Cảnh báo tình trạng trẻ thừa cân béo phì trong mùa dịch
Nguyên nhân chính khiến người Việt Nam "lùn" nhất khu vực là do dinh dưỡng Báo động tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì tăng nhanh |
Chủ quan vì không nhận thấy hậu quả “nhãn tiền”
Thời gian gần đây, không ít bậc phụ huynh đang rộ lên mối lo ngại về vấn đề con tăng cân, đặc biệt trong thời kì giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Khi trẻ em ở nhà, ít cơ hội vận động ngoài trời, lại có nhiều thời gian để ăn, ngủ và sử dụng các thiết bị công nghệ. Thậm chí, nhiều phụ huynh giai đoạn đầu tập trung bồi bổ cho con những bữa ăn giàu năng lượng, vì nghĩ rằng sẽ giúp con khoẻ mạnh hơn. Điều này vô tình kéo theo hệ lụy là tăng tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì.
Trẻ có thể bị thừa cân, béo phì do lạm dụng đồ ăn nhanh và nước uống nhiều đường. (ảnh minh hoạ). |
Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Liên (Phú Thượng - Tây Hồ) than phiền: "Trong thời gian dịch Covid-19, bé nhà tôi ăn uống vô tội vạ. Do lo ngại dịch bệnh kéo dài, gia đình lại tích trữ nhiều loại đồ ăn, thức ăn nhanh như: Bim bim, xúc xích, mỳ tôm… các loại nước ngọt, nên tạo điều kiện thuận lợi cho con ăn vặt suốt ngày. Trong khi, bé ít vận động vì trong nhà chật trội, thiếu trang thiết bị dụng cụ tập thể dục. Nên tôi cũng lo lắng dịch bệnh lại kéo theo con bị thừa cân, béo phì”.
Hay một trường hợp khác là chị Hoàng Minh (Nam Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: Cháu nhà tôi dạo này có tâm lý ngại khi ra ngoài gặp mọi người, nhất là các bạn đồng trang lứa, vì ngại bị trêu chọc là béo. “Thời gian đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại lo ngại con mắc bệnh, nên ở nhà tôi đã tăng cường đồ ăn mong con có thêm sức đề kháng chống lại bệnh dịch. Nhưng không nghĩ cơ thể bé hấp thụ tốt như vậy, cháu con gái 9 tuổi mà đã nặng 35kg, trong khi bạn bè cùng trang lứa cân nặng trung bình chỉ 28kg. Thành thử đến khi con bị các bạn trêu chọc là béo tôi mới giật mình phải thay đổi chế độ ăn uống cho con” chị Minh cho biết.
Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp phụ huynh lo lắng con bị thừa cân, béo phì do chế độ ăn uống, sinh hoạt chưa khoa học và hợp lý. Mặc dù hiện nay, nhiều phụ huynh nhận thức được thừa cân, béo phì là không tốt nhưng vẫn còn chủ quan và rất ít khi chủ động kiểm tra cân nặng của trẻ định kỳ. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, có đến 53% các vị phụ huynh không biết con bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn một mức so với thực tế. Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Phụ huynh thường chỉ đưa con đến khám vì trẻ đau chân, đau xương, hay lo lắng về chiều cao. Đến khi thăm khám thì bác sĩ mới ghi nhận trẻ bị thừa cân, béo phì”.
Theo các chuyên gia y tế, thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực tế, trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng nhanh báo động trong 10 năm qua, đặc biệt tại thành thị. Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại thành phố Hồ Chí Minh đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.
