Trẩy hội mùa xuân
Đầu Xuân đi trẩy hội Tây Thiên | |
Trẩy hội Chùa Hương, du khách được sử dụng wifi miễn phí | |
Lam Kinh điện cổ thành xưa |
Hội Gò Đống Đa. |
1. Lễ hội Thánh Gióng (gồm 5 hội)
Lễ hội Thánh Gióng (còn có tên Hội Gióng) là một lễ hội văn hóa cổ truyền của dân tộc, mô phỏng sinh động và khoa học diễn biến các trận đánh của Thánh Gióng cùng nhân dân Văn Lang chống giặc Ân. Tại Hà Nội, mỗi năm có tới 5 Hội Gióng, tổ chức tại 4 xã thuộc các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Từ Liêm, Sóc Sơn, gồm hội Gióng Phù Đổng, hội Gióng Chi Nam; hội Gióng Xuân Đỉnh; hội Gióng đền Sóc, hội Gióng Bộ Đầu.
* Hội Gióng đền Sóc (chính hội vào 6/1 ÂL): Tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo truyền thuyết, đây là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi về trời. Lễ hội diễn ra hằng năm vào mùng 6/1 ÂL tại Khu di tích đền Sóc thờ Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương. Lễ hội Gióng Sóc Sơn có đầy đủ các nghi lễ truyền thống như lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng - nơi thờ Thánh Gióng.
Trước ngày chính hội, 7 thôn làng đại diện cho 7 xã chuẩn bị lễ vật gọi là lễ Dục Vọng cúng trong đêm mùng 5 để mời ông Gióng về. Ngày chính hội 6/1 ÂL, là ngày thánh hoá theo truyền thuyết, dân làng và khách thập phương đổ về dâng hương. Đúng nửa đêm có lễ khai quang - tắm pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh). Trong các ngày trước hội và chính hội có tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cờ tướng, hát văn, chọi gà...
Hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). |
* Hội Gióng Xuân Đỉnh (ngày 6/1 ÂL): Tổ chức tại làng Xuân Tảo, huyện Từ Liêm. Tương truyền, sau khi thắng giặc Ân, trên đường về trời ông Gióng dừng ở làng Cáo (làng Xuân Tảo) tắm mát, nghỉ ngơi rồi ăn bát cơm trưa với mấy quả cà. Lúc đi, ông bỏ quên thanh roi sắt. Đến nay, phiến đá mà Thánh Gióng ngồi nghỉ vẫn còn ở cạnh giếng nước trong làng. Hội Gióng Xuân Đỉnh là nghi thức rước kiệu Thánh ra giếng cho ông chứng kiến vật chứng lịch sử mà dân làng vẫn đời đời gìn giữ.
* Hội Gióng Bộ Đầu (ngày 8/1 ÂL): Tổ chức tại làng Bộ Đầu (xã Bộ Đầu, huyện Thường Tín). Truyền thuyết kể rằng trên đường về trời, Gióng nghe thấy tiếng kêu của dân chúng đang bị đôi thuồng luồng ở sông Hồng hãm hại. Thánh Gióng lao xuống tiêu diệt đôi thủy quái, cứu xong mới phát hiện người được cứu chính là mẹ của mình. Thánh Gióng được phong thành hoàng làng Bộ Đầu, có tượng gỗ điêu khắc cao 5m để thờ. Hội Gióng Bộ Đầu có tổ chức thi gậy - diễn lại cảnh Thánh Gióng dùng tre ngà đánh giặc Ân.
* Hội Gióng Phù Đổng (ngày 8 và mùng 9/4 ÂL): Diễn ra tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), nơi sinh của Thánh Gióng. Hội Gióng Phù Đổng được dàn dựng công phu với hàng trăm người tham gia đóng vai tướng lĩnh, đội phù giá, quân chính quy, trinh sát, dân binh…, với các lễ nghi "rước khám đường", "rước nước", "rước đống đàm", "rước trận soi bia", dựng và mô phỏng lại cuộc chiến đấu của Thánh Gióng diệt giặc Ân. Lễ hội tưng bừng với tiếng trống hiệu lệnh, múa cờ, múa quạt… Riêng đội hình “phù giá” có tới 120 người, đóng khố, cởi trần, đội mũ có hình quả dưa, đính chín con rồng nhỏ, vai đeo một túi hình nửa vầng trăng, tay cầm chiếc quạt giấy màu nâu khắc cụp, khắc xòe theo khẩu lệnh của các ông "Xướng" và "Xuất", tượng trưng cho một loại vũ khí có sức biến ảo khôn lường. Có 28 cô gái trẻ đóng vai tướng giặc, tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược của giặc Ân. Lễ hội còn có các màn rước lễ "kén tướng", "kén phù giá", và màn diễn "săn hổ, bắt hổ, giúp hổ hoá thân". Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, có nhiều màn hát chèo đặc sắc mừng thắng trận.
