Về nơi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân
Chung tay xây dựng Thủ đô xanh, sạch và phát triển bền vững | |
Xe buýt bốc cháy dữ dội trên đường Lạc Long Quân |
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước cùng đất Việt, Bình Đà đã nổi danh là cái nôi của những huyền thoại gắn liền với Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng nhiều vị Thánh hiển linh, được tôn thờ qua nhiều thế hệ.
Bình Đà có đền Nội và đền Ngoại. Đền Nội thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Đền Ngoại thờ Đức Linh Lang Đại vương con vua Lý Thánh Tông từng có công diệt Tống xâm lăng. Cả hai vị đều được thờ là Thần Thành hoàng làng. Bia ở đền Nội năm Kỷ Mùi (1919) khắc dòng chữ “Dân thì có tổ tiên, mà có tổ tiên tất có miếu thờ,... Đền làng ta thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân đã có từ lâu đời...”.
Bức phù điêu giá tượng “Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng các quan văn, võ xem hội đua thuyền” được thờ ở đền Nội. |
Theo cụ Bùi Đăng Thịnh (Thủ từ đền Nội), cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, Đền thờ đã nhiều lần được trùng tu sau mỗi kỳ bị giặc phương Bắc đốt phá, hủy hoại. Năm 1947, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân đã thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Đến nay, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành văn hóa, nhân dân xã Bình Minh đã phục dựng lại ngôi đền trên nền thiêng cũ.
Đền tọa lạc trong khuôn viên 10.000m2 trên thế đất Lục Long Triều hội lưỡng phượng giao phi. Cửa đền nhìn ra hướng Tây, đồng điền nhô lên Ba Gò (còn gọi là Bảo Thoa, Tam Thai) mang dáng hình hổ phục, nơi đây tương truyền là nơi táng mộ Lạc Long Quân.
Đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, có tường gạch bao quanh, hậu cung đặt long ngai Lạc Long Quân, cung đệ nhị đặt tế tự (đồ thờ), tiếp đến là đại bái (đại đình) phương đình nơi đặt lễ. Hai bên tả mạc đường bệ bao lấy khu sân gạch rộng lớn, bốn mùa rợp mát bóng cây…
Dẫn tôi đi chiêm bái Đức Lạc Long Quân, cụ Bùi Đăng Thịnh hướng mắt về phía ao sen và nói: “Anh có thấy cái mặt nhật trên mái đền soi bóng kia không? Ấy là khi mặt trời mọc, ánh sáng chiếu vào mặt nhật, soi bóng xuống ao sen, tỏa hắt lên muôn vàn luồng năng lượng sinh khí của tất cả những giờ “hoàng đạo” trong ngày”.
Cụ Bùi Đăng Thịnh (Thủ từ đền Nội). |
Cụ Thịnh cho biết bốn chữ chỗ đặt nơi cửa đền là Vi Bách Việt Tổ (Tổ của trăm họ Việt) cùng đôi câu đối “Tứ phương hội tụ ngưỡng chi ân Quốc Tổ - Vạn lý hành hương mộ cổ địa Bảo Đà”. Qua cái vế thứ hai đã rõ ý chỉ ngôi mộ Quốc Tổ Lạc Long Quân đang được đặt tại nơi này.
Vào Hậu cung đền Nội, án ngữ trang trọng và ngay trung tâm là Bức phù điêu quý hiếm, hoành tráng, lộng lẫy được coi là báu vật quốc gia. Cụ Thủ từ Bùi Đăng Thịnh thành kính dâng lên Đức Lạc Long Quân nén nhang. Trong không khí tôn nghiêm, cụ chậm rãi nói: “Bức phù điêu giá tượng có tên là “Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng các quan văn, võ xem hội đua thuyền”. Bức phù điêu có 5 tầng, chiều dài 2,8m và rộng 2,2m.
Trên đó, hàng đầu có 20 vị quan văn mặc áo thụng, tay cầm hốt, đầu đội mũ cánh chuồn. Mười sáu vị quan võ mang cân đai bố tử hùng dũng, quắc thước, cầm long đao. Mười tám thị nữ mặc áo dài nếp mỏng mềm mại dâng hòm sớ với đủ loại cờ quạt, tàn tán, ô, lọng. Hình chạm khắc voi, ngựa và nhóm dân binh đội mâm dâng hoa quả; dòng sông và những con thuyền rồng đang rẽ sóng; từng thuyền rồng hai hàng trai tráng, mình trần khỏe mạnh, gò mình mải miết tay chèo.
Nổi bật chiếm phần tư diện tích là chân dung Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng, đội vương miện lưỡng long chầu nguyệt, áo hoàng bào vóc dáng bệ vệ, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, thể theo 36 quý tướng nhà Phật… Toàn cảnh bức phù điêu toát lên đầy đủ cảnh sinh hoạt thuộc về triều đại Hùng Vương”.
Tục truyền, bức phù điêu được khởi dựng từ thời nhà Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng lên làm vua đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự “Hùng Vương sơn nguyên Thánh Tổ”. Người đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách, cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức phù điêu này.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, bức giá tượng cực quý hiếm này đã được người dân lưu giữ, bảo tồn gần như nguyên vẹn. Có một cảm nhận chung của mọi người khi được quan chiêm bức giá tượng này là sự linh thiêng, huyền diệu nhưng rất gần gũi, thân mật như được tiếp cận một hoạt động sôi động, thân tình giữa đời thường. Giá trị của bức giá tượng đã góp phần quan trọng tạo nên giá trị chung của di tích đền Nội – nơi thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Bình Đà.
Tết đến, xuân về trong tâm thức của bất kỳ ai cũng đều tôn kính chiêm bái tổ tiên. Và một lần được đến chiêm bái Đền thiêng Bình Đà như được biết thêm những trang huyền sử về nguồn gốc xa xưa của tổ tiên, cội nguồn dân tộc Việt.
Nguyễn Công
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Hà Nội: Khích lệ tinh thần hiếu học của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Cộng đồng 03/11/2024 19:03
Tháng 11, cảm xúc và hoài niệm
Cộng đồng 01/11/2024 14:54
Phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu dịp Halloween
Xã hội 31/10/2024 06:37
Tổ chức khóa học Kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ thành phố Vinh
Cộng đồng 30/10/2024 19:37
Ngày hội "Gia đình trẻ hạnh phúc" năm 2024: Lan tỏa thông điệp ý nghĩa
Cộng đồng 28/10/2024 10:41
Nhiều tên miền giả mạo nhằm mục đích lừa đảo
Xã hội 26/10/2024 10:54
Hà Nội chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Cộng đồng 26/10/2024 10:53
Tin bão mới nhất: Bão số 6 quần thảo Biển Đông gây mưa lớn ở khu vực miền Trung
Cộng đồng 26/10/2024 09:32
Nâng cao kiến thức pháp luật về an sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số
Cộng đồng 25/10/2024 20:29
Hỗ trợ các gia đình khó khăn tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn chịu ảnh hưởng bởi bão lũ
Cộng đồng 24/10/2024 19:39