19 tỉnh, thành phố phía Nam nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Ghi nhận của phóng viên báo Lao Động Thủ đô cho thấy, tại nhiều địa phương người dân tuân thủ nghiêm và đồng lòng việc thực hiện giãn cách.
Giãn cách chồng giãn cách
Từ 0h ngày 19/7, 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16, giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương là những tỉnh đã giãn cách từ trước đó.
Cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, thời gian áp dụng trong 15 ngày. Dự kiến, đến ngày 24/7, thành phố sẽ hết đợt giãn cách lần này. Tuy nhiên, theo chỉ đạo mới của Thủ tướng, thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng 18 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 19/7.
Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cho phép người có nhu cầu chính đáng được ra ngoài. |
Theo ghi nhận của phóng viên, do thành phố đang trải qua đợt giãn cách, vì vậy mọi hoạt động vẫn tạm dừng như những ngày trước. Người dân vẫn đang nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch.
"Mỗi ngày nghe thông tin thành phố có mấy nghìn ca nhiễm, gia đình tôi rất lo lắng. Tôi hoàn toàn đồng ý việc thành phố tiếp tục giãn cách thêm để có thể khống chế dịch bệnh. Hy vọng sau khi hết 14 ngày tiếp theo, dịch được khống chế, đời sống trở lại bình thường", ông Nguyễn Chí, ngụ đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp nói.
Trong khi đó, rất nhiều người dân tỏ ra vui mừng khi thành phố quyết định mở cửa trở lại chợ truyền thống. Theo người dân, mở cửa chợ sẽ giúp việc mua lương thực dễ dàng hơn, không còn bị phụ thuộc vào siêu thị.
Các chốt kiểm soát dịch được dựng lên khắp nơi để kiểm tra người đi đường. |
Toàn tỉnh Đồng Nai cũng đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 9/7. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội.
Chị Tiểu Cát (ngụ tại thành phố Biên Hoà, Đồng Nai) cho biết, địa phương đã giãn cách theo Chỉ thị 16, vì vậy việc kéo dài thêm thời gian giãn cách không có quá nhiều thay đổi. Thời gian qua, Đồng Nai ghi nhận người dân có ý thức phòng dịch, hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, sử dụng các dịch vụ giao hàng tận nơi để tránh tiếp xúc nhiều,...
"Tuy nhiên có một số nơi bị phong tỏa, nên việc đi lại cùng nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm hơn. Khu vực nhà tôi ở trục Quốc Lộ 1A nên vẫn có thể đặt thức ăn giao đến chốt. Đồng Nai các dịch vụ đi chợ online chưa phổ biến, thế nên ở đây chủ yếu là dân giúp dân, người bán chào hàng trên mạng xã hội, người mua đặt rồi họ ship tới", chị Cát chia sẻ.
Nhiều tuyến đường ở Biên Hòa đã dựng tôn để hạn chế người đi lại. |
Việc phong tỏa cũng được chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt, kiểm tra thường xuyên. Các điểm phong tỏa luôn có người gác, ở một số chốt chưa có người gác sẽ rào lại đường đi bằng tôn.
Bình Dương có có 7/9 huyện, thành phố thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 9/7. Trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, ghi nhận nhiều ca mắc mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 6 trong vòng 15 ngày, từ 0h ngày 19/7, áp dụng trên toàn tỉnh.
Các doanh nghiệp, phân xưởng, nhà máy chỉ được hoạt động sản xuất khi bảo đảm phương án "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc có xe đưa đón công nhân từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại theo quy trình khép kín, bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Hình ảnh các khu chợ bị phong tỏa, giăng dây đã trở nên quen thuộc. |
Các tỉnh phía Nam nghiêm túc chấp hành Chỉ thị 16
Ngoài các tỉnh đã giãn cách từ trước, 16 tỉnh phía Nam khác cũng sẽ bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 19/7, gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.
Chị Xuân Mơ (ngụ tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết, chính quyền địa phương đã thông báo đến từng hộ gia đình về việc giãn cách theo Chỉ thị 16 tất cả các tỉnh thành phía nam. "Về cơ bản là chúng tôi nghiêm túc chấp hành, ở yên trong nhà, không ra đường, hàng quán đóng cửa. Nhưng tôi thấy có tình trạng một số tiểu thương trên địa bàn nâng giá bán thực phẩm, ví dụ tôi mua trứng vịt bình thường có 36.000 đồng/chục, giờ lên 40.000 - 45.000 đồng/chục", chị Mơ chia sẻ.