*Hội Gióng Chi Nam (8/4 ÂL): Diễn ra hằng năm tại làng Sen Hồ (xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm) trước ngày chính hội của hội Gióng Phù Đổng 1 ngày nên còn có tên là hội Phù Gióng. Hội Phù Gióng tưởng niệm và suy tôn chiến công của ông Hiển Công, tên thật là Châu. Đoàn quân của ông đánh thắng giặc trên sông Đuống, ông trở về quê mừng công rồi hoá. Dân làng suy tôn là Hiển Công và thờ làm Thành hoàng. Sáng mùng 8 tháng Tư ÂL, sau lễ tế ở đình làng là hoạt động tái hiện lại chiến thắng của Hiển Công. Trong số 5 lễ hội suy tôn Thánh Gióng ở Hà Nội thì hội Gióng Phù Đổng có quy mô, tổ chức chặt chẽ và công phu nhất. Năm 2010, hội Gióng Phù Đổng và hội Gióng đền Sóc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và là một trong những tưởng niệm về Thánh Gióng đặc sắc nhất.
Lễ hội đền Cổ Loa tưởng nhớ Thục Phán – An Dương Vương. |
2. Lễ hội Cổ Loa (từ 6/1 đến 16/1 ÂL)
Lễ hội diễn ra hằng năm từ 6/1 đến 16/1 ÂL tại xã Đông Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội), để tưởng nhớ công ơn của Thục Phán An Dương Vương người đã được vua Hùng thứ 18 nhường ngôi. Lễ hội đền Cổ Loa có đám rước thần uy nghiêm của 12 xóm (thuộc 8 làng: Cổ Loa, Ðài Bi, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Sàn Dã, Xép đều thờ Thục Phán).
Sáng mùng 6/1 ÂL, cũng là ngày chính hội, làng tổ chức lễ rước văn tế từ nhà vị tiên chỉ ra đền để tế thần. Theo thông lệ, văn tế soạn thảo được đặt lên giá, khi 12 ông trưởng xóm đến đông đủ thì bắt đầu sửa lễ. Đầu đám rước lễ là 5 người cầm cờ ngũ hành, tiếp đó đến phường bát âm, rước giá văn tế đặt trong kiệu long đình có lọng che. Nối tiếp là quan viên trong làng và các vị kỳ mục. Ngoài sân đền, cờ hội, cờ đuôi nheo cắm thẳng hàng từ đường xóm vào tận sân đền. Giữa sân là cột cờ lớn, phía trên phấp phới lá cờ đại. Sát cửa đền, hai bên là đôi ngựa hồng, ngựa bạch đầy đủ yên cương sặc sỡ. Tiếp ra phía ngoài là đồ lễ bộ và bát bửu. Khoảng giữa sân là kiệu của 12 xóm. Trước cửa đền, hương án lớn bày bộ ngũ sự bằng đồng và các lễ vật cùng hộp kính đựng đôi hia màu vàng. Bên cạnh còn có một hương án nhỏ, phía trên bày một chiếc đỉnh và đôi hạc đồng cùng chiếc nỏ, bó tên và một thanh kiếm. Nỏ này được sơn son thếp vàng là biểu trưng của nỏ thần xưa.
Lễ hội đền Đồng Nhân tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng. |
Tế lễ được thực hiện trang nghiêm, kéo dài từ sáng tới chiều mồng 6/1 âm lịch. Phần hội kéo dài hết rằm tháng Giêng với nhiều trò chơi dân gian thú vị như hát ca trù, hát tuồng, chơi bài, chọi gà, đánh đáo, đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ tướng, cờ người, thổi cơm thi…
3.Lễ hội Đống Đa (ngày 5/1 ÂL)
Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra vào 5/1 ÂL hằng năm, nhằm ôn lại những sự kiện lịch sử, ghi nhớ công ơn của cha ông. Lễ hội có tục rước rồng lửa, lễ dâng hương, lễ đọc văn, lễ tế (diễn ra ở đình Khương Thượng), lễ cầu siêu (ở chùa Đồng Quang).