Thừa cân kéo dài diễn tiến thành bệnh nguy hiểm
Trong khi dinh dưỡng quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ bị thừa cân, béo phì. Hiện, nhiều gia đình Việt vẫn quan niệm “nuôi con bằng mắt", trẻ phải tròn trịa, đầy đặn thì mới “đạt chuẩn”. Theo bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục phân tích, khi xã hội phát triển, cha mẹ mong muốn con có dinh dưỡng tốt để phát triển não bộ, chiều cao nhưng lại cung cấp thiếu cân đối, thường có xu hướng cho trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu cần thiết. Ngoài ra, việc lười vận động, ít ăn cùng gia đình, nạp quá mức thức ăn nhanh, nước ngọt công nghiệp,... cũng là những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân, béo phì là do mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao, xuất phát từ tâm lý ông bà cha mẹ thích trẻ bụ bẫm, nên đã ép trẻ ăn rất nhiều. Trẻ bắt đầu thừa cân từ tuổi mầm non, tiếp tục tăng cân ở tuổi tiểu học và có thể sẽ bị béo phì ở tuổi tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông... Quan niệm rằng trẻ mập một chút rồi sau này sẽ gầy đi nhưng thực tế không phải như vậy mà trẻ càng này càng thừa nhiều cân hơn dẫn đến béo phì.
“Có những em bé ở giai đoạn mầm non chỉ thừa khoảng 3-5 kg, nhưng đến giai đoạn tiểu học thừa 8-10 kg và đến giai đoạn trung học cơ sở thừa 15-20 kg. Điều đáng lo ngại là ông bà và cha mẹ không nhận định được con, cháu mình đã bị thừa cân, béo phì mà vẫn tiếp tục ép cho trẻ ăn nữa, vẫn muốn trẻ tăng cân nữa”- Phó Giáo sư Bùi Thị Nhung chia sẻ.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng không hợp lý, trẻ em tiểu học còn dễ tăng cân bởi xem nhẹ yếu tố vận động, khiến mất cân bằng năng lượng mà chủ yếu cán cân nghiêng về phía “nạp” hơn phía “tiêu”. Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, 39% học sinh tiểu học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không hoạt động thể chất đủ theo tiêu chuẩn.
Hiện thừa cân, béo phì ở trẻ em đang là vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì. Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020. |
Tác hại của thừa cân, béo phì ở trẻ em rất đáng quan tâm vì trẻ em là một cơ thể đang phát triển. Nguy cơ đầu tiên của béo phì trẻ em là khi đến tuổi trưởng thành, trẻ dễ mắc các bệnh mãn tính không lây như tim mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,… “Hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,... bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài” - Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.
Ngoài nguy cơ về sức khỏe thể chất, trẻ em béo phì còn bị tác động tới tâm lý. Với ngoại hình đặc biệt, trẻ béo phì chậm chạp, mặc cảm tự ti, ngại giao tiếp xã hội, dễ bị trêu chọc, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, làm giảm sút hiệu quả học tập, lao động và chất lượng cuộc sống.
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi trẻ bị thừa cân, béo phì, tuyệt đối không được cho trẻ giảm hay nhịn ăn, mà phải thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu vì cơ thể đang phát triển. Bữa ăn cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng, đủ nhu cầu về năng lượng khẩu phần từ các chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Tỷ lệ các chất đạm, chất béo từ nguồn động vật và thực vật cân đối hợp lý. Đồng thời, hạn chế tất cả các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: Thịt mỡ, nước luộc thịt, bơ, fo mat, các món xào rán, não, tim, gan, lòng lợn,.... Các loại đồ ngọt như: Đường, mật ong, bánh kẹo, nước ngọt, các loại sữa có đường,…vì chúng chứa nhiều năng lượng làm gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh thì biện pháp tăng cường hoạt động thể lực và lối sống lành mạnh phòng thừa cân, béo phì. Vận động thường xuyên giúp trẻ phát triển cả về thể chất, trí tuệ, nâng cao tầm vóc, kiểm soát và duy trì cân nặng, hạn chế thừa cân, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, nó còn giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể phòng chống dịch bệnh, giúp giấc ngủ đến nhanh và sâu hơn, nâng cao kỹ năng sống, giảm stress hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
“Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”: Trang bị kiến thức về sản phẩm để bảo vệ bản thân và gia đình
Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
Tin khác
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Du lịch 22/11/2024 18:57
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Hợp tác, liên kết du lịch giữa 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận
Du lịch 22/11/2024 16:59
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thu về hơn 173.500 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2024
Du lịch 22/11/2024 08:40
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03