Xây dựng Chính phủ điện tử phải bảo đảm an toàn, an ninh mạng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ thêm một số vấn đề đại biẻu Quốc hội quan tâm về Chính phủ điện tử, mạng xã hội, an toàn, an ninh mạng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Thủ tướng khẳng định đây là những vấn đề quản lý nhà nước rất rộng.
Vượt qua tâm lý ngại dùng CNTT
Về xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cho biết có 3 nhóm tiêu chí chủ yếu là hạ tầng, nguồn nhân lực nói chung và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. “Cả ba mặt này đều còn nhiều hạn chế và cần phải làm tốt hơn”.
Đặc biệt, về dịch vụ công trực tuyến, tính đến tháng 7/2017, cả nước có 109.644 dịch vụ công, trong đó 95% nằm ở từ cấp tỉnh, các bộ là 5%. Mặc dù đã giao kế hoạch rất cụ thể nhưng đến tháng 7/2017 mới có 1% số dịch vụ công ở cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, 5% cấp độ 3. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp 4 ở các bộ cũng dao động khác nhau như Bộ Tài chính có tới 26%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 2%, Bộ LĐTB&XH chỉ có 0,4%.
“Chính phủ, Thủ tướng đã rất quyết liệt, giao nhiệm vụ từng bộ phải có số liệu cụ thể dịch vụ công phải cung cấp ở cấp độ 4. Đây không chỉ liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) mà cả thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử và là thước đo tổng thể của cải cách hành chính. CNTT là công cụ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử nên cần xác định quyết tâm, nhiệm vụ chính trị cụ thể. Đây không chỉ là vấn đề biên chế, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp mà quan trọng hơn hết là công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng”, Phó Thủ tướng nói.
Dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới về môi trường cạnh tranh của Việt Nam tăng 14 bậc, Phó Thủ tướng nêu lên 2 ví dụ có hai chỉ số mang tính quyết định là chỉ số thuế và bảo hiểm, trong đó bảo hiểm đã tăng 81 bậc, tiếp cận điện năng tăng 32 bậc đều nhờ ứng dụng CNTT.
“Điều quan trọng hàng đầu là phải vượt qua tâm lý ngại dùng công nghệ hiện đại sẽ mất quyền kiểm soát và khi công khai, minh bạch sẽ bị giám sát. Bộ phận kỹ thuật thì cần khắc phục tâm lý cục bộ, không liên thông, chia sẻ dữ liệu; muốn tự làm hết từ mua máy tính đến phần mềm khi triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ từ hai năm nay đã rất quyết liệt, đầu tiên là khuyến khích, tới đây là bắt buộc thuê dịch vụ CNTT khi triển khai dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ ngành phải báo cáo cụ thể đã làm bao nhiêu dịch vụ công trực tuyến trong một năm”, Phó Thủ tướng trao đổi và đề nghị “các địa phương, bộ ngành phải căn cứ vào dịch vụ công sẽ triển khai để thuê dịch vụ, không nên tự làm, tự lập lên những cơ sở dữ liệu riêng biệt, nằm nguyên đó rất lãng phí”.
Tạo điều kiện phát triển đi đôi với quản lý
Về báo chí, mạng xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tinh thần chung của Chính phủ là tạo điều kiện phát triển mạnh nhưng đi đôi với quản lý thật tốt, “phát huy những điểm tốt, cương quyết ngăn chặn những điểm chưa tốt theo đúng pháp luật, xu thế thế giới, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam”.
Phó Thủ tướng dành thời gian nói cụ thể hơn về kinh nghiệm quản lý mạng xã hội ở một số nước. Hiện trên thế giới có 52% trong số 7,5 tỷ người dùng mạng Internet và 42% dùng mạng xã hội. Ở Việt Nam hiện có 67% số người dùng Internet và 60% dùng mạng xã hội. Đáng chú ý các công ty nước ngoài chiếm thị phần từ 80-98%.
“Ở nhiều nước như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc…, việc quản lý mạng xã hội được đặt ra và thực hiện từ nhiều năm nay cả về công cụ pháp luật, biện pháp kỹ thuật cũng như có các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội khác. Điều quan trọng cuối cùng là tuyên truyền cho người dân về những nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng mạng xã hội. Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết, dứt khoát về vấn đề này phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, các cam kết của Việt Nam bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, phát triển văn hoá, con người Việt Nam, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Không được xuyên tạc, gieo rắc những thông tin đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước và văn hoá của Việt Nam”.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Giữ chủ quyền không gian mạng
Đối với an toàn, an ninh thông tin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là một vấn đề rất lớn bởi “chúng ta không thể không ứng dụng CNTT, nhưng nếu không bảo đảm an toàn, an ninh thì sẽ nguy hại rất lớn”.