Theo lịch sử ghi lại, đêm 4 rạng ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) vua Quang Trung cùng các tướng tài như Đặng Tiến Đông đã lãnh đạo quân Tây Sơn và dân quanh vùng Khương Thượng, Chùa Bộc đánh tan 20 vạn quân Thanh, dẹp tan đồn Khương Thượng. tướng giặc Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần chùa Bộc bây giờ. Trận đánh mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng tiến vào Thăng Long.
Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao thành gò gọi là "Kình nghê quán", 12 gò này nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng, trên các gò cây cối mọc um tùm nên có tên là Đống Đa.
Năm 1851, quá trình mở đường, mở chợ người dân thu được nhiều hài cốt, tập trung vào một hố cao nối liền với núi Xưa, thành gò thứ 13. Đến nay, chỉ còn lại gò thứ 13, 12 gò khác đã bị phạt đi trong thời gian người Pháp mở rộng Hà Nội năm 1890. Năm 1989, kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Công viên Văn hóa Đống Đa được thành lập tại khu vực Gò Đống Đa, với tổng diện tích khoảng 22.000 m2.
4. Lễ hội Lệ Mật (ngày 23/3 ÂL)
Lễ hội Lệ Mật diễn ra hằng năm vào 23/3 ÂL tại làng Lệ Mật (còn gọi là Trù Mật, thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên), một ngôi làng nổi tiếng về nghề bắt rắn và chế biến đặc sản thịt rắn. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn Phúc thần Hoàng Đức Trung (thành hoàng làng Lệ Mật) - người được vua Lý ban đất lập 13 trang trại. Hội Lệ Mật có trò múa rắn nhằm tôn vinh nghề bắt và nuôi rắn ở đây.
Truyền thuyết kể rằng, vào thế kỷ XI, con gái vua Lý Thánh Tông dong thuyền chơi trên sông Thiên Đức (nay là sông Đuống) chẳng may bị thủy quái có hình thù con rắn bắt giữ. Đám quan quân tùy tùng không đủ sức cứu giúp. Đúng lúc nguy cấp, chàng trai họ Hoàng người làng Lệ Mật, làm nghề đánh cá đã lao vào giao tranh với thủy quái để cứu công chúa. Sau trận giao tranh ác liệt, thủy quái bị chặt đầu. Vua muốn ban thưởng cho người đã cứu con gái mình, nhưng chàng trai dũng cảm đã từ chối mọi đặc ân, bổng lộc cho riêng mình. Chàng xin vua cho dân đất để lập nghiệp làm ăn, vua đồng ý và 13 làng ấp trù phú được thành lập. Những làng ấp đó sau này có tên Cống Vị, Ngọc Hà, Giảng Võ, Thủ Lệ, Vạn Phúc, Hữu Tiếp, Thụy Khuê, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Kim Mã, Đại Yên, Phủ Đế, Lệ Mật. Để ghi nhớ công trạng của chàng trai họ Hoàng, dân làng Lệ Mật đã tôn vinh ông là Thành hoàng làng. Dân trong làng lấy nghề bắt rắn, nuôi rắn làm kế sinh nhai, tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng. Hằng năm, vào 23/3 ÂL dân của 13 làng trên trở làng Lệ Mật tổ chức lễ hội, tưởng nhớ công đức của vị tổ họ Hoàng. Ngày chính hội diễn ra trò múa rắn độc đáo. Rắn được làm bằng nan tre lợp vải tượng trưng cho loài thuỷ quái đã bị chàng trai họ Hoàng tiêu diệt. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp tổ chức thi rắn to, rắn đẹp, rắn lạ…, phổ biến các bí quyết bắt rắn, nuôi rắn, khai thác nọc, chữa rắn độc cắn. Du khách tham dự lễ hội có thể được thưởng thức các món đặc sản chế biến từ thịt rắn.
5. Lễ hội nấu cơm Thị Cấm (ngày 8/1 ÂL)
Ngày 8 tháng Giêng hằng năm, dân làng Thị Cấm (xã Xuân Phương - Từ Liêm - Hà Nội) mở hội thi nấu cơm. Theo truyền thuyết, người được suy tôn thành hoàng làng Thị Cấm là ông Phan Tây Nhạc, là bộ tướng của Tản Viên sơn thánh đời Hùng Vương thứ 18 thống lĩnh quân đội đi đánh giặc. Khi dẫn quân qua làng Thị Cấm, dân làng đã tổ chức nấu cơm để khao quân. Do thời gian gấp gáp, quân số lại đông, thóc gạo trong dân không đủ, nên dân chúng mang thóc ra giữa đình làng giã, ra sông Nhuệ lấy nước và kéo giang tre ra lửa để nấu cơm đãi ba quân. Cũng có truyền thuyết khác lý giải, hội thi nấu cơm chính là dựng lại cuộc thi tuyển người nấu cơm phục vụ quân lính do ông Phan Tây Nhạc yêu cầu. Tuy nhiên, dù với tích nào đi nữa, hội thi nấu cơm Thị Cấm được dựng lại cũng nhằm tưởng nhớ công đức của thành hoàng làng, dựng lại một tập tục thời lúa nước đậm chất văn hóa.