Bên cạnh đó, những gia đình đang vào vụ thu hoạch trái cây, nông sản đang gặp khó khăn vì không có xe lấy hàng. Việc đi lại khó khăn, vì vậy giá trái cây, nông sản tại vườn cũng bị giảm theo mới bán được hàng. "Hiện ở Bình Phước chỗ nào cũng có người canh gác, kiểm tra nếu người ra đường không mang khẩu trang sẽ bị địa phương phạt nóng 1,5 triệu đồng", chị Mơ nói.
Theo ghi nhận, dù chính quyền địa phương vẫn tạo điều kiện cho người dân đi lại, nhưng phải thực hiện khai báo y tế đầy đủ tại các chốt kiểm dịch.
Lượng hàng hóa tại một khu chợ ở Bình Phước vẫn còn dồi dào nhưng lượng người mua giảm. |
Cần Thơ là thành phố trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trước đó đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 11/7, ở 3 quận trung tâm là Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy. Ba quận này tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 0h ngày 2/8, đủ 14 ngày theo quy định của Chính phủ.
Trong ngày 19/7, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh không thiết yếu, các chợ tự phát, chợ truyền thống trên địa bán các quận Ninh Kiều, Cái Răng tạm thời đều đóng cửa. Chỉ còn các cơ sở kinh doanh những mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, cửa hàng thuốc tây, siêu thị,... Số lượng người dân ra khỏi nhà giảm hơn so những ngày trước.
Nhằm bảo đảm hàng hóa thiết yếu, ngoài siêu thị được phép hoạt động, các chợ truyền thống, chợ đầu mối, nếu bảo đảm các tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19 thì được hoạt động theo cách thức giãn cách. Sở Công thương thành phố Cần Thơ cũng tổ chức chợ lưu động ở Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Y dược Cần Thơ (quận Ninh Kiều) và ở phường Phú Thứ (quận Cái Răng), đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách.
Cần Thơ khẩn trương chuẩn bị khu cách ly tập trung. |
Cũng trong ngày 19/7, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ đã tiến hành dọn vệ sinh, chuẩn bị giường xếp, bàn ghế,... tại Khu A ký túc xá Trường Đại học Cần Thơ để chuẩn bị kích hoạt cách ly tập trung. Dự kiên, khu cách ly tập trung với công suất 600 người, gồm dãy nhà A1, nhà C8.
Ngày 19/7, Sở Giao thông vận tải Long An có thông báo khẩn số 3681/TB-SGTVT về việc tạm ngưng hoạt động vận tải hành khách ngang sông tại các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ 0h ngày 20/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Ngoài ra, tại một số địa bàn trọng điểm có lượng người, phương tiện qua lại đông đúc, nhất là địa bàn giáp ranh thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh triển khai thành lập nhiều chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh. Người đi qua các chốt khi vào địa bàn phải khai báo y tế, thực hiện các quy định giãn cách, phòng, chống dịch. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đồng loạt triển khai chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở các điểm giao thông của địa bàn giáp ranh. Người ngoài tỉnh vào Long An được siết chặt hơn khi phải có giấy xét nghiệm, test nhanh Covid-19 âm tính trong thời gian 3 ngày.
Long An làm rất quyết liệt việc kiểm soát lượng phương tiện ra, vào tỉnh. |
Các phương tiện vận tải hành khách công cộng, theo hợp đồng, thậm chí xe đưa, rước công nhân cũng tạm ngừng hoạt động, trừ các trường hợp vận chuyển người đến khu cách ly và các trường hợp cấp thiết theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch của tỉnh Long An. Xe taxi phục vụ người dân đi, đến các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh trong trường hợp cấp thiết có phù hiệu riêng. Hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, cung ứng nhu yếu phẩm vẫn được hoạt động nhưng phải đáp ứng đủ một số quy định mới được lưu thông vào tỉnh Long An.
Tân Nguyên - Yến Nhi
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Du lịch 22/11/2024 18:57
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Hợp tác, liên kết du lịch giữa 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận
Du lịch 22/11/2024 16:59
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22