Phó Thủ tướng cho biết cứ 1 giây trên thế giới có 176 sự cố liên quan đến an toàn, an ninh thông tin, 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, 4 mã độc được phát tán. Và Việt Nam hiện là một trong những nước có nguy cơ rất lớn về an toàn, an ninh mạng. Mức độ ứng dụng CNTT của Việt Nam đứng khoảng thứ 80 trên thế giới nhưng an toàn thông tin ở vị trí trên 100. Đặc biệt những chỉ số liên quan đến ý thức, hành vi của người dân khi sử dụng mạng Internet thì “thuộc loại yếu nhất trên thế giới”.
Đơn cử số lượng phát tán thư rác ở Việt Nam chiếm 11,7% trên thế giới, so với Trung Quốc là 12,4%, Mỹ 8,5% nhưng tính theo số người thì Việt Nam gấp 13,4 lần Trung Quốc, 8 lần so với Mỹ.
Bên cạnh đó nguy cơ lây nhiễm virus, mã độc từ các thiết bị cá nhân của Việt Nam cũng cao nhất thế giới với 73,8%; 61% máy tính cá nhân ở Việt Nam nhiễm mã độc so với tỷ lệ trung bình 19% của thế giới. Ở các nước, 60% người dân nhận ra nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng do cá nhân nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ là 11%. Điều đó cho thấy chưa có sự nhận thức rõ về nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin của cả tổ chức lẫn cá nhân. Cụ thể, mức độ đầu tư cho lĩnh vực này ở các nước vào khoảng 15-21% trong khi ở Việt Nam chỉ là 5%. Nhân lực chuyên được đào tạo về an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam hiện chỉ khoảng 500 cán bộ chuyên trách so với 40.000 người của Trung Quốc, và khoảng 15.000-20.000 người ở Mỹ, Đức. Trong khi đó người dân còn dễ dãi, không nhận thức được nguy cơ về an toàn, an ninh thông tin. Đây là điều đáng báo động nhất về an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam.
“Chúng ta có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng và phải giữ chủ quyền này”, Phó Thủ tướng khẳng định và nêu một số biểu hiện vi phạm chủ quyền không gian mạng như thông tin bôi nhọ, nói xấu; lộ lọt bí mật, lấy mất thông tin; phá hoại thông tin, hệ thống điều hành; chiếm quyền kiểm soát hệ thống; nguy hiểm nhất là “đội quân mã độc” đang nằm trong hàng triệu máy tính ở Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề phải mất nhiều năm mới xử lý được, nhưng nếu chúng ta không ý thức từ bây giờ sẽ vô cùng nguy hiểm. Do vậy cần phải có những công cụ, lực lượng để thực hiện. Xây dựng hệ thống cảnh giới đến từng giây, thậm chí từng phần nghìn của giây. Và khi có sự cố xảy ra phải có khả năng ứng phó, khôi phục lại hệ thống khi bị tấn công.
“Nhận thức là vô cùng quan trọng nhưng đi kèm với đó là năng lực ứng phó với các cơ cấu, quy định phải rất rõ ràng, cụ thể khi việc xử lý trong thời gian rất ngắn. Khi ứng phó sự có an toàn, an ninh thông tin ngoài yêu cầu toàn vẹn, bí mật thì phải truy được trách nhiệm, dấu vết. Đây là việc mà nhiều người làm, nhiều bước và phải lặp đi, lặp lại”, Phó Thủ tướng nói và một lần nữa khẳng định “xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin”.
Theo Đình Nam/Báo điện tử Chính phủ
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
37 tỉnh, thành giảm 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 373 đơn vị cấp xã sau sắp xếp
Sự kiện 01/11/2024 21:41
Luân chuyển, chỉ định Phó Bí thư Huyện ủy các huyện Yên Thành, Quế Phong
Sự kiện 01/11/2024 21:39
Huy động 256.250 tỷ đồng để đầu tư phát triển văn hóa
Sự kiện 01/11/2024 17:28
Đại biểu đề nghị quy định về phòng cháy tại nhà chung cư cao tầng
Sự kiện 01/11/2024 13:57
Đảm bảo sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế
Sự kiện 31/10/2024 20:34
Đề nghị nâng mức hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên
Sự kiện 31/10/2024 18:55
Gỡ vướng về đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh
Sự kiện 31/10/2024 13:27
TP.HCM: Dự kiến thu gần 33.000 tỷ đồng từ tiền sử dụng đất
Sự kiện 31/10/2024 08:53
Tạo khung pháp lý chung để quản lý hoạt động của tàu bay không người lái
Sự kiện 30/10/2024 22:44
Tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng tinh gọn, hiệu quả
Sự kiện 30/10/2024 21:15