng muốn phối hợp “cơ quan công an” để điều tra làm rõ, nhưng chủ yếu là vì tâm lý sợ hãi.
“Để điều tra một vụ án có phải trong ngày một ngày hai đâu, nên khi nghe được thông tin bản thân liên quan đến một vụ án nào đó cũng sợ chứ. Lúc đó chỉ mong giải quyết càng nhanh càng tốt, để dây dưa mệt mình mà nếu người xung quanh biết tưởng mình là tội phạm thì không biết phải giải quyết thế nào” - chị Y., một nạn nhân cho biết.
Cảnh giác trong mọi tình huống
Hàng loạt các vụ giả danh công an lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dù đã được cảnh báo nhưng vẫn xảy ra. Điểm chung của tất cả các bị hại trên đều là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự.
Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Đại diện Phòng cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội cho biết, không chỉ giả danh công an điều tra các vụ án liên quan đến rửa tiền, ma túy xuyên quốc gia, hay các “bưu kiện”, tinh vi hơn, chúng còn làm giả cả… lệnh truy nã, sau đó gửi cho các nạn nhân. Khi nạn nhân rơi vào “bẫy”, chúng tiếp tục quay “con mồi” như chong chóng để không có thời gian bình tĩnh suy xét, từ đó thực hiện hành vi phạm tội.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước mọi thủ đoạn giả danh công an, viện kiểm sát để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản |
Cơ quan công an khẳng định, để làm việc với công dân, cơ quan điều tra sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Do vậy, CATP Hà Nội khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật các tin tức thông qua báo chí, mạng xã hội; không cung cấp mã bảo mật OTP cho bất cứ ai; không làm theo yêu cầu của người lạ như tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng; khi thấy bất cứ cuộc gọi nào tự xưng là công an điều tra vụ án, cần đến ngay trụ sở cơ quan công an gần nhất để trình báo…
Đặc biệt, Công an Hà Nội cũng cảnh báo người dân không nên công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, hoặc khi mua sắm tại các cửa hàng, tránh việc thông tin cá nhân bị lộ, hoặc một số cơ sở kinh doanh vì mục đích lợi nhuận đã bán thông tin cá nhân khách hàng ra ngoài, khiến tội phạm lợi dụng để hoạt động.
Thêm vào đó, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, bởi bất cứ khi nào, bất cứ ai cũng có thể trở thành “con mồi” rơi vào “tầm ngắm” của các ổ nhóm tội phạm lừa đảo. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an các cấp, cần nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của người dân, bởi tội phạm ngày nay biến tướng ngày một tinh vi. Nếu không tự nâng cao sự hiểu biết, phòng ngừa của bản thân, những vụ việc trên chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.
Theo Thùy An/anninhthudo.vn
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Nỗ lực ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông
Lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đối thoại với lực lượng Công an xã, thị trấn huyện Mỹ Đức
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Thủ đoạn làm giả "thẻ ngành" để lập hồ sơ vay tiền ngân hàng
Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thu về hơn 173.500 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2024
Giá xăng dầu hôm nay (22/11): Giá dầu thế giới tăng gần 2%, trong nước giảm
Tỷ giá USD hôm nay (22/11): Đồng USD tăng mạnh trên thị trường tự do
Tin khác
Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị truy tố trong vụ án mới
Tin nóng 20/11/2024 16:09
Mật phục bắt "cát tặc" trong đêm trên sông Hồng
Tin nóng 20/11/2024 09:42
Triệt phá nhóm đối tượng cho vay lãi nặng 1.000%/năm tại Bình Dương
Tin nóng 19/11/2024 13:07
Không khoan nhượng với tội phạm ma túy
Tin nóng 19/11/2024 09:52
Khởi tố giám đốc sản xuất keo dán gạch giả nhãn hiệu "con cá sấu"
Tin nóng 19/11/2024 06:22
Triệt phá đường dây cá độ bóng đá quy mô 2.000 tỷ đồng
Tin nóng 17/11/2024 23:14
Khởi tố nhiều cán bộ thuộc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh
Tin nóng 17/11/2024 07:58
Bắt quả tang 2 đối tượng trong đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia
Tin nóng 17/11/2024 07:50
Khởi tố, bắt tạm giam 20 đối tượng trong đoàn "đua" khiến cô gái tử vong
Tin nóng 16/11/2024 17:24
Quyết liệt xử lý xe ba bánh tự chế, xe chở hàng cồng kềnh gây mất an toàn giao thông
Giao thông 16/11/2024 06:34