Ước vọng qua từng nét chữ
“Hương thời gian” nhiều nắng | |
Những bông cúc vàng |
Từ bao đời nay, mỗi dịp tết đến, xuân về, người Việt lại tìm đến các ông đồ để xin chữ, đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện tinh thần trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, đồng thời, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng khi mọi người cùng nhau hướng tới vẻ đẹp chân – thiện – mỹ. Thuở xưa, ông đồ thường dùng chữ Hán – Nôm để cho chữ vì đây là loại chữ tượng hình, hàm ẩn nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người cho chữ và xin chữ đều có xu hướng dùng chữ Quốc ngữ vì loại chữ này có ưu điểm là thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu. Các chữ đều được viết trên nền giấy hồng, giấy đỏ, là biểu tượng màu may mắn, tốt lành và tùy theo nội dung của chữ mà ông đồ sử dụng mực nho hay nhũ vàng để có ý nghĩa nhất cho người đến xin chữ.
Mỗi nét chữ của ông đồ như “rồng bay, phượng múa”. |
Người đến xin chữ thường ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề. Mỗi chữ được cho ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước hay một ý niệm nhất định. Người lớn thì thường xin các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, An Khang, Cát Tường, Như Ý... để cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Doanh nhân thì xin các chữ: Phát, Lộc, Tài, Vượng với mong muốn công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Các bạn thanh niên đang phấn đấu thường xin chữ: Chí, Thành, Đạt, Đắc, Nhẫn để mong muốn luôn bền gan, vững chí vượt qua khó khăn, đạt được những mục tiêu đã đề ra trong cuộc sống; Các cháu thiếu nhi thì thường được bố mẹ xin cho các chữ: Học, Hiếu, Lễ, Nghĩa, Tiến để mong con mình lớn lên từ những điều kỳ vọng của bố mẹ trở thành những người con hiếu thảo của gia đình, một công dân có ích cho xã hội…Ngoài cầu tài, lộc, may mắn, bình an… người xin chữ còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình. Đây chính là minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Tục cho chữ, xin chữ đầu năm từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Vào những ngày đầu năm mới, khi mà không khí mùa xuân đang phủ đầy các ngõ phố của thủ đô thì cũng là lúc các ông đồ áo the khăn xếp, ngồi giữa chồng giấy điệp hồng thắm, dở bút nghiên, chăm chú thảo những nét chữ như “rồng bay, phượng múa”. Các ông đồ tập trung nhiều nhất ở đoạn phố Văn Miếu, đầu dốc Bà Triệu, đền Ngọc Sơn, vườn hoa Lý Thái Tổ...
Đặc biệt, trong những năm gần đây, khu vực hồ Văn, nằm trong khuôn viên khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành điểm đến của người Hà Nội và các ông đồ trong những ngày đầu năm để xin chữ, cho chữ. Nơi đây còn được người Hà Nội đặt cho một cái tên mới là “phố ông Đồ”. Khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám với ý nghĩa là biểu tượng của trung tâm giáo dục, đào tạo nhân tài lớn nhất cả nước, nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều truyền thống quý báu của dân tộc như hiếu học, hiếu nghĩa, tôn trọng nhân tài... đã được lựa chọn làm nơi diễn ra Hội chữ Xuân với mục đích tạo không gian và điều kiện để các ông đồ sáng tác, thể hiện sự tài hoa, uyên bác của mình và để cho người xin chữ có thể yên tâm, hân hoan mang về gia đình những chữ đúng, đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành.
Tại “phố ông Đồ” những ngày đầu năm mới, bên bức tường rêu phong, cổ kính của Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn có hàng trăm ông đồ đang thảo những nét bút tài hoa trên những trang giấy đỏ. Ngoài các ông đồ già áo the khăn xếp đã quen với những nét chữ Hán – Nôm còn có các ông đồ trẻ bụi bặm với quần jeans áo thun hay lịch lãm trong các bộ vest sử dụng chữ Quốc ngữ để cho chữ. Các ông đồ đều có chung một niềm đam mê với những con chữ, họ không chỉ thấu đạt những chuẩn tắc của bộ môn nghệ thuật này mà mỗi ông đồ còn định hình được phong cách riêng, thể hiện sự phóng túng trong ý tưởng, cẩn trọng trong việc bồi giấy chọn bút…
Ngoài ra, những ngày đầu năm, “phố ông Đồ” còn thu hút rất nhiều người đến xin chữ, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ không chỉ xin chữ với mục đích cầu mong học hành tấn tới, đỗ đạt, thành công mà nhiều bạn trẻ còn tìm đến đây để có cơ hội hòa mình và trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống của dân tộc. Thực tế đó cho thấy, mặc dù xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống ngày càng hối hả và sự ảnh hưởng của các thiết bị công nghệ, mạng xã hội… ngày càng lớn nhưng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn luôn được gìn giữ và phát huy.
Tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp văn hóa, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh… Bên cạnh những phong tục truyền thống tốt đẹp khác thì tục xin chữ, cho chữ của người Hà Nội vẫn tồn tại như một bản sắc văn hóa truyền thống luôn trường tồn với thời gian.
Mai Quý
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Tin khác
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Cộng đồng 23/11/2024 08:12
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21
Cô gái khuyết tật và hành trình mang tri thức đến với các em nhỏ
Cộng đồng 15/11/2024 06:39