Hội thi nấu cơm có sự tham gia của 4 đội, mỗi đội có khoảng 12 - 13 người gồm cả nam và nữ. Một cậu bé chạy lấy nước, 4 người kéo lửa, 4 người giã thóc thành gạo, một người sàng dần cho gạo sạch trấu và vài ba người nấu cơm. Thành viên đi lấy nước của 4 đội là 4 cậu bé khoảng 12 - 15 tuổi, lấy nước bằng các bình đồng nhỏ như nậm rượu. Bốn thành viên kéo lửa từ những bùi nhùi rơm nếp chà với ống giang khô, không dùng bật lửa hoặc diêm. Những người được chọn giã thóc, giần, sàng, nấu cơm thường là những người nhanh nhẹn, khéo tay. Thóc, rơm phải được chuẩn bị từ những mùa vụ trong năm, khi dự thi đảm bảo đánh lửa nhanh, nấu cơm chín, dẻo thơm, không vỡ nát mới mong được giải. Người dự thi mặc những bộ quần áo truyền thống xanh, đỏ khác nhau để phân biệt thành viên các đội. Suốt thời gian diễn ra cuộc thi có phường bát âm tấu nhạc, đánh trống chiêng và loa phóng thanh vang vang những vần thơ, câu hát ca ngợi về tục giữ lửa, về những nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Tại sân đình, các trò chơi dân gian, hát quan họ diễn ra sôi động, tưng bừng không khí mùa xuân.
6. Lễ hội đền Đồng Nhân (từ 3/2 đến 6/2 ÂL)
Lễ hội Đồng Nhân là một trong những lễ hội đặc sắc của người dân Thủ đô, diễn ra từ 3/2 đến 6/2 ÂL, nhằm hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công ơn các vị anh hùng dân tộc đã có công chống giặc giữ nước. Lễ hội diễn ra ở đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thờ Trưng Trắc, Trưng Nhị - hai nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc đã dựng quân, khởi nghĩa chống quân Đông Hán giành độc lập cho đất nước.
Chính hội diễn ra vào ngày 5/2 ÂL, có lễ tắm tượng, mở cửa hậu cung, tế và múa đèn. Ðám rước thánh giá cử hành uy nghi từ đền ra sông Hồng để tắm tượng. Sau đó rước tượng Hai Bà trở về đền. Cuộc tế được tiến hành rất trang nghiêm. Phần lễ có nhiều tiết mục đặc sắc, nhất là điệu múa đèn thờ. Tham gia biểu diễn tiết mục múa đèn là 10 - 12 cô gái trẻ đẹp, ăn mặc sặc sỡ, mỗi cô gái cầm 2 ngọn đèn. Ðiệu múa uyển chuyển theo nhịp trống cơm bập bùng làm náo nức lòng người. Trong lễ hội còn có nhiều trò chơi. Ngày 6/2 ÂL, kết thúc hội, có tế lễ dâng hương.
Nguyễn Hạnh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tin khác
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Sân chơi thu hút nhân tài đổi mới, sáng tạo
Văn hóa 21/11/2024 07:02
Đại nhạc hội Hoa tháng Năm - Nơi những phép màu tỏa sáng
Văn hóa 20/11/2024 22:41
Khánh Hoà sẵn sàng đón lượng khách tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2025
Du lịch 20/11/2024 17:37
Chuỗi sự kiện kỷ niệm Lịch sử và Tự do của Haiti tại Hà Nội
Văn hóa 19/11/2024 16:22
Tôn tạo di tích đình Đại Áng: Phát huy giá trị văn hoá quý báu của cha ông
Văn hóa 19/11/2024 10:12
Người thắp ngọn đèn tri thức trong tôi
Văn hóa 19/11/2024 09:46
Di sản - điểm tựa sáng tạo cho thế hệ trẻ
Văn hóa 19/11/2024 09:01
Trưng bày chuyên đề "Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê"
Văn hóa 18/11/2024 15:51
Gần 500 người mẫu tham gia Bách Hoa Bộ Hành: Nơi những bông hoa tình yêu văn hóa dân tộc khoe sắc
Văn hóa 18/11/2024 09